Đặc điểm văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 38 - 43)

Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

1.2. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN; KINH TẾ – XÃ HỘI – VĂN HÓA CỦA CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA DÂN TỘC KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

1.2.3. Đặc điểm văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sinh hoạt kinh tế chủ yếu của đồng bào Khmer Sóc Trăng là canh tác lúa nước, đây là nghề truyền thống có từ lâu đời, đồng bào có nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác này, từ làm đất, gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc đến việc thu hoạch. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Khmer Sóc Trăng còn làm một số nghề khác như: thủ công nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp, chăn nuôi. Những nghề này được người Khmer tranh thủ làm thêm, vừa tận dụng được thời gian rãnh rỗi, vừa tăng thu nhập cho gia đình.

- Về địa bàn cư trú: căn cứ vào địa lý môi sinh, có thể chia hình thái cư trú của người Khmer Sóc Trăng thành các vùng chủ yếu như:

Cư trú trên đất giồng: đây là hình thái cư trú phổ biến nhất và có sớm nhất của người Khmer. Nhờ có vị trí cao nổi lên giữa vùng đất trũng, nên những lớp cư dân Khmer đầu tiên đến Sóc Trăng đã chọn giồng làm nơi cư trú và biết sớm khai phá vùng đất trũng xung quanh giồng trồng lúa nước.

Cư trú trên đất ruộng: do áp lực của việc tăng nhanh dân số, đất giồng không còn đủ để cư trú, mặt khác để tiện lợi trong việc gần đất canh tác, người Khmer chuyển xuống ruộng, đắp thành những giồng nhân tạo để thành lập những phum, sóc mới.

Cư trú ven theo các kênh, rạch nhỏ: hình thức cư trú này giống như những làng xóm của người Kinh. Dọc theo hai bên bờ kênh, rạch các ngôi nhà của người Khmer được xây dựng, phía sau là đất rẫy, rồi đến ruộng.

Cư trú theo trục lộ giao thông: đây là hệ quả của việc mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ. Lúc đầu, do điều kiện địa lý nên những con đường đầu tiên thường được mở theo các giồng đất, hoặc ven các kênh đào. Vì vậy những con đường bộ này thường ngang qua các phum, sóc của người Khmer.

Tuy cư trú dọc theo trục lộ giao thông nhưng đồng bào Khmer chủ yếu vẫn làm ruộng, chỉ có một số rất ít chuyển sang buôn bán hoặc làm các dịch vụ khác. Hình thức cư trú này thấy rõ nhất ở thành phố Sóc Trăng, Vĩnh Châu….

- Về xã hội: trước đây, phum, sóc là những đơn vị cư trú cổ truyền của người Khmer. Mỗi phum có nhiều hộ gia đình có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân cùng cư trú. Một số phum còn có thể có một vài gia đình không có quan hệ huyết thống hay có cả gia đình người Kinh, người Hoa cùng cư trú. Mỗi phum đều có tên gọi riêng, thường gọi theo tên người sáng lập ra phum. Việc quản lý phum do một Mê phum đứng ra đảm nhiệm. Mê phum là người có uy tín và thuộc vai lớn trong dòng họ, là người đại diện cho các thành viên trong phum lo mọi công việc công cộng trong phum và mối quan hệ giữa các phum trong sóc.

Khác với phum, sóc (hay sróc) là một đơn vị cư trú gồm nhiều phum. Ở Sóc Trăng hầu hết các sóc của người Khmer đều có chen lẫn ít nhiều gia đình người Kinh, người Hoa cùng cư trú. Thông thường mỗi sóc có một ngôi chùa Khmer, nhưng cũng có khi hai đến ba sóc ở gần nhau có chung một ngôi chùa.

Tên gọi các sóc thường trùng với tên giồng, có khi gọi theo đặc điểm tự nhiên ở vùng đó, ví dụ: sóc Chông Chak (sóc dừa nước), sóc Vồ (cây lâm vồ)….

Việc quản lý sóc giao cho Ban quản trị sóc, Ban quản trị sóc bầu ra Mê sóc (chủ sóc). Mê sóc là người đàn ông lớn tuổi, hiểu biết khá nhiều về phong tục tập quán của người Khmer và có uy tín trong sóc. Mê sóc và Ban quản trị sóc thay mặt cho các thành viên trong sóc lo các công việc trong sóc cũng như việc quan hệ với các sóc bên ngoài, giữa sóc với nhà chùa.

