NĂNG LỰC HỌC SINH Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC
1.3. Hoạt động dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh ở trường tiểu học
1.3.1. Vị trí vai trò của môn Tự nhiên - Xã hội trong trường tiểu học
Tự nhiên và Xã hội là môn học bắt buộc ở các lớp 1, 2, 3. Môn Tự nhiên - Xã hội tích hợp những kiến thức về thế giới tự nhiên và xã hội, coi tự nhiên, con người và xã hội là một thể thống nhất có mối quan hệ qua lại. Trong đó, con người với những hoạt động của mình, vừa là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội, vừa có tác động mạnh mẽ đến tự nhiên và xã hội. Môn TNXH có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4, 5, góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội ở các
cấp học trên. Môn học coi trọng việc tổ chức cho HS trải nghiệm thực tế, tạo cho các em cơ hội tìm tòi, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh; vận dụng kiến thức vào thực tiễn, học cách ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội.
Ngoài tuân thủ các quan điểm chung của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn TNXH trong trường tiểu học đóng vài trò quan trọng nhấn mạnh các quan điểm:
Dạy học tích hợp, coi con người, tự nhiên và xã hội là một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau,trong đó con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội. Các nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường, giáo dục tài chính được tích hợp vào môn TNXH ở mức độ đơn giản, phù hợp với điều kiện của Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018);
Dạy học theo chủ đề, nội dung giáo dục môn TNXH được tổ chức theo các chủ đề: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề này được phát triển theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018);
Tích cực hóa hoạt động của học sinh, Chương trình môn TNXH tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập, nhất là những hoạt động trải nghiệm; tổ chức hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá; hướng dẫn học sinh học tập cá nhân, nhóm để tạo ra các sản phẩm học tập; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
Môn TNXH và phát triển ở học sinh năng lực khoa học, bao gồm các thành phần: nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời góp phần cùng các môn học và hoạt động giáo dục khác hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên; đức tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống và các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo).
1.3.2. Mục tiêu dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh
a) Mục tiêu chung
Theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học thì mục tiêu môn TNXH là: Giúp HS đạt được một số kiến thức cơ bản ban đầu về con người và sức khỏe (cơ thể người, cách giữ vệ sinh cơ thể và phòng tránh một số bệnh tật, tai nạn thười gặp), một số sự vật hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội; một số kỹ năng ban đầu về chăm sóc sức khỏe bản thân và và phòng tránh một số bệnh tật, tai nạn; một số kỹ năng quan sát, nhận xét, nêu thắc mắc, đạt câu hỏi và diễn đạt những hiểu biết của mình về các sự vật hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội; một số thái độ và hành vi: tự giác thực hiện các quy tắc giữ vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, yêu thiên nhiên, gia đình, trường học, quê hương (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006).
Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì mục tiêu môn TNXH là: Góp phần giúp HS hình thành và phát triển tình yêu con người, thiên nhiên; đức tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống; các năng lực chung và năng lực khoa học (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
b) Mục tiêu cụ thể
Môn TNXH góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển tình yêu con người, thiên nhiên; tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ thể chất và tinh thần của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống. Môn học đồng thời góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội (bao gồm năng lực nhận thức về tự nhiên và xã hội; năng lực tìm tòi và khám phá các sự vật, hiện tượng và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và xã hội; năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội) cụ thể:
Thông qua hoạt động học tập, rèn luyện, khám phá, trải nghiệm, môn TNXH giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, học cách ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù. Bên cạnh đó, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học vè tự nhiên và xã hội, năng lực tìm tòi và khám phá các sự vật hiện tượng như nhận biết được ở mức độ đơn giản một số sự vật, hiện tượng, mối quan hệ thường gặp trong môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh như về sức khỏe và an toàn trong cuộc sống, mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường, cộng đồng và thế giới tự nhiên,…Ngoài ra, môn học còn giúp HS phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội như phân tích được tình huống liên quan đến vấn đề an toàn, sức khỏe của bản thân, người khác và môi trường sống xung quanh. Đồng thời, môn TNXH cũng giúp học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề tình huống, năng lực giao tiếp như giải quyết được vấn đề, đưa ra được cách ứng xử phù hợp trong các tình huống có liên quan (ở mức độ đơn giản); trao đổi, chia sẻ với những người xung quanh để cùng thực hiện; nhận xét được cách ứng xử trong mỗi tình huống. Và đặc biệt, môn TNXH giúp học sinh hình thành, phát triển tình yêu con người, thiên nhiên; ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
