Tác động ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo Nam tông vào đời sống

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 53 - 74)

Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

1.3. TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

1.3.3. Tác động ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo Nam tông vào đời sống

Lý tưởng sống truyền thống của người Khmer nương theo Phật giáo.

Cho nên, để đạt được lý tưởng sống ấy, người Khmer theo Phật giáo phải hiểu được và rèn luyện theo “Tứ diệu đế” và “Bát chính đạo”. Với Phật giáo Nam tông của người Khmer, tu tập theo Bát chính đạo chính là con đường dẫn đến Niết bàn (Nibhana).

Niết bàn có thể hiểu là dập tắt, sự chấm dứt. Có nhiều cách diễn giải nội dung khái niệm này, tuy nhiên, theo Walpola Rahula (1907 – 1997):

không thể nào giải đáp đầy đủ và thỏa đáng bằng danh từ, vì ngôn ngữ con người quá nghèo nàn để diễn đạt bản chất thực sự của Chân lý Tối hậu là Niết bàn”. [70, tr. 86] Nhìn chung, người ta có thể tạm hiểu khái niệm Niết bàn như là trạng thái tâm hồn đã xóa bỏ được những ràng buộc trần thế, những đau khổ phiền muộn lòng tham dục vọng gây nên, một tâm hồn được giải thoát hoàn toàn; nếu còn vẩn đục, con người còn phải luân hồi sinh tử.

Niết bàn là chấm dứt đau khổ, gắn với diệt dục, hiểu biết và giác ngộ.

Niết bàn được chia thành hai dạng: hữu dư Niết bản và vô dư Niết bàn.

Hữu dư Niết bàn là hình thức đạt được khi con người đang mang thân ngũ uẩn, còn vô dư Niết bàn là hình thức chỉ đạt được sau khi lìa bỏ hẳn thân xác.

Với quan niệm này, khi con người còn sống trên thế gian cũng có thể chứng Niết bàn được. Nơi nào có người tu hành chân chính thì nơi đó có thể chứng Niết bàn được, như chính Đức Phật Thích Ca đã chứng Niết bàn ngay lúc 35 tuổi. Nghĩa là khi Ngài đạt được trình độ xóa bỏ mọi điều phiền muộn, xóa được mọi dục vọng chứ không phải đến khi Ngài qua đời lúc 80 tuổi.

Phật giáo chỉ tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến sự giải thoát của con người khỏi những cảnh khổ đau của đời sống và vạch ra con đường giải thoát đó. Mặt khác Phật giáo không phải coi giáo lý là mục đích mà chỉ xem nó như là phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng đó chính là sự giải thoát. Cái cốt lõi của Phật giáo là tu hành để đạt đạo quả chứ không phải là nghe giảng để hiểu đạo.

Phật giáo đưa ra ngũ giới cấm (năm điều không làm) và thập thiện nghiệp (mười điều lành của ba nghiệp: thân, khẩu và ý). Đây là những điều Đức Phật đưa ra hơn 2600 năm trước để cho hàng đệ tử thực hành theo, từ xưa đến nay đã được người Khmer vận dụng vào đời sống tinh thần với những chuẩn mực đạo đức và nhân cách sống của mình. Ngũ giới cấm gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

Để đạt những nghiệp lành, tín đồ phải thực hiện theo mười điều Đức Phật đã răn dạy, khuyến khích thực hiện, gọi là Thập thiện nghiệp, bao gồm:

không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói chuyện thị phi, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân giận, không si mê. Phật giáo cho rằng khi chúng ta thực hiện mười nghiệp thiện này thì không những trong đời sống hiện tại được hạnh phúc an lạc mà sau khi thân này kết thúc sẽ được sinh vào cảnh giới an lành. Như Đức

Phật đã tuyên bố: “Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời”. [17, tr. 540]

Trên phương diện tôn giáo, Phật giáo Nam tông Khmer đã dung nạp và hòa đồng cùng với các tín ngưỡng dân gian bản địa để tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong đa dạng. Xét trên phương diện triết học, Phật giáo Nam tông Khmer kết hợp các giá trị tinh túy của xã hội bản địa để trở thành một hệ tư tưởng ưu tú được cộng đồng người Khmer chấp nhận, trở thành tinh hoa và truyền thống của nền văn hóa địa phương.

