Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố giao thông vận tải

Một phần của tài liệu Phát triển giao thông vận tải tỉnh bình dương (Trang 24 - 29)

Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển và phân bố giao thông vận tải

Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự có mặt của một số loại hình vận tải. Tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn trong việc khai khác các loại hình GTVT khác nhau. Điển hình, đối với các quốc gia có vị trí giáp biển nhiều hoặc các quốc đảo thì các loại hình GTVT bằng đường biển được ưu tiên và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nước này. Những quốc gia ở vùng hoang mạc loại hình GTVT được phát triển chủ yếu là đường bộ, đường hàng không… Tùy vào vị trí địa lí mà mỗi quốc gia sẽ lựa chọn loại hình GTVT thích hợp để ưu tiên phát triển và khai thác được các thế mạnh từ chính vị trí địa lí của quốc gia mình.

Đối với vị trí địa lí của Việt Nam có những ưu thế trong phát triển GTVT với các loại hình đa dạng. Nằm gần trung tâm Đông Nam Á - nơi kinh tế phát triển năng động, phía đông của bán đảo Đông Dương, giáp với vùng biển rộng lớn, nằm gần đường hàng hải và hàng không quốc tế. “Điều đó giúp cho nước ta có thể dễ dàng phát triển nhiều loại hình giao thông (đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường hàng không) gắn bó với các nước trong khu vực và trên thế giới” (Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ, 2011).

b. Nhóm nhân tố tự nhiên

Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phân bố cũng như hoạt động

của các loại hình GTVT.

* Địa hình

Địa hình ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thiết kế và khai khác các công trình GTVT cũng như hoạt động của loại hình GTVT. Đặc điểm của yếu tố địa hình có thể tạo ra thuận lợi hoặc khó khăn trong quá trình khai thác GTVT.

Đối với những nơi địa hình tương đối bằng phẳng sẽ tạo thuận lợi phát triển mạng lưới đường, loại hình GTVT đa dạng và dễ dàng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho GTVT.

Đối với những nơi địa hình phức tạp, địa hình bị chia cắt như những vùng đồi núi sẽ gây khó khăn trong công tác thiết kế và xây dựng sở sở hạ tầng GTVT, tốn kém chi phí đầu tư. Ngoài ra, còn làm hạn chế hoạt động của các loại hình GTVT, dẫn đến ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đó.

Ngoài ra, đối với những nơi có đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi xây dựng các cảng biển, thúc đẩy ngành GTVT đường biển phát triển.

* Khí hậu

Yếu tố khí hậu có tác động sâu sắc đến hoạt động của các phương tiện vận tải.

Tùy theo đặc điểm khí hậu của từng vùng mà hoạt động của các loại hình GTVT bị ảnh hưởng theo mùa.

Đối với những nước ở vùng nhiệt đới, điển hình như nước ta do đặc điểm của thời tiết và khí hậu phân hóa thành mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa, hoạt động của loại hình vận tải bằng đường bộ, đường hàng không và đường sắt gặp rất nhiều khó khăn như ngập lụt, bão, sạt lỡ đất. Mùa cạn, mực nước ở các con sông xuống thấp gây trở ngại cho hoạt động vận tải bằng đường sông.

Những quốc gia ở xứ lạnh, mùa đông khắc nghiệt, gây ra nhiều tác động đến hoạt động vận tải. Đối với vận tải bằng đường sông, mùa đông nước ở các con sông bị đóng băng, tàu thuyền không di chuyển được. Tuyết rơi và sương mù dày đặc ảnh hưởng làm cho các sân bay phải ngừng hoạt động. Các phương tiện vận tải bằng đường bộ cũng bị ảnh hưởng khi tuyết rơi dày và thời tiết quá lạnh, nhiều tuyến đường bị tê liệt, các phương tiện phải trang bị thêm hệ thống đèn chống sương mù,

lò sưởi…

Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp, khí hậu còn ảnh hưởng đến chất lượng của các phương tiện vận tải hoặc các công trình GTVT. Đặc biệt, những vùng có khí hậu nóng ẩm như ở vùng nhiệt đới thì các thiết bị, phương tiện dễ rỉ sét, ăn mòn do điều kiện nhiệt và ẩm cao phải mất chi chi phí cho sửa chữa.

