Chương 1: KHÁI QUÁT NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA ĐỒNG BÀO KHMER Ở TỈNH SÓC TRĂNG
2.4. GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG CỦA NGÔI CHÙA NAM TÔNG TRONG VIỆC GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC KHMER
Không giống như những cơ sở tu học của các tôn giáo khác, chùa Khmer phân bố khá đều đặn trong các vùng dân cư ở tỉnh Sóc Trăng. Ngoài mục đích trực tiếp là truyền đạo, nhà chùa còn là một trung tâm tư tưởng văn hóa của toàn thể đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và nhân dân địa phương nói chung.
Hiện tượng hình thành các ngôi chùa Nam tông Khmer không phải là một hiện tượng ngoại lệ trong việc hình thành các trung tâm sinh hoạt cộng đồng để thỏa mãn đời sống tinh thần, là môi trường, lý do để quần chúng tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Hiện tượng này tương tự với việc hình thành đình, chùa, miếu của của người Việt; nhà Rông của người Tây Nguyên; Hạn Khuống – sân chơi dành riêng cho giới trẻ chưa lập gia đình của người Thái.
Nhà chùa Khmer góp công rất lớn trong việc bảo tồn, bổ sung và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hầu hết các lễ hội truyền thống lớn của đồng bào Khmer đều có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các sự tích Phật giáo như các ngày lễ: đón năm mới (Chol Chnăm Thmây), cúng ông bà (Sel Dolta), cúng Trăng (Óoc-om-bóc)… Các lễ hội và tín ngưỡng Phật giáo như hòa quyện vào nhau trong đời sống của các tín đồ dân tộc Khmer thông qua các truyền thuyết và nghi thức thờ phụng.
Nhà chùa đã chi phối hầu hết các sinh hoạt văn hóa và đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer thông qua các lễ hội, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc dân tộc thể hiện qua các ngôi chùa, trong các loại hình sân khấu và trong sinh hoạt hằng ngày.
Cũng như người Việt, người Khmer cũng có Tết năm mới được gọi là Tết Chol Chnăm Thmây. Tết này là tết cổ truyền của người Khmer và còn được gọi là “Lễ chịu tuổi”, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng tư dương lịch. Tết của người Khmer cũng có ba ngày chính như Tết của người Việt và người Hoa. Trong ba ngày tết cổ truyền dân tộc, ngày nào cũng tưng bừng nào nhiệt và có những hoạt động riêng biệt cho từng ngày.
Trong quan niệm của người Khmer, Têvađa là vị tiên được trời sai xuống để lo cho dân chúng trong một năm và mỗi năm đều có một vị Têvađa mới được phái xuống thay thế cho vị cũ. Vì thế, đêm giao thừa mọi nhà đều thắp nhang, đèn làm lễ đưa Têvađa cũ và rước Têvađa mới. Trong ngày tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây, tại chính điện ngôi chùa ở địa phương diễn ra lễ rước Maha Sâng Kran, đây là một quyển lịch do các vị sư thông hiểu thiên văn soạn dùng trong một năm. Như vậy, dưới hình thức là việc rước quyển lịch Maha Sâng Kran nhưng bên trong ẩn chứa việc tưởng nhớ cội nguồn của Phật giáo mà đồng bào Khmer đang là tín đồ. Sau khi rước lịch xong, cũng tại chùa, mọi người lễ Phật rồi nghe tụng kinh mừng năm mới.
Về nguồn gốc, lễ này phát xuất từ truyền thuyết Phật giáo đó là câu chuyện về cuộc thi đấu giữa Thom Ma Bal và Maha Prum còn gọi là “thần Bốn Mặt”. Theo truyền thuyết Khmer, ngày xưa có một cậu bé tên Thom Ma Bal, rất thông minh. Lúc bấy giờ đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng thán phục và rất thích nghe cậu thuyết giảng, trong số những người nghe cậu thuyết giảng còn có cả các vị thần trên thượng giới do vậy, các bài thuyết giảng của thần Maha Prum còn rất ít người nghe. Thần Maha Prum rất có uy thế trên thượng giới nghe ở trần gian có kẻ hơn mình, lấy làm tức giận, đã cho gọi hết các vị thần trở về, không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần Maha Prum tìm cách hãm hại Thom Ma Bal. Ngài đặt ra ba câu đố cho Thom Ma Bal và giao ước
rằng nếu cậu giải đáp được cả ba thì thần sẽ tự cắt đầu mình và ngược lại Thom Ma Bal phải chết. Nhờ tình cờ nghe được lời giải đáp từ cuộc nói chuyện của hai con chim đại bàng nên Thom Ma Bal đã giải được câu đố của thần Maha Prum khiến cho thần phải cắt đầu tự sát.
