CHƯƠNG 3 THÀNH HỒ VÀ CÁC THÀNH CỔ CHAMPA TRONG BÌNH DIỆN RỘNG HƠN
3.2. Thành Hồ và thành cổ Champa trong đối sánh với di tích cùng loại và cùng thời ở Việt Nam và trong bình diện rộng hơn
3.2.3. Mối liên hệ gi ữa Thành Hồ và thành cổ Việt Nam trong bình diện rộng hơn
Trong thời kỳ Bắc thuộc (năm 179 TCN – 938) và độc lập tự chủ: như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa Thành Hồ thuộc văn hóa Champa với thành cổ Đại Việt thông qua lát cắt niên đại và những hiện vật khảo cổ của thành Hoa Lư, thành Luy Lâu ở miền Bắc Việt Nam. Cũng giống như Thành Hồ, thành cổ Hoa Lư và Luy Lâu là trung tâm văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, thương mại và quân sự của thời Lục Triều – Tùy Đường và các triều đại Đinh, Tiền Lê.
Thành Luy Lâu:
Hiện nay, vị trí của thành cổ Luy Lâu thuộc địa phận Lũng Khê, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh, trên các vĩ tuyến 20059’ và 21005’ Bắc, kinh tuyến 1060- 106008’ Đông [21, tr.50-51].
Thành Luy Lâu thời Sĩ Nhiếp có quy mô to lớn, chu vi 1.848m, nay còn dấu tích lũy thành như sau: Lũy tây dài 318m; Lũy đông dài 320m; Lũy bắc dài 680m; Lũy nam dài 520m.
Ngày nay, thành Luy Lâu có cấu trúc dạng hình học chữ nhật, quy mô khá lớn có kích thước như sau: tây dài 328m, đông 320m, bắc 680m, và nam 520m [21, tr.72]. Các lũy thành tuy đã bị san lấp, xói mòn, nhưng vẫn cao hơn mặt ruộng 4-
5m, mặt lũy rộng 5-10m, chân lũy rộng 25-40m. Thành mở cửa chính ở lũy tây nhìn ra sông Dâu, hai bên có dựng lầu gác, gọi là Vọng giang lâu. Cửa sau mở ở lũy đông, nay thuộc xóm Cổng Hậu của thôn Thanh Tương. Trên mặt bốn góc thành là bốn đồn canh, nay còn di tích tứ trấn thành quan. Bao ngoài các lũy thành là hào sâu, rộng 40-50 mét, hợp với sông Dâu ở phía tây, thuyền bè đi lại được. Phía ngoài hào là những lũy tre dày đặc cho việc phòng thủ vững chắc, và thành có niên đại thời Hán – Đường.
Thêm vào đó, thành Luy Lâu có vị trí chiến lược về nhiều mặt: phía đông tiếp giáp với con sông lớn như hệ thống sông Lục Đầu, nối Luy Lâu với biển Đông, tây giáp với đất Gia Lâm và được giới hạn bởi con sông Hồng, nam giáp với huyện Mỹ Văn Cẩm Bình là vùng trũng có nhiều phù sa, bắc giới hạn bởi con sông Đuống như một vòng cung chắn giữ từ xa [21, tr.51]. Với giáp ranh như vậy thành Luy Lâu là tuyến đường giao thông buôn bán sầm uất giữa các vùng với Trung Hoa, Đông Nam Á thông qua con đường sông Dâu và giữ vai trò là trung tâm chính trị, quân sự kinh tế văn hóa và tôn giáo ở nước ta thời kỳ Bắc thuộc.
Đầu năm 1970, Viện Khảo cổ học đã tiến hành cắt bờ thành phía tây và đã thu được một số hiện vật ở độ sâu 1.50m-4.50m như: ngói ống trang trí hoa sen, gạch có trang trí ô trám đơn lồng ở rìa cạnh, từ hiện vật này chúng ta có thể xác định nó thuộc niên đại Lục Triều – Tùy Đường. Như vậy, thành được xây đắp, tu bổ và sử dụng vào thời gian này [21, tr.23-30].
