Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÍ ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TỔ CHUYÊN MÔN Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẬN THỦ ĐỨC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.6. Đánh giá chung và nguyên nhân thực trạng quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh
2.6.1. Ưu điểm
- Kết quả phân tích thực trạng ở trên cho thấy công tác quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận Thủ Đức, TP.HCM trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đã đạt kết quả tương đối tốt, thể hiện:
- Bản thân người cán bộ quản lí và giáo viên nhận thức được phải đổi mới hoạt động tổ chuyên môn trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên quan điểm của CBQL và giáo viên về đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở tường tiểu học đều ở mức “ Quan trọng” và việc thực hiện đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở trưởng tiểu học ở mức thường xuyên.
- Các trường tiểu học trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM triển khai đổi mới quản lý hoạt động tổ chuyên môn cả về nội dung, phương thức, đánh giá đều ở mức độ “Thường xuyên”.
- Công tác tổ chức thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động tổ chuyên môn của cán bộ quản lí được thực hiện với mức độ “Thường xuyên” trước khi bước vào năm học mới.
- Nhà trường đã chú ý đến tính thiết thực của nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng sinh hoạt chuyên đề và phân tích hoạt động học của học sinh, thúc đẩy việc nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, giảm bớt tính hình thức trong sinh hoạt tổ chuyên môn.
2.6.2. Hạn chế
Bên cạnh mặt được còn một số hạn chế bộc lộ qua việc khảo sát thực trạng quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn:
- Việc lập kế hoạch, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, kiểm tra đánh giá thực hiện kế hoạch đổi mới hoạt động tổ chuyên môn còn mang tính hình thức, ít thường xuyên nên chưa tạo ra định hướng rõ nét cho hoạt động của tổ chuyên môn.
- Việc xây dựng bản tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới hoạt động tổ chuyên môn chưa được các trường quan tâm thực hiện nên công tác định hướng cho hoạt động tổ chuyên môn còn hạn chế.
- CBQL dự sinh hoạt tổ chuyên môn còn ít, nhiều khi khoán trắng cho tổ tự hoạt động, tự điều hành.
- Công tác tập huấn cho cán bộ quản lí và giáo viên chưa được nhà trường chú trọng ít thường xuyên thực hiện. Bản thân giáo viên chưa thực hiện nghiêm túc hoạt động tự bồi dưỡng thường xuyên nên việc tham gia thực hiện đổi mới còn mang tính hình thức.
2.6.3. Nguyên nhân
Có thể nêu ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
- Việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và theo dõi kiểm tra đánh giá kế hoạch thực hiện đổi mới hoạt động tổ chuyên môn còn mang tính hình thức, ít thường xuyên và chưa nề nếp. Trong xây dựng kế hoạch, chưa hể hiện được bộ tiêu chí đánh giá cho hoạt động đổi mới trong khi bộ tiêu chí là căn cứ đánh giá cụ thể, chi tiết.
- Chưa chú trọng công tác bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên. Mới chỉ tập trung vào đội ngũ giáo viên trẻ, cốt cán và tổ trưởng chuyên môn.
- Công tác phối hợp các bộ phận trong nhà trường chưa đảm bảo nên thực sự chưa tạo được không khí thân thiện hay làm việc khoa học trong các hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học là yếu tố hạn chế hàng đầu phục vụ cho hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn.
Tiểu kết chương 2
Kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng ở các trường tiểu học quận Thủ Đức, TP. HCM cho thấy thực trạng đổi mới hoạt động tổ chuyên môn và quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận Thủ Đức, TP. HCM như sau:
- Đối với thực trạng đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận Thủ Đức, TP. HCM: các trường xác định vai trò rất quan trọng của việc đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học và cần thực hiện rất thường xuyên nội dung, phương thức và đánh giá thực hiện đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở trường tiểu học. Tuy nhiên, thực tế tại các trường khảo sát thì mức độ thực hiện đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học về nội dung, phương thức và cách đánh giá đều ở mức độ chưa cao: chưa chú trọng bồi dưỡng chuyên môn giáo viên theo hướng phát huy năng lực mà còn mang tính chất hình thức, đại trà; chưa thực hiện tốt công tác phối hợp nhà trường - gia đình - cộng đồng trong hoạt động chuyên môn, hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên chưa hiệu quả do không chú trọng công tác đánh giá, kiểm tra nên còn mang tính hình thức. Khi đánh giá kết quả thực hiện đổi mới thì CBQL chỉ dựa vào văn bản báo cáo của tổ chuyên môn mà không trực tiếp quan sát, tham dự các hoạt động sinh hoạt chuyên môn.
- Đối với thực trạng quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận Thủ Đức, TP. HCM: các trường thực hiện đầy đủ chức năng quản lí như: lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra công tác đổi mới hoạt động tổ chuyên môn. Tuy nhiên, hình thức thực hiện chủ yếu căn cứ vào cơ sở pháp lí là các văn bản hướng dẫn mà chưa phân tích tình hình thực tế đơn vị, thời cơ, thách thức hay khả năng phối hợp các nguồn lực tại đơn vị, chưa có kế hoạch lâu dài tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng chuyên môn giáo viên theo đổi mới.
- Đối với thực trạng các yếu tố ảnh hưởng: các trường nắm được vị trí, vai trò chức năng của các thành viên, bộ phận trong nhà trường. Tuy nhiên, mức độ nhận thức đúng đắn về đổi mới hoạt động tổ chuyên môn chưa cụ thể, rõ ràng.
Tất cả thực trạng trên là cơ sở thực tiễn gợi mở cho tác giả đề xuất các biện pháp quản lí đổi mới hoạt động tổ chuyên môn ở các trường tiểu học quận Thủ Đức, TP. HCM.
Chương 3