Đợt khai quật lần 1

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 34 - 38)

CHƯƠNG 2 DI TÍCH THÀNH HỒ QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

2.1. Đợt khai quật lần 1

Năm 2003, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Phú Yên tiến hành khảo sát, khai quật Thành Hồ. Phụ trách khai quật: TS. Lê Đình Phụng2, theo “Báo cáo khai quật khảo cổ học di tích Thành Hồ (Phú Hòa – Phú Yên)”, đợt khai quật này có mở hai hố với tổng diện tích 46.5m2 và thực hiện lát cắt tường thành nhờ việc mở con đường trung tâm huyện cắt ngang bờ thành Đông. Qua khai quật đã tìm thấy các di tích kiến trúc, đồ gốm gia dụng, đồ gốm trang trí kiến trúc, dọi se chỉ, bàn mài. Từ kết quả thu được, những người khai quật đưa ra nhận xét:

2.1.1. Địa tầng

Kết quả khai quật cho thấy địa tầng hai hố tương đối thống nhất. Các lớp đất trong hai hố thứ tự như sau:

- Trên cùng là lớp đất trồng trọt, lớp đất này dày từ 15cm-30cm, đặc biệt có nơi dày đến 40cm (do đào hố trồng cây).

- Lớp đất văn hóa, màu sắc của tầng đất này không thuần nhất (thường thấy là màu nâu sẫm, nâu xám nhạt, nâu đỏ nhạt), ở những độ sâu khác nhau, đất có kết cấu và thành phần khác nhau (dạng cát, bở xốp, không kết dính, dạng đầu ruồi). Lớp đất này thường dày trên 1m. Đây là lớp đất chứa các di vật khảo cổ học.

2.1.2. Kiến trúc

Đã tìm được trên 6 dấu vết kiến trúc khác nhau như hệ thống tường bao, công trình liên quan đến tôn giáo được xây dựng khá hoàn chỉnh, chất liệu bền vững như gạch ngói, được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau.

- Các dấu vết kiến trúc đều nằm dưới, cách mặt đất từ 20cm đến 1m (QVS).

- Các vết tích kiến trúc phát hiện được, đều được xây bằng gạch theo kiểu xếp chập khối, không có chất kết dính.

2 Đoàn công tác gồm có: TS. Lê Đình Phụng (Trưởng đoàn), Phạm Văn Triệu (Viện Khảo cổ học, Hà Nội);

Phan Đình Phùng, Trần Thùy Nhiên, Nguyễn Danh Hạnh, Bùi Nhật Sinh, Nguyễn Đính, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Vũ Hiếu, Trần Thị Cúc, Trương Thị Thu Thủy (Bảo Tàng Phú Yên). Khai quật được tiến hành theo Quyết định số 3582/QĐ-BVHTT ký ngày 15/10/2003 của Bộ Văn hóa Thông tin [35, tr.2].

- Cùng sử dụng một loại vật liệu là gạch, đó là những viên gạch có màu đỏ, không có hoa văn trang trí, có kích thước trung bình 38cm x 18cm x 8cm, bên trong thường bị lõi có màu đen nhạt. Gạch được tận dụng, họ sử dụng những viên gạch vỡ để xây dựng các công trình kiến trúc.

- Những công trình kiến trúc này, một số đều chưa quan sát được bình đồ mặt bằng, nhưng có khả năng chúng đều có hình tứ giác (vuông hay hình chữ nhật).

Những loại hình kiến trúc này mang ý nghĩa tôn giáo.

2.1.3. Di vật

Di vật như gạch có kích thước lớn, ngói âm dương, đầu ngói ống trang trí mặt hề, mặt sư tử, mặt kala, cánh sen…, đồ đất nung có chất liệu hình dáng kế thừa từ đồ gốm Sa Huỳnh, đồ gốm như bình, vò, chậu…chủ yếu là hoa văn in ô vuông.