Những năm gần đây, các cuộc khai quật khảo cổ ở Luy Lâu được tiến hành và đã tìm thấy các đầu ngói ống có trang trí mặt hề giống hệt đầu ngói Champa tìm được ở Trà Kiệu. Những đầu ngói ống này, có hình dáng, kích thước và hoa văn trang trí mặt hề được ví như một cặp song sinh với đầu ngói ống của Champa. Phải chăng, những người thợ thủ công Chăm xưa đã mang những họa tiết, trang trí, kỹ thuật vật xây dựng đã hướng dẫn người dân ở đây sản xuất theo kỹ thuật của họ.
Hoa Lư:
Sử chép rằng: “Mậu Thân năm thứ I (968), vua lên ngôi đặt Quốc hiệu là Đại Cổ Việt, dời kinh về động Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện
đặt triều nghi. Đây là ghi chép về Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp xong sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi vua và xây dựng kinh đô [23, tr.58].
Thành Hoa Lư nay thuộc Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thế đất Hoa Lư rất đẹp, núi cao bao phủ gần như ba mặt tây, nam và đông-bắc ít núi, lại có con sông Hoàng Long là con sông lớn án ngữ như một ngoại hào, là con đường giao thông thuận tiện từ kinh thành ra bắc vào nam [23, tr.59].
Kinh thành Hoa Lư gồm 2 vòng thành nằm cạnh nhau và một vùng núi kề sát.
Ba vòng tạo thành hình giống số 80 hướng về phía đông. Theo cách bố trí thời Đinh Lê các nhà nghiên cứu chia làm 3 vòng thành là thành Đông, thành Tây và thành Nam. Tuy nhiên, do thành Nam chỉ là vùng căn cứ quân sự hiểm trở, phòng thủ mặt sau mà nó thường được dân gian gọi riêng là thành Tràng An, 2 vòng thành kia là nơi đặt cung điện nên còn được gọi là thành Hoa Lư.
Kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư thuộc xã Trường Yên với diện tích hơn 300 hécta. Phía nam thành Hoa Lư là thành Tràng An là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Thành Hoa Lư có rất nhiều cổng bộ để đi vào, bên cạnh đó còn có cổng thủy do sông Sào Khê chảy xuyên qua thành. Theo mô tả của Đỗ Văn Ninh thì thành Hoa Lư có hai vòng sát nhau: vòng thành ngoài gọi là thành Đông, vòng thành trong gọi là thành Tây [23, tr.60].
Thành Đông
Thành Đông rộng khoảng 140 hécta, nằm ở phía đông nên còn được gọi là thành ngoài hay thành ngoại, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín.
- Đoạn 1 nối núi Đầm với núi Thanh Lâu, được gọi là "tường Đông", dài 320m;
- Đoạn 2 từ núi Thanh Lâu đến núi Cột Cờ, dài 230m;
- Đoạn 3 từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ, dài 300m;
- Đoạn 4 từ núi Chẽ đến núi Chợ, dài 300m;
- Đoạn 5 từ núi Mã Yên sang một núi hang Quàn, dài 200m.
Khu thành ngoài là nơi làm việc hàng ngày của triều đình Hoa Lư. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền vua Lê Đại Hành nằm ở trung tâm.
Thành Đông hiện nay còn lại rất nhiều địa danh như chợ cầu Đông, cầu Dền, sông Sào Khê, chùa Nhất Trụ, chùa Cổ Am, phủ Đông Vương, phủ Vườn Thiên, đình Yên Trạch, núi Mã Yên, núi Cột Cờ...
Thành Tây
Thành Tây có diện tích tương đương và nằm phía tây thành Đông, thuộc địa phận thôn Chi Phong, cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi:
- Đoạn 1 từ núi Hàm Sá đến núi Cánh Hàn, dài 100m, nhân dân gọi đây là Tường Dền;
- Đoạn 2 từ Cánh Hàn đến núi Hang Tó, dài 500m;
- Đoạn 3 từ núi Quèn Dót sang núi Mồng Mang, được gọi là "tường Bồ", dài 150m;
- Đoạn 4 từ núi Mồng Mang đến núi Cổ Giải, được gọi là "tường Bìm", dài 65m;
- Đoạn 5 đắp ngang thành trong.
