Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường làm việc

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Tài chính ngân hàng: Giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank) (Trang 87 - 90)

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG CHO VAY ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TIÊN PHONG

3.2. Các giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong

3.2.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường làm việc

Yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của bất cứ hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động tín dụng thì yếu tố con người lại càng đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của ngân hàng và từ đó quyết định đến hiệu quả tín dụng. Giải

pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đưa ra tập trung vào một số nội dung sau:

- Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tín dụng.

Muốn có chất lượng tín dụng tốt, đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, ngân hàng TMCP Tiên Phong chỉ nên đưa ra những cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào làm nghiệp vụ tín dụng. Do đó, cần phải có định hướng tiêu chuẩn hóa cán bộ tín dụng. Người cán bộ tín dụng trước tiên phải có phẩm chất, đạo đức tốt, phải nắm vững nghiệp vụ tín dụng nói riêng và các nghiệp vụ, dịch vụ hiện có của ngân hàng nói chung, đồng thời phải đề cao những kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng liên quan tới bán hàng để thu hút khách hàng; kỹ năng tìm hiểu, điều tra để biết thu thập, khai thác thông tin có ích cho ngân hàng từ khách hàng và các nguồn khác, để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ; kỹ năng phân tích: đòi hỏi cán bộ tín dụng phải biết nhận định, đánh giá tình hình có cơ sở khoa học, từ đó rút ra kinh nghiệm, tìm biện pháp tốt hơn để không ngừng củng cố nâng cao chất lượng tín dụng; kỹ năng viết: đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có khả năng nêu bật được điểm mạnh, điểm yếu của khách hàng, chỉ ra được những rủi ro, nguy hiểm gặp phải khi đặt quan hệ tín dụng dưới hình thức văn bản có tính thuyết phục để trình lên xin ý kiến của lãnh đạo.

Người làm tín dụng phải là người am hiểu khách hàng, hiểu biết sâu sắc thực lực tài chính cũng như tiềm năng phát triển của khách hàng. Ngoài ra, cán bộ tín dụng cần phải có vốn hiểu biết nhất định về thị trường và lĩnh vực chuyên môn mà khách hàng của mình đang tiến hành sản xuất kinh doanh, vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng của từng món vay. Điều này khó đạt được nếu một cán bộ tín dụng phụ trách nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này hiện đang diễn ra tại ngân hàng TMCP Tiên Phong. Vì vậy cần có sự chuyên môn hóa trong cán bộ tín dụng. Ngân hàng nên phân mỗi cán bộ tín dụng phụ trách một mảng cho vay, có thể phân theo ngành. Tùy theo trình độ, năng lực của từng người,ban lãnh đạo phân công công việc phù hợp. Việc chuyên môn hóa như vây sẽ tạo điều kiện cho cán bộ tín dụng dễ dàng giám sát, sát cánh cùng khách hàng trong vấn đề quản lý vốn.

Để nâng cao hiệu quả thẩm định, ngân hàng nên tổ chức những khóa học chuyên sâu về thẩm định, đặc biệt là thẩm định dự án giúp cán bộ tín dụng có kiến thức tổng hợp về thị trường, về quản trị doanh nghiệp, về khoa học, kỹ thuật, về pháp luật, xã hội....ngân hàng TMCP Tiên Phong có thể xem xét thành lập bộ phận thẩm định, thực hiện thẩm định các dự án phức tạp, đồng thời có thể thuê chuyên gia trong một số lĩnh vực khác ngoài ngân hàng để tăng thêm khả năng đánh giá một cách toàn diện.

Trên cơ sở những yêu cầu đòi hỏi trên ngân hàng TMCP Tiên Phong rà soát lại đội ngũ cán bộ hiện có, rà soát lại các chương trình đào tạo hiện hành, có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại, bổ sung những mặt còn thiết, còn yếu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục tình trạng bất cập về trình độ nghiệp vụ của cán bộ tín dụng, nhất là số cán bộ được sắp xếp tổ chức lại, đang làm nghiệp vụ kế toán, ngân quỹ chuyển sang làm tín dụng. Tùy theo điều kiện cụ thể mà lựa chọn hình thức đào tạo hợp lý.

- Môi trường làm việc và các chế độ chính sách đãi ngộ.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong cần quan tâm đến đời sống cán bộ công nhân viên, thường xuyên bồi dưỡng chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, đoàn kết. Đồng thời, ngân hàng cần tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, theo dõi kịp thời diễn biến tư tưởng để phát hiện, uốn nắn những dấu hiệu khác để loại trừ việc thông đồng, che giấu sai phạm.

Ngân hàng cần phải có chế độ đãi ngộ, khen thưởng hợp lý, công bằng: đối với cán bộ có thành tích xuất sắc thi nên được biểu dương, khen thưởng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần tương xứng với kết quả mà họ mang lại, kể cả việc nâng lương trước thời hạn hoặc đề bạt lên vị trí cao hơn; đối với cán bộ có sai phạm thì tùy theo mức độ mà có thể giáo dục thuyết phục hoặc xử lý kỷ luật. Có như vật thì kỷ cương trong hoạt động tín dụng, uy tín của ngân hàng sẽ ngày càng được nâng cao và chất lượng tín dụng chắc chắn sẽ được cải thiện.

Mặt khác, con người là yếu tố giữ vai trò quyết định trong mọi hoạt động.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho vay trong thời gian qua là do trình độ bất cập của đội ngũ cán bộ cho vay không theo kịp yêu cầu của nền kinh tế thị trường, ý thức chấp hành thể lệ, chế độ nghiệp vụ của một số cán bộ chưa nghiêm túc, thậm chí còn có biểu hiện vi phạm về đạo đức. Vì vậy, việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ điều hành và cán bộ trực tiếp cho vay là nhiệm vụ hàng đầu của ngân hàng sao cho mỗi cán bộ cho vay đều đạt tiêu chuẩn về bằng cấp, năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác, khả năng giao tiếp, nắm vững kiến thức về kinh tế thị trường, về quản lý vĩ mô của nhà nước, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, những lợi thế cạnh tranh còn bao gồm cả kỹ năng và kiến thức về kinh tế thị trường của cán bộ phụ trách khoản vay.

Việc thẩm định dự án và ra quyết định cho vay đều chứa đựng những nhận định mang tính chủ quan của cán bộ tín dụng. Vì vậy, TPBank cần có các biện pháp nhằm đảm bảo tư cách đạo đức của cán bộ tín dụng, tránh tình trạng cán bộ tín dụng cấu kết với kẻ gian nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Do vậy, ngân hàng cần phải xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, có chính sách lương bổng, thưởng phạt hợp lý nhằm thoả mãn những nhu cầu chính đáng của nhân viên. Đồng thời phải biết nhận biết người tài, trọng dụng người tài để khuyến khích những nhân viên có tâm huyết với ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Tài chính ngân hàng: Giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP Bank) (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)