Thế giới quan Phật giáo Nam tông Khmer

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 43 - 47)

Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG

1.3. TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

1.3.1. Thế giới quan Phật giáo Nam tông Khmer

Cho đến nay, Phật giáo được mọi người biết đến dưới hình thức là một

“tôn giáo”. Nhà nghiên cứu tôn giáo Ninian Smart (1927 – 2001) cho rằng để xác định thế nào là một tôn giáo thì chúng ta phải xem nó có tồn tại hay đáp ứng được bảy khía cạnh hoặc chiều kích (dimension) mà ông đưa ra hay không. Bảy khía cạnh đó bao gồm:

Thứ nhất, thực hành và nghi lễ

Thứ hai, trải nghiệm và cảm xúc Thứ ba, truyền thuyết và thần thoại Thứ tư, giáo lý và triết học

Thứ năm, đạo đức và luật lệ Thứ sáu, xã hội và thể chế Thứ bảy, hữu hình.1

Chúng ta thấy rằng, Phật giáo đáp ứng đủ cả bảy khía cạnh kể trên và nếu xét theo quan điểm của Ninian Smart thì việc xếp Phật giáo vào phạm trù tôn giáo là hợp lý. Những khía cạnh ấy biểu hiện ra như thế nào còn tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của bối cảnh xã hội nơi mà Phật giáo được du nhập vào và sự tín ngưỡng được thực hiện, đây là một hiện tượng tâm lý xã hội trong nền tín ngưỡng Phật giáo.

Tuy nhiên, khi nhìn dưới góc độ triết học ta thấy Phật giáo là một triết thuyết vô thần (atheism) phủ nhận đấng sáng tạo và Đức Phật chính là một triết gia. Đức Phật phủ nhận uy quyền tối cao của một đấng sáng tạo cho dù vị đó có là Thượng Đế hay thậm chí là chính bản thân Đức Phật. Đức Phật dạy rằng: “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác”. [18, tr. 584] Theo nhận định của Erich Fromm (1900 – 1980) – triết gia thuộc trường phái Frankfurt: “Đức Phật là một người thầy vĩ đại, Ngài là một người “đã giác ngộ”, người nhận biết được về sự hiện hữu của loài người. Ngài kêu gọi mọi người sử dụng lý trí và tìm kiếm chân lý mà Ngài là người đầu tiên tìm thấy và chỉ là người phát hiện. Một khi đã bắt đầu những bước đầu tiên trên hành trình tìm kiếm chân lý, con người phải sử dụng mọi nỗ lực để sống theo đường lối phát triển

1 Khía cạnh hữu hình: thông qua đó tinh thần của một tôn giáo được biểu lộ, trong trường hợp này là những ngôi chùa, những bức tượng Phật, các thánh địa Phật giáo….

năng lực của lý trí và lòng yêu thương đối với mọi người. Chỉ khi đạt được điều này, anh ta mới có thể tự giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc của các dục vọng phi lý trí”. [37, tr. 60] Với phương châm tạo điều kiện giúp đỡ cho con người tự mình thấy được chân lý, để đạt tới đời sống bình an và hạnh phúc ngay trong cõi đời này và cho cả mai sau, Đức Phật đã ví mình như một vị “đạo sư”, là người đi trước, đưa lối chỉ đường, để chúng sinh nương vào đó đến bờ giác ngộ, không phải là người có đủ quyền năng ban phước giáng tai họa cho bất kỳ ai, không phải là một cỗ xe để đưa mọi người đến bến bờ của sự giác ngộ. Khổ đau hay hạnh phúc của mỗi người là do chính họ tạo ra cộng với sự chi phối của dòng nghiệp lực cũng gây ra bởi chính họ.

Tùy theo cách tiếp cận của mỗi cá nhân mà Phật giáo hiện diện trước mắt họ như là một tôn giáo hay một triết thuyết, và tất nhiên, điều đó hoàn toàn là hợp lý. Nhưng suy cho cùng dù được nhìn nhận như thế nào thì yếu tính của Phật giáo vẫn là con đường dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát khỏi vòng sinh tử luận hồi.

