CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TIÊN PHONG
2.3. Một số quy định trong hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong
Chính sách cho vay của TPBank do Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong phê duyệt và ban hành, là khuôn khổ pháp lý chung hướng dẫn hoạt động cho vay của các chi nhánh và cán bộ tín dụng. Nội dung của chính sách cho vay được soạn thảo trên cơ sở: Quy chế về đảm bảo tiền vay do chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Quy chế cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; Chiến lược, định hướng hoạt động tín dụng của TPBank; Sổ tay tín dụng của TPBank.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đưa ra chính sách tín dụng riêng về đối tượng khách hàng, các điều kiện cho vay, hình thức vay và quy định về lãi suất, đảm bảo tiền vay. Cụ thể như sau:
2.3.1. Đối tượng và điều kiện cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tất cả các khách hàng là DNVVN đều được ngân hàng xem xét về nhu cầu vay vốn đối với các lĩnh vực không bị pháp luật cấm. Ngân hàng đã chỉ rõ các điều kiện cần có của một khách hàng khi vay vốn tại ngân hàng là: Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành; có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết ; mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; khách hàng phải mở tài khoản tại TPBank để hạch toán số tiền giải ngân, thu nợ gốc, nợ lãi theo đúng hợp đồng cho vay đã kí kết; có trụ sở làm việc cùng địa bàn tỉnh/thành phố với chi nhánh của ngân hàng; thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay theo quy định của Chính phủ, NHNN và hướng dẫn của TPBank.
Song song với những điều kiện trên, TPBank đã đưa ra những điều kiện bổ sung theo từng loại hình cho vay DNVVN để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo nguyên tắc an toàn, thận trọng trong công tác cho vay. Các điều kiện bổ sung bao gồm:
Đối với cho vay vốn lưu động và cho vay đầu tư trung và dài hạn - theo món;
cho vay trung và dài hạn – theo dự án đầu tư: DNVVN vay vốn cần phải có tài sản đảm bảo khoản vay. Tùy thuộc vào chủng loại tài sản bảo đảm mà TPBank có thể yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm, đăng ký giao dịch đảm bảo, công chứng với các cơ quan/tổ chức liên quan.
Đối với cho vay theo hạn mức tín dụng: yêu cầu DNVVN phải có tài sản đảm bảo khoản vay và có quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng.
Đối với cho vay mua xe ô tô: Tài sản đảm bảo của khoản vay chính là ô tô phát sinh từ món vay, DNVVN phải có quan hệ tín dụng uy tín với ngân hàng.
Đối với thấu chi doanh nghiệp: DNVVN có tài khoản tiền gửi bằng Đồng Việt Nam và có Hạn mức tín dụng tại ngân hàng.
2.3.2. Tài sản đảm bảo đối với cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng, một vấn đề luôn được quan tâm và có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định có cấp tín dụng của ngân hàng cho khách hàng hay không đó chính là TSĐB (Việt, 2018). TSĐB chính là yếu tố giúp phòng ngừa rủi ro khi phương án trả nợ dự kiến của khách hàng không thực hiện được hoặc xảy ra các rủi ro không lường trước được. Bên cạnh đó, TSĐB giúp nâng cao trách nhiệm thực hiện cam kết trả nợ của khách hàng, tạo cơ sở pháp lý và cơ sở kinh tế cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chi nhánh trong mọi trường hợp.
Theo quy định về bảo đảm tiền vay và TSĐB TPBank thì danh mục tài sản được chấp nhận làm đảm bảo cho khoản vay gồm có:
Tiền và các giấy tờ có giá: Bao gồm đồng Việt Nam và ngoại tệ; Tín phiếu, Trái phiếu Kho bạc Nhà nước, Công trái xây dựng Tổ quốc, Trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và chứng chỉ khác; Sổ tiết kiệm, Kỳ phiếu, Chứng chỉ tiền gửi, Séc;
Cổ phiếu (trừ cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi của TPBank); Vàng bạc, kim cương, kim khí quý và đá quý khác.
Bất động sản: Nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất (nhà văn phòng, nhà máy,…), kể cả các tài sản gắn liền với nhà ở và công trình xây dựng; quyền sử dụng đất mà Pháp luật về đất đai quy định được thế chấp.
Động sản: Ô tô, máy móc, dây chuyền sản xuất, nguyên nhiên liệu, thành phẩm hàng hóa, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán, cho thuê tài sản hoặc cung cấp dịch vụ,…
Ngoài ra, các DNVVN có thể cầm cố hoặc thế chấp các khoản phải thu, chứng khoán hoặc đảm bảo, ủy thác của bên thứ ba.
