CHƯƠNG 2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VIỆC GIÁO DỤC
2.3. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng
Qua việc khảo sát thực trạng, có thể thấy được một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên như sau:
2.3.1. Nguyên nhân khách quan
Các ban ngành đoàn thể có quan tâm nhưng chưa đầu tư đúng mức, cụ thể:
Công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo dục chưa được phát huy triệt để trong việc nâng cao nhận thức giáo viên về tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Nhà trường chưa chú ý đến việc tổ chức các chuyên đề chuyên môn về việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên cho giáo viên.
Công tác phối hợp với gia đình cùng thực hiện để tạo nề nếp, ý thức cho trẻ còn nhiều hạn chế. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc giáo dục ý thức
bảo vệ môi trường cho trẻ, cứ giao phó toàn bộ trách nhiệm cho giáo viên, chưa có sự quan tâm đúng mực đến con em của mình.
Nhiều giáo viên tuổi đời còn trẻ, mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm về tổ chức quá trình giáo dục giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ.
Số lượng trẻ đông, khả năng của mỗi trẻ trong lớp không đồng đều, một số trẻ chưa thật sự tập trung, chú ý và còn thụ động, nhút nhát, điều này làm giáo viên vất vả trong việc quản lí và chăm sóc, đặc biệt là công tác tổ chức hoạt động khám phá môi trường tự nhiên cho trẻ.
Do điều kiện của riêng từng trường nên quá trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 - 6 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên ở trường mầm non chú trọng chưa được cao. Nhìn chung cơ sở vật chất khang trang nhưng xét về nhu cầu phục vụ cho quá trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ ở trường mầm non vẫn chưa đáp ứng tối đa.
2.3.2. Nguyên nhân chủ quan
Trước hết chương trình cho trẻ KP MTXQ nói chung và KP MTTN nói riêng là một chương trình mang tính tích hợp cao, chứa đựng nội dung đa dạng và phong phú nên gây khó khăn cho giáo viên trong việc tiếp nhận nên còn lúng túng khi lên lớp, chưa có sự linh hoạt dẫn đến tiết dạy cứng nhắc.
Khi xây dựng các hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên, giáo viên chưa chú tâm đến các hoạt động ngoài hoạt động học có chủ đích, khiến việc giáo dục thường xuyên bị ảnh hưởng.
Công tác chuẩn bị chưa sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được đúng nhu cầu học tập của trẻ.
Giáo viên còn tập trung vào nhiều hoạt động giáo dục (theo nội dung chương trình đã xây dựng), chưa nghiên cứu và chưa đầu tư nhiều vào nội dung giáo dục cụ thể từng hoạt động cho trẻ.
Trí nhớ của trẻ còn hạn chế, chủ yếu là trí nhớ không chủ định, nhận thức chưa cao, giáo viên lại không quan trọng trong việc lặp lại trong các hoạt động của trẻ làm cho việc ghi nhớ của trẻ bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng của quá trình không được như ý muốn của cô.
Tiểu kết chương 2
Qua chương 2, kết quả điều tra thực trạng của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên cho thấy:
Đa số giáo viên đã nhận thức được vai trò quan trọng và sự cần thiết của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên. Tuy nhiên vẫn còn nhiều giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về cách thức để giúp trẻ mầm non hình thành được ý thức BVMT, điều này ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên.
Kết quả điều tra thực trạng các biện pháp mà GV sử dụng nhằm GD ý thức BVMT cho trẻ thông qua hoạt động KP MTTN, cho thấy hầu hết các giáo viên đều quan tâm đến biện pháp xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường xanh – sạch – đẹp; quan tâm đến việc đánh giá, tổng kết, khen thưởng cho các cá nhân điển hình; lập kế hoạch lồng ghép GD ý thức BVMT cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua hoạt động KP MTTN; sưu tầm, lựa chọn các trò chơi quen thuộc phù hợp với nội dung GD ý thức BVMT; lồng ghép đồng dao, ca dao, câu đố, bài thơ, câu chuyện có nội dung GD ý thức BVMT. Tuy nhiên, vì sử dụng thường xuyên nên các trò chơi bị trùng lặp rất nhiều, trẻ đôi lúc cũng nhàm chán. Các bài thơ, câu đố, câu chuyện cũng như vậy, số lượng bài giáo viên sưu tầm được ít nhưng lại phải sử dụng nhiều lần nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động. Đối với trẻ, những hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích luôn giúp các em hình thành và phát triển các giá trị cũng như kỹ năng sống phù hợp. Tuy nhiên, biện pháp tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm lại không được các giáo viên chú trọng, trong khi đó đây lại là biện pháp có hiệu quả cao trong việc GD ý thức BVMT cho trẻ.
Những kết quả điều tra trên là cơ sở để chúng tôi xây dựng các biện pháp giáo dục giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 – 6 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường tự nhiên.