Các khái niệm cơ bản của đề tài

Một phần của tài liệu Quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận thủ đức thành phố hồ chí minh (Trang 22 - 28)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TỔ CHUYÊN MÔN Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC

1.2. Các khái niệm cơ bản của đề tài

1.2.1. Tổ chuyên môn và hoạt động tổ chuyên môn

Tổ chuyên môn trong nhà trường tiểu học là một đơn vị cơ bản, bộ phận cấu thành quan trọng trong bộ máy tổ chức, quản lí nhà trường. Các tổ chuyên môn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ khác và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường, chương trình giáo dục và hoạt động giáo dục.

Tổ chuyên môn là đơn vị quản lí cơ sở, là nơi tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn cụ thể và hiệu quả, trực tiếp tổ chức, quản lí, đổi mới hoạt động thực hiện chương trình; kiểm tra, đánh giá; bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên. Đây là nơi các thành viên trong tổ trao đổi các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm tư, tình cảm; là cầu nối giữa các thành viên trong tổ tạo ra sự gắn kết, sức mạnh của cả một nhóm, một tập thể không chỉ trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi nhà trường. Vì vậy, quản lí tốt hoạt động của tổ chuyên môn thì sẽ nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định:

Tổ chuyên môn bao gồm giáo viên theo khối lớp hoặc môn học; nhân viên làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, công nghệ thông tin, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, tham vấn học đường. Mỗi tổ có ít nhất 03 thành viên; tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó.Tổ chuyên môn sinh hoạt ít nhất hai tuần một lần để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chuyên môn trên tinh thần xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học để nâng cao trình độ và phát triển năng lực chuyên môn.” Thông tư quy định tổ chuyên môn có nhiệm vụ sau: “Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; Căn cứ vào kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng và giải trình kế hoạch dạy học các môn học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học của tổ theo tuần, tháng, học kỳ và năm học; Thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn của trường, của tổ chủ động

và linh hoạt; Đề xuất hiệu trưởng phân công giáo viên dạy và giáo viên chủ nhiệm lớp theo năm học; Tổ chức cho giáo viên thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đề xuất các xuất bản phẩm tham khảo để lựa chọn sử dụng trong nhà trường theo quy định;

Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; tham gia đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo Chuẩn hiệu trưởng”.

Căn cứ nhiệm vụ của tổ chuyên môn trong trường tiểu học thì hoạt động của tổ chuyên môn gồm nhiều hoạt động nhưng đề tài chỉ giới hạn về các hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn. Hoạt động tổ chuyên môn bao gồm:

- Hoạt động thực hiện chương trình giáo dục: Theo Thông tư 28/2020/TT- BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học: “Trường tiểu học thực hiện chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; kế hoạch thời gian năm học và thời lượng giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Căn cứ chương trình giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và kế hoạch dài hạn của đơn vị do cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường”. Như vậy, tổ chuyên môn căn cứ hướng dẫn, quy định của Phòng Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hoạt động giảng dạy của giáo viên ở trên lớp theo chương trình được phê duyệt.

- Hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn: Theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định: “Tổ chuyên môn sinh hoạt ít nhất hai tuần một lần để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chuyên môn trên tinh thần xây dựng môi trường thân thiện, tích cực, tự học để nâng cao trình độ và phát triển năng lực chuyên môn.” Thông qua việc tổ chức các chuyên đề, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho các thành viên trong tổ; tổ chức thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi, thi triển lãm thiết bị và đồ dùng dạy học tự làm nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên trong tổ.

- Hoạt động bồi dưỡng chuyên môn giáo viên làm tăng thêm trình độ hiện có của đội ngũ giáo viên (cả phẩm chất, năng lực, sức khoẻ) với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Nội dung bồi dưỡng phong phú bao gồm: chương trình đổi mới, bổ sung tri thức chuyên môn, các tri thức về phương pháp giảng dạy, phương pháp và công cụ đánh giá, thiết kế chương trình, tâm lí học, xã hội học. Ngoài ra còn có cả chương trình bồi dưỡng về công cụ, phương tiện cho hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội (chương trình bồi dưỡng tin học, bồi dưỡng ngoại ngữ, phương pháp nghiên cứu khoa học). Hình thức bồi dưỡng bao gồm: Bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng định kì, bồi dưỡng nâng cao.