Do đặc điểm của yếu tố khí hậu như mưa, nắng, bão… ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nên phải xây dựng các kho hàng, bến bãi để bảo quản hàng hóa trong quá trình chờ vận chuyển. “Trong thực tế, tỉ lệ hao hụt hàng hóa là khá cao ở khâu lưu kho, bảo quản tại các bến bãi” (Đỗ Thị Hoài, 2015).

Khí hậu có tính chất phân mùa nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành GTVT. Tùy thuộc vào vĩ độ phân bố của từng quốc gia, khu vực mà tính phân mùa khí hậu sẽ khác nhau nên ảnh hưởng đến ngành GTVT ở các nước cũng không giống nhau. Vì vậy, các nước sẽ có những định hướng riêng để phát triển loại hình GTVT phù hợp dựa trên thế mạnh và khắc phục những hạn chế từ đặc điểm khí hậu, thời tiết của quốc gia mình.

* Sông ngòi

Mạng lưới sông ngòi là tiền đề cơ bản để phát triển GTVT bằng đường sông.

Đặc biệt, ở những vùng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc như vùng đồng bằng sông Cửu Long của nước ta có nhiều ưu thế trong phát triển GTVT bằng đường sông, giúp cho hoạt động mua bán, vận chyển hàng hóa diễn ra sôi động, khắc phục khó khăn của vùng.

Tuy nhiên, mạng lưới sông ngòi nhiều cũng đem lại không ít khó khăn cho sự phát triển các loại hình GTVT khác như đường bộ, đường sắt. Đòi hỏi nhiều chi phí cho việc xây dựng cầu đường bộ, các bến phà, mất nhiều thời gian đi lại.

Chế độ dòng chảy của sông ngòi phần lớn phụ thuộc vào chế độ khí hậu. Ở nước ta, sông ngòi có mùa lũ và mùa cạn cũng tác động đến hoạt động vận tải bằng đường sông. Đặc biệt, vào mùa cạn, gây khó khăn cho việc vận chuyển do các dòng chảy bị cạn kiệt. Ngoài ra, chế độ dòng chảy còn tác động đến việc xây dựng và hoạt động của các cảng sông.

* Khoáng sản

Những vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, tạo động lực hình thành các tuyến giao thông để phục vụ cho quá trình khac thác và vận chuyển nguyên liệu. Vì vậy, cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở các vùng này, một mặt phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng, vì phần lớn khoáng sản tập trung ở vùng núi, địa hình chia cắt mạnh.

Số lượng các mỏ khoáng sản và trữ lượng càng nhiều thì khả năng phát triển GTVT càng lớn, giúp thu hút được nhiều nhà đầu tư mở rộng các tuyến đường để thuận lợi cho việc vận chuyển và đi lại.

Điều kiện tự nhiên có những tác động đến sự phân bố, hoạt động cũng như quy định sự có mặt và vai trò của một số loại hình GTVT, tạo ra những thuận lợi hoặc khó khăn đối với hoạt động của GTVT. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay có thể giúp khắc phục những bất lợi đó và hoàn thiện cơ sở hạ tầng GTVT.

c. Nhóm nhân tố kinh tế - xã hội

Bên cạnh các nhân tố tự nhiên là yếu tố tiền đề cho phát triển GTVT, thì nhân tố kinh tế - xã hội có ý nghĩa quyết định đối với phát triển, phân bố và hoạt động của ngành GTVT.

* Sự phát triển và phân bố của các ngành kinh tế khác

Các ngành kinh tế khác vừa là khách hàng, vừa đóng vai trò trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành GTVT. Vì vậy, sự phát triển của các ngành kinh tế này tác động mạnh mẽ đến sự phát triển, phân bố và hoạt động của ngành GTVT.

Do những nhu cầu về khối lượng vận chuyển của các ngành kinh tế như vận chuyển nguyên, nhiên liệu hay các yêu cầu về cự li, thời gian vận chuyển, tốc độ vận chuyển… nên những nơi tập trung các ngành kinh tế cao thì mạng lưới GTVT nơi đó sẽ phát triển với các loại hình đa dạng phù hợp với yêu cần vận tải.

