Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG
1.1. LÝ THUYẾT VỀ BIỂU TƯỢNG
1.1.2. Đặc điểm của biểu tượng
Trước hết, biểu tượng có đặc điểm là nó thể hiện cái gì đó khác bên ngoài bản thân mình. Vì lẽ, biểu tượng không phải là cái được biểu tượng. Ví dụ: chim bồ câu trắng là biểu tượng cho hòa bình nhưng chim bồ câu trắng không phải là hòa bình và hòa bình cũng không phải là chim bồ câu trắng.
Đặc điểm thứ hai của biểu tượng là nó đòi hỏi chúng ta tìm câu trả lời bởi việc vận dụng mức độ sâu hơn của tinh thần. Biểu tượng luôn mở rộng sự liên tưởng để trí tuệ có thể truy tìm, khám phá ra những ý nghĩa còn chìm khuất trong chiều sâu nhận thức của con người. Muốn giải mã được một biểu tượng, người ta đòi hỏi phải có vốn kiến thức sâu hơn, tương phản với việc nắm bắt ý nghĩa ký hiệu chỉ đơn thuần đòi hỏi chúng ta thừa nhận một quy ước giả tạo về mặt xã hội. Nếu không có những kiến thức này thì chúng ta như đứng trước một cái hang chứa đầy kho báu mà trong tay không có câu thần chú để mở cửa vậy.
Ví dụ: biểu tượng của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ là con lừa, nhưng đằng sau hình tượng con lừa ấy là cả một câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu khi Andrew Jackson bị đối thủ gọi là “con lừa” trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1828 (jackass trong tiếng Anh có nghĩa là con lừa đồng thời có nghĩa là người ngu ngốc). Tuy nhiên, Andrew Jackson tỏ ra thích thú với hình ảnh đó và đưa hình ảnh con lừa vào áp phích tranh cử. Trong chiến dịch tranh cử ấy, Andrew
Jackson đã trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thuộc Đảng Dân Chủ, từ đó đến nay, con lừa là biểu tượng của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ.
Đặc điểm thứ ba của các biểu tượng đó là chúng vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù. Tính phổ biến gắn với cái chung còn tính đặc thù gắn với cái riêng. Tính đặc thù là biểu hiện cụ thể của tính phổ biến, hay là sự cụ thể hóa của tính phổ biến. Tính phổ biến tồn tại thông qua tính đặc thù nên tính phổ biến không thể tồn tại một cách độc lập với tính đặc thù. Tính phổ biến của biểu tượng thể hiện thông qua việc một biểu tượng có thể được chấp nhận rộng rãi với một ý nghĩa nhất định ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Biểu tượng ấy tùy vào từng quốc gia, nền văn hóa, tín ngưỡng mà bộc lộ tính đặc thù của nó mà ở nơi khác không xuất hiện. Ngôi chùa nói chung là nơi thờ Phật, thực hiện các nghi lễ tôn giáo; những riêng ngôi chùa Nam tông Khmer ngoài những chức năng kể trên, nó còn là biểu tượng cho giáo dục và việc giữ gìn vốn văn hóa dân tộc.
Đặc điểm thứ tư đó là biểu tượng mang tính lịch sử cụ thể. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều tồn tại, vận động và phát triển trong một không gian – thời gian nhất định. Mối liên hệ không gian và thời gian của sự vật, hiện tượng chính là mối liên hệ lịch sử cụ thể. Chúng ta không thể tự ý phát minh ra các biểu tượng cũng như không thể thêm hay bớt ý nghĩa của những biểu tượng một cách tùy tiện. Ý nghĩa biểu trưng của biểu tượng có thể sẽ trở nên sai lệch nếu chúng ta đẩy nó ra ngoài giới hạn và bối cảnh tồn tại của nó, biểu tượng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Nhà vua được xem là con Trời (Thiên tử) – một biểu tượng của chế độ phong kiến Trung Quốc xưa, lời nói của nhà vua là lời nói của Trời, mọi người phải phục tùng tuyệt đối quyền lực của nhà vua. Giờ đây, biểu tượng của nhà vua ấy đã chết đi ở hầu khắp các nơi trên thế giới ở thời đại chúng ta
và giả sử nếu có một nhà vua còn trị vì đất nước bằng sự chuyên chế của mình thì nhà vua chỉ còn là biểu tượng cho sự độc tài, phản tiến bộ xã hội. Khi một biểu tượng còn sống, nó là cách biểu hiện tốt nhất một sự kiện, nó chỉ sống khi nó chứa đầy ý nghĩa. Khi ý nghĩa đó bày lộ ra, nói cách khác: khi ta tìm được cách diễn đạt tốt hơn cái sự vật ta tìm kiếm, hay dự cảm, lúc đó biểu tượng sẽ chết, biểu tượng giờ đây chỉ còn mang giá trị lịch sử.
Phía trên là những đặc điểm chính của một biểu tượng. Các biểu tượng đích thực được tạo ra trong những bầu không khí của tính sáng tạo văn hóa của con người. Mỗi nền văn hóa đều hàm chứa trong nó những hệ biểu tượng mang tính tương đối ổn định trong quá trình hoạt động, biến đổi, phát triển của chính nền văn hóa này.Vì vậy, không thể xem xét một biểu tượng như một hiện tượng tĩnh tại mà luôn phải xem xét nó trong quá trình vận động, trong sự sử dụng và tái tạo nó của đời sống xã hội. Biểu tượng bắt buộc phải được nghiên cứu trong những vận động xã hội. Bởi vì, ý nghĩa của biểu tượng luôn luôn có một sự liên thông giữa cá nhân và cộng đồng trong quá trình chuyển hóa của các biến số đó. Chính trong sự chuyển hóa này, xuất hiện vai trò của chủ thể không phải như một nhân tố bị động mà như một năng lực chủ động, có khả năng điều chỉnh các ý nghĩa biểu tượng. Cũng từ góc độ triết học, không thể chỉ xem xét ý nghĩa biểu tượng như một sự vật tách biệt và không hề biến đổi còn phải nắm bắt được ý thức và quy luật xã hội đã tác động lên quá trình biến đổi ý nghĩa biểu tượng.
Ý nghĩa của một biểu tượng không phải là một cấu trúc khép kín mà là một khả năng gợi ra các chiều liên tưởng trong ý thức của con người, những chiều hướng này có thể rất khác nhau, trái ngược nhau. Mỗi người có thể tìm thấy trong biểu tượng những sự trải nghiệm tinh thần mang tính cá nhân nhưng vẫn không tách rời cái bản chất xã hội. “Biểu tượng chỉ tồn tại ở bình diện chủ thể nhưng trên cơ sở bình diện khách thể”. [24, tr. XXVI]