- Hoạt động đánh giá, xếp loại giáo viên: Các thành viên trong tổ thực hiện kiểm tra, giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như: Việc quản lí và sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, việc soạn giảng, chuẩn bị bài dạy, ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh theo quy định…Đánh giá giáo viên của tổ bộ môn theo chuẩn nghề nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Thông tư ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018.

Như vậy, tổ chuyên môn ở trường tiểu học là một bộ phận chuyên môn giúp Ban giám hiệu nhà trường điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động sư phạm và nghiệp vụ chuyên môn. Tính chất hoạt động chủ yếu của tổ là chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm, thể hiện sự tích tụ cao về chuyên môn. Hoạt động của tổ chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục, dạy học ở nhà trường.

1.2.2. Đổi mới hoạt động tổ chuyên môn

Đổi mới là cái vốn có của mọi vận động và phát triển trong tự nhiên, xã hội cũng như trong tư duy. Bất kỳ sinh vật nào cũng luôn luôn tự đổi mới để thích nghi với những sự thay đổi của môi trường sống. Đối với xã hội, đổi mới là một phản ứng mang tính tự nhiên của xã hội để bảo đảm sự thích nghi của nó trước những biến đổi môi trường tự nhiên, môi trường quốc tế, để thích ứng với tình thế. Đổi mới là quá trình vận động tự nhiên của mọi hiện tượng xã hội.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt thì “Đổi mới là thay đổi hoặc làm cho thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước” Điều này cho thấy nội hàm của khái niệm đổi mới nhằm chỉ những hoạt động của con người làm thay đổi những cái cũ, lạc hậu bằng cái mới tiến bộ hơn. Đổi mới cần phải hiểu là “ quá trình mang tính chủ động, nằm trong quy luật vận động và phát triển tự thân của sự vật.” Đổi mới là một tất yếu khách quan. Mọi sự vật, hiện tượng, cá nhân, cộng đồng và dân tộc nào muốn tồn tại và thích nghi với môi trường sống thì phải đổi mới Đổi mới như là một công việc diễn ra hằng ngày, là bản năng của mỗi cá thể và tập thể trong cuộc sống hằng ngày để thích nghi với sự thay đổi của môi trường sống.

Vận dụng vào vấn đề nghiên cứu “Đổi mới’ là thay cách nghĩ, cách làm cũ lạc hậu, lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, bằng cách nghĩ, cách làm khác, tiến bộ hơn, hợp với quy luật của sự phát triển.

Đổi mới hoạt động tổ chuyên môn là thay đổi hoạt động chuyên môn trong tổ chuyên môn bằng các hình thức chủ động, sáng tạo, hiệu quả nhằm đạt được mục đích hoạt động chuyên môn của nhà trường đặt ra đối với tổ chuyên môn.

1.2.3. Quản lí nhà trường tiểu học

Theo từ điển Tiếng Việt thông dụng (Nxb Giáo dục, 1998): Quản lí là tổ chức, điều khiển hoạt động của một đơn vị, cơ quan.

Theo F.W. Taylor cho rằng: Quản lí là biết chính xác điều muốn người khác làm và sau đó thấy rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và chi phí thấp nhất.

Theo H. Koontz thì khẳng định: Quản lí là một hoạt động thiết yếu, nó đảm bảo phối hợp những nỗ lực hoạt động cá nhân nhằm đạt được các mục đích của nhóm (tổ chức).

Quản lí là một trong những loại hình lao động quan trọng nhất trong các hoạt động của con người. Quản lí đúng tức là con người đã nhận thức được quy luật, vận động theo quy luật nên quản lí phải là một tác động có hướng đích, có mục tiêu xác định. Quản lí luôn thể hiện được mối quan hệ giữa hai bộ phận chủ thể quản lí và đối tượng quản lí (Ban giám hiệu - tổ trưởng chuyên môn, Tổ trưởng chuyên môn -

giáo viên). Đây là sự tác động, mang tính chủ quan nhưng phải phù hợp với quy luật khách quan.

Từ những ý chung của các định nghĩa trên và xét quản lí với tư cách là một hành động: Quản lí là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lí tới đối tượng quản lí nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Nhà trường là một cơ sở giáo dục, là nơi tổ chức quá trình dạy học, giáo dục, đào tạo con người theo yêu cầu xã hội. Trong nhà trường, diễn ra các hoạt động giáo dục toàn diện và quá trình quản lí giáo dục, trong đó hoạt động dạy học và quản lí hoạt động dạy học là trung tâm. Xét trong quan hệ với cả hệ thống giáo dục, nhà trường được xem xét như một tế bào căn bản, là đơn vị cấu trúc cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân, là tấm gương phản chiếu bộ mặt của một nền giáo dục.

