Đợt khai quật lần thứ nhất

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 82 - 87)

CHƯƠNG 2 DI TÍCH THÀNH HỒ QUA CÁC LẦN KHAI QUẬT

2.6. Nhận thức mới về Thành Hồ qua các cuộc khai quật

2.6.1. Đợt khai quật lần thứ nhất

2.6.1.1. Từ kiến trúc đến di vật

Từ những kết quả thu được cho thấy vai trò và giá trị của Thành Hồ trong lịch sử văn hóa Champa nói chung và vùng đất Phú Yên nói riêng. Bằng chứng là những dấu vết kiến trúc để lại khá đậm đặc, cuộc khai quật này đã tìm được trên 6 dấu vết kiến trúc, mang chức năng tôn giáo, được xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử, dấu vết kiến trúc này hiện tại, có thể tìm thấy nhiều nhất trong các tòa thành cổ Champa.

Những vật liệu kiến trúc như gạch, ngói âm dương cũng tìm thấy với số lượng khá nhiều, ken dày thành từng lớp, với nhiều kích cỡ khác nhau, có độ cứng cao, có những viên trở thành những mảnh sành, điều này chứng tỏ rằng trình độ sản xuất vật liệu xây dựng khá phát triển, và liên tục trong lịch sử.

Những đầu ngói ống trang trí diềm bộ mái kiến trúc, với nhiều kích thước khác nhau, có đường kính từ 15cm-17cm, có những đầu ngói lên đến 26cm. Những đầu ngói ống được trang trí với các đề tài hết sức phong phú và đa dạng như mặt hề, mặt sư tử, mặt Kala, cánh sen... Nó thể hiện sự sáng tạo và nhận thức thẩm mỹ khá cao.

Ngói là loại hình vật liệu được chế tác mang ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, và được người Chăm tiếp thu, sản xuất phục vụ cho xây dựng khá sớm trong lịch sử.

Bên cạnh hình dáng truyền thống, mỹ thuật trang trí đầu ngói ống còn sử dụng những mô típ mang đậm nét văn hóa của người Chăm như mặt sư tử, mặt Kala, cánh sen... Loại hình này cho đến nay, được tìm thấy trên địa bàn kinh đô cũ của người Chăm ở Trà Kiệu, Đồng Dương (Quảng Nam). Số lượng đầu ngói ống nhiều và mật độ dày trong hố khai quật, đã chứng minh nơi đây là một trung tâm kinh tế lớn, phát triển của người Chăm trong lịch sử, không những có sự phát triển nội tại mà còn có nhiều yếu tố hội nhập từ văn hóa bên ngoài. Chúng ta có thể so sánh những hiện vật tìm được tại Thành Hồ với những hiện vật tìm được ở Trà Kiệu đều có sự tương đồng về chất liệu, kỹ thuật sản xuất, hoa văn trang trí, được xác định bởi niên đại từ thế kỷ V-VII.

Những đồ gốm thu được nhìn tổng thể về chất liệu, thì đây là loại đất nung với xương gốm thường dày, thô, pha cát, bã thực vật, độ nung không cao. Kỹ thuật sản xuất gốm được sử dụng là nặn bằng tay và bàn xoay. Nhiều hiện vật có chất liệu hình dáng kế thừa từ gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh như kỹ thuật miết láng vành miệng, vai gốm bẻ gãy góc, và có nhiều loại hình như bình, vò, chậu... Hoa văn trang trí chủ yếu là hoa văn in ô vuông, một họa tiết trang trí ảnh hưởng từ trang trí đồ gốm Trung Quốc. Cũng có những mảnh mang hình hoa văn ô vuông nhưng hoàn toàn khác về chất liệu như xương gốm mỏng, mịn, độ nung cao, hoa văn sắc sảo.

Những loại hình đồ gốm này là những đồ gốm do người Chăm chế tác, được sử dụng rất sớm trong lịch sử, nó mang đặc trưng riêng của đồ gốm Chăm, chúng ta có thể thấy được ở Trà Kiệu, và thuộc niên đại từ thế kỷ III-VII [35, tr.38]. Như vậy, truyền thống đồ gốm Champa ban đầu kế thừa nhiều yếu tố từ đồ gốm Sa Huỳnh - một nền văn hóa trước đó và có sự tiếp nối, phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội, và cũng có sự tiếp thu ảnh hưởng của yếu tố văn hóa bên ngoài.

2.6.1.2. Niên đại

Từ những tư liệu đã có, chúng ta có thể thấy được niên đại của Thành Hồ được xây dựng khá sớm, những công trình kiến trúc ở đây thuộc niên đại từ thế kỷ V-VII.