Ngày nay, tên gọi phum, sóc cũng như hệ thống quản lý và điều hành phum, sóc mang tính chất cổ truyền của người Khmer Sóc Trăng không còn nữa. Các Ban quản trị sóc, mê sóc, mê phum dẩn dần mất hết vai trò, hoặc trở thành nhân viên trong bộ máy hành chính xã, ấp chung trong toàn tỉnh.

- Về tín ngưỡng, tôn giáo: người Khmer Nam Bộ nói chung và Khmer Sóc Trăng nói riêng hiện nay còn giữ ba hình thức tín ngưỡng, đó là: tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng Bà-la-môn và tín ngưỡng Phật giáo Nam tông.

Tín ngưỡng dân gian: Có nguồn gốc xa xưa hơn cả Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Nó được hình thành trong một xã hội mà thiên nhiên còn đầy bí ẩn đối với con người, đó là sự phản ánh những nhận thức ban đầu của con người với những hiện tượng xảy ra xung quanh mà họ chưa lý giải được. Tín ngưỡng dân gian thể hiện những niềm tin của con người về những thế lực siêu nhiên có khả năng khuất phục họ và con người dựa vào đó nhằm tìm sự che chở. Tín ngưỡng dân gian phản ánh những ước nguyện tâm linh của con người và cả cộng động, là niềm tin vào thần linh thông qua những nghi lễ, gắn liền với phong tục tập quán, truyền thống. Đối với người Khmer, tín

ngưỡng dân gian tiêu biểu nhất của họ được thể hiện qua tục thờ Neakta, Arak; thờ vị tổ nghề và thờ cúng tổ tiên. Thứ nhất, người ta tin rằng, trong cuộc sống cá nhân, gia đình, dòng họ, muốn được bình yên, phải có lực lượng thiêng liêng đầy quyền năng che chở, bảo hộ, ấy là Neakta và Arak; đi làm lụng, sản xuất ngoài ruộng rẫy muốn được bình yên, phải nhờ sự bảo hộ của Arak Veal; trong phum muốn có bình yên thì nhờ Arak Phum, còn sóc phải nhờ sự bảo hộ của vị Neakta Mê-cha-sóc và rộng hơn cả cộng đồng, phải nhờ vào sự bảo trợ của Têvada (tiên thánh); do đó mà người ta vái van thờ cúng. Ý niệm này không có nghi lễ gì quy định bắt buộc quá mức. Trong cuộc sống, khi xảy ra những việc cưới xin, sinh nở, đau ốm, tai nạn, chết chóc, hoặc lập phum, làm nhà, xuống mùa… thì người ta không quên van khấn Arak, Neakta, Têvada. Khi được mãn nguyện thì người ta cúng trả lễ, tạ ơn, và cũng không quên đền ơn những người đã giúp: người nhập xác, bà mụ, Achar (thầy cúng).

Thứ hai, người ta tin rằng mỗi nghề nghiệp làm ăn trong cuộc sống như:

thầy thuốc, thầy cúng, hát múa, âm nhạc, thợ mộc, thợ vẽ… sở dĩ có các nghề để cho con người noi theo mà nuôi sống bản thân là do một vị tổ nghề sáng lập, được người ta tôn sùng gọi là Kru (người thầy). Nghề nào thì thờ Kru đó, và mỗi khi làm ăn đạt được kết quả tốt, người ta tổ chức Thvay Kru để tạ ơn.

Thứ ba, người Khmer cho rằng nếu không có ông bà cha mẹ thì không có mình. Ông bà cha mẹ đã sinh ra nuôi dạy cho mình thành người, hướng dẫn việc làm ăn sinh sống, không phải chỉ để lại cho mình của cải vật chất, mà còn tinh thần nữa, do đó phải biết ơn và thờ cúng. Tục này vẫn được người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long truyền nối và bảo lưu một cách vững chắc qua biểu hiện hàng năm trong lễ Sel Dolta (cúng ông bà).