Các tài sản được dùng để đảm bảo cho khoản tín dụng đều được định giá trước khi tiến hành kí kết hợp đồng với khách hàng. Mức cho vay tối đa được thực hiện theo quy định của NHNN và TPBank theo từng thời kì, theo loại TSĐB và theo từng sản phẩm, dịch vụ.
2.3.3. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Dư nợ cho vay chính là tổng tiền mà ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng trong một thời gian nhất định. Tổng dư nợ cho vay chính là chỉ tiêu phản ánh khối lượng tiền ngân hàng cấp cho nền kinh tế trong một thời điểm. Kết hợp với doanh số cho vay, dư nợ cho vay phản ánh tình hình hoạt động của ngân hàng. Dư nợ cho vay càng lớn, tốc độ tăng dư nợ càng nhanh, chứng tỏ ngân hàng có uy tín và dịch vụ cho khách hàng đa dạng, phong phú. Nhưng tổng dư nợ cho vay cao không đồng nghĩa với hiệu quả cho vay tốt vì bên cạnh những khoản vay đó là những RRTD mà ngân hàng sẽ gặp phải. Nếu số tiền ngân hàng huy động được cao và doanh số cho vay cao, chứng tỏ ngân hàng đang sử dụng được nguồn tiền huy động một cách có hiệu quả, với mục đích mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Nhưng dư nợ cho vay cao không đồng nghĩa với hiệu quả cho vay tốt mà nó còn phụ thuộc vào doanh số thu nợ trong kỳ.
2.3.4. Các hình thức cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các DNVVN Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong đã mở ra các sản phẩm đáp ứng cho các nhu cầu khác nhau của các DNVVN trong quá trình hoạt động của mình. Cụ thể:
Cho vay vốn lưu động theo món: Là việc ngân hàng cấp tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào tài sản lưu động của DNVVN. Ngân hàng cho vay theo từng khoản vay riêng lẻ có mục đích, số tiền và thời hạn rõ ràng. Thông thường, cho vay vốn lưu động theo món có thời hạn không quá 1 năm và mỗi khoản vay phải có phương án kinh doanh cụ thể.
Cho vay theo hạn mức tín dụng: Cho vay theo hạn mức tín dụng được áp dụng đối với khách hàng vay có nhu cầu vay vốn thường xuyên và có đặc điểm sản xuất – kinh doanh, luân chuyển vốn không phù hợp với phương thức cho vay từng lần. Căn cứ vào phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhu cầu vay vốn của khách hàng, tài sản bảo đảm tiền vay, TPBank và khách hàng xác định và thoả thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong thời hạn nhất định hoặc theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Hạn mức tín dụng thường được xem xét/đánh giá lại ở thời điểm kết thúc hạn mức, theo đó TPBank có thể xem xét nâng/giảm hạn mức hoặc kết thúc/gia hạn thời hạn của han mức.
Cho vay trung và dài hạn theo dự án đầu tư: TPBank cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư phục vụ đời sống. Trường hợp trong thời gian chưa vay được vốn ngân hàng, khách hàng đã dùng nguồn vốn huy động tạm thời khác để chi phí theo dự án được duyệt thì TPBank có thể xem xét cho vay bù đắp nguồn vốn đó trên cơ sở phải có chứng từ pháp lý chứng minh rõ nguồn vốn đã sử dụng trước. Trường hợp hết thời gian giải ngân theo lịch đã thoả thuận ban đầu mà khách hàng chưa sử dụng hết mức vốn vay ghi trong hợp đồng tín dụng, nếu khách hàng đề nghị thì TPBank xem xét có thể thoả thuận và ký kết bổ sung hợp đồng tín dụng tiếp tục phát tiền vay phù hợp với tiến độ thi công cụ thể.
Cho vay đầu tư trung và dài hạn theo món: Là việc ngân hàng cấp tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào tài sản cố định của doanh nghiệp (vay xây dựng, vay mua máy móc thiết bị, vay mua phương tiện vận tải….) . Ngân hàng cho vay theo từng khoản vay riêng lẻ có mục đích, số tiền và thời hạn rõ ràng. Thời hạn cho vay đầu tư trung và dài hạn theo món không dưới 1 năm và không quá 10 năm.
Các khoản vay đầu tư mua máy móc thiết bị thường được áp dụng phương thức trả góp.
Cho vay theo hạn mức thấu chi: Là việc cho vay mà TPBank thoả thuận bằng văn bản chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng, có mục đích phù hợp với các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thời hạn cho vay theo hạn mức thấu chi tối đa không quá 12 tháng.
Đội ngũ chuyên viên kinh doanh của ngân hàng luôn sẵn sàng tư vấn và giúp khách hàng hoàn tất thủ tục cấp hạn mức thấu chi trong thời hạn nhanh nhất.