NĂNG LỰC HỌC SINH Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC
1.2. Các khái niệm cơ bản của đề tài
Nhiều nhà khoa học đã tiếp cận khái niệm hoạt động dạy học từ cơ sở lí luận của quá trình giáo dục tổng thể. Theo tác giả Hà Thế Ngữ: “Dạy học là một hệ thống những tác động qua lại lẫn nhau giữa nhiều nhân tố nhằm mục đích trang bị kiến thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo tương ứng và rèn luyện đạo đức cho người công dân. Chính những nhân tố hợp thành hoạt động này cùng với các tác động qua lại lẫn nhau giữa chũng đã làm cho dạy học thực sự tồn tại như một thực thể toàn vẹn một hệ thống” (Hà Thế Ngữ, 2001).
Theo tác giả Đặng Huỳnh Mai: “Dạy học là một bộ phận của quá trình sư phạm tổng thể, là quá trình tác động qua lại giữa giáo viên và học sinh nhằm truyền thụ và lĩnh hội những tri thức khoa học, những kĩ năng, kĩ xảo hoạt động nhận thức và thực tiễn, trên cơ sở đó phát triển năng lực tư duy và hình thành thế giới quan khoa học” (Đặng Huỳnh Mai, 2006).
Theo tác giả Trần Thị Hương: “Hoạt động dạy học là hệ thống những hoạt động phối hợp, tương tác giữa giáo viên và học sinh. Trong đó dưới tác động chủ đạo của giáo viên, học sinh tự giác, tích cực, chủ động lĩnh hội hệ thống tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành động, hình thành thế giới quan khoa học và những phẩm chất của nhân cách” (Trần Thị Hương, 2009). Dạy học là quá trình dưới sự tổ chức, điều khiển, lãnh đạo của người GV,
người học tự giác tích cực, chủ động tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức- học tập của mình nhằm thực hiện tốt cá nhiệm vụ dạy học (Trần Thị Hương, 2012).
Từ những quan niệm trên, dạy học được hiểu là quá trình tập hợp hành động liên tiếp là và thâm nhập vào nhau của người dạy và người học dưới sự hướng dẫn của người dạy nhằm làm cho người học nắm vững hệ thống tri thức khoa học, phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành động, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn. Những quan niệm trên đã phản ánh cấu trúc cơ bản của quá trình dạy học với các nhân tố chủ quan và mối quan hệ giữa chúng: người dạy – người học – mục đích dạy học cũng như sự tổ chức bên ngoài quá trình dạy học: người dạy truyền đạt, người học lĩnh hội để đạt tới mục đích dạy học. Tuy nhiên, quan niệm trên chưa thể hiện được mặt vận động bên trong và chức năng của các nhân tố tạo nên quá trình dạy học.
Như vậy, hoạt động dạy học là hoạt động phối hợp tương tác và thống nhất giữa hoạt động chủ đạo của giáo viên và hoạt động tự giác, tích cực, chủ động của học sinh nhằm thực hiện mục tiêu dạy học.
1.2.2. Hoạt động dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh
a) Năng lực
Năng lực được hiểu như sự thành thạo, khả năng thực hiện của cá nhân đối với một công việc. Khái niệm năng lực được dùng ở đây là đối tượng của tâm lý, giáo dục học. Có nhiều định nghĩa khác nhau về năng lực:
- Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế quốc tế (OECD) quan niệm năng lực là “khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể.” (OECD, 2002).
- Từ điển Bách khoa Việt Nam “Năng lực là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo-tức là có thể hiện một cách thành thục và chắc chắn một hay một số dạng hoạt động nào đó. Năng lực gắn với phẩm chất, trí nhớ, tính nhạy cảm, trí tuệ cá nhân. Năng lực có thể phát triển trên cơ sở năng khiếu song không phải là bẩm sinh mà là kết quả của phát triển xã hội” (Hội đồng Quốc gia chỉ đâọ biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2003).
- Theo Chương trình Phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì “Năng lực là sự huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí…để thực hiện một loại công việc trong bối cảnh nhất định. Năng lực không chỉ có kiến thức, kỹ năng, thái độ mà nó còn được thể hiện qua kết quả hoạt động” (Bộ Giáo dục và đào tạo, 2018).
Đỗ Đức Thái (2019) cho rằng “Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,...thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong nhũng điều kiện cụ thể”.
Khái niệm phát triển năng lực trong dạy và học tích cực được hiểu đồng nghĩa với phát triển năng lực hành động. Năng lực hành động bao gồm: Năng lực tìm tòi khám phá; Năng lực xử lý thông tin; Năng lực vận dụng giải quyết vấn đề; Năng lực hợp tác...
