Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG
2.2. GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG CỦA NGÔI CHÙA NAM TÔNG ĐỐI VỚI TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO VÀ VAI TRÒ GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI NGƯỜI KHMER
2.2.1. Giá trị biểu tượng của ngôi chùa Nam tông đối với tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer
Một xã hội muốn phát triển có trật tự và ổn định, cần phải có giá trị chung làm cơ sở căn bản, tập trung tư tưởng của các thành viên trong đó lại với nhau. Trong lịch sử nhân loại, thứ giá trị làm được điều này đó là tôn giáo vì nó mang yếu tố tâm linh, tính siêu việt, vượt lên trên các giá trị trần tục. Đối với đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, Phật giáo Nam tông không chỉ có vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo mà còn ảnh hưởng đến nhiều phương diện khác trong đời sống xã hội. Cuộc đời mỗi người dân Khmer từ khi sinh ra đến khi mất đi gần như gắn liền với ngôi chùa, người Khmer dù đi đâu xa vẫn hướng về ngôi chùa của mình ở phum, sóc. Nhà chùa Khmer thông qua những lời thụ giáo, những hoạt động truyền giáo và qua các hoạt động xã hội của các nhà sư đã đóng vai trò là trung tâm tôn giáo, là nơi thực hiện đời sống tâm linh của cộng đồng.
Từ điển Bách khoa Britannica định nghĩa tôn giáo là “mối quan hệ của con người với Thượng Đế hoặc các thần linh, hoặc với bất cứ cái gì mà con người coi là linh thiêng, hoặc, trong một số trường hợp, chỉ là sự siêu nhiên”. [45, tr. 2733]
Ở đây, định nghĩa này chỉ mới nói lên phần hiện tượng chung của tôn giáo, chưa nói lên được cái nguồn gốc, bản chất và chức năng của nó. Với lại,
trong định nghĩa này, ta thấy tôn giáo được đề cập đến là tôn giáo có sự xuất hiện của một đấng linh thiêng là Thượng Đế – đấng sáng tạo nên vạn vật, định nghĩa này không thể bao hàm Phật giáo Nam tông Khmer – tôn giáo được tìm hiểu trong luận văn này. Phật giáo lấy con người là chủ thể quyết định vận mệnh của chính mình. Phật giáo không hề có sự thừa nhận một đấng quyền uy tối cao có thể ngự trị cuộc sống của con người. Đức Phật là một con người lịch sử chứ không phải là Đức Phật được thần thánh hóa. Con người là kẻ duy nhất tạo tác, gặt hái, và điều hành định mệnh của chính y.
Karl Marx (1818 – 1883) đã chỉ ra nguồn gốc của tôn giáo khi cho rằng: “…tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm được bản thân mình hoặc đã để mất bản thân mình một lần nữa. Nhưng con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới.
Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược, vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược”. [12, tr. 569] Theo ông, tôn giáo không sản sinh ra con người mà chính con người đã tạo ra tôn giáo. Tôn giáo là sản phẩm của con người mà con người đó sống và hoạt động trong xã hội do nhà nước quản lý, điều hành, chi phối; khi con người gặp phải những vấn đề khó khăn, phức tạp trong cuộc sống, họ không lý giải được, rơi vào bế tắc, dẫn đến bất lực, sợ hãi… buộc phải đi tìm lời giải ở một lực lượng siêu nhiên nào đó không có trong cuộc sống thực, để rồi tin tưởng vào lời giải ấy với một đức tin.
F. Engels (1820 – 1895) bổ sung thêm và chỉ ra bản chất của tôn giáo:
“…tất cả tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”. [13, tr. 437]
Mặc dù tôn giáo chỉ là thế giới quan lộn ngược, chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người nhưng tôn giáo vẫn có những chức năng nhất định của nó. Tôn giáo có bốn chức năng chính như sau:
Chức năng thứ nhất của tôn giáo là an ủi con người. Trong lời nói đầu của tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen”, Karl Marx đã nêu lên một chức năng quan trọng của tôn giáo đó là một liều thuốc tâm linh giúp xoa dịu nỗi đau của con người: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. [12, tr. 570] Tôn giáo phần nào đó đã có tác dụng làm vơi nỗi khổ đau của con người bằng cách trút được “tiếng thở dài” của họ.