1.3.3. Nội dung chương trình dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh
Chương trình môn TNXH quán triệt quan điểm tích hợp, coi tự nhiên, con người và xã hội là một thể thống nhất có mối quan hệ qua lại. Trong đó, con người với những hoạt động của mình, vừa là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội, vừa có tác động mạnh mẽ đến tự nhiên và xã hội. Thực hiện nội dung dạy học theo 06 chủ đề bao gồm: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời. Tổ chức giảng dạy các chủ đề phù hợp với đối tượng HS và thực tế nhà trường, địa phương; các chủ đề này được phát triển theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3. Xuất phát từ đặc thù của môn TNXH, khi thực hiện nội dung chương trình đặc biệt nhấn mạnh việc tổ chức dạy
học tích hợp; dạy học theo chủ đề; dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; dạy học theo hướng hoạt động trải nghiệm (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
- Dạy học tích hợp: coi con người, tự nhiên và xã hội là một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội. Tích hợp các nội dung liên quan đến thế giới tự nhiên xã hội và con người vai trò của con người. Các nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường, giáo dục tài chính được tích hợp vào môn TNXH ở mức độ đơn giản, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
- Dạy học theo chủ đề: Mỗi chủ đề đều được thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội. Tùy theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khỏe, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai,…được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp.
- Dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh: Tổ chức các nội dung dạy học môn TNXH theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong lớp học, tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập.
- Dạy học theo hướng hoạt động trải nghiệm: Tổ chức các nội dung dạy học môn TNXH theo hướng hoạt động trải nghiệm phù hợp nhận thức của học sinh và thực tế nhà trường; tổ chức hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá; hướng dẫn học sinh học tập cá nhân, nhóm để tạo ra các sản phẩm học tập; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống.
So với chương trình hiện hành, Chương trình môn TNXH theo CTPT 2018 tinh giản một số nội dung khó hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp trung học cơ sở, đồng thời cập nhật một số nội dung mới gần gũi và thiết thực hơn với học sinh. Ví dụ, chương trình mới không dạy nội dung về đơn vị hành chính (làng, xã/phường; huyện/quận; tỉnh/thành phố) và các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp,…. ở tỉnh/thành phố; thay vào đó là dạy một số nội dung về lễ hội, về di tích văn hóa lịch sử và cảnh đẹp ở địa phương; một số thiên tai thường gặp và cách phòng tránh; cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, phòng tránh bị xâm hại,…; giảm
bớt một số nội dung kiến thức trong chủ đề Trái Đất và bầu trời (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018).
1.3.4. Hình thức, phương pháp dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh
a) Hình thức tổ chức dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh Hình thức tổ chức trong dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh không chỉ là hình thức dạy - học trong lớp với bốn bức tường xung quanh, bàn ghế cố định, phía trước là bảng đen mà còn là sự linh hoạt trong tổ chức của giáo viên. Như chúng ta đã biết, với quan điểm xây dựng chương trình có nhấn mạnh việc tổ chức dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đó là tổ chức cho học sinh tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên, xã hội trong giờ học trên lớp, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong giờ thực hành thí nghiệm, tổ chức hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá thế giới tự nhiên, xã hội trong giờ học trên lớp. Các phòng học chức năng (dành cho thí nghiệm) để đảm bảo đặc trưng phương pháp môn TNXH nói chung (gồm môn TNXH lớp 1,2,3 và môn khoa học lớp 4,5) hay là những hình thức tổ chức dạy học mới, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong giờ thực hành thí nghiệm, tạo môi trường học cho học sinh. Những hình thức dạy học linh hoạt như: tổ chức hoạt động tương tác giữa cá nhân phối hợp nhóm, lớp trong trường, cụ thể là thực hiện các hoạt động trò chơi, đóng vai, thảo luận, thực hành, xử lí tình huống thực tiễn để tăng cường kĩ năng hợp tác, giao tiếp, sự tự tin của học sinh; tổ chức dạy học theo định hướng giáo dục Stem; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan, dã ngoại; tổ chức các hội thi, cuộc thi, sân khấu hóa để học sinh thể hiện mình… sẽ tạo điều kiện cho học sinh được bộc lộ năng lực cá nhân nhiều hơn, giúp cho không khí lớp học tự nhiên hơn và giúp cho học sinh giảm bớt áp lực trong giờ học. Những giao lưu, trao đổi trong hoạt động học của học sinh được tôn trọng sẽ giúp học sinh học tập tự nhiên hơn, học sinh có cơ hội hợp tác, tranh luận với nhau, bổ sung cho nhau trong các thời điểm khác nhau. Bên cạnh đó, giáo viên cần phối hợp các hình thức tổ chức dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh sẽ nâng cao chất lượng từng giờ dạy cũng như chất lượng, hiệu quả của môn TNXH.