Vậy có thể hiểu một cách khái quát năng lực là khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thuộc tính cá nhân để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định. Bao gồm cả yếu tố năng khiếu bẩm sinh và những đặc tính hình thành và phát triển nhờ quá trình học tập, rèn luyện của con người.
b) Hoạt động dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh Phát triển là quá trình phát sinh và giải quyết vấn đề mâu thuẫn khách quan vốn có của sự vật, là quá trình thống nhất giữa phủ định những nhân tố tiêu cực và kế thừa, nâng caao nhân tố tích cực từ sự vật cũ trong hình thái mới của sự vật (Huỳnh Văn Sơn, et al., 2017). Hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh là chuyển mạnh quá trình từ dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực của người học. Học đi đôi với thực hành; lí luận gắng với thực tiễn, chú trọng vào việc truyền thụ kiến thức, trang bị cho người học hệ thống tri thức khoa học khách quan về nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh là hướng đến học sinh có khả năng, kỹ năng thực hiện các thao tác học tập nhằm giải quyết các nhiệm vụ do giáo viên yêu cầu,
tự điều chỉnh hoạt động học tập dưới sự kiểm tra của GV và tự kiểm tra của bản thân, tự tổ chức, tự điều khiển, tự đánh giá HĐDH để đạt kết quả tốt.
Từ các khái niệm về năng lực và hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, có thể hiểu: HĐDH môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh là hoạt động tương tác, phối hợp và thống nhất giữa hành động chủ đạo của GV và hoạt động tự giác, tích cực, chủ động của HS nhằm phát triển năng lực môn TNXH của học sinh.
Hoạt động dạy học môn TNXH theo hướng PTNL học sinh là quá trình GV tiến hành các thao tác có tổ chức, có định hướng các hoạt động dạy học theo yêu cầu của sản phẩm đầu ra. Nhưng sản phẩm đó không chỉ là kiến thức, kĩ năng, mà chủ yếu là khả năng học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng và thái độ đã có để thực hiện nhiệm vụ học tập đạt tới một chuẩn được yêu cầu nào đó, gắn học lí thuyết với thực hành và có khả năng giải quyết tình huống trong cuộc sống hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
1.2.3. Quản lí trường tiểu học a) Quản lí
Hoạt động quản lí đã có từ khi con người biết lao động theo từng nhóm đòi hỏi có sự tổ chức, điều khiển và phối hợp hành động. Quản lí là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học nghiên cứu quản lí từ những góc độ riêng của mình và đưa ra những định nghĩa khác nhau về quản lí. Khi nghiên cứu về quản lí, C.Mác đã coi quản lí là một đặc điểm vốn có của nó, là một tất yếu lịch sử của đời sống xã hội. Ông khẳng định: “Bất cứ lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào mà tiến hành trên quy mô khá lớn đều yêu cầu phải có một sự chỉ đạo để điều hành những hoạt động cá nhân. Sự chỉ đạo đó phải là những chức năng chung, tức là những chức năng phát sinh từ sự khác nhau giữa sự vận động chung của cơ thể sản xuất với những vận động cá nhân của những khí quan độc lập hợp thành cơ thể sản xuất đó. Một nhạc sĩ độc tấu thì tự điều khiển lấy mình, nhưng một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng” (Mac, Enghen, 1993).
Tác giả Đặng Quốc Bảo cho rằng: “Quản lí là quá trình tác động gây ảnh hưởng của chủ thể Quản lí đến khách thể quản lí nhằm đạt được mục tiêu chung”
(Đặng Quốc Bảo, 1999). Theo Trần Kiểm “Quản lí nhằm phối hợp nỗ lực của nhiều người sao cho mục tiêu của từng cá nhân biến thành những thành tựu của xã hội”
(Trần Kiểm, 2004). Theo tác giả Trần Hồng Quân: “Quản lí là hoạt động định hướng, có chủ đích của chủ thể quản lí (người quản lí) đến khách thể quản lí (người bị quản lí) trong tổ chức, nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức” (Trần Hồng Quân, 1995). Theo tác giả Vũ Dũng, Nguyễn Thị Mai Lan:
“Quản lí là sự tác động có định hướng, có mục đích, có kế hoạch và có hệ thống thông tin của chủ thể đến khách thể của nó” (Vũ Dũng, Nguyễn Thị Mai Lan, 2013). Theo tác giả Bùi Minh Hiền: “Quản lí là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lí tới đối tượng quản lí nhằm đạt được mục tiêu đề ra” (Bùi Minh Hiền, 2005).
