Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG
1.1. LÝ THUYẾT VỀ BIỂU TƯỢNG
1.1.4. Phân loại biểu tượng
Do biểu tượng luôn biểu thị những ý niệm trừu tượng, đa tầng đa lớp, việc cắt nghĩa biểu tượng có nhiều cách khác nhau cho nên phân loại biểu
tượng là một việc hết sức khó khăn và phức tạp, không thể đòi hỏi một sự tuyệt đối chính xác trong quá trình phân loại đối tượng này. Thế giới của biểu tượng là thế giới của ý nghĩa, nó vô cùng sinh động và phức tạp, vừa phong phú về mặt nội dung, vừa đa dạng về mặt hình thức biểu hiện. Mỗi ý nghĩa của biểu tượng lại nói lên một mặt biểu hiện của đời sống xã hội, có bao nhiêu biểu hiện trong đời sống xã hội là có bấy nhiêu ý nghĩa tương ứng có trong từng biểu tượng. Chính tính “đa trị” và “phức hợp” của các biểu tượng đã làm cho việc phân loại trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, do phương pháp tiếp cận nghiên cứu đối tượng khác nhau cũng làm việc phân loại trở nên phức tạp. Mỗi một khoa học khi tiếp cận biểu tượng đều xuất phát từ mục đích tôn chỉ của ngành khoa học mình vì vậy có nhiều hướng phân loại biểu tượng khác nhau, khó có sự đồng thuận, tuy nhiên ở đây, tác giả sẽ đi vào phân loại biểu tượng theo hướng tiếp cận văn hóa học, nghệ thuật, tôn giáo học do những hướng tiếp cận này có liên quan trực tiếp đến ngôi chùa của người Khmer Sóc Trăng sẽ được bàn đến trong chương 2.
Biểu tượng văn hóa có nguồn gốc từ năng lực tượng trưng hóa của con người và xem biểu tượng như là một hình thái biểu hiện đặc trưng của văn hóa. Biểu tượng văn hóa không phải ngẫu nhiên được hình thành, nó phải được cả xã hội, cả cộng đồng, cả dân tộc tư duy qua một quá trình với những biến động lịch sử khác nhau về môi trường, văn hóa, kinh tế, chính trị,…
bằng những hình ảnh, hình tượng cụ thể.
Mọi biểu tượng trước hết phải là hình tượng, và mọi hình tượng đều có thể trở thành biểu tượng. Phạm trù biểu tượng nhằm chỉ cái phần mà hình tượng vượt khỏi chính bản thân nó và luôn hàm chứa những ý nghĩa mang giá trị trừu tượng. Biểu tượng có mối quan hệ với hình tượng nhưng không đồng nhất hoàn toàn với hình tượng và không phải mọi hình tượng đều trở thành biểu tượng. Hình tượng chỉ là một “ký hiệu thông thường” còn biểu
tượng lại là một loại “siêu ký hiệu”. Nhìn chung, hình tượng và tính đa nghĩa của nó là hai cực không tách rời nhau của một biểu tượng. Bởi khi tách ý nghĩa khỏi hình tượng thì ý nghĩa sẽ mất tính biểu hiện, mà khi hình tượng tách khỏi ý nghĩa thì hình tượng sẽ bị phân rã trở thành hình tượng thông thường (image – hình ảnh) không còn là biểu tượng (symbol).
Biểu tượng văn hóa thay đổi theo thời gian và cũng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Như việc gật đầu ở Việt Nam được hiểu là đồng ý nhưng ở Bulgaria nó lại có nghĩa là không.
Còn người Ấn Độ lắc đầu thể hiện sự đồng ý trong khi đó ở Việt Nam mang ý nghĩa ngược lại.
Như vậy, biểu tượng văn hóa có thể được hiểu là những ký hiệu mang ý nghĩa biểu trưng xuất phát từ những hình ảnh cụ thể trong tự nhiên thông qua môi trường văn hóa chứa đựng nó, cùng với thái độ ứng xử, sự phát triển của tư duy con người tạo nên một giá trị cơ bản trong văn hóa vật thể, phi vật thể của một xã hội, cộng đồng người nhất định.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu tượng được coi là ký hiệu thẩm mỹ đa nghĩa, bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nó chính là sự mã hóa cảm xúc, ý tưởng của người nghệ sĩ. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của khán giả. Nếu coi mỗi đối tượng mô tả trong tác phẩm nghệ thuật là một cái biểu đạt thì mục tiêu sáng tạo mà nó hướng tới chính là cái được biểu đạt.