Truyền thuyết phản ánh trí tưởng tượng của người Khmer, cũng như nói lên tâm hồn của họ hoàn toàn hướng về Đức Phật cùng với sự sùng tín giáo lý của Ngài. Trong truyền thuyết này, cái thiện, cái ác được thể hiện rất rõ, cho dù đó là một vị thần tối cao cũng mang đặc tính rất con người đó là tính ích kỷ, đố kỵ, hiếu thắng và cái thiện cuối cùng sẽ chiến thắng cái ác.
Nhìn từ một góc độ khác, Thom Ma Bal là nhân vật hư cấu mang giá trị biểu tượng đại diện cho đạo pháp của Đức Phật được nhân cách hóa, còn thần Maha Prum đại diện cho Bà-la-môn, cho đấng sáng tạo nên vũ trụ (thần Maha Prum là phiên bản Khmer của thần Brahma – vị thần sáng tạo trong đạo Bà-la-môn), sự chiến thắng của Thom Ma Bal trước thần Maha Prum thể hiện sự chiến thắng của giáo lý Phật giáo dễ đi vào lòng người hơn giáo lý Bà-la-môn vốn dĩ khắt khe và chỉ đại diện cho giai cấp thống trị phong kiến.
Câu chuyện này còn nói lên sức mạnh trí tuệ, sự khát khao của con người, vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, vượt qua sức mạnh thần quyền để khẳng định giá trị con người, con người chính là chủ thể của lịch sử trong thế giới này mà không phải là sự áp đặt của thần linh, thế giới này là vô thủy vô chung không do một đấng sáng tạo nào tạo ra. Ngày nay, khi đến các ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng, chúng ta thường thấy đầu thần Maha Prum được đặt trong các tháp xây trong chùa và trên các hàng rào bao xung quanh chùa.
Người Khmer theo Phật giáo Nam tông nên Tết cổ truyền chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nghi lễ Phật giáo. Mọi người thường tập trung về chùa thực hiện các nghi thức trong ba ngày tết thiêng liêng, tổ chức vui chơi, đóng góp công sức xây dựng chùa. Phần lớn, lễ Chol Chnăm Thmây được tổ
chức ở chùa, với sự tham gia của các vị sư sãi, các vị Achar (thầy cúng) và những người Khmer sinh sống trong các phum sóc chung quanh chùa.
Trong những lễ lớn của đồng bào Khmer Sóc Trăng cũng có ngày để tưởng nhớ và tri ân đến tổ tiên, đó là ngày lễ Sel Dolta (Sene Dolta). Theo tiếng Khmer, “Sel Dolta” nghĩa là “Cúng Ông Bà”. Người Khmer tin rằng, khi con người chết đi, linh hồn vẫn còn hiện hữu ở cõi vĩnh hằng, chỉ có thân xác là tiêu đi mất. Lễ Sel Dolta với ý nghĩa chủ yếu là cúng linh hồn ông bà, tổ tiên và cúng những người đã có công tạo lập, bảo vệ cho cộng đồng. Lễ này xuất phát từ một tích truyện Phật giáo nói về Đức Phật và vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) được chép trong Kinh Tiểu Bộ (tập 2).
Một đêm vua Bimbisàra nghe tiếng khóc lóc, van xin thức ăn từ các oan hồn. Vua bèn đến thỉnh Đức Phật về giúp đỡ. Đức Phật bảo rằng những tiếng kêu đó là từ những oan hồn vốn là những quyến thuộc của nhà vua đã tái sinh vào loài ngạ quỷ. Đức Phật khuyên nhà vua làm lễ cúng dường và hồi hướng công đức để cho họ được hưởng phước báu, giảm nhẹ tội lỗi. Nhà vua làm theo lời Đức Phật, cuối cùng những oan hồn ấy được hạnh phúc và giảm nhẹ tội. [21, tr. 412 – 418]
Lấy ý tưởng từ tích truyện trên, đồng bào Khmer thực hiện nghĩa vụ với thân nhân quá cố của mình thông qua lễ Sel Dolta. Lễ này diễn ra trong ba ngày, từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 âm lịch. Trong những ngày này, các vị sư sãi và đồng bào Khmer ở các chùa, trong mỗi gia đình đều hướng về ông bà, cha mẹ để tưởng nhớ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng đồng thời cầu phước cho linh hồn những người thân thích quá cố. Ngoài ý nghĩa ấy, lễ Sel Dolta còn góp phần đoàn kết giữa những người trong phum sóc với nhau; tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó họ hàng, bè bạn thân thích, tình làng xóm để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Là một lễ hội văn hóa mang màu sắc tín ngưỡng, lễ Sel Dolta không lớn như các lễ vào năm mới Chol Chnăm Thmây, lễ Óoc-om-bóc nhưng nó lại mang một ý nghĩa về truyền thống tâm linh, uống nước nhớ nguồn của người Khmer, in sâu vào tâm thức của đồng bào thể hiện một giá trị đạo đức, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Một lễ hội lớn đặc trưng truyền thống khác của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng là lễ Cúng Trăng (Óoc-om-bóc). Lễ hội này được tổ chức tưng bừng ở Sóc Trăng vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Đây là lễ hội thể hiện rõ văn hóa nông nghiệp lúa nước của tộc người này.