Khu thành Tây là nơi ở của gia đình vua cùng một số người hoàng tộc và quan lại cao cấp của triều đình. Ngoài vua và số quan lại được quyền cư trú trên, ở thành ngoài và thành trong còn có các doanh trại của 3.000 quân cấm vệ bảo vệ vua và triều đình; dân chúng chỉ được cư trú ngoài thành. Hiện nay ở thành Tây còn lại các di tích như chùa Kim Ngân xưa là nơi cất vàng bạc và ngân khố quốc gia, chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cầu duyên, đền Bim, đền Vực Vông...
Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được ưu thế sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành. Một tổng thể kinh thành gồm hai tòa thành riêng biệt, rất thuận tiện cho việc bố trí từng khu triều đình, quan lại hay quân sĩ.
Song việc qua lại giữa hai thành không vì vậy mà trở ngại. Thiên nhiên đã khéo bố trí một con đường kín đáo mà thuận tiện, đó là Quèn Vông, quãng tiếp giáp giữa núi Hang Sung và núi Quèn Dót. Ở mỗi tòa thành còn có một đoạn tường thành ngắn có thể chia làm hai phần, tăng thêm mức độ quanh co hiểm hóc cho công trình. Triều Đinh thành lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi mà những mô hình thành lũy kiểu Hán ngang bằng sổ ngay, phương hướng tề chỉnh, quy cách xây dựng trở thành công thức, đã mọc lên không ít ở nhiều nơi. Nhưng thành Hoa Lư độc đáo được xây
dựng lại không theo một khuôn mẫu Trung Quốc của bất cứ thời nào. Là một căn cứ quân sự, Hoa Lư đã đạt tới đỉnh cao về mức độ kiên cố, hiểm trở của một công trình phòng thủ. Có thể coi Hoa Lư là một công trình kiến trúc quân sự hiếm có trong lịch sử Việt Nam và cả trong lịch sử các nước khác đương thời. Hoa Lư là một tòa thành điển hình cho phương pháp xây dựng lợi dụng địa thế tự nhiên. Cũng bởi lẽ đó mà thành Hoa Lư có dáng hình độc đáo, có đầy đủ tính chất kiên cố, hiểm trở của một công trình quân sự, lại thêm tính kỳ vĩ, hữu tình của một thắng cảnh.
Hiện nay, thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích đang được khai quật. Các nhà khảo cổ đào một số đoạn tường thành phát hiện ở những khu vực này có móng thành bằng cành cây với nhiều cọc đóng xuống sâu. Phía trong của tường thành xây bằng gạch, dày đến 0.45m, cao từ 8-10m. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Loại gạch phổ biến có kích thước 30cm x 16cm x 4cm, trên gạch thường có in các dòng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" và "Giang Tây quân". Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày.
Thành Nam
Thành Tràng An nằm ở phía nam kinh thành Hoa Lư nên còn được gọi là thành Nam, có diện tích lớn hơn hai thành kia nhiều, hiện thành này nằm giữa ranh giới 2 huyện Gia Viễn, Hoa Lư với thành phố Ninh Bình. Thành Tràng An với núi cao, hào sâu hiểm trở, bảo vệ mặt sau thành Hoa Lư, từ đây quân lính có thể nhanh chóng cơ động vào ra bằng đường thủy. Tràng An hiện có rất nhiều di tích mô tả cách bố trí phòng tuyến của kinh đô Hoa Lư. Tại đây các nhà khảo cổ còn khai quật được các dấu tích của người tiền sử và nhiều cổ vật từ thời Đinh, Tiền Lê và thời Trần. Vào thời Trần sau này, nơi đây tiếp tục là cứ địa chống quân Nguyên-Mông.
Hiện tại, đây là tuyến du lịch sinh thái - lịch sử thu hút nhiều nhà nghiên cứu địa chất và lịch sử đến làm việc.
Cuộc khai quật khảo cổ học những năm gần đây, đã phát hiện được ngói mũi lá, đầu ngói ống trang trí hoa sen. Đây là loại ngói được sử dụng rất phổ biến ở các công trình trang trí kiến trúc của Champa như ở Trà Kiệu, Đồng Dương (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi), Thành Hồ (Phú Yên).
Như đã trình bày ở trên, thành Hoa Lư tồn tại trong khoảng thời gian 41 năm từ 968-1009 thuộc triều đại Đinh và Tiền Lê, thành Hoa Lư cũng như Thành Hồ có cùng niên đại phát triển, cấu trúc bình đồ giống nhau, đều có thành trong và ngoài, án ngự con sông thiên tạo, xây dựng bằng gạch, đóng vai trò quan trọng về văn hóa, lịch sử, chính trị và quân sự lúc bấy giờ [23].
Hoàng Thành Thăng Long Thời kỳ Lý-Trần: Sau 41 năm nhà Đinh và Tiền Lê định đô ở Hoa Lư (968-1009), năm 1010, Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập triều Lý, thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng:
“… thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế nhìn sông dựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”, [40, tr.48].
Quyết định của nhà vua đã biến một khu vực vốn là thủ phủ - An Nam đô hộ phủ, thuộc triều đình Trung Hoa thời Đường và Đại Cồ Việt thời Đinh - Lê thành trung tâm chính trị - văn hóa của nền văn minh Đại Việt trong suốt một ngàn năm tiếp theo.
Ngay từ buổi đầu dựng đô, nhà Lý đã xây dựng thành Thăng Long với cấu trúc gồm 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau:
- Vòng kinh thành là vòng ngoài cùng, vòng thành lớn nhất có tên gọi là thành Đại La hay Đại La thành.
- Vòng thành thứ hai là Hoàng thành (tên gọi phổ biến dưới thời Lê). Đây là vòng thành quan trọng bao bọc các cung điện, lầu gác, chùa tháp, đền đài của Hoàng gia.
- Vòng thành thứ ba là Cấm thành, là vòng thành quan trọng nhất, trong cùng, bao quanh nơi ở và làm việc của nhà vua và Hoàng gia, trong đó tòa điện trung tâm là nơi thiết triều.
Nhìn trên bản đồ cổ đối sánh với bản đồ hiện đại, khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực vẫn quen gọi là thành cổ Hà Nội ở đúng trục chính tâm bắc - nam và một phần phía
tây liền kề với kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long xưa. Tổng thể cả hai phần di tích này chính là khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội.
Dấu vết kinh sư Đại Việt xưa kia như kiến trúc, hiện vật điêu khắc ngói ống, gạch, gốm trang trí của các thời Lý, Trần... lần lượt xuất hiện với các lớp văn hóa kế thừa nhau rõ rệt. Rất nhiều di vật đất nung mang phong cách Champa được tìm thấy và chắc rằng, nhiều hiện vật khác còn đang nằm ở đâu đó trong lòng đất. Số hiện vật ban đầu đã cho thấy quy mô và các loại hình văn hóa của Hoàng Thành Thăng Long xưa nói chung và dấu ấn Champa nói riêng.
Theo thống kê từ Đại Việt Sử ký toàn thư, trong thời Lý – Trần có tổng cộng 38 sứ bộ ngoại giao qua lại giữa Đại Việt và Champa, trong đó Đại Việt sang Champa 8 lần, Champa sang Đại Việt 30 lần chủ yếu là triều cống sản vật địa phương. Ngoài ra, trong thời Lý - Trần có nhiều người Champa vì nhiều lý do khác nhau đã sang quy phục Đại Việt hay bị bắt làm tù binh sau đó được các vua Đại Việt cho định cư trên đất Đại Việt [39, tr.142]. Điều này đã góp phần làm cho văn hóa Champa đọng lại trên lãnh thổ Đại Việt.