Từ những quan niệm nêu trên có thể hiểu: Quản lí là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lí đến đối tượng quản lí để lãnh đạo, tổ chức, điều khiển đối tượng nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.
b) Quản lí trường tiểu học
Quản lí nhà trường nói chung cũng được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau:
Theo Phạm Minh Hạc: “Quản lí nhà trường là thực hiện đường lối của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lí giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và đối với từng học sinh” (Phạm Minh Hạc, 1986).
Theo tác giả Trần Kiểm: “Quản lí nhà trường là hệ thống những hoạt động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lí đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường” (Trần Kiểm, 2008).
Theo tác giả Bùi Minh Hiền: “Quản lí nhà trường là quá trình tác động có mục đích, có định hướng, có tính kế hoạch của các chủ thể quản lí (đứng đầu là hiệu trưởng nhà trường) đến các đối tượng quản lí (giáo viên, cán bộ nhân viên, người học, các bên liên quan) và huy động, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguổn
lực nhằm thực hiện sứ mệnh của nhà trường đối với hệ thống giáo dục và đào tạo, với cộng đồng và xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục đã xác định trong một mơi trường lương luôn biến động” (Bùi Minh Hiền, 2015).
Từ khái niệm trên có thể hiểu: Quản lí trường tiểu học là tác động có mục đích, có định hướng, có tính kế hoạch của chủ thể quản lí trường tiểu học đến các đối tượng quản lí trong nhà trường và huy động, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả các mục tiêu giáo dục của nhà trường.
1.2.4. Quản lí hoạt động dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh
a) Quản lí hoạt động dạy học
Theo tác giả Hà Thế Truyền: “Quản lí hoạt động dạy học thực chất là những tác động của chủ thể quản lí vào quá trình dạy học nhằm góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh theo mục tiêu giáo dục và đào tạo của nhà trường” (Hà Thế Truyền, 2013).
Quản lí HĐDH là quá trình người HT xây dựng kế hoạch, tổ chức, điều khiển, kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học của GV nhằm đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, CBQL cần phải tạo điều kiện và tác động cho sự công tác tối ưu giữa GV và HS nhằm xác định đúng mục tiêu, lựa chọn nội dung phù hợp kế hoạch, áp dụng các PPDH phù hợp, tận dụng các phương tiện và điều kiện hiện có của nhà trường, tổ chức linh hoạt các hình thức dạy học, tìm ra phương thức kiểm tra-đánh giá kết quả dạy học đáng tin cậy.
Tóm lại, quản lí HĐDH là một hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp qui luật của hiệu trưởng tới HĐDH do tập thể GV và HS trong quá trình dạy học thực hiện nhằm đạt mục tiêu giáo dục.
b) Quản lí hoạt động dạy học môn TNXH theo hướng PTNL học sinh
Quản lí hoạt động dạy học theo hướng PTNL HS là một quá trình nhà QL thực hiện các chức năng quản lí, tác động đến GV, HS và các lực lượng giáo dục khác để triển khai thực hiện HĐDH theo chương trình dạy học theo hướng phát triển năng lực, sử dụng các phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực, chú ý
tích cực hóa hoạt động trí tuệ của học sinh và rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh chú trọng và khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau (Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, 2015).
Từ quan niệm về dạy học theo định hướng phát triển năng lực và quản lí hoạt động dạy học cho thấy: Quản lí hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực là những tác động của chủ thể quản lí (HT) nhà trường vào hoạt động dạy học được tiến hành bởi giáo viên, học sinh và sự hỗ trợ của các lực lượng giáo dục khác nhằm phát triển năng lực học sinh. Năng lực học sinh không chỉ là kiến thức, kĩ năng, mà chủ yếu là năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng và thái độ để thực hiện nhiệm vụ học tập gắn học lí thuyết với thực hành và có khả năng giải quyết tình huống trong cuộc sống hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Quản lí HĐDH môn TNXH theo hướng PTNL học sinhthực chất là quản lí về mục tiêu, nội dung chương trình môn TNXH, là quản lí về kế hoạch, đội ngũ, các điều kiện, công tác kiểm tra, đánh giá, công tác phối hợp các lực lượng trong và ngoài trường nhằm thực hiện tốt HĐDH môn TNXH theo hướng PTNL học sinh.
Như vậy, Quản lí HĐDH môn TNXH theo hướng PTNL học sinh là những tác động của chủ thể quản lí trường tiểu học đến hoạt động dạy học môn TNXH được tiến hành bởi GV, HS và sự hỗ trợ của các lực lượng giáo dục khác nhằm thực hiện mục tiêu dạy học môn TNXH theo hướng PTNL học sinh.