Về nguồn gốc, lễ hội này xuất phát từ một sự tích nói về tiền thân của Đức Phật khi ấy Người trong kiếp sống là một con thỏ. Trong Kinh Tiểu Bộ đã miêu tả rằng thỏ vì muốn giúp một người Bà-la-môn hoàn thành bổn phận của một tu sĩ đã hy sinh thân mình nhảy vào lửa để làm thức ăn cho người Bà-la-môn ấy. Không những thỏ không bị thiêu đốt mà còn được người Bà- la-môn (thực chất là Đế Thích) khen ngợi vì đã hiến dâng tất cả kể cả tính mạng của mình nhằm bố thí tuyệt đối cho ông ta. Sau đó, Đế Thích đã vẽ hình thỏ lên Mặt Trăng để nêu gương cho con người biết. [22, tr. 308 – 314]
Một lễ hội không tự nhiên hình thành và phát sinh, đằng sau một lễ hội thương là một câu chuyện, một lời gửi gắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Hình tượng con thỏ còn có chức năng giải thích nguồn gốc lễ hội. Con thỏ ở đây là một biểu tượng thể hiện đức hy sinh, quên mình vì người khác.
Trong những xứ theo Phật giáo, có những phong tục, lễ nghi đơn giản và đẹp vào những dịp lễ tôn giáo. Mặc dù chúng không liên quan nhiều đến con đường thực sự đi đến giải thoát, nhưng chúng mang giá trị làm thỏa mãn những cảm xúc tôn giáo và nhu cầu của những người còn hạn chế về tinh thần và tâm linh, hướng họ dần đến con đường của sự giác ngộ. Do vậy, có thể nói, người Khmer đã lồng ghép lễ hội và tín ngưỡng của mình vào nhau,
với mục đích cuối cùng là cầu bình an, cầu phước đức. Trong tất cả các hoạt động của người Khmer, làm phước là một hoạt động có ý nghĩa xã hội và tôn giáo rõ nét mang tính chất nhân văn sâu sắc.
Lễ Cúng Trăng mang ý nghĩa chính là cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người có cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Những mong ước đó, một phần thể hiện qua lễ hội, một phần gửi gắm vào Phật giáo Nam tông.
Cùng lúc với những ngày diễn ra lễ Óoc-om-bóc ở Sóc Trăng là hội đua ghe Ngo. Ghe Ngo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay một tập thể bất kỳ nào. Mỗi chiếc ghe Ngo là vật biểu tượng cho một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài.
Do đó, sự thắng bại giữa các ghe Ngo thực chất là sự thắng bại giữa các chùa, sự thắng bại giữa những phum, sóc người Khmer với nhau. Sự thành bại của ghe Ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu.
Ghe Ngo là một chiếc thuyền dài, cong vút ở hai đầu. Thân ghe được làm bằng gỗ tốt, độ bền cao để có thể chịu đựng được lực của hơn 40 tay đua chèo. Về cấu tạo, ghe Ngo dài khoảng 25 mét, chỗ rộng nhất rộng nhất thân ghe khoảng 1,4 mét. Trong lòng ghe đặt các hàng ghế đôi để các tay đua ngồi. Ghe Ngo được cấu tạo mô phỏng theo thân hình của thần rắn Naga. Ở hai bên mũi ghe vẽ biểu tượng của ghe và ghi tên chùa. Khi xây chùa, người ta chọn một linh vật làm biểu tượng và khi đóng ghe, linh vật này cũng là biểu tượng của chiếc ghe. Ví dụ: Biểu tượng ghe Ngo chùa Bốn Mặt là con chim, của chùa Champa chọn biểu tượng con hổ, còn chùa Tam Sóc thì lấy hình tượng nàng tiên cá làm biểu tượng cho ghe chùa mình. Về nhân sự, đội đua ghe Ngo được tổ chức chặt chẽ với nhiều thành viên ở các vị trí khác nhau và cũng đảm nhiệm các chức năng khác nhau.