Cho đến nay, Phật giáo Nam tông vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer Sóc Trăng. Đối với đồng bào Khmer, từ người nhỏ đến người lớn, từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi đều có sự gắn bó với Phật giáo Nam tông Khmer, với những ngôi chùa. Khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ được đưa vào chùa để được đặt tên, đến tuổi trưởng thành vào chùa tu ba năm báo hiếu, khi lập gia đình vào chùa làm lễ “Choong-đay” (buộc chỉ cổ tay) và khi chết đi, thân thể được hỏa táng và tro cốt được gửi vào trong chùa. Phật giáo Nam tông có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến cuộc sống hằng ngày của cộng đồng người Khmer, tác động đến tất cả các lễ Tết lớn của họ. Các sinh hoạt tâm linh, văn hóa đa phần đều mang màu sắc của Phật giáo, xuất phát từ giáo lý, sự tích, những câu chuyện răn dạy làm người của Đức Phật và bản tính hiền lành, nhân hậu và thân thiện của người Khmer Sóc Trăng phần nào đó chính là kết tinh của tinh thần Phật giáo.

Trước đây đồng bào Khmer đã có sự tiếp xúc, tác động của đạo Bà-la- môn tuy nhiên chỉ có Phật giáo Nam tông có khả năng vươn lên thành tôn giáo chính thống và chủ yếu của họ. Nguyên nhân đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông là vì:

Thứ nhất, nó có những đặc điểm phù hợp với đạo đức, tâm lý, nếp sống, nếp suy nghĩ của họ. Phật giáo Nam tông không bài xích mà dung nạp những tín ngưỡng dân gian của người Khmer, khiến Phật giáo Nam tông trở nên rất thân thiết với toàn xã hội và dễ đi vào lòng người. Phật giáo lấy con người làm trung tâm, chủ trương bình đẳng xã hội đối lập với đạo Bà-la-môn trước đây đặt nặng vấn đề đẳng cấp. Phật giáo không ép buộc tín đồ phải tin vào những giáo lý của mình, niềm tin của Phật giáo được xây dựng dựa trên cơ sở của sự hiểu biết và trí tuệ, không phải xuất phát từ một niềm tin mù quáng hay mang tính ép buộc. Đức Phật khi được những người Kàlàmà2 chất vấn về căn cứ của lòng tin, Ngài đã trả lời rằng: “Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện – các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!”. [15, tr. 338]

Thứ hai, nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vị trí địa lý nên Phật giáo Nam tông Cambodia có những gắn bó nhất định với Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ. Nhiều vị sư sãi Khmer sang Cambodia tu học khi trở về có vai trò rất lớn trong việc phổ biến những kiến thức về văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, lối sống,… góp phần nâng cao dân trí cho người dân Khmer trong vùng.

2 Tên một bộ tộc cư trú ở Kesaputta – một địa danh cổ thuộc Ấn Độ. Kesaputta ngày nay là thị trấn Kesariya ở bang Bihar, Ấn Độ.

Thứ ba, Phật giáo Nam tông du nhập vào vùng đồng bào dân tộc Khmer khá sớm, trải qua quá trình thử thách, trải nghiệm với thời gian và thực tiễn, Phật giáo Nam tông đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người Khmer, trở thành thành tố văn hóa đặc trưng của tộc người này.

Phật giáo theo đạo đức luận, lấy nhân quả làm phép tắc chủ yếu xuyên suốt trong kinh sách để giáo dục con người, lấy từ bi làm nền tảng đạo đức;

lấy tình thương xóa bỏ hận thù; lấy cuộc sống giản dị, chân chính, đoàn kết, bình đẳng, bác ái làm lẽ sống; lấy tinh thần dân chủ, công bằng, không phân biệt đẳng cấp làm chuẩn mực trong đời sống sinh hoạt; lấy con đường trung dung làm cơ sở để hành động. Phương châm của Phật giáo là lấy thực tại làm cơ sở cho tương lai.

Theo giáo lý của Đức Phật, người Khmer thường nghĩ về kiếp sau, làm sao để tích càng nhiều phước đức, tạo nhiều nghiệp lành để được vào cõi Niết bàn sau khi chết, hoặc có một đời sống tốt đẹp hơn ở kiếp sau. Từ đó, người Khmer quan niệm việc đi chùa, làm phước cũng tương tự như việc làm ruộng, làm được nhiều thì sẽ có phước đức nhiều, làm ít thì sẽ ít phước đức, không làm sẽ không có phước đức, làm việc ác sẽ bị trừng phạt theo luật nhân quả. Vì vậy, làm phước là việc tùy tâm của mỗi người, không có sự ràng buộc phải làm hay không.