Niên đại này phù hợp với điều kiện lịch sử của dân tộc Chăm, phù hợp với niên đại được xác định bằng phương pháp Carbon phóng xạ C14 được thực hiện tại Trà Kiệu

(Quảng Nam); cũng phù hợp với di vật, di tích văn hóa Champa được biết tại Phú Yên như: bia Chợ Dinh (Núi Nhạn) niên đại thế kỷ V. Phù điêu tượng Phật bằng đất nung tìm được ở chùa Hồ Sơn (Tuy Hòa), hình Phật đất nung ở thôn Thọ Sơn (Hòa Kiếm), thuộc niên đại từ thế kỷ thứ VII-VIII [35, tr.39].

Cùng với những hiện vật thu được, kết quả khai quật bước đầu cho thấy: Thành Hồ được xây dựng rất sớm trong lịch sử Champa, có quy mô lớn. Thành Hồ là một công trình kiến trúc hoàn thiện, một trung tâm chính trị - kinh tế lớn của người Chăm trong buổi đầu lịch sử tiểu vương quốc. Trung tâm này được xây dựng và phát triển rực rỡ không thua kém gì bất cứ một trung tâm nào của người Chăm ở miền Trung Việt Nam, có thể sánh với kinh đô Trà Kiệu (Quảng Nam).

Theo tư liệu cổ hiện có, từ những năm đầu công nguyên, cùng với những vùng đất khác, vùng đất phía nam bị phong kiến Trung Quốc đô hộ. Nhà Hán chia đất nước ta thành nhiều quận, huyện, trong đó quận xa nhất về phía nam là quận Nhật Nam.

Quận Nhật Nam chia thành nhiều huyện nhỏ như: Lô Dung, Chu Ngô, Ty Ảnh...

và xa nhất là huyện Tượng Lâm. Vị trí của huyện Tượng Lâm cho đến nay có nhiều ý kiến cho rằng:

- Huyện Tượng Lâm thuộc vùng Thừa Thiên Huế.

- Huyện Tượng Lâm là vùng đất Quảng Nam, Bình Định ngày nay.

- Hay cũng có ý kiến cho rằng: địa giới của huyện Tượng Lâm kéo dài đến tận vùng đất Phú Yên, tới địa giới phía nam của núi Đại Lãnh.

Những ý kiến này, cần được tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu chúng chỉ có tư liệu Khảo cổ học mới có thể làm sáng tỏ được.

Sau nhiều lần nổi dậy đấu tranh giành độc lập, năm 192 người Champa trên vùng đất phía nam huyện Tượng Lâm đã đứng lên thành lập Nhà nước Lâm Ấp.

Nhà nước này về phía bắc quản lý đến vùng đất Quảng Bình ngày nay, về phía nam còn chưa thống nhất, nhưng tác giả Bình Nguyên Lộc với bài viết năm 1970 trong Tạp san Sử - Địa cho rằng vùng đất phía nam của Lâm Ấp đến Mỹ Tho (Tiền Giang) [108, Số.19-20, tr.258].

Những tư liệu khảo cổ cho biết, kinh đô đầu tiên của người Chăm thuộc vùng Trà Kiệu (Quảng Nam), với tên gọi Singhapura. Bằng chứng được nhắc trong bia Võ Cạnh khắc bằng chữ Sanskrit được phát hiện tại Khánh Hòa: từ thế kỷ thứ II-IV Phật giáo đã ảnh hưởng trực tiếp đến cư dân Champa [72, tr.1-2], [104, tr.47-48]. Bia Mỹ Sơn I (Mỹ Sơn - Quảng Nam) cũng cho hay như sau: vùng đất Champa ở Mỹ Sơn đã dâng cúng cho Thần Shiva thuộc thế kỷ V [72, tr.7-9], [74, tr.9-17]. Như vậy, có thể nói những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến cư dân Champa khá sớm trong lịch sử, không xa thời gian khi người Champa dành được độc lập và xây dựng Nhà nước.

Cũng có những học giả cho rằng: Nhà nước Champa thuộc nhiều tiểu quốc độc lập và có quan hệ mật thiết với nhau. Theo một số bia tại Mỹ Sơn, người Chăm có hai tộc chính: phía nam thuộc thị tộc Dừa, phía bắc thuộc thị tộc Cau và thế đến kỷ thứ VII, nhà nước Champa mới được thống nhất từ bắc vào nam với địa lý hành chính kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Những bằng chứng khai quật tại Thành Hồ cho thấy: ngoài kinh đô của người Chăm ở Trà Kiệu-Singhapura (Quảng Nam) phía bắc thì ở phía nam có một trung tâm kinh tế lớn đó là Thành Hồ. Thành Hồ là một trung tâm của một tiểu quốc có nền kinh tế khá phát triển, và có mối quan hệ mật thiết với các tiểu quốc trong cộng đồng lãnh thổ dân tộc Chăm và có mối giao lưu rộng rãi với các nền văn hóa bên ngoài [69].

Vào thế kỷ thứ X khi cộng đồng người Việt ở phía bắc giành được độc lập, xây dựng Nhà nước tự chủ vững mạnh thì yêu cầu thống nhất được đặt ra. Trong cùng thời gian này người Chăm cũng chuyển đô về Vijaya (Bình Định), thì vai trò của Thành Hồ lại nổi lên là vùng đất kề cận phía nam kinh đô Vijaya. Thành Hồ được xây dựng, củng cố vững chắc để trở thành một trung tâm lớn ở phía nam. Các trung tâm tôn giáo liên quan được xây dựng như: Tháp Nhạn, phế tích tháp Phú Lâm, Núi Một, phế tích tháp Bà, tháp Yang Mun (Gia Lai) tạo nên một quần thể di tích văn hóa Chăm lấy Thành Hồ làm trung tâm. Thành Hồ đảm nhận một vai trò lịch sử mới đó là trung tâm kinh tế tôn giáo của vùng [35].

Đến cuối thế kỷ XI (năm 1069), một vùng đất Champa sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt gồm các châu Địa Linh, Ma Linh, Bố Chính (Quảng Bình). Đến thế kỷ XIV

(năm 1306), vùng đất Châu Ô, Châu Lý, tiếp tục sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt và đổi tên thành Hóa Châu, Thuận Châu, vùng đất quản lý của người Chăm lùi về phía nam sông Thu Bồn (Quảng Nam).

Cuối thế kỷ XVI (năm 1472), sau cuộc tiến quân xuống của vua Lê Thánh Tông, vùng đất Bình Định sát nhập vào lãnh thổ chung thuộc đạo Quảng Nam Thừa Tuyên, đây là đạo thứ 14 của Đại Việt. Cũng từ đó vua Lê Thánh Tông cho khắc bia trên núi Đá Bia (Phú Yên) để phân danh giới vùng đất giữa đạo Quảng Nam và vùng đất người Chăm quản lý [2].

Cho đến cuối thế kỷ XVI (năm 1558), Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa làm tiền đề lập nên xứ Đàng Trong thì vùng đất Phú Yên vẫn thuộc tiểu quốc của Champa [38]. Bằng mọi nỗ lực củng cố chính quyền và mở mang lãnh thổ, các chúa Nguyễn đã xây dựng vùng đất phía nam thành vùng lãnh thổ riêng, năm 1578, Lương Văn Chánh theo lệnh của chúa Nguyễn vào Phú Yên - vùng đất này đã trở thành quyền quản lý của các chúa Nguyễn và trở thành bộ phận của cộng đồng lãnh thổ dân tộc Việt Nam ngày nay [25], [38], [61].

2.6.1.3. Kết quả đạt được

Chúng ta thấy rõ vai trò và giá trị của Thành Hồ trong lịch sử văn hóa Champa nói chung và vùng đất Phú Yên nói riêng, qua kết quả khai quật:

- Tập hợp những tư liệu nghiên cứu về tòa thành và bước đầu xác định về nguồn gốc tên gọi của tòa thành.

- Xác định được vị trí, quy mô, mặt bằng kiến trúc, cấu trúc của tòa thành.

Khảo sát những di tích vật chất còn lại liên quan đến tòa thành.

- Tiến hành cắt tường thành, bước đầu tìm hiểu kỹ thuật xây đắp tường thành qua các giai đoạn sử dụng trong lịch sử.

- Tiến hành tổ chức khai quật có trọng điểm, xác định được một số địa điểm có dấu vết kiến trúc trong lòng thành có niên đại từ thế kỷ V-VI.

- Thu hồi một số loại hình hiện vật đồ gốm, trang trí kiến trúc liên quan đến tòa thành, đưa các hiện vật thu được về bảo quản tại Bảo tàng góp nên bộ sưu tập hiện vật để trưng bày phổ biến trong tương lai.

- Từ kết quả khai quật, bước đầu đưa ra những kiến nghị giải pháp cho việc bảo tồn, tôn tạo, cùng định hướng cho việc nghiên cứu, phát huy giá trị di tích văn hóa này [31].

Một phần của tài liệu Di tích thành hồ phú yên (qua tài liệu khai quật khảo cổ học) (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(314 trang)