Được xem là linh vật của phum sóc cho nên ghe Ngo được bảo quản đặc biệt ở chùa. Trong chùa dựng một cái nhà chứa ghe gọi là rông túk, nhà này có mái che mưa nắng và dàn đà để đặt ghe lên, hạn chế sự tiếp xúc với hơi ẩm, tránh hiện tượng mối mọt tấn công. Trước kia, phụ nữ không được lại gần ghe, tuy nhiên, trong những năm gần đây điều kiêng kỵ này đã không còn tồn tại nữa khi đã có những cuộc thi đua ghe Ngo dành cho nữ ở song song với cuộc thi dành cho nam ở Sóc Trăng.
Có thể nhận thấy đua ghe Ngo vừa là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, nó còn là một môn thể thao mang tính phong trào vừa là môn thể thao đỉnh cao của họ. Khi tổ chức những cuộc thi đấu đua ghe Ngo như vậy, chúng ta cũng tạo ra được “tâm lý ganh đua lành mạnh” giữa các chùa, các phum, sóc sẽ khiến các chùa và các phum, sóc phấn đấu, đầu tư tốt hơn cho phong trào thể dục thể thao của đồng bào dân tộc Khmer ngày thêm phát triển.
Qua các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, chúng ta đều thấy chúng mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước. Đến nay, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng cũng như khắp vùng châu thổ sông Cửu Long vẫn sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước. Vì thế, những yếu tố tạo thành môi trường của nền văn hóa này vẫn được duy trì, tạo điều kiện cho những giá trị đặc trưng của văn hóa Khmer tiếp tục phát triển.
Như nhận định của Hòa thượng Dương Nhơn – trụ trì chùa Cần Đước:
“Nhà chùa Khmer không những đã bảo tồn mà còn làm cho các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer ngày càng phát triển. Các lễ hội truyền thống đều xoay quanh ngôi chùa, lấy ngôi chùa làm trung tâm và nếu ví các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer là các trang sách với những nội dung
phong phú thì ngôi chùa chính là lề sách, nó có vai trò gắn kết, làm chỗ dựa cho những lễ hội văn hóa tồn tại và phát triển”.6
Với việc gìn giữ những bài kinh kệ, những lời khuyên răn đạo đức của tổ tiên, những bài thuốc quý gia truyền, những thuật chiêm tinh, những truyện dân gian… được ghi trên lá buông, và vô số những hiện vật lịch sử quý hiếm khác, chùa Khmer còn có thể được nhìn nhận dưới góc độ một bảo tàng văn hóa dân tộc.
Nếu tri thức chỉ tồn tại ở các nhà tư tưởng, các cá nhân riêng lẻ, người đó chết đi, tư tưởng của họ cũng chết theo. Muốn trở thành tài sản của nhân loại chúng phải được khách quan hóa thông qua việc diễn đạt bằng ngôn ngữ, truyền miệng cho người khác hoặc viết thành văn bản, viết thành sách,... để truyền đạt cho mọi người đương thời và cho hậu thế, trở thành tài sản văn hóa quan trọng. Mỗi một dân tộc có lối viết chữ riêng của mình và cũng có những loại “giấy” riêng. Người Ai Cập cổ đại viết chữ tượng hình trên giấy Papyrus, người Trung Quốc cổ đại viết trên mai rùa, thẻ tre, còn đối với người Khmer có satra – chữ viết trên lá buông. “Satra, tiếng Khmer có nghĩa là những hàng chữ viết trên lá, một tập sách lá buông”. [43, tr. 200]
Đây là lá từ một loại cây từng mọc khắp miệt sông Tiền, sông Hậu, rất dồi dào để làm giấy. Đặc tính của loại lá này là dai bền, vạch nét chữ rõ ràng, ít bị hư mục gây mất văn tự. Hiện nay, các satra cổ vẫn còn được lưu giữ trong chùa Khleang ở Sóc Trăng tuy nhiên ngày càng có ít người đọc được loại chữ viết cổ này. Cho nên việc bảo tồn những “quyển sách” lá buông này là vô cùng cần thiết, đây không phải là di sản riêng của nhà chùa mà là giá trị tinh hoa của cả cộng đồng dân tộc Khmer. Thiết nghĩ, với những giá trị kể trên, những satra này cần được dịch từ tiếng Khmer cổ sang tiếng Khmer
6 Xem Phụ lục 6