Phật giáo Nam tông có hệ thống giáo lý, tín điều rất gần gũi với quan niệm nhân văn, thậm chí là cơ sở để củng cố khối đoàn kết cộng đồng. Nền giáo dục Phật giáo chính là nền giáo dục có bình diện rộng. Đối tượng giáo dục của Phật giáo chính là con người.

Cho đến nay, hầu hết đồng bào Khmer đều theo Phật giáo Nam tông, dù tu ở chùa hay tu tại gia thì đều là con của Phật. Mục đích đi tu của nhiều người Khmer không phải hướng đến việc thành Phật mà là để trở thành

người có nhân cách, có phẩm chất và đạo đức tốt. Để nói lên vai trò to lớn của Phật giáo, người Khmer có bài thơ:

Người bảo đèn sáng Có thật vậy chăng?

Cũng kém mặt trời Người bảo mặt trời Dù sáng khắp nơi Cũng chưa sáng tỏ

Như ánh Phật pháp”. [43, tr. 112]

Phật giáo Nam tông đã bén duyên và cắm rễ đã hàng trăm năm tại vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Thông qua những quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, Phật giáo Nam tông đã trở thành nguồn gốc tư tưởng, tác động và hình thành nên những nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng. Phật giáo Nam tông Khmer chứa đựng một giá trị nhân bản sâu sắc, giá trị này góp phần tạo nên tính cách dân tộc của đồng bào Khmer, và cũng là nền tảng đạo đức của dân tộc này.

Kết luận chương 1

Xét trên lĩnh vực văn hóa tôn giáo, sự hiện diện của biểu tượng trong các nền văn minh, văn hóa khác nhau có vai trò vô cùng to lớn. “Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết, xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết.

Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử”. [24, tr. 33]

Khi tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng, chúng ta không thể bó hẹp nó vào trong một định nghĩa được bởi lẽ biểu tượng được diễn tả bằng từ ngữ, nhưng từ ngữ chỉ diễn tả những hình ảnh, không diễn đạt được tất cả ý nghĩa của biểu tượng, như hình ảnh hoa sen: hoa thơm, không gì đẹp bằng sen, lá

xanh, bông trắng, nhị vàng…. Còn biểu tượng hoa sen – biểu tượng của Phật giáo biểu trưng cho sự thanh thịnh, thuần khiết, vô nhiễm, được nuôi dưỡng từ những chất cấu uế như bùn nhưng thân vươn lên vẫn trong sạch, tỏa hương thơm mát, giúp ích cho đời.

Các tôn giáo sử dụng các biểu tượng với mong muốn con người thoát ra thế giới trần tục để đến với một thế giới khác, thế giới của tâm thức; thế giới ấy sống động hơn, siêu việt hơn, vượt ra ngoài thế giới khả giác, trong đó cái phần vô hình được nhìn thấy một cách huyền bí. Nói tóm lại, biểu tượng là một kích thích, là một gợi mở giúp chúng ta vượt qua dáng vẻ bên ngoài để đi tìm ý nghĩa ẩn kín, thiêng liêng và đạt tới cõi siêu thực.

Sóc Trăng là một tỉnh đa dân tộc và cũng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất cả nước. Đây là những cư dân cư trú lâu đời ở mảnh đất này, có một nền văn hóa đặc sắc, mang tính đặc trưng cao. Là những Phật tử thuần thành, lấy triết lý nhà Phật làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình kết hợp với sức sáng tạo phong phú và bền bỉ, người Khmer đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, những công trình kiến trúc mang đậm phong cách Phật giáo nổi bật lên trong đó là những ngôi chùa Khmer – một biểu tượng vật thể mang giá trị tinh thần to lớn trong đời sống của họ thể hiện qua nhiều lĩnh vực như tín ngưỡng, tôn giáo; văn hóa; giáo dục,…. Triết lý Phật giáo và hình ảnh ngôi chùa đã đi sâu vào tâm thức của người Khmer Sóc Trăng từ thế hệ này sang thế hệ khác làm nên tính cách dân tộc của họ – rất tôn sùng Phật giáo, họ xem Phật giáo như là một phần không thể tách rời trong cuộc đời của mình.