Đối với các ngành công nghiệp, nhu cầu về cung cấp nguyên, nhiên liệu và tiêu thụ sản phẩm cao thì đòi hỏi loại hình GTVT phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về thời gian, giá cả vận chuyển, độ an toàn như đường sắt, đường biển hoặc đường bộ.

Đối với nông nghiệp hiện nay theo hướng thâm canh thì thị trường cho nông sản càng được mở rộng, đòi hỏi công tác vận chuyển các nguyên liệu từ nông sản đến nơi chế biến hoặc đến thị trường phải đảm bảo đúng thời gian, không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản thì hoạt động GTVT đóng vai trò hết sức quan trọng.

Sự phát triển của các ngành dịch vụ như thương mại, du lịch cũng thúc đẩy hoạt động của ngành GTVT trở nên sôi nổi thông qua nhu cầu về vận chuyển hàng hóa và hành khách.

“Ở nước ta, chỉ tính từ đầu thập niên 90 trở lại đây, trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chiều dài các tuyến đường bộ đã tăng khoảng gấp đôi, vượt quá 200.000 km; hệ thống sân bay, cảng biển được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế đối ngoại” (Đỗ Thị Hoài, 2015).

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác với vai trò trang bị cơ sở vật chất, kĩ thuật như đường sá, cầu cống, các phương tiện vận tải nhằm tạo ra thuận lợi cho hoạt động của các loại hình GTVT. Như vậy, sự phát triển của các ngành kinh tế khác và ngành GTVT có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, tác động qua lại với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

* Sự tổ chức lãnh thổ nền kinh tế quốc dân

Sự tổ chức lãnh thổ nền kinh tế quốc dân và sự phân bố của GTVT có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bởi vì, sự phân bố GTVT và các mối liên hệ vận tải phụ thuộc nhiều vào sự phân bố các cơ sở sản xuất của vùng. Những vùng kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về vận chuyển càng lớn, có sự liên kết với các vùng với nhau, mạng lưới GTVT càng dày đặc để đáp ứng nhu cầu vận tải.

* Sự phân bố dân cư, các đô thị lớn

Ở các thành phố hoặc các đô thị lớn hiện nay, nơi tập trung dân cư đông đúc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách. Số lượng dân cư càng nhiều thì nhu cầu đi lại càng cao, hoạt động của phương tiện cá nhân rất cao. Bên cạnh đó, ở các đô thị và thành phố lớn thì phương tiện công cộng là một trong những lựa chọn phổ biến của một bộ phận dân cư. Vì vậy, mạng lưới

đường giao thông ngày càng dày đặc, đặc biệt là loại hình GTVT bằng đường bộ phát triển khá mạnh.

Các đô thị lớn của các nước phát triển tiên tiến, phương tiện công cộng đang là ưu tiên hàng đầu trong phục vụ đi lại của người dân. Ngoài xe buýt, thì tàu điện ngầm hầu như hoạt động rất hiệu quả vì đảm bảo yêu cầu về thời gian, tốc độ, tiện nghi, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

* Đường lối, chính sách của Nhà nước

Đối với hầu hết các ngành kinh tế thì đường lối, chính sách của Nhà nước là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định đến sự phát triển của các ngành và GTVT cũng không ngoại lệ. GTVT có vai trò ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác nên đòi hỏi cần có những chính sách nhằm định hướng và thu hút đầu tư phát triển tương xứng cho ngành này, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng hoặc quốc gia.

* Sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ

Những bất lợi từ nhân tố tự nhiên đối với ngành GTVT đã được khắc phục bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật như hiện nay. Kinh tế ngày càng phát triển thì yêu cầu cho ngành GTVT cũng càng tăng lên về mọi mặt, đòi hỏi cần nghiên cứu ra những kĩ thuật mới, tiên tiến để đáp ứng các yêu cầu đó.

Sự ra đời của các thiết bị thông minh, hầu như chi phối tập quán tiêu dùng của người dân, kể cả ngành GTVT. Ở các đô thị lớn, GTVT đã áp dụng một số tiện ích từ thiết bị thông minh như dịch vụ gọi xe, hệ thống giao thông thông minh nhằm phát hiện ra những sự cố giao thông kịp thời, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn, giảm tai nạn…

Một phần của tài liệu Phát triển giao thông vận tải tỉnh bình dương (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)