Mục tiêu giáo dục, tính chất đại chúng, dân chủ của nhà trường, quy mô trường lớp, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… trong nhà trường phản ánh trình độ phát triển, tính chất tiến bộ của nền giáo dục của một quốc gia. Xét trong quan hệ với cộng đồng, địa bàn cư dân và vùng lãnh thổ, nhà trường được coi là vầng trán của cộng đồng, là trung tâm tri thức, trí tuệ của cộng đồng, của địa phương. Theo nghĩa này, nhà trường là nơi chuyển giao, phát triển và sáng tạo tri thức, không chỉ cho các thế hệ người học học tập trong nhà trường mà cho cả cộng đồng xã hội.

Theo tác giả Trần Kiểm (2008) “Quản lí nhà trường là hệ thống những hoạt động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lí đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường.”

Theo tác giả Bùi Minh Hiền (2015) “Quản lí nhà trường là quá trình tác động có mục đích, có định hướng, có tính kế hoạch của các chủ thể quản lí (đứng đầu là hiệu trưởng nhà trường) đến các đối tượng quản lí (giáo viên, cán bộ nhân viên, người học, các bên liên quan …) và huy động, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguổn lực nhằm thực hiện sứ mệnh của nhà trường đối với hệ thống giáo dục và

đào tạo, với cộng đồng và xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục đã xác định trong một môi trường lương luôn biến động”.

Theo Luật giáo dục nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại mục 2 điều 58, chương III năm 2005 thì quản lí trường học trước hết là quản lí dạy và học, quản lí các hoạt động bên trong của nhà trường, đồng thời phải bao gồm việc quản lí các quan hệ giữa nhà trường và xã hội bên ngoài.

Như vậy, bản chất của quản lí nhà trường có thể hiểu là quản lí con người, tập thể (cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh) quản lí các mối quan hệ nội bộ của nhà trường và quan hệ giữa nhà trường với xã hội có mục đích, có kế hoạch nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả các mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Quản lí trường học nói chung và quản lí trường tiểu học nói riêng là tác động có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lí nhà trường đến các hoạt động của nhà trường nhằm đạt mục tiêu giáo dục, đào tạo.

1.2.4. Quản lí hoạt động tổ chuyên môn ở trường tiểu học

Quản lí hoạt động tổ chuyên môn là quá trình hiệu trưởng xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của tổ chuyên môn, của giáo viên nhằm đạt mục tiêu đề ra. Bản chất của quản lí hoạt động tổ chuyên môn là quản lí việc thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục, quản lí sinh hoạt tổ chuyên môn, quản lí hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và quản lí hoạt động đánh giá giáo viên. Trong quá trình quản lí, vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Hiệu trưởng thông qua TTCM - TPCM và GV để nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục trong nhà trường.

Từ các khái niệm về tổ chuyên môn và hoạt động của tổ chuyên môn trường tiểu học, quản lí nhà trường tiểu học, cùng với nhận thức về lí luận quản lí giáo dục, có thể quan niệm: Quản lí hoạt động tổ chuyên môn trường tiểu học là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch và tổ chức chặt chẽ của chủ thể quản lí trường tiểu học đến hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường.

1.2.5. Quản lí đổi mới họat động tổ chuyên môn ở trường tiểu học

Theo kế hoạch số 80/KH-BGDĐT ngày 25 tháng 02 năm 2014, tổ chức thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên: Mục đích thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn là: “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn tại tổ chuyên môn, trường, cụm trường (sau đây gọi chung là SHCM) theo hướng nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn trong các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực quản lí cho cán bộ quản lí (CBQL) giáo dục và nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên (GV) nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh”. Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực và phù hợp đối với CBQL, GV. Coi trọng việc trang bị cho CBQL, GV các kĩ năng cơ bản, cần thiết trong SHCM để đảm bảo cho hoạt động này thực sự thiết thực và hiệu quả.

Từ đó có thể hiểu: Quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở trường tiểu học là quá trình tác động có định hướng, có kế hoạch của hiệu trưởng, TTCM đến quá trình đổi mới hoạt động của tổ chuyên môn nhằm tạo hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn, từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện học sinh.

Một phần của tài liệu Quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận thủ đức thành phố hồ chí minh (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)