Đầu ngói ống: là loại hình lợp mái kiến trúc đảm nhận vị trí trang trí diềm mái của công trình kiến trúc, cho nên đây là những di vật được trang trí hoa văn cầu kỳ và đẹp nhất trong các di vật tìm được. Trong đợt khai quật lần này, có tổng số hiện vật trên 100 mảnh với nhiều loại hình trang trí. Màu sắc thường là đỏ nhạt, hanh nhạt thuộc gốm mịn chắc (xem bảng 1.1).

Con tiện gốm: là một loại hình trang trí kiến trúc, được tạo tác khá đẹp, với những khúc tiện tròn thắt nấc dùng để trang trí thành phần bờ nóc hoặc bờ xiên nóc mái kiến trúc (Bản ảnh 24).

Gạch: là vật liệu khác phổ biến dùng để xây dựng các công trình kiến trúc.

Tất cả các móng kiến trúc tìm thấy qua khai quật đều được xây bằng gạch với kỹ thuật mài chập khối liên kết vững chắc. Gạch có đặc điểm: màu đỏ tươi, chất liệu thô, pha nhiều sản sỏi, mắt thường nhận thấy được, độ nung thấp, dễ bở dời khi gặp nước, đều bị lõm giữa có màu đen nhạt, chúng đều không có hoa văn trang trí. Kích thước gạch trung bình: 36cm x 18cm x 8cm (Bảng 1.2)

Ngói: là vật liệu kiến trúc dùng để lợp mái được sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc ở đây. Chất liệu khá mịn, chắc; màu sắc chủ yếu đỏ nhạt, trắng hồng và có hoa văn chải ở mặt trên, cũng có những mảnh ngói màu xám ở dạng sành, đường rãnh chải sắc, có độ nung và độ cứng rất cao (số lượng những mảnh

ngói dạng này rất ít). Tiến sĩ Lê Đình Phụng cho rằng loại ngói này mang từ nơi khác đến [35, tr.21].

Đồ gốm: đây là loại hiện vật nhiều nhất, chúng có các loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác, hoa văn, và loại hình miệng gốm như sau:

- Loại hình: khá phong phú với các loại đồ dùng trong sinh hoạt như bát, đĩa, nồi, âu, ấm kendi, bình... với các kiểu dáng rất phong phú. Ngoài ra còn có đồ gốm dùng trong sản xuất (dọi se sợi) và gốm trang trí kiến trúc.

- Chất liệu: các di vật gốm ở đây thuộc loại gốm thô, bở, xốp lẫn nhiều sản sỏi và bã thực vật.

- Kỹ thuật chế tác: bên cạnh đồ gốm làm bằng bàn xoay còn có một số đồ gốm làm bằng tay. Với những hiện vật tìm thấy ở đây, chúng ta có thể biết được thợ thủ công đã dùng bàn xoay để chế tác đồ gốm, người thợ xoay quanh bàn xoay. Đồ gốm được miết láng một lớp áo ở ngoài, phần lớn đã bị bong tróc. Ngoài ra cũng tìm thấy di vật gốm làng bằng tay như dọi se sợi, các hiện vật gốm trang trí kiến trúc, với những hiện vật có hình khối và hoa văn phức tạp. Những người thợ thủ công còn sử dụng kỹ thuật ghép rán, tiêu biểu là những viên ngói ống có đầu ngói trang trí.

- Hoa văn: nghèo nàn về loại hình, không có các mô típ trang trí cầu kỳ. Chủ yếu hoa văn mang yếu tố kỹ thuật văn thừng (được tạo ra trong quá trình chế tác đồ gốm), kể cả hoa văn mang ảnh hưởng của yếu tố Hán. Một số ít mảnh gốm có trang trí hoa văn mang tính thẩm mỹ, đó là hoa văn khắc vạch hình sóng nước, được người thợ thủ công vẽ lên đồ gốm sau khi hoàn thiện kiểu dáng [35].