Chương trình môn TNXH là chương trình mở. Trên cơ sở bảo đảm yêu cầu cần đạt đối với mỗi lớp học, giáo viên có thể lựa chọn đối tượng học tập sẵn có ở địa phương để dạy học, thay đổi thứ tự các chủ đề học tập, đặt tiêu đề bài học trong mỗi chủ đề, xác định thời gian và điều chỉnh thời lượng học tập cho mỗi chủ đề cho phù hợp với thực tế địa phương, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
b) PPDH, PTDH môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh
Tự nhiên xã hội là môn học về thiên nhiên, con người và cộng đồng gần gũi xung quanh. Do đó, phương pháp dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh là: quan sát, trình bày trực quan; luyện tập, trò chơi; thí nghiệm, thực nghiệm; đặt và giải quyết vấn đề; bàn tay nặn bột; phương pháp tình huống; theo nhóm nhỏ,… nhằm khai thác những kiến thức, kinh nghiệm của học sinh về cuộc sống xung quanh; phát huy trí tò mò khoa học, hướng đến sự phát triển các mối quan hệ tích cực của học sinh với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh; hướng dẫn học sinh cách đặt câu hỏi, cách thu thập thông tin và tìm kiếm các bằng chứng, cách sử dụng các thông tin, bằng chứng thu thập được để đưa ra những nhận xét, kết luận mang tính khách quan, khoa học.
Ngoài ra, dạy học môn TNXH theo hướng phát triển năng lực học sinh còn yêu cầu giáo viên phải sáng tạo lựa chọn phối hợp linh hoạt các phương pháp để tạo ra hoạt động dạy - học cho học sinh một cách thực sự và hiệu quả nhất. Giáo viên phải suy nghĩ sử dụng các phương pháp dạy học để phát huy tinh thần chủ động tự giác, tích cực của HS qua đó hình thành và phát triển năng lực tự học, đồng thời trau dồi các phẩm chất của tư duy HS một cách linh hoạt, độc lập, sáng tạo.
Để dạy học hiệu quả, GV cần quan tâm sử dụng đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học môn TNXH theo quy định. Sử dụng phương tiện thông thường khi tổ chức dạy học một cách thiết thực và hiệu quả. Cùng với đó có thể khuyến khích GV sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, sử dụng phương tiện kĩ thuật hiện đại, bảng tương tác phù hợp với nội dung dạy học, với đối tượng học sinh. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học và khai thác tài liệu dạy học. Yêu cầu đối với giáo viên là phải biết lựa chọn và linh hoạt phối hợp, sử dụng các phương tiện dạy học khác
nhau phù hợp với điều kiện dạy học, đặc trưng môn TNXH nhằm thực hiện hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực một cách hiệu quả nhất.
1.3.5. Hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả dạy học môn Tự nhiên - Xã hội theo hướng phát triển năng lực học sinh
Kiểm tra đánh giá là khâu kết thúc của quá trình dạy học, là bộ phận không thể tách rời của quá trình dạy học. Để đánh giá hiệu quả kết quả dạy học môn TNXH, giáo viên có thể thu thập thông tin phản hồi từ HS, với kết quả phản hồi GV có cơ sở điều chỉnh phương pháp dạy, kỹ thuật dạy của mình.
- Mục đích đánh giá: Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học. Giúp cán bộ quản lí nhà trường kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.
- Nội dung đánh giá: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn TNXH. Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất và năng lực của học sinh.
- Hình thức đánh giá: theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành đánh giá học sinh tiểu học; theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do vậy, trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học để giáo viên tiến hành một số công việc như: Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình dạy học. Từ đó,