Đạo Bà-la-môn (Brahmanism): là một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, có trước cả Phật giáo. Tôn giáo này được hình thành trên cơ sở Vệ Đà giáo

(hay Phệ Đà giáo) – một tôn giáo cổ xưa của Ấn Độ. Đạo Bà-la-môn là một tôn giáo đa thần (polytheism) với cơ sở nghi lễ tôn giáo là việc cúng tế thần linh, tuy có rất nhiều vị thần nhưng có ba vị thần được thờ chủ yếu là: thần sáng tạo (Brahma/Prum/Phrom), thần hủy diệt (Siva/Civa) và thần bảo tồn (Vishnu). Các giáo lý kinh điển của đạo Bà-la-môn được du nhập vào Nam Bộ qua con đường hành đạo của các giáo sĩ Bà-la-môn Ấn Độ và có ảnh hưởng chủ yếu đối với các tầng lớp cấp trên, là con cháu của quan lại phong kiến. Vì vậy ảnh hưởng của tôn giáo này đối với đại đa số đồng bào Khmer Sóc Trăng không nhiều. Ngày nay, tôn giáo này đối với người Khmer chỉ tồn tại như một tàn dư vì không còn đền thờ, lễ nghi nào dành cho riêng nó.

Phật giáo Nam tông (Theravada): Tông phái này hình thành ngay sau khi Đức Phật Thích Ca viên tịch. “Theravada” có nghĩa là “lời dạy của bậc trưởng thưởng”, do đó có nhiều sách gọi phái này là phái Trưởng Lão bộ.

Sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm, trong nội bộ Phật giáo đã có sự bất đồng về đường hướng hoạt động, về giới luật. Một bộ phận tỳ kheo/tỳ khưu (bhikkhu) muốn thay đổi những giới luật do Đức Phật chế định ra cho phù hợp với sự biến đổi của thời cuộc. Đến lần kết tập kinh điển lần thứ ba, ý tưởng này lại được đưa ra bàn luận. Trong lần kết tập kinh điển này, một bộ phận tỳ kheo lớn tuổi đã không tán thành việc điều chỉnh những điều Đức Phật đã dạy; bộ phận tỳ kheo khác tán thành việc sửa đổi giới luật cho phù hợp với sự biến chuyển của dòng lịch sử, bộ phận này trẻ tuổi hơn và chiếm số đông. Do không thống nhất được ý kiến, việc phân phái đã diễn ra, những vị tỳ kheo trẻ đã tách ra thành lập phái Đại Chúng bộ (hệ phái của số đông), còn những vị tỳ kheo lớn tuổi vẫn cương quyết duy trì những giới luật do Đức Phật chế định, phái này được gọi là Trưởng Lão bộ hay Thượng Tọa bộ.

Về sau, phái Đại Chúng bộ truyền lên phía Bắc đến Trung Quốc nên được gọi là Phật giáo Bắc tông (hay Bắc truyền) còn hệ phái Trưởng Lão bộ được

truyền xuống phía Nam sang các nước như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Nam Bộ Việt Nam nên còn được gọi là Phật giáo Nam tông (hay Nam truyền). Đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng có chung tín ngưỡng là Phật giáo Nam tông Khmer hay còn gọi là Phật giáo Tiểu thừa. Cho đến khi Phật giáo Nam tông thịnh hành ở Nam Bộ thì trước đó ở đây đã có đạo Bà-la-môn. Trước thế kỷ thứ XII, đạo Bà-la- môn được xem là tôn giáo chính thống truyền từ Ấn Độ sang và Phật giáo tuy du nhập vào vùng đất Nam Bộ khá sớm nhưng phải đến thế kỷ XII trở về sau nó mới phát triển thành tôn giáo chính thống, giữ vai trò đặc biệt trong đời sống của đồng bào Khmer nơi đây. Ở tỉnh Sóc Trăng, Phật giáo Nam tông Khmer đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1224, “ngôi chùa Pra Sath Kông, huyện Mỹ Xuyên là nơi đầu tiên được xây dựng và cũng là nơi tiếp nhận nền văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer sớm nhất”. [74, tr. 3] Phật giáo Nam tông Khmer ở Sóc Trăng có số lượng tín đồ đông đảo, chiếm tỷ lệ khoảng 99% trên tổng số người Khmer trên địa bàn tỉnh. Ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông rất sâu đậm đối với đồng bào Khmer, triết lý Phật giáo Nam tông là cơ sở, là hạt nhân của mọi hoạt động văn hóa tinh thần và nó chi phối, quy định thiết chế văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)