- Trong đợt khai quật này, có các loại hình miệng như sau:

+ Kiểu 1: miệng loe xiên, thành miệng thẳng, mép miệng bẻ cuộn ra ngoài;

thuộc loại gốm chắc mịn, không có hoa văn trang trí. Xương gốm dày từ trên xuống dưới, đây là loại hình chậu nhỏ.

+ Kiểu 2: miệng loe hơi cong vào, thành miệng thấp, có vai khum rộng, không có hoa văn trang trí, thuộc loại gốm mịn, chắc. Đây là kiểu miệng của loại hình bình hay vò.

+ Kiểu 3: miệng khum, thành miệng cong, mép miệng vuông, có màu nâu.

Xương gốm dày đều, khá mịn, nhưng bở, không có hoa văn trang trí, đây là kiểu miệng thuộc loại hình bát bồng.

+ Kiểu 4: miệng loe, thành miệng hơi cong và dày, mép miệng được vuốt nhọn, bên trong thành miệng ưỡn ra, bên ngoài có gờ nổi, gờ có trang trí hoa văn in ấn hình vỏ sò. Gốm có màu đỏ, xương màu trắng nhạt, đây là loại hình chậu.

+ Kiểu 5: miệng loe ngửa, thành miệng xiên thẳng, mép miệng vuốt nhọn, cổ bóp vào, thân cong đều xuống dưới, không có hoa văn trang trí, xương gốm thô, màu đen, bở. Đây là loại hình nồi, vò.

+ Kiểu 6: miệng loe ngửa, thành miệng cong, cổ cao bóp vào, mép miệng vuốt nhọn, vai xuôi. Đây là miệng của loại hình nồi.

+ Kiểu 7: miệng thẳng, thành miệng cong và thấp, mép miệng ve tròn, cổ tháp, vai rộng khum trang trí hoa văn in ô vuông, mép miệng ve tròn, một số nhà nghiên cứu cho rằng đồ gốm này được mang trực tiếp từ Trung Quốc sang. Đây là miệng của loại hình nồi, vò [35, tr.21-25].

+ Kiểu 8: miệng nhỏ, mép miệng ve tròn, thành miệng thấp (sát với vai), vai khum phình rộng. Đây là loại hình vò, lọ vai phình rộng, thon nhỏ dần xuống phía dưới, không có chân đế.

+ Kiểu 9: miệng loe rộng, mép miệng vuốt nhọn, thành miệng phía trong ưỡn, có gờ ở ngoài. Gốm mịn, xương lõi giữa màu đen nhạt, đây là miệng của loại hình đĩa.

+ Kiểu 10: miệng loe ngửa hẳn ra, thành miệng phía trong ưỡn, mép miệng vuốt nhọn, đáy bằng. Đây là miệng thuộc loại hình âu.

+ Kiểu 11: miệng loe ngửa, thành miệng cao bóp vào, thành miệng phía trong ưỡn cao, mép miệng ve tròn, sáp mép miệng được ve một đường lõm xuống. Đây là miệng loại hình bình hay lọ hoa.

+ Kiểu 12: miệng loe ngửa xiên, thành miệng cong ưỡn vào trong, mép miệng ve tròn, bên trong sát mép miệng có hoa văn trang trí bằng những chấm hình tứ giác thành hang từ trên xuống. Xương gốm dày, thô nặng, đây là miệng thuộc loại hình chậu nhỏ.

+ Kiểu 13: miệng loe khum, mép miệng vuốt nhọn, thành thấp cong, lòng phẳng, xương gốm thô, không có hoa văn trang trí. Đây là miệng thuộc loại hình đĩa nhỏ.

+ Kiểu 14: miệng loe rộng, mép miệng vuốt nhọn hoặc được bẻ vuông, cổ cao thành ưỡn vào trong, phần sát đáy gãy vào đột ngột, loại miệng này thuộc dạng hiện vật đặc trưng ở Thành Hồ, là miệng thuộc loại hình nồi nhỏ [35].

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(314 trang)