Dấu vết Chăm ở Hoàng Thành Thăng Long hay ở các hố khai quật khác ở Hà Nội chủ yếu đọng lại trên vật liệu kiến trúc. Do chưa có tài liệu thành văn để minh chứng cho việc có những kíp thợ Chăm tham gia thiết kế, sản xuất rồi trực tiếp xây dựng các công trình trong Hoàng thành hay các công trình khác ở Thăng Long nên mọi sự đều chỉ là suy đoán, và nghi vấn. Song qua các chi tiết người đốc công vô danh chỉ đạo xây dựng tháp Báo Thiên mà Tạ Chí Đại Trường đã nhắc tới, cùng số thợ thuyền Chăm bị đem về Thăng Long sau những cuộc thảo phạt (những người thợ có đôi tay, khối óc và kỹ thuật xây dựng những ngôi đền tháp tuyệt vời của dân tộc họ) thì có lẽ, họ đã được sử dụng để xây dựng những công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm cho cung đình Đại Việt nói chung và ở Thăng Long nói riêng trong nhiều thế kỷ... [110].
Những trang trí trên viên ngói úp (thời Lý) ở Hoàng thành dưới dạng phù điêu chạm bong kênh, hoặc chạm thủng hình ảnh rồng, phượng điển hình cho phong cách nghệ thuật thời Lý. Tuy nhiên, dấu ấn Chăm lại không nằm ở những chi tiết
hoa văn cụ thể như vậy, mà xuất hiện ở hình dáng, bố cục của toàn bộ bức phù điêu trang trí của viên ngói. Chúng chính là những biến thể, cách điệu của chiếc lá nhĩ gắn trên các cạnh góc đỉnh, mái tháp Chăm. Chất liệu của những chiếc lá nhĩ nguyên gốc này thường được làm bằng sa thạch, với chiếc cánh có đầu nhọn chạy dọc sống thân. Trong khi đó chất liệu của những viên ngói có trang trí phù điêu rồng, phượng được làm bằng đất nung và không xẻ thành cánh hoa chạy theo thân của mảng chạm. Điều đáng lưu ý là chiếc lá nhĩ ở tháp Chăm và phù điêu trên ngói ống đều là những vật liệu kiến trúc trang trí ở những cạnh góc của phần mái kiến trúc. Mặc dù chất liệu của chúng khác nhau nhưng đều có công năng là tạo thẩm mỹ cho công trình kiến trúc đó.
Theo nghiên cứu của Đinh Đức Tiến [110, tr.21-25]: viên gạch tháp có thần điểu Garuda là bức tượng hiếm hoi bắt gặp được trong những hố khai quật ở khu vực Văn Lang, Ba Đình (gần với khu vực Thập Tam trại của Thăng Long - Hà Nội), hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Garuda gần như còn nguyên vẹn, với tư thế phổ biến và bố cục tạo hình mang đậm phong cách Chăm. Có lẽ đây là một trong những vật liệu xây dựng bằng đất nung nằm ở các vị trí giá đỡ có tính chất chịu lực quan trọng cho một công trình kiến trúc thường ở trên các tòa tháp hoặc tàu mái. Garuda được tạo tác trong tư thế điển hình của các thần điểu trong văn hóa Chăm, với chiếc đầu chim khá dữ tợn, thân người nổi khối căng với bộ ngực nở và chiếc bụng tròn. Chân tay của Garuda, dang rộng, cùng với đôi cánh khỏe mọc ra từ sau lưng. Mặc dù Garuda ở Thăng Long bị sứt mỏ, với chiếc mũ đội có vành miện trên trán, tai to (giống tai dơi), mắt lồi, phần bụng để trần, ở dưới mặc một chiếc váy ngắn rất ngộ nghĩnh. Hai chân thần điểu dang rộng, hai tay chống lên đầu gối, tư thế này khác, hoặc biến tướng đôi chút so với thần điểu của Champa, tuy nhiên, đây vẫn là tư thế và hình dáng của một Garuda quen thuộc trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Hai nửa viên gạch duy nhất có khắc những ký tự chữ Phạn (Sanskrit) được phát hiện thấy ở khu Hoàng Thành Thăng Long. Nó xen lẫn với rất nhiều các loại gạch xây khác của Đại Việt như: Đại Thông Độ, Long Thụy Thái Bình, Hoàng Môn Thự,