Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG
1.3. TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER
1.3.2. Nhân sinh quan Phật giáo Nam tông Khmer
Trọng tâm giáo lý của Phật giáo nằm trong Tứ diệu đế (Cattari-Ariya- saccani) mà Đức Phật đã chỉ ra trong bài thuyết pháp đầu tiên của mình cho những người bạn cũ – năm anh em Kiều Trần Như (Kondanna) trong vườn Nai. Đây được xem là một trong những yếu lý căn bản của Phật giáo.
Tứ diệu đế có thể dịch là bốn chân lý cao cả bao gồm: Khổ đế (Dukka- ariya-sacca), Tập đế (Dukkha-samudaya-ariya-sacca), Diệt đế (Nirodha- ariya-sacca) và Đạo đế (Magga-ariya-sacca).
Khổ đế: Theo Phật giáo, cuộc sống đầy rẫy sự khổ đau. Thật khó có một chữ nào có thể bao quát được toàn thể ý nghĩa của từ “Dukka”. Danh từ
“Dukka” chứa đựng ý nghĩa rõ ràng là “khổ”, nhưng ngoài ra nó còn bao hàm những ý nghĩa khác sâu sắc hơn như “bất toàn”, “vô thường”, “giả tạm”…. Nhiều người đã xem Phật giáo là yếm thế bi quan khi Phật giáo quan niệm “đời là bể khổ”, tuy nhiên, Phật giáo không hề bi quan lẫn lạc quan, nó chỉ phán ảnh một cách khách quan, chân thực về bản chất của cuộc đời và thế giới xung quanh.
Sinh khổ: Đức Phật đã chỉ ra sinh là một cái khổ. Con người khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, cũng là khổ. Mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc, đó là khổ. Sinh con ra rồi thì cha mẹ cũng phải khổ để chăm sóc, nuôi dạy con khôn lớn.
Con người sống trên đời phải mưu kế sinh nhai, cũng là khổ.
Lão khổ: khi đến tuổi già thì thân thể trở nên già nua, mắt mờ, tai yếu, khả năng nhận thức và ghi nhớ bị yếu đi, sự bám chặt vào thói quen và thành
kiến gia tăng, không thích nhìn về phía trước (cái chết) mà chỉ muốn nhìn lui về quá khứ đầy nhớ thương sâu đậm và cũng đầy giả ảo. Đó là khổ.
Bệnh khổ: con người phải chịu đau đớn, khổ sở cả về thể xác và tinh thần khi mắc bệnh. Hầu hết mọi người đều không muốn nghĩ đến bệnh tật cho nên ngay khi họ đối mặt với nó họ càng cảm thấy đau khổ hơn.
Tử khổ: khi sắp chết thì sợ hãi tinh thần rất khổ. Chết đi rồi thì thân xác phân hủy, hôi tanh, gia quyến đau lòng. Đó là khổ.
Ái biệt ly khổ: con người phải chịu khổ khi yêu mà lại phải chia lìa điều mình yêu, hàng ngày đem lòng mong nhớ. Đó là khổ. Có hai loại ái biệt ly khổ: sinh ly (chia lìa nhau khi còn sống) và tử biệt (chia lìa nhau khi chết).
Sở cầu bất đắc khổ (hay cầu bắt đắc khổ): con người khổ khi không được toại (bất đắc) nguyện vọng, tham muốn, khao khát của bản thân (sở cầu). Chẳng hạn, lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc; lúc no lại muốn giàu sang phú quý.
Oán tăng hội khổ: con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những thứ mà không thích hoặc oán ghét.
Ngũ uẩn khổ: Con người khổ vì có sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành và thức trong cơ thể. Chẳng hạn, mơ ước (tưởng) quá thì cũng khổ, biết (thức) nhiều thì cũng khổ. Con người chấp thủ vào ngũ uẩn của mình, bám chặt vào những thứ con người mê muội mà nghĩ rằng đó là
“tôi” hay “của tôi”.
Tập đế: do những nguyên nhân quá khứ kết tập lại mà có gây ra đau khổ. Chữ “tập” ở đây có nghĩa là tích tụ mà khởi lên. Nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập chính là tham ái, do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái. Sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến khổ đau, bởi vì lòng khao khát ấy không bao giờ thỏa mãn.
Nguyên nhân cơ bản sinh ra cái khổ chính là lòng tham, sân, si khiến con người không thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà sinh khởi, đều vô thường và chuyển biến, không có cái chủ thể, cái bền vững độc lập ở trong chúng. Do không thấy rõ nên sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Do không thấy rõ mới lầm tưởng rằng “cái tôi” là quan trọng nhất, là cái có thực cần phải bám víu, củng cố và thỏa mãn nhu cầu của nó. Nói cách khác, do vô minh mà có chấp thủ “cái tôi” và “cái của tôi” như thân tôi, tư tưởng của tôi, người yêu của tôi, tài sản của tôi, sự nghiệp của tôi....
Do những chấp thủ ấy mà có những nỗi thống khổ của cuộc đời.
Muốn hiểu biết nguyên nhân của sự vật thì phải tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Mọi sự vật đều luôn biến đổi, không có gì ổn định, có quy luật nhân quả của nó. Phật giáo đưa ra thuyết Duyên khởi (paticca-samuppàda) để giải thích căn nguyên nỗi khổ của con người. Nguyên tắc của lý thuyết này được tóm tắt trong công thức như sau:
Cái này có, thì cái kia có Cái này sinh thì cái kia sinh
Cái này không có, thì cái kia không có Cái này diệt thì cái kia diệt.
“Nếu cái này có, cái kia có; do cái này sanh, cái kia sanh. Nếu cái này không có, cái kia không có; do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh; do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi”. [17, tr. 389 – 390]
Duyên khởi gồm mười hai yếu tố hay còn gọi là Thập nhị nhân duyên.
Mười hai yếu tố bao gồm:
Vô minh (avijjà): chỉ trạng thái mê lầm, không thấy được ánh sáng của sự giải thoát. Vô minh sinh ra hành.
Hành (sankhàra): những hành động mà thiếu suy nghĩ do vô minh.
Thức (vinnàna): sự nhận thức có sự phân biệt đối tượng nhưng chưa có phản ứng tâm lý. Kết quả mang lại từ sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần.
Có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Danh sắc (nàma-rùpa): yếu tố tinh thần và yếu tố vật chất tạo nên con người.
Lục nhập (salàyatana): ngũ quan và ý thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
Xúc (phassa): cảm giác của ngũ quan và ý thức đối với sự vật, hiện tượng. Đây là sự gặp gỡ của ba yếu tố căn, trần và thức tương ứng với căn hay có thể nói đây là sự gặp gỡ giữa chủ thể nhận thức, đối tượng nhận thức và nội dung nhận thức.
Thụ/ thọ: (vedanà): sự nhận lấy, cảm thụ. Kết quả từ việc sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Ái (tanhà): sự ham muốn, yêu thích.
Thủ (upàdàna): chấp thủ, sự nắm giữ làm của riêng.
Hữu (bhava): cảnh giới hiện hữu, những cảnh giới mà chúng sinh có mặt, những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới.
Sinh/ sanh (jàti): sự xuất hiện của thân ngũ uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức gọi là sinh.
Lão tử (jàra-marana): cuộc đời sau khi đã sinh ra thân ngũ uẩn, giải hợp, tất cả rồi sẽ già, chết.
Mười hai nhân duyên kể trên có quan hệ mật thiết với nhau tạo thành những mắt xích. Để đi đến con đường giải thoát, con người phải cắt đứt mắt xích ấy có thể ở bất cứ đoạn nào. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì
thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt… cho đến khi sinh diệt thì lão, tử, khổ đau… cũng bị diệt.
“Nhưng do sự diệt trừ, sự ly tham hoàn toàn của chính vô minh này, các hành diệt; do các hành diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt”. [17, tr. 390]
Mười hai nhân duyên này theo Đức Phật đó chính là sự sinh, sự hóa ra cái khổ, nguyên lai của chúng là từ vô minh. Quan niệm này phản ánh quá trình và diễn tiến của vạn vật theo quan hệ nhân quả. Trong quan hệ nhân quả, sở dĩ có cái này ở hiện tại vì cái đó đã được tạo tác ra từ trong quá khứ.
Chính vì vậy, tín đồ Phật giáo thường nhắc nhau: muốn biết bản thân mình thế nào trong hiện tại, phải xem xét quá khứ ra sao, còn muốn biết tương lai thế nào, hãy xem xét bản thân mình ở thời điểm hiện tại.
Diệt đế: Muốn diệt trừ khổ đau hoàn toàn, con người phải diệt đi cái gốc của khổ đó chính là lòng tham, sân, si để đi đến giải thoát. Tư tưởng giải thoát là sợi chỉ đỏ xuyên suốt giáo lý nhà Phật, đây là tư tưởng chủ đạo của Phật giáo. Giải thoát chính là xóa bỏ vô minh, dập tắt dục vọng, vượt lên sự ràng buộc của thế giới hiện tượng, chấm dứt sự sinh tử luân hồi bằng con đường rèn luyện đạo đức, mài dũa trí tuệ. Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật nói rằng: “Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát”. [16, tr. 563]
Đạo đế: con đường, cách thức để dẫn đến sự giải thoát. Phật giáo đi trên con đường Trung đạo (Majjhimà-patipada) để đến sự giải thoát. Ở đây, con đường Trung đạo này tránh được hai cực đoan là chạy theo hạnh phúc khoái lạc của giác quan (như theo quan điểm tu tập của phái Lokayata) hay tìm kiếm hạnh phúc, giải thoát thông qua con đường tu hành ép xác (theo
quan điểm của đạo Jaina). Trung đạo này thường được miêu tả là Bát chính đạo (Ariya-Atthangika-Magga).
Bát chính đạo là tám con đường chân chính, bao gồm tám phạm trù:
Chính kiến (sammà-ditthi): hiểu biết, nhận thức đúng đắn.
Chính tư duy (sammà-sankappa): suy nghĩ chân chính.
Chính ngữ (sammà-vàca): chỉ nói điều ngay thẳng, trung thực, đúng đắn, không nói điều giả dối, không nói ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa.
Chính nghiệp (sammà-kammanta): hành động chân chính, không làm việc ác, tà gian.
Chính mạng/mệnh (sammà-àjiva): sinh sống bằng nghề chân chính không phải bằng nghề bất lương, sống một cách trung thực, chân chính, không gian tà, tham lam.
Chính tinh tấn (sammà-vàyama): cố gắng nỗ lực trong học tập, tu luyện, vươn lên theo con đường chân chính, bỏ việc ác làm việc thiện.
Chính niệm (sammà-satti): suy niệm về những việc chân chính, loại bỏ tà niệm.
Chính định (sammà-samàdhi): tập trung tư tưởng chân chính, không để tư tưởng của bản thân chạy theo dục vọng.
Để chỉ ra quy luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả, Phật giáo cũng đưa ra ý niệm về “nghiệp” (kamma), nghiệp có nghĩa là hành động.
Theo Phật giáo, mỗi tác động nghiệp dưới một điều kiện nhất định sẽ tạo ra quả. Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại người tạo ra nó. Muốn thành quả, nghiệp phải là một hành động tốt/ thiện (kusala) hay xấu/ bất thiện (akusala) và là hành động có chủ ý. Vì sự hành động có chủ ý đó, một nghiệp để lại dấu vết nơi tâm thức của con người tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu
và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm chúng sinh, trong đó có con người, cứ lưu mãi trong vòng luân hồi. Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động của con người trong cuộc đời vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh nhưng sự phản ứng với hoàn cảnh này vẫn do con người quyết định. Đức Phật đã dạy rằng: “các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”. [17, tr. 539 – 540] Nhân quả là một quy luật tự nhiên có tính cách bất di bất dịch, nó không bao giờ thay đổi trong không gian và thời gian. Nó không phải là sự trừng phạt một cách độc đoán mà chỉ tạo ra một hậu quả không thể tránh, tương đương với nguyên nhân đã gây ra nó.