Biểu tượng văn hóa và biểu tượng nghệ thuật cũng có sự khác biệt nhất định. Tuy trong lịch sử, biểu tượng văn hóa có xu hướng được bổ sung ý nghĩa, nhưng sau một thời gian, ý nghĩa đó trở nên cố định và nhiều khi khó hiểu đối với con người thời sau. Còn biểu tượng nghệ thuật luôn luôn có xu hướng tái sinh về mặt ý nghĩa, không chỉ trong sáng tác mà còn cả trong tiếp nhận. Cái biểu đạt có thể vẫn giữ nguyên nhưng ý nghĩa của nó được bổ
sung. Và như vậy, khi xuất hiện trong tác phẩm với nghĩa mới, nó vẫn lưu giữ trong mình những ý nghĩa nó từng có trong lịch sử. Sở dĩ biểu tượng văn hóa cổ xưa trở nên khó hiểu với người hiện đại vì thời đại phát sinh không giống nhau; nhưng với biểu tượng nghệ thuật, ngoài môi trường thời đại, nó tồn tại trong một môi trường khó mất đi đó chính là chỉnh thể tác phẩm. Do đó, biểu tượng nghệ thuật, cho dù thời đại sản sinh lùi sâu vào quá khứ, nó vẫn sống động trong tác phẩm với rất nhiều mối quan hệ.
Trong lĩnh vực tôn giáo, một biểu tượng tôn giáo là sự đại diện mang tính biểu trưng cho một tôn giáo nào đó hoặc một phạm trù cụ thể trong một tôn giáo nhất định. “Phần lớn truyền thống tôn giáo sử dụng những biểu tượng để nhắc nhở các tín đồ về những thực tại chính của lòng tin, đôi khi vì thực tại ấy quá thánh thiêng, khó diễn tả, nhưng có khi vì nó đơn giản, dễ sử dụng dùng sự vật biểu trưng”. [71, tr. 43]
Ví dụ như cây Thánh giá là biểu tượng đại diện cho Thiên Chúa giáo, bánh xe Pháp Luân là biểu tượng đại diện cho Phật giáo….
Biểu tượng Thánh giá Biểu tượng bánh xe Pháp luân Những biểu tượng góp phần tạo ra những huyền thoại âm vang thể hiện những giá trị đạo đức của xã hội hay những lời giáo huấn của tôn giáo, tăng cường tình đoàn kết giữa các tín đồ và mang các tín đồ đến gần những gì mà họ tôn thờ.
Tác giả Hans Biedermann (1930 – 1990) đã trích dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu biểu tượng Manfred Lurker (1928 – 1990) rằng: “Đối với những người theo tôn giáo, biểu tượng là một hiện tượng cụ thể trong đó ý
tưởng về thần thánh và sự tuyệt đối thường xuyên có mặt, thể hiện ra một cách rõ ràng hơn ngôn từ…. Trong câu chuyện về sự cứu rỗi, biểu tượng bày tỏ mối liên kết không thể phá vỡ giữa Đấng Sáng Tạo và tạo vật”.
“For the religious person the symbol is a concrete phenomenon in which the idea of the divine and the absolute becomes immanent, in such a way as to be more clearly expressed than in a words… In the story of salvation, the symbol expresses the unbroken link between Greator and creature…”. [100, tr. IX]
Cách tiếp cận của Manfred Lurker xuất phát từ những tôn giáo có thừa nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo. Nhưng suy cho cùng thì đối với tôn giáo nào thì biểu tượng cũng nhằm mục đích chỉ ra sự gắn kết giữa những gì tín đồ cho là thiêng liêng với chính bản thân họ. “Trên thực tế, tôn giáo tồn tại trên cơ sở của tính biểu tượng nên chừng nào nó còn tồn tại thì các biểu tượng của nó cũng sẽ còn tồn tại”. [40, tr. 210]
Các biểu tượng còn được phân loại theo nguồn gốc hình thành. Có những biểu tượng có nguồn gốc nhân tạo và có những biểu tượng xuất phát từ tự nhiên.
