Chương 3. Ị ƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈ BÌ DƯƠ
3.1. Cơ sở xây dựng định hướng và giải pháp phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Dương
3.1.1. Quan điểm
(1). GTVT tỉnh Bình Dương phát triển phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được quy hoạch theo hướng đô thị, hiện đại. Đầu tư phát triển GTVT nhằm tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Dương. Đảm bảo cho quá trình lưu thông và an toàn.
(2). Lấy quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông là khâu cơ bản, liên kết giữa hệ thống giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Xây dựng hệ thống giao thông liên kết với các trục đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện… Có tầm nhìn chiến lược lâu dài, chú trọng phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
(3). Có sự phối hợp chặt chẽ giữa phát triển hệ thống giao thông và đô thị trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo GTVT phục vụ cho phát triển kinh tế và đô thị của tỉnh.
(4). Đối với giao thông đô thị, phát triển và bố trí hợp lí các công trình giao thông quan trọng như các đường vành đai, các bến xe, bãi đậu xe, cảng sông, bến khách… để thuận tiện trong quá trình lưu thông, tránh tình trạng ùn tắt giao thông.
(5). Về vận tải: Tổ chức phân luồng, tuyến hợp lí nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, liên kết các tuyến đường liên tỉnh và nội tỉnh, đảm bảo quá trình lưu thông.
(6). GTVT là ngành sản xuất đặc biệt, vừa mang tính kinh doanh vừa mang tính phục vụ. Do đó, không chỉ xét về hiệu quả kinh tế mà còn xét đến yếu tố dân sinh.
(7). Phát triển GTVT phải đảm bảo các mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
(8). Trên cơ sở phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển hệ thống GTVT. Thu hút đầu tư vào GTVT, đa dạng nguồn vốn đầu tư,
huy động nguồn lực từ người dân, tiến đến xã hội hóa trong phát triển GTVT.
3.1.2. Mục tiêu a. Mục tiêu tổng quát
Từng bước xây dựng hệ thống GTVT đô thị hiện đại, đồng bộ và liên hoàn, phát triển theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách của tỉnh ngày càng tăng, thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Đa dạng hóa các loại hình vận tải nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
b. Mục tiêu cụ thể - Về hạ tầng GTVT
Phát triển GTVT phù hợp với chương trình hành động số 43-Ctr/TU ngày 13/7/2012 của tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 13-NQTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. GTVT phát triển phải phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh Bình Dương. Phải đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, bên cạnh đầu tư mới cần kết hợp với nâng cấp, cải tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại và an toàn.
Đường bộ: liên kết mạng lưới giao thông của tỉnh và mạng lưới giao thông quốc gia, tạo điều kiện giao thương nội tỉnh và ngoại tỉnh. Hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại.
Nâng cấp, mở rộng hệ thống các tuyến quốc lộ huyết mạch, đảm bảo mối liên kết giữa giao thông trong tỉnh với giao thông các tỉnh, thành trong khu vực. Các tuyến đường tỉnh hiện hữu và dự kiến sẽ được xây dựng và nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, hoàn thiện đảm bảo lưu thông và chuyển tiếp liên tục giữa các địa phương.
Phát triển các trục giao thông Bắc – Nam và Đông – Tây, tăng cường mối liên kết với các địa bàn lân cận trong vùng Đông Nam Bộ, đẩy mạnh kết nối với trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Phát triển giao thông đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, phấn đấu cho quỹ đất giao thông nội thị là 24% năm 2020. Kết nối các tuyến đường chính trong đô thị
với nhau và các KCN trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong đô thị. Hệ thống giao thông đô thị được nâng cấp chuẩn hóa kết hợp với hoàn thiện các hệ thống thoát nước, cây xanh, vỉa hè, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị của tỉnh trong thời gian tới.
Đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, đạt tỉ lệ cứng hóa 100%, nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV. Đối với các tuyến đường xã, tiêu chuẩn tối thiểu đạt cấp IV, mặt rộng 5,5 m, nền rộng 8,5 m, lề đường mỗi bên rộng 1,5 m với lề gia cố đạt 0,5m, hành lang bảo vệ mỗi bên 4m, lộ giới 20m. Phục vụ đi lại, vận tải hàng hóa từ các làng, xã, kết nối với các tuyến đường huyện tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn.
Đường sắt: đối với tuyến đường Bắc – Nam qua tỉnh Bình Dương, bố trí thêm 2 ga và 2 trạm khách; xây dựng thêm các tuyến đường sắt là Dĩ An – Lộc Ninh, TP. Hồ Chí Minh – Mỹ Tho – Cần Thơ – Cà Mau (đoạn qua tỉnh dài 5,7 km).
Ngoài ra, xây dựng các tuyến đường sắt ở đô thị như TP. Mới – Suối Tiên, Thủ Dầu Một – TP. Hồ Chí Minh, TP. Mới – Phước Vĩnh…
Đường sông: đẩy mạnh khai thác các tuyến giao thông trên sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính, có kế hoạch nạo vét, cải tạo các đoạn sông. Đầu tư xây dựng các cảng, bến thủy theo tiêu chuẩn.
Nâng cấp các bến xe, hệ thống các điểm dừng nghĩ đáp ứng nhu cầu vận tải, xây dựng mới hệ thống bến xe, kho bãi ở những vị trí thuận lợi, đảm bảo cho quá trình lưu thông, hạn chế tình trạng ùn tắt giao thông tại các bến xe, kho bãi.
Có các chính sách khuyến khích đầu tư, huy động vốn từ nhiều nguồn trong phát triển GTVT của tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và cải tạo, nâng cấp kịp thời hạ tầng giao thông; thường xuyên kiểm tra và xử lí các phương tiện vi phạm giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Về vận tải
Đầu tư phát triển các tuyến vận tải hành khách, đặc biệt là các tuyến liên tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Chú trọng phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả, làm nền tảng cho phát triển giao thông đô thị trong thời gian tới. Đẩy mạnh liên kết các tuyến vận
tải hành khách công cộng giữa các đô thị trong và ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Đảm bảo năng lực vận tải trên 40% đến năm 2030, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải từ phương tiện vận tải công cộng.
Đổi mới phương tiện, sử dụng năng lượng ít gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ, giá cả hợp lí, khuyến khích người dân tham gia vào giao thông công cộng, giảm thiểu tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đầu tư phát triển GTVT bằng đường sông nhằm giảm bớt áp lực cho GTVT đường bộ của tỉnh trong vận tải hàng hóa, giảm bớt tình trạng ùn tắt giao thông vào giờ cao điểm.
3.1.3. Thực trạng a. Điểm mạnh
- Quy hoạch và đầu tư khá tốt về cơ sở hạ tầng GTVT, đặc biệt là, giúp kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành lân cận, tạo liên kết vùng.
- Việc mở rộng và nâng cấp các tuyến đường huyết mạch của tỉnh như QL.13, ĐT. 741, ĐT.742, ĐT.744…có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác.
- GTVT đã giúp kết nối giữa các vùng nguyên liệu đến với nơi sản xuất và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm; đồng thời kết nối các KCN, khu đô thị lớn và các khu dân cư.
- Hệ thống giao thông đô thị được tỉnh chú trọng đầu tư, phù hợp với tiến trình đô thị hóa hiện đại và quy hoạch xây dựng đô thị ở Bình Dương. Phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong các đô thị của tỉnh, kết nối các đô thị trung tâm.
- Chú trọng nâng cấp và hiện đại hóa giao thông công cộng, đổi mới phương tiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ.
- Giao thông nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực, tỉ lệ cứng hóa mặt đường được nâng lên, chỉnh trang bộ mặt nông thôn của tỉnh, rút ngắn sự chênh lệch giữa các địa phương trong tỉnh.
- Chất lượng vận tải ngày càng được nâng lên về khối lượng vận chuyển và luân chuyển. Đầu tư các tuyến đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
- Hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải được nâng cấp. Bên cạnh đó, vận tải bằng đường sông cũng góp phần quan trọng, tuy nhiên chiếm tỉ trọng chưa cao.
b. Điểm yếu
- Các tuyến đường xã tỉ lệ đường cấp phối đá dăm còn tương đối nhiều, bên cạnh đó còn tỉ lệ đường đất làm hạn chế lưu thông ở vùng nông thôn.
- Kết cấu mặt đường ở các đô thị cấp phối đá dăm vẫn còn tương đối nhiều làm hạn chế lưu thông.
- Ở một số khu vực quá trình thi công cống thoát nước và hệ thống mặt đường chưa đồng bộ, làm mặt đường xuống cấp, ảnh hưởng đến lưu thông.
- Ở một số tuyến đường đô thị, bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dễ bị ngập nước khi mưa lớn, nước mưa thoát không kịp ở cống thoát nước, gây mất an toàn giao thông và ùn tắt giao thông vào những khung giờ cao điểm.
- Tình trạng xuống cấp ở các vỉa hè ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.
c. Cơ hội
- Bình Dương là tỉnh có gia tăng dân số cơ học lớn nên nhu cầu vận tải về hành khách là khá lớn, nếu khai thác được lợi thế này thì đây là cơ hội cho ngành GTVT của tỉnh, đặc biệt là giao thông công cộng.
- Nằm trung tâm Đông Nam Bộ, có khá nhiều thuận lợi trong khai khác các tuyến giao thông trong nội vùng, liên vùng. Có khả năng cạnh tranh cao với các tỉnh, thành lân cận.
- Là một trong những địa bàn thu hút đầu lớn nhất của nước ta, nếu ngành GTVT tỉnh có những chính sách, quy hoạch hợp lí, mang lại nguồn kinh tế cao.
Trong thời gian tới, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành GTVT của Bình Dương.
d. Thách thức
- Lượng phương tiện vận tải hàng hóa có trọng tải lớn là rất cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường, đa phần là các tuyến đường huyết mạch của tỉnh.
- Bình Dương là địa bàn đông dân nên mật độ lưu thông dày đặc, ý thức người tham gia giao thông còn chưa cao dễ dẫn đến tai nạn giao thông, ô nhiễm môi