Giống như thuốc phiện làm người ta quên đi cái đau thể xác, tôn giáo đã tạo ra cái vẻ bề ngoài của “sự giảm nhẹ” tạm thời những nỗi đau khổ tinh thần của con người, an ủi cho những sự mất mát, thiếu hụt của con người trong cuộc sống. Chức năng an ủi con người không chỉ là chức năng chủ yếu, đặc thù mà còn là chức năng phổ biến của tôn giáo. Ở đâu có tôn giáo ở đó có chức năng nêu trên. Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp, nó không chỉ thực hiện một chức năng mà gồm một hệ thống chức năng xã hội. Mặc dù là chức năng chủ yếu nhưng chức năng an ủi con người không thể tách rời các chức năng khác của tôn giáo.
Tôn giáo thể hiện chức năng thứ hai của nó với tư cách là một thế giới quan. Khi phản ánh thế giới hiện thực, tôn giáo có tham vọng tạo ra một bức tranh của mình về thế giới ấy nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức của con người dưới một hình thức phi hiện thực. Tôn giáo thiết lập cho con người một thế giới bên kia, siêu hình và xa rời thực tại. Bức tranh tôn giáo ấy bao gồm hai bộ phận: thế giới thần thánh và thế giới trần tục và trên cơ sở đó mà tôn giáo giải thích các vấn đề của tự nhiên cũng như xã hội. Sự lý giải của
tôn giáo về thế giới nhằm hướng con người tới cái siêu nhiên, thần thánh, đôi khi xem nhẹ đời sống hiện thực. Ví dụ như Thiên Chúa giáo quan niệm có Thiên đàng và Hỏa ngục bên kia thế giới thực tại.
Chức năng điều chỉnh là chức năng tiếp theo của Tôn giáo. Tôn giáo đã tạo ra một hệ thống các chuẩn mực, những giá trị nhằm điều chỉnh cách tư duy, suy nghĩ, hành vi của những tín đồ. Những hành vi được điều chỉnh ở đây không chỉ là những hành vi trong thờ cúng mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội của giáo dân. Vì vậy, hệ thống chuẩn mực, giá trị trong lý thuyết đạo đức và xã hội mà tôn giáo tạo ra đã ảnh hưởng quan trọng đến mọi hoạt động của con người. Tôn giáo có thể điều chỉnh con người theo hướng tốt đẹp hơn, dạy con người làm điều lành, tránh điều dữ, hạn chế phần “con”, phát triển phần “người”, chúng ta có thể ví tôn giáo như một cái phanh hãm, nó có thể kìm hãm con người dừng lại bên bờ vực tội lỗi, trước vùng ranh giới giữa thiện và ác, giữa bóng tối và ánh sáng... nhưng đôi khi do sự bảo thủ của mình, do sự lợi dụng tôn giáo của những thế lực xấu đã khiến cho việc điều chỉnh của tôn giáo trở nên không tiến bộ, phản khoa học. Sức mạnh điều chỉnh của tôn giáo là rất lớn, thậm chí có thể mạnh hơn cả pháp luật.
Tôn giáo còn một chức năng nữa là liên kết xã hội. Thông qua các hoạt động, tôn giáo có khả năng liên kết những người có cùng đức tin thành một khối cộng đồng người. Do cùng chung một niềm tin, cùng bị ràng buộc bởi một giáo lý, giáo luật nên sự gắn kết của cộng đồng này rất chặt chẽ, lâu bền.
Hơn nữa trong những điều kiện xã hội nhất định, tôn giáo có thể biểu hiện như là ngọn cờ tư tưởng của sự chống đối lại xã hội, chống lại chế độ phản tiến bộ đương thời.
Có thể nói rằng, tôn giáo là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của con người trong xã hội,
tôn giáo tạo cho con người có niềm tin vào thế giới vô hình, nhưng con người vẫn sống trong cuộc sống hữu hình nơi trần thế. Khoa học và tôn giáo đều có những giá trị nhằm để giải thích thế giới. Có những điều khoa học chưa giải thích được thường có khuynh hướng được đưa vào những lý giải của tôn giáo. Khi nào việc nhận thức của con người còn chưa đạt đến sự toàn thiện, toàn tri thì lúc đó tôn giáo vẫn còn lý do để tồn tại.
Liên quan đến hình thái ý thức tôn giáo là tín ngưỡng. Tín ngưỡng là một nhu cầu tâm linh tự nhiên và không thể thiếu của loài người khi mới bắt đầu có ý thức về thế giới tự nhiên, nhìn nhận tự nhiên như một khách thể.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì: “Tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên, hay nói gọn lại là niềm tin, ngưỡng vọng vào “cái thiêng”, đối lập với cái “trần tục”, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Có nhiều loại niềm tin, nhưng ở đây là niềm tin của tín ngưỡng là niềm tin vào “cái thiêng”. Do vậy, niềm tin vào cái thiêng thuộc về bản chất của con người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng như giống đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm...”. [82, tr. 16]
Nhìn chung, tín ngưỡng có thể hiểu là hệ thống các niềm tin mang tính chất thiêng liêng mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cộng đồng, tín ngưỡng còn là thể hiện giá trị của cuộc sống.
Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Tôn giáo và tín ngưỡng có sự khác biệt nhau ở chỗ tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian nhiều hơn tôn giáo, tín ngưỡng không có tổ chức chặt chẽ như tôn giáo. Hơn nữa, tín ngưỡng không có hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo và nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tuy nhiên nếu phát triển đến một mức độ nào đó tín ngưỡng có thể trở thành tôn giáo.
Đới với người Khmer, Phật giáo Nam tông chiếm một địa vị độc tôn, có thể xem như là “dân tộc giáo”, dù bên cạnh đó vẫn còn những tín ngưỡng, tập tục, lễ thức mang màu sắc dân tộc và đạo Bà-la-môn – vốn là một tôn giáo ra đời trước Phật giáo.
Như đã nói, ngôi chùa Khmer là một sự dung hòa của nhiều loại hình tín ngưỡng trong đó Phật giáo giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong ngôi chùa Khmer, không chỉ có Phật giáo được thể hiện mà ở đó còn có sự hiện diện của những loại hình tín ngưỡng khác như tín ngưỡng dân gian và đạo Bà-la-môn.
Tín ngưỡng dân gian: người Khmer có tục thờ Neakta, đây được xem là tín ngưỡng cổ xưa tiền Phật giáo của dân tộc Khmer mà cho đến nay vẫn còn tồn tại. Neakta được xem như vị thần bảo hộ phum, sóc của người Khmer tương tự như Thành Hoàng làng của người Việt. Trong tiếng Khmer,
“neak” có là tiếng dùng để chỉ người (neak srei: người con gái, neak pros:
người con trai…) còn “tà” chỉ một người đàn ông lớn tuổi. Trên đường đi vào các phum, sóc của người Khmer ở Sóc Trăng có nhiều miếu thờ Neakta.
Neakta không có hình dạng rõ ràng, có khi người dân thờ một bức tượng có khi thờ tượng trưng bằng vài hòn đá to và nhiều hòn đá nhỏ hình bầu dục nhẵn bóng tự nhiên. Về nguồn gốc của Neakta, cho đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết đặt ra, có giả thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ tín ngưỡng Bà-la- môn, còn có giả thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ tục thờ đá. Dù có nguồn gốc thế nào chăng nữa thì Neakta vẫn được người Khmer xem là vị thần bảo hộ, được xây dựng miếu thờ ở trong phum, sóc (gọi là Neakta Mê-cha-sóc), trong khuôn viên các chùa (gọi là Neakta Wat). Trước kia, khi có xích mích, khiếu kiện, nghi kị lẫn nhau họ đến miếu Neakta để giải quyết bằng cách thề thốt trước sự chứng giám vị thần này. Người bị bệnh thường đến đây cầu nguyện và hứa trả lễ khi lành bệnh, ai mất mát đồ đạc gì cũng khấn Neakta
nhờ tìm và chỉ giúp. Cùng với tục thờ Neakta là tục thờ Arak (vị thần bảo hộ có quyền năng ít hơn Neakta), theo quan niệm của người Khmer, Arak được xem là vị thần bảo hộ cho gia đình, dòng tộc tránh khỏi những điều xui xẻo và được những điều may mắn. Từ đó, chúng ta thấy được tín ngưỡng dân gian của người Khmer không chỉ có sức sống mãnh liệt mà còn thể hiện sự hài hòa, thích ứng cao độ của tinh thần Khmer bản địa.
