GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG CỦA NGÔI CHÙA NAM TÔNG ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC ĐỒNG BÀO KHMER

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 92 - 97)

Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

2.3. GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG CỦA NGÔI CHÙA NAM TÔNG ĐỐI VỚI VIỆC GIÁO DỤC ĐỒNG BÀO KHMER

Khi còn tại thế, Đức Phật đã nhận định một cách chính xác rằng nguồn gốc của mọi dục vọng, tội ác và khổ đau phát xuất từ sự vô minh, ngu dốt, do đó tất cả mọi người đều phải xem trọng sự nghiệp giáo dục, từ giáo dục trí tuệ, đạo đức cho đến giáo dục thể chất. Trong khi hoạt động tôn giáo, nhà chùa còn là nơi hoạt động từ thiện xã hội, tuyên truyền giáo dục đồng bào Phật tử làm việc thiện, luôn tự tu tâm luyện đức tính tốt, học giáo lý nhà Phật, học văn hóa cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc. Lâu nay, các nhà sư được cộng đồng xem như là thầy giáo vừa có tài vừa có đức, là những người có vị trí cao trong cộng đồng. Vì lẽ đó cho nên người Khmer thường cho con trai của mình đi tu tại chùa.

Chính vì những đóng góp quan trọng như thế nên ngôi chùa đã được đồng bào dân tộc Khmer nhìn nhận nó như là một biểu tượng trong vấn đề giáo dục. Tìm hiểu vai trò của ngôi chùa đối với giáo dục của người Khmer tức là tìm hiểu lịch sử của các “ngôi trường” ấy trong quá khứ, những đóng góp thiết thực của nó trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Từ trong truyền thống, hầu hết những ngôi chùa của dân tộc Khmer đều có lớp dạy chữ Khmer và Pali cho sư sãi và con em đồng bào dân tộc Khmer trong phum, sóc. Số lượng học sinh tu học ở chùa nhiều hay ít tùy

theo vị trí của từng chùa. Có chùa chỉ là nơi đón nhận con em và một ít sư sãi đang tu sống tại chùa cũng như trong phum, sóc đến học; còn có chùa do nằm ở vị trí thuận lợi trong giao lưu, đi lại cho nên đã trở thành trung tâm tập hợp rất nhiều sư sãi trong khu vực, từ nhiều tỉnh về tu học, như ở Sóc Trăng có chùa Champa, Xẻo Me….

Phải thừa nhận rằng nhà chùa đã có công lớn trong việc giáo dục sư sãi cũng như người Khmer trong phum sóc. Thanh niên từ lúc mới lớn đã vào chùa để học kinh luật, thấm nhuần giáo lý từ bi cứu khổ của Phật Thích Ca. Văn hóa phổ thông, tiếng mẹ đẻ và cả tiếng Pali… cũng từ ngôi chùa mà được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác”. [63, tr. 213]

Thông qua ngôi chùa, ngoài giáo lý nhà Phật, ngôn ngữ dân tộc, sư sãi cũng như con em đồng bào dân tộc Khmer cũng được truyền dạy quan niệm về đạo đức, thuật ứng xử, lối sống mẫu mực, phong tục dân tộc. Bên cạnh đó chùa còn mở thêm các lớp dạy chữ cho các học sinh, sinh viên đang theo học ở các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn khi có nhu cầu. Được hình thành kể từ những ngày ngôi chùa xuất hiện trong phum, sóc, vị trí của các lớp học này có một tầm quan trọng đáng kể. Chính trong buổi đầu hình thành phum, sóc, ngôi chùa trở thành vị trí trung tâm của tất cả các lĩnh vực văn hóa. Từ trong truyền thống, việc giáo dục của chùa trở thành một trung tâm giáo dục duy nhất văn hóa Khmer cho tất cả các thành viên trong phum, sóc.

Chính tính chất quan trọng và duy nhất của chùa ở từng phum, sóc buổi đầu này đã góp phần tăng thêm vị trí của sư sãi – những người đã làm lễ xuất gia để vào chùa tu học, để có thể tiếp thu kiến thức về nhiều mặt. Do đó, sư sãi đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển giáo dục trong chùa. Để đảm đương tốt việc giáo dục, tiếp nối việc đào tạo con em đồng bào dân tộc Khmer, các sư sãi sau khi học xong trở thành người thầy

giảng dạy trong các ngôi trường – chùa. Ngôi chùa trở thành một trung tâm giáo dục về nhiều mặt, trong đó trường chùa góp phần lớn vào việc truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ người Khmer, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những nhận định trên ta có thể thấy rằng ngôi chùa đã trở thành một biểu tượng khi tiếp cận đến vấn đề giáo dục trong cộng đồng người Khmer, tầm quan trọng của ngôi chùa có thể thấy rõ trong lịch sử với số lượng đến 92 ngôi chùa Nam tông Khmer ở Sóc Trăng.

Tuy nhiên, mối quan hệ nhiều chiều giữa sư sãi với những ngôi trường – chùa và những ảnh hưởng của những sự biến đổi của thời cuộc đã góp phần khiến cho vị trí vốn có của ngôi trường – chùa thay đổi.

Trong thời gian thực dân Pháp thống trị, trường – chùa được xem như là một hệ thống giáo dục bổ sung cho hệ thống giáo dục của Nhà nước thuộc địa. Bên cạnh việc dạy và học chữ Khmer thì trong chùa còn có dạy và học thêm chữ Pháp. Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những ngôi trường – chùa này hoạt động độc lập, không nằm trong hệ thống quản lý của nhà nước.

Ngôi chùa, từng bước cùng với sự chuyển đổi kinh tế, chính trị, xã hội cả nước, đã có những thay đổi, đặc biệt là cơ cấu tổ chức trong nhà chùa, do sự sụt giảm số lượng các tu sĩ. Có thể nói rằng, sư sãi đóng góp một phần quan trọng vào sự biến đổi vị trí và vai trò của trường – chùa trong lịch sử.

Theo thống kê năm 1994, toàn tỉnh Sóc Trăng có 2.095 sư sãi nhưng đến năm 2015 thì chỉ còn lại 1.758 người. [23, tr. 2] Có nhiều nguyên nhân của tình trạng sụt giảm số lượng sư sãi này. Do thời gian tu hành không cố định nên tu sĩ có thể hoàn tục bất cứ lúc nào, thanh niên hoàn tục sau một thời gian rất ngắn tu học ở chùa, như chùa Sê Rây Trà Sết ở Vĩnh Châu có sư chỉ ở chùa ba tháng. Điều này dẫn đến việc trẻ hóa đội ngũ sư sãi trong chùa.

Nếu như trước kia, các vị trụ trì thường là từ 60 đến 70 tuổi, thì nay các vị đã bắt đầu làm trụ trì khi tuổi đời còn rất trẻ…. Tất cả những điều này đã làm

ảnh hưởng khá lớn đến việc giáo dục trong trường – chùa, đến vị trí và vai trò của trường – chùa, của vị trụ trì… trong việc nâng cao trình độ giáo lý và đạo đức, lối sống cho sư sãi và Phật tử khiến chúng ta đặt ra câu hỏi rằng

phải chăng ngày nay sư sãi vào chùa tu không còn là việc mong ước để có thể nâng cao kiến thức chữ Khmer, Pali nữa mà vào chùa chỉ vì ảnh hưởng vốn có của phong tục tập quán?”. [63, tr. 217]

Hơn nữa, sự xuất hiện ngày càng nhiều trường phổ thông, trường dạy nghề… trong cơ cấu mạng lưới giáo dục Nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu học tập của đồng bào dân tộc Khmer… kể cả chữ Khmer và một số môn học khác mà trước đây chỉ được dạy trong các trường – chùa và chỉ chùa Khmer mới có chức năng đó trong cộng đồng người Khmer. Vì vậy, vai trò của nhà chùa Khmer trong giáo dục đã có phần nào thay đổi.

Trong hoạt động đa dạng của ngôi chùa Khmer hiện nay, nếu nơi nào trong địa phương đã có tổ chức trường lớp phổ thông đầy đủ cho con em người Khmer theo học thì trường – chùa sẽ dần trở thành trung tâm học tập cộng đồng, nơi bồi dưỡng kiến thức tiếng Khmer, về đạo đức, lối sống, xóa mù chữ và là nơi dạy nghề cho đồng bào.

Ngày nay, với vị trí quan trọng của mình, chùa Khmer đã và đang là một trung tâm khuyến nông, hướng nghiệp, cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, các biện pháp canh tác nông nghiệp cho đồng bào trong khu vực.

Điều này đã cho thấy nhà chùa đã rất có trách nhiệm với Phật tử của mình.

Trong thời gian gần đây, do sự tác động và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nhà chùa đã đi tiên phong và vận động bổn đạo thay đổi nếp canh tác không còn phù hợp, phá thế độc canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với những việc làm trên, trường – chùa còn có thể là nơi bảo tồn, truyền bá các loại hình văn hóa của dân tộc Khmer như các điệu múa Lâm

Thôn, Rơ Băm, các nhạc cụ dân tộc Khmer như chơi đàn ngũ âm (Phlêng Pinpeat), đàn Tà-khê..., nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và văn học dân gian Khmer…. Nhờ vào các lớp dạy nghề cho đồng bào như: điêu khắc, đúc các hình tượng phổ biến trong chùa, xây dựng các kiến trúc Khmer… các sư sãi đã truyền lại các tinh hoa của dân tộc mình cho các thế hệ sau, việc này vừa góp phần vào sự nghiệp giữ gìn và bảo tồn các vốn tinh hoa truyền thống của dân tộc vừa tạo thêm việc làm cho người dân. Thông qua việc dạy tiếng Khmer, kêu gọi, động viên con em đồng bào dân tộc đi học và học tập tốt, nhà chùa đã sát cánh cùng ngôi trường xã hội góp phần vào việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với vai trò và sự nỗ lực của các chùa, việc phát triển giáo dục trong vùng đồng bào Khmer đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần vào giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ dân trí cho con em đồng bào, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, đồng thời làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hơn nữa, việc giáo dục của chùa cũng đã tạo nền tảng ngôn ngữ Khmer cho những người hoạt động song ngữ trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cũng chính nhờ sự phát triển giáo dục trong chùa đã tạo cho đồng bào tình cảm gắn bó khăng khít với quê hương, gắn bó với việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc học trong các trường – chùa ít tốn kém và mang tính xã hội hóa cao, kể cả từ hai phía người dạy lẫn người học cho nên đã tạo điều kiện cho con em đồng bào Khmer nói chung và đồng bào Khmer nghèo nói riêng được đi học, nâng cao trình độ và đặc biệt là thực hiện được mục tiêu “diệt giặc dốt” mà Bác Hồ đã từng đề ra.

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 92 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)