Chương 2:

GIÁ TRỊ TINH THẦN CỦA NGÔI CHÙA ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

2.1. TỔNG QUAN VỀ NGÔI CHÙA NAM TÔNG KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

Bất cứ nơi nào Phật giáo truyền đến, nơi đó tiếp thu một nền văn hóa tốt đẹp. Ở những nơi ấy, Phật giáo sản sinh ra những biểu tượng giàu tính nghệ thuật như biểu tượng hoa sen biểu trưng cho Đức Phật đản sinh; biểu tượng bánh xe Pháp luân biểu trưng cho sự thuyết pháp, lời dạy của Đức Phật; biểu tượng cây Bồ đề biểu trưng cho việc thành đạo của Người…

Những biểu tượng ấy là sự biểu hiện bên ngoài của lòng tin dân tộc và ngôi chùa Nam tông Khmer chính là biểu tượng đặc biệt của Phật giáo được hình thành ở vùng đất Sóc Trăng.

Từ khi những người Khmer đầu tiên đặt chân lên miền đất Sóc Trăng này, trải qua thời kỳ lịch sử lâu dài đấu tranh với thiên nhiên hà khắc để sinh tồn như thiên tai, dịch bệnh, thú dữ,… để tồn tại được trong hoàn cảnh ấy, họ phải dựa vào sức mạnh tâm linh để cứu rỗi cho quá trình lao động, sản xuất, làm chỗ dựa tinh thần hằng ngày trước sự hà khắc của thiên nhiên. Từ hoàn cảnh sống ấy đã tạo ra một hệ thống tín ngưỡng tâm linh phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nông nghiệp. Sau quá trình sinh sống lâu dài, đời sống ổn định dẫn đến nhu cầu tinh thần ngày càng cao, cùng với sự truyền bá Phật giáo Nam tông vào vùng đất này, người Khmer đã xây dựng nên những ngôi chùa để phụng thờ Đức Phật phù trợ họ tai qua nạn khỏi, thuận lợi trong lao động, sản xuất. Từ đó, có thể khẳng định rằng: việc hình thành những

ngôi chùa của người Khmer ra đời rất sớm, thời gian bắt đầu khi họ có mặt ở vùng đất này và sau một thời gian sinh sống, ổn định và phát triển.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa tạo nên sự gần gũi thân thiết giữa tất cả các thành viên của một cộng đồng, gắn bó mọi nhu cầu về sinh hoạt tinh thần của con người trong cộng đồng ấy. Thấp thoáng trong bóng lá bồ đề, bên những tàn lá thốt nốt xòe rộng, mái chùa Khmer vươn lên cong vút, cùng với nóc nhọn của các ngọn tháp tạo nên một vẻ duyên dáng hài hòa với cảnh quan chung. Mọi tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Khmer như đều hội tụ vào ngôi chùa, biến chúng thành những đóa hoa kiến trúc rực rỡ.

Theo thống kê năm 2015, trên toàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay có 92 ngôi chùa Khmer. [23, tr. 2] So với số lượng chùa của người Kinh, người Hoa cùng sinh sống trên mảnh đất Sóc Trăng thì chùa của người Khmer có số lượng lớn hơn nhiều. Mỗi khu vực dân cư (trước đây là phum, sóc nay là xóm, ấp) của người Khmer đều thường có một ngôi chùa. Vị trí xây dựng chùa cũng được xem xét, chọn lựa rất kỹ lưỡng, vì đây là nơi thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer. Nơi xây dựng chùa Khmer thường nằm ở trung tâm của phum, sóc trên một khu đất rộng rãi, cao ráo, đồng bào dễ đi lại.

Các ngôi chùa Khmer hầu như đều được xây dựng theo một mô hình, kiểu cách thiết kế thống nhất. So với kiến trúc Angkor – được vua Suryavarman II cho xây dựng vào đầu thế kỷ XII, chùa Khmer Nam Bộ không đồ sộ, hoành tráng bằng nhưng vẫn có phong cách tạo hình mang tính nghệ thuật cao. Đó là sự duyên dáng ở bộ mái cong thường được chạm đầu rắn Naga hoặc đuôi rắn có thể được lý giải như hình ảnh những chiếc ghe ngo cong vút đang bơi giữa vùng sông nước. Cấu trúc này đã tạo nên một nét đẹp tạo hình, giúp cho mái chùa được uyển chuyển hơn. Mái chùa ngày nay

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 53 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)