Đạo Bà-la-môn: trước khi Phật giáo Nam tông du nhập và trở thành tôn giáo chính thống thì người Khmer đã có thời kỳ dài theo đạo Bà-la-môn.
Sang đến thế kỷ XIII, Phật giáo Nam tông truyền sang và đẩy lui tín ngưỡng Bà-la-môn rồi vươn lên chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Khmer cho đến ngày nay. Tuy đạo Bà-la-môn suy tàn nhưng những di sản của nó vẫn còn sót lại ảnh hưởng đến phong tục, tập quán của người Khmer. Những dấu tích còn sót lại này thể hiện qua những vị thần, những linh vật như thần Maha Prum, rắn thần Naga, tiên nữ Keyno, chim thần Garuda, Reahu và Yeak. Sau khi Phật giáo thắng thế, hầu như những vị thần này đều nương về theo Phật giáo với những biến đổi khác nhau.
Việc thờ cúng những lực lượng thiên nhiên, những vị thần linh tuy không được Phật giáo thừa nhận nhưng vẫn được chấp nhận bởi lẽ nó đã ảnh hưởng sâu sắc trong nhận thức, trong đời sống xã hội của người Khmer. Phật giáo là một tôn giáo hiền hòa, sẵn sàng mở rộng vòng tay từ bi đón lấy những giá trị khác biệt. Cũng vì sự hiền hòa, chấp nhận dung nạp những tín ngưỡng khác đã khiến Phật giáo Nam tông có cơ hội cắm rễ sâu trong tâm thức của người Khmer.
Tôn giáo nói chung và Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer nói riêng là chỗ để con người tìm thấy niềm an ủi, nó là liều thuốc giảm đau giúp con người vượt qua những khó khăn, đau khổ trước mắt. Từ thời sơ khai, khi đối diện với thiên nhiên mênh mông, hùng vĩ, uy lực vô hạn, con người đâm
ra kinh sợ thiên nhiên. Một cơn bão thổi qua làm tan hoang hết cửa nhà, người ta cho rằng đó là do thần gió phá hại; một dòng nước lũ quét mạnh qua cuốn trôi đi hoa màu, gia súc và giết chết rất nhiều người làm cho người ta nghĩ rằng đó là sự trừng phạt của thần nước…. Thế là người ta thần thánh hóa thiên nhiên, cho rằng các thế lực siêu nhiên, thần thánh ấy chi phối vận mệnh con người, con người phải cầu nguyện các thế lực ấy để mong được thoát khỏi tai họa để cuộc sống bình an. Niềm tin tôn giáo luôn chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc của một tôn giáo. Người ta khó có thể trở thành tín đồ của một tôn giáo nào đó nếu không có niềm tin đặt vào tôn giáo ấy, niềm tin không chỉ tác động vào lý trí mà còn tác động vào tình cảm. Từ khi Phật giáo thâm nhập vào xã hội của người Khmer thì người dân bắt đầu cho rằng Đức Phật cũng có đủ quyền năng giống như các thế lực siêu nhiên mà họ đã tin vào. Thậm chí, hình ảnh Đức Phật lại gần gũi với họ hơn vì Ngài có hình tượng cụ thể, có kinh sách rõ ràng. Cho nên khi có những tai biến, người dân Khmer tìm đến Đức Phật để cầu nguyện. Một cách nào đó cho thấy, sự van xin hay cầu nguyện Đức Phật theo thể thức của một tôn giáo chỉ mang tính chất tự trấn an mang đặc tính người mà thôi. Tuy nhiên, điều đó vẫn được chấp nhận và duy trì trong hình thức của một tôn giáo như là căn tính ban đầu của con người trong lúc mọi đau khổ và bất an đang đè nặng trên đôi vai của họ. Cầu nguyện hay van xin Đức Phật không phải là con đường đạt đến mục đích của Phật giáo là sự giải thoát mà muốn đạt đến sự giải thoát thì con người phải nắm bắt được Tứ diệu đế và tôi luyện bản thân theo Bát chính đạo – con đường Trung đạo mà Đức Phật đã vạch ra.
Đồng bào Khmer đến với chùa mong muốn làm được những điều thiện để kiếp sau có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chùa là nơi thờ Đức Phật – người từ bi và giác ngộ. Về đời sống đạo, yếu tố con người được xem là yếu tố chính chứ không phải tôn thờ những ngẫu tượng là chính vì đạo vốn có ở con