Theo Phật giáo, con người và cũng như các chúng sinh khác chỉ là sự kết hợp của Ngũ uẩn (panca-khandha), tức là năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Thứ nhất, sắc uẩn (rùpa-khandha) thuộc về mặt sinh lý hay thể xác do bốn thành phần cơ bản cấu thành gọi là Tứ đại (đất, nước, lửa, gió). Đây là tập hợp của vật chất tồn tại khách quan. Vật chất ở đây không đơn thuần là đất, nước, lửa, gió như cách hiểu thông thường mà bao gồm các yếu tố chính: rắn (pathavi), lỏng (apo), nóng (tejo), di chuyển (vàjo). Bốn yếu tố còn lại là thọ, tưởng, hành và thức gọi chung là danh (nàma), thuộc về phần tâm lý, tinh thần.

Thứ hai, thọ uẩn (vedanà-khandha). Uẩn này bao gồm những cảm giác vui, khổ, không vui không khổ được cảm nhận do sự tiếp xúc của những cảm quan vật lý và tâm lý (căn) với thế giới bên ngoài (trần). Những cảm giác

này có sáu loại: những cảm giác phát sinh khi mắt tiếp xúc với những hình ảnh xung quanh; tai với âm thanh; mũi với mùi; lưỡi với vị; thân thể với những vật cứng – mềm, nóng – lạnh và ý (quan năng thứ sáu trong triết học Phật giáo) với những đối tượng của ý thức hay tư tưởng, ý nghĩ.

Thứ ba, tưởng uẩn (sannà-khandha) là cái biết, tư tưởng. Tưởng được phát sinh do sự tiếp xúc của sáu căn với thế giới.

Thứ tư, hành uẩn (sankhàra-khandha) bao gồm những hoạt động về thân, lời nói và ý thức mang ý nghĩa xấu hay tốt.

Thứ năm, thức uẩn (vinnàna-khandha), nhận thức khởi sinh từ sự tiếp xúc của sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) với đối tượng của thức là sáu hiện tượng bên ngoài (sáu trần) tương ứng là (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng tựa như tấm gương phản chiếu hình ảnh đi qua nó. Chẳng hạn, nhãn thức (cakkha- vinnàna) xuất hiện nhờ vào việc lấy mắt làm căn bản tiếp xúc với hình ảnh (sắc) làm đối tượng.

Theo triết lý Phật giáo, con người thường mê lầm cho rằng trong bản thân họ có tồn tại cái gọi là Ngã (attà) hay còn gọi là cái tôi (ego), nhưng theo Phật giáo, đó chỉ là sự hội tụ của Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm yếu tố vô thường (không vĩnh cửu, hữu hạn) do đó không hề có cái gọi là Ngã thường trụ bất biến mà chỉ là sự hợp tan như phù du mà thôi. Niềm tin vào bản ngã thường hằng, bất biến dù nó cao vời và tinh túy đến đâu cũng chỉ duy trì những dục vọng và sự quyến luyến mà đáng ra chúng ta phải khắc phục, và cũng chính niềm tin vào sự tồn tại của một cái ngã thường hằng, bất biến đã khiến cho con người vẫn còn trầm luân trong bể khổ, không thoát được sự lẩn quẩn của vòng luân hồi sinh tử.

Thế giới này luôn chuyển động, biến đổi (vô thường) theo một chu trình thành, trụ, hoại, không (đối với các sự vật vô tình) và sinh, trụ, dị, diệt

(đối với các loài hữu tình) nghĩa là sinh ra, tồn tại, hư nát, bị tan rã. Phật giáo còn quan niệm rằng cái chết không phải là sự kết thúc mà là điều kiện cho một sự bắt đầu mới; sinh và diệt là hai quá trình xảy ra đồng thời trong một sự vật hiện tượng, cũng như trong toàn thể vũ trụ bao la.

Một phần của tài liệu Biểu tượng ngôi chùa trong đời sống tinh thần của cộng đồng người khmer ở sóc trăng (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)