Những biểu tượng có nguồn gốc nhân tạo như: chữ Vạn (Swastika) trong Phật giáo, chữ Om (Aum) trong tiếng Phạn,….
Biểu tượng chữ Vạn Biểu tượng chữ Om Những biểu tượng bắt nguồn từ những sự vật trong tự nhiên như: ngôi sao và Trăng lưỡi liềm là một biểu tượng của những nước theo Hồi giáo, biểu tượng Mặt Trời trên lá cờ Nhật Bản, biểu tượng chim bồ câu trắng,….
Hình ảnh Mặt Trời trên lá cờ Nhật Bản
Những biểu tượng có thể được phân loại theo hình thức tồn tại của chúng. Chúng có thể tồn tại trong thế giới vật chất cũng như tinh thần. Nói cách khác, biểu tượng có thể thuộc vào biểu tượng vật thể (tangible symbols) hoặc biểu tượng phi vật thể (intangible symbols)
Một biểu tượng vật thể là một dạng biểu tượng sử dụng vật thể hay hình ảnh chia sẻ chung mối liên hệ về mặt nhận thức với những thứ mà chúng đại diện. Biểu tượng vật thể tồn tại một cách hữu hình, có thể dễ dàng tiếp xúc bởi xúc giác của chúng ta.
Còn một biểu tượng phi vật thể là một dạng biểu tượng mà chúng ta không thể cầm, nắm hay chạm vào nó. Nó tồn tại ở dạng vô hình, trừu tượng.
Biểu tượng vật thể có thể đại diện cho một thứ là vật thể hay một thứ phi vật thể; biểu tượng phi vật thể cũng thế, nó có thể đại diện cho những thứ là vật thể cũng như những thứ không phải là vật thể. Những biểu tượng và những thứ mà chúng đại diện có thể được phân loại tùy thuộc theo việc chúng là vật thể hay phi vật thể. Chúng ta hãy cùng xem xét các trường hợp dưới đây.
Biểu tượng vật thể đại diện cho những thứ phi vật thể
Ví dụ: cây Thánh giá đeo trước ngực một tín đồ Thiên Chúa giáo đại diện cho tôn giáo mà người đó theo.
Trăng lưỡi liềm và ngôi sao trong Hồi giáo
Biểu tượng vật thể đại diện cho những thứ vật thể
Ví dụ: Biểu tượng đền Angkor trên quốc kỳ của vương quốc Cambodia đại diện cho ngôi đền Angkor được xây dựng từ thế kỷ thứ XII ở thành phố Siem Reap.
Biểu tượng phi vật thể đại diện cho những thứ vật thể
Ví dụ: Người dân Cambodia khi nghe đến danh từ Pol Pot, họ sẽ liên tưởng đến một con người tàn độc, khát máu đã dựng nên tấm thảm kịch diệt chủng ở đất nước này.
Biểu tượng phi vật thể đại diện cho những thứ phi vật thể
Ví dụ: số 13 đối với thế giới phương Tây là một sự kiêng kỵ, nó mang ý nghĩa xui xẻo.
Trong mọi tín ngưỡng, tôn giáo từ xa xưa cho đến ngày nay đều có những biểu tượng cho riêng mình. Giải mã một biểu tượng chính là việc bóc tách những lớp nghĩa của nó để tìm ra những mối liên hệ của biểu tượng ấy đới với tâm thức của cộng đồng dân tộc, hay nói cách khác, chúng ta rút cái được biểu đạt ra từ cái biểu đạt, đi tìm nội dung thông qua hình thức. Đối với người Khmer ở Sóc Trăng, biểu tượng quan trọng nhất trong tín ngưỡng của họ chính là ngôi chùa Nam tông. Xem xét biểu tượng này chính là tìm hiểu những vai trò, những giá trị của ngôi chùa Nam tông đối với đời sống tinh thần của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng.