Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
1.2. Cơ sở thực tiễn về giao thông vận tải ở vùng Đông Nam Bộ
1.2.2. Thực trạng giao thông vận tải ở Đông Nam Bộ
GTVT vùng Đông Nam Bộ được chú trọng đầu tư về cở sở hạ tầng, “Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống GTVT của vùng với tốc độ nhanh, hiện đại, bền vững, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp
công nghiệp hóa – hiện đại hóa của vùng” (Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2012).
a. Giao thông vận tải đường bộ
Đông Nam Bộ với lợi thế vị trí địa lí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa nên tạo điều kiện để phát triển GTVT đường bộ.
Năm 2012, tổng chiều dài đường bộ của vùng Đông Nam Bộ đạt khoảng 31.042,9 km số liệu từ báo cáo quy hoạch của sở GTVT tỉnh Bình Dương, “trong đó quốc lộ chiếm 7,5%, tỉnh lộ chiếm 18,4%, còn lại 74,1% là các loại đường khác”.
(Lý Huy Tuấn, 2010). Mật độ đường so với diện tích lãnh thổ vùng Đông Nam Bộ đạt 1.319,9 km/1000 km2. “Tổng chiều dài đường bộ nước ta có trên 258.200 km”, mật độ đường so với diện tích nước ta đạt 779,5 km/1000 km2. So với cả nước, mật độ đường của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,7 lần. Cho thấy GTVT đường bộ của vùng này rất được chú trọng đầu tư vì có nhiều tuyến đường huyết mạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. (Báo cáo tổng hợp chiến lược phát triển GTVT, 2013).
Các tuyến quốc lộ quan trọng liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và với các vùng kinh tế khác như QL 1, 13, 55, 56, 22, 20… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa.
Hiện nay, Đông Nam Bộ có một số tuyến quốc lộ đang được nâng cấp và mở rộng, theo quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Bộ GTVT, 2013):
QL 51: Từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) với chiều dài 79km, nâng cấp lên TC đường cấp I.
QL 55: từ Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến ngã 3 Đại Bình (Lâm Đồng), nối vùng Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên với chiều dài 233km nâng cấp TC đường cấp III.
QL 56: từ Tân Phong (Đồng Nai) đến Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu), dài 51km.
QL 22: từ TP. Hồ Chí Minh đi Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài 58km giữ vai trò giao lưu kinh tế - xã với nước bạn Campuchia.
QL 22B: từ Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), có chiều dài 183km, liên kết giữa Tây Ninh với Campuchia, phục vụ đi lại của người dân 2 nước, vận
chuyển hàng hóa.
QL 13: nối từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và đến cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) dài 143km. Đây là tuyến quốc lộ có ý nghĩa quan trọng, nối nhiều tỉnh, thành trong vùng, đảm nhận vận tải lượng hàng hóa và khách hàng đáng kể.
QL 20: từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Đà Lạt (Lâm Đồng), nối Đông Nam Bộ với vùng Tây Nguyên, có chiều dài 268km.
QL 1K: từ ngã 3 Vườn Mít đến vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, dài 9km, xây dựng cấp độ I đô thị.
QL 1A: đi qua các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, kết nối các vùng trong cả nước, là tuyến quốc lộ có ý nghĩa quan trọng đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đường bộ của vùng được hoàn thiện hơn thông qua việc hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng một số cầu qua các sông Sài Gòn, Đồng Nai như cầu Sài Gòn 2, cầu Đồng Nai 2, cầu Hóa An, các cầu Thủ Thiêm 2,3,4, cầu Nhơn Trạch (vành đai 3), cầu Bình Lợi… giúp cho việc lưu thông bằng đường bộ trở nên dễ dàng hơn.
Về giao thông nông thôn của vùng Đông Nam Bộ, “100% đường huyện, đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; đường huyện tối thiểu đạt cấp IV, đường xã đạt cấp VI” (Trần Lan Khanh, 2017). Nhìn chung, giao thông nông thôn của vùng, đang được chú trọng đầu tư, đặc biệt các vùng nông thôn mới trong quy hoạch, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Hiện nay, theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030 (Bộ GTVT, 2016). Vùng Đông Nam Bộ có một số tuyến nằm trong quy hoạch như Tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) – Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) – Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), dài 76km; Tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) – Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 208km;
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước), dài 69km.
- Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55km.
TP. Hồ Chí Minh quy hoạch có hệ thống đường vành đai cao tốc như vành đai
3 (dài 89 km), vành đai 4 (dài 198km).
Những vành đai và tuyến đường cao tốc khi hoàn thành, sẽ giúp quá trình lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
b. Giao thông vận tải đường sông
Đông Nam Bộ có nhiều con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông La Ngà, sông Vàm Cỏ, sông Bé, sông Thị Vải…Đây là vùng thuộc hoàn toàn lưu vực của sông Đồng Nai. Có nhiều điều kiện để khai thác GTVT bằng đường sông trong vùng. Điển hình là đưa vào hoạt động một số cảng chính như cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép, cảng Thị Vải… đảm bảo vận tải hàng hóa bằng đường sông trong vùng và liên kết với các vùng khác, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng 2030 (Bộ GTVT, 2013). Một số tuyến giao thông chính trong vùng như:
- Tuyến Sài Gòn – Bến Súc (sông Sài Gòn): từ ngã 3 kênh Tẻ đến cảng Bến Súc (Bình Dương), dài 90 km.
- Tuyến Sài Gòn – Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông): từ ngã 3 kênh Tẻ đến cảng Bến Kéo (Tây Ninh), dài 142,9 km.
- Tuyến Sài Gòn – Hiếu Liêm (sông Đồng Nai): từ ngã 3 kênh Tẻ đến cảng Hiếu Liêm (Đồng Nai), dài 90 km.
Ngoài ra, còn có nhiều tuyến liên kết với các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng như:
+ Tuyến Vũng Tàu – Thị Vải – Sài Gòn – Mỹ Tho – Cần Thơ: dài 242,5 km.
+ Tuyến Sài Gòn – Cà Mau: dài 336 km.
+ Tuyến Sài Gòn – Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây): dài 143,4 km.
+ Tuyến Sài Gòn – Hà Tiên (qua kênh Tháp Mười số 2) với chiều dài 277,6 km…
Bên cạnh đó, hạ tầng GTVT đường sông cũng được đầu tư, nâng cấp với hệ thống các cảng có tổng công suất 9.200 nghìn tấn/năm. Ngoài các cảng chính trên, còn có các cảng như cảng Phú Định, Long Bình, khu cảng Trường Thọ, cảng Nhơn
Đức thuộc TP. Hồ chí Minh, cảng Bến Súc (Bình Dương), Bến Kéo (Tây Ninh).
Việc khai thác GTVT đường sông của Đông Nam Bộ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của vùng, đã góp phần giảm bớt áp lực vận tải cho hệ thống GTVT đường bộ.
Ngoài ra, Đông Nam Bộ còn phát triển thêm một số loại hình vận tải khác như:
- Đường biển: Tuy không giáp biển nhiều nhưng GTVT đường biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thuận lợi xây dựng các cảng. “Hệ thống cảng biển của Đông Nam Bộ thuộc nhóm 5 trong quy hoạch, bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc địa phận Long An” (Bộ GTVT, 2014). Lượng hàng hóa qua các cảng của vùng, “năm 2015 từ 172 đến 175 triệu tấn/ năm, trong đó hàng tổng hợp và container từ 142 đến 145,5 triệu tấn/năm” (Trần Lan Khanh, 2017). Dự kiến đến năm 2020, đạt 238 đến 248 triệu tấn/năm.
- Đường sắt: hệ thống GTVT đường sắt ở Đông Nam Bộ còn hạn chế. Hiện nay, chỉ có tuyến đường sắt Thống Nhất (Bắc – Nam) qua một số tỉnh như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai với chiều dài khoảng 118 km. Trong thời gian tới, nhà nước có chính sách quy hoạch thêm một tuyến như Biên Hòa – Vũng Tàu với chiều dài 84 km, Dĩ An – Lộc Ninh với chiều dài 128 km (dự kiến đến năm 2030). Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở TP. Hồ Chí Minh, điển hình là tuyến Bến Thành – Suối Tiên đang tiến hành xây dựng (19,7 km). “Đến năm 2030, dự kiến có thêm các tuyến như đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) – Thủ Thiêm, Bến Thành – ga Tân Kiên, ngã 6 Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước, Thạnh Xuân – khu đô thị Hiệp Phước, Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm…” (Trần Lan Khanh, 2017).
- Đường hàng không: sân bay Tân Sơn Nhất, là sân bay lớn nhất của cả nước với hệ thống hạ tầng hiện đại, đáp ứng vận chuyển hàng khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu du lịch, sân bay nội địa Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Dự kiến vùng sẽ xây dựng thêm sân bay quốc tế Long Thành tại Đồng Nai.
Tiểu kết chương 1
GTVT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác với vai trò đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Bên cạnh đó, GTVT còn rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương, thu hút đầu tư, củng cố an ninh – quốc phòng cho đất nước.
Đặc điểm của ngành GTVT khác hoàn toàn so với những ngành kinh tế khác, đó là không trực tiếp tạo ra sản phẩm vật chất nhưng góp phần làm tăng giá trị sản phẩm. Sản phẩm của ngành là sự chuyên chở người và hàng hóa, sử dụng nhiều nguyên liệu, lao động và đặc điểm là ngành này phân bố theo mạng lưới, tuyến với các đầu mối giao thông.
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành GTVT là vị trí địa lí, nhóm nhân tố tự nhiên và nhóm nhân tố kinh tế - xã hội. Trong đó, nhóm nhân tố kinh tế - xã hội có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của ngành này.
Đông Nam Bộ là vùng có hạ tầng giao thông tương đối phát triển hoàn thiện với nhiều loại hình giao thông. GTVT của vùng phát triển đồng nghĩa với việc tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và mở cửa giao lưu với các nước trên thế giới. Trong thời gian tới, sự phát triển GTVT của Đông Nam Bộ sẽ có bước đột phá, là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của vùng.
Bản đồ 2.1. Bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương