CHƯƠNG 3. ĐỀ XUẤT VÀ THỰC NGHIỆM MỘT SỐ BIỆN PHÁP
3.2. Đề xuất một số biện pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ 5 –
3.2.3. Tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm với các hoạt động bảo vệ môi trường
Đối với trẻ, những hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích luôn giúp các em hình thành và phát triển các giá trị và kỹ năng sống phù hợp. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo như một trò chơi khám phá thế giới bất tận, càng đào sâu càng say mê hơn. Dạy trẻ khám phá MTTN thông qua trải nghiệm là một trong những phương pháp có nhiều ưu điểm mà người GV cần quan tâm, cho phép trẻ được tiếp
xúc, ứng xử, khám phá một cách tự nhiên với môi trường xung quanh, hình thành ở trẻ những thái độ thiện cảm với môi trường, biết yêu quý và giữ gìn môi trường.
* Mục đích, ý nghĩa:
- Giúp trẻ hiểu được:
+ Nguyên nhân, kết quả sự vật hiện tượng xung quanh + Thiết lập mối quan hệ của sự vật, hiện tượng xung quanh.
+ Phát hiện các thuộc tính của sự vật, hiện tượng và quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng.
- Trẻ được khám phá, trải nghiệm từ đó tạo điều kiện phát triển trí thông minh, tính ham hiểu biết và tính tích cực hoạt động của trẻ.
- Phát triển và rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho trẻ: Kỹ năng quan sát, phân tích, giao tiếp, hợp tác và giúp trẻ thêm tự tin, sáng tạo.
- Vận dụng những kiến thức có được vào trong cuộc sống thực tế hằng ngày.
* Yêu cầu:
- Đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho trẻ cả về thể chất, tinh thần.
- Môi trường hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với các mục đích, mục tiêu cần đạt của hoạt động trải nghiệm – môi trường là cuộc sống thật của trẻ.
- Nhất thiết giáo viên mầm non phải có chương trình, nội dung phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
- Khi thực hiện, giáo viên phải tăng cường quan sát từng trẻ để đặt ra các mục tiêu khác biệt cho từng trẻ trong hoạt động trải nghiệm.
- Các đồ chơi, công cụ, vật liệu… trong hoạt động trải nghiệm phải chú ý tới kích cỡ vừa độ tuổi của trẻ, thật an toàn, không gây nguy hiểm cho trẻ.
- Làm thế nào để kết thúc hoạt động trải nghiệm, trẻ thật sự có tâm trạng vui thích, phấn khởi, tích cực và mong muốn được tham gia các hoạt động tiếp theo
* Cách tiến hành :
- Trải nghiệm qua các thí nghiệm
Thí nghiệm là việc tổ chức cho trẻ hành động tác động vào đối tượng, làm thay đổi đối tượng nhằm kiểm nghiệm một tính chất nào đó của sự vật hoặc tạo dựng lại một hiện tượng có trong tự nhiên. Trong quá trình thực hiện thí nghiệm
trẻ có cơ hội tiến hành và thực hiện các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp… Giáo viên có thể sử dụng thí nghiệm để tạo dựng một hiện tượng có trong tự nhiên như mưa, bão hay có thể tạo dựng hiện tượng ô nhiễm nguồn nước và tác hại của sự ô nhiễm nguồn nước… Như vậy sử dụng phương pháp thí nghiệm chính là con đường thuận lợi và có hiệu quả cho sự phát triển ý thức bảo vệ môi trường của trẻ.
Ví dụ 1: Trong giờ hoạt động khám phá môi trường tự nhiên, ở chủ đề
“Thiên nhiên vô sinh. Giáo viên có thể thực hiện hai thí nghiệm sau để giúp trẻ thấy được tác hại của ô nhiễm nguồn nước
Thí nghiệm1:
Cho trẻ quan sát 2 bể nước: bể nước 1 sạch và bể nước 2 bẩn
Cho trẻ đặt bông gòn vào 2 bể nước, sau đó gắp bông gòn bỏ vào 2 ly thuỷ tinh.
+ Qua thí nghiệm trên con có nhận xét gì? (một bông gòn đổi màu và một bông gòn không đổi màu)
Thí nghiệm 2:
Cho trẻ thả cá vào 2 bể nước: bể nước 1 sạch và bể nước 2 bẩn.
Vớt cá bể nước 2 lên, thả vảo bể nước sạch.
+ Qua thí nghiệm trên con có nhận xét gì? (Cá trong bể nước bẩn yếu dần và không bơi được)
+ Đó là môi trường. Ở bể thứ 2 nước bị ô nhiễm, các con thấy khi nguồn nước bị ô nhiễm đem đến hậu quả như thế nào?
Ví dụ 2: Trong giờ hoạt động khám phá môi trường tự nhiên. Ở chủ đề
“Thiên nhiên vô sinh”, giáo viên tạo dựng lại hiện tượng mưa nhiều, nước lớn làm trôi đi và hư hại mọi vật xung quanh cuộc sống
Giáo viên thực hành thí nghiệm:
Giáo viên rót nước vào một máng dốc, trong máng có để nhiều vật khác nhau (cát, sỏi, hoa, lá, hòn đá...).
+ Bạn nào cho cô biết, sau khi nước được rót vào máng, chuyện gì đã xảy ra? (cát, sỏi, hoa, lá bị trôi đi, hoa lá bị hư)
+ Vậy bạn nào cho cô biết vì sao lại bị như vây? (Vì gặp nước lớn)
+ Khi trời mưa to, gió lớn, nước sẽ nhiều và dâng lên làm cuốn trôi cát, sỏi, hoa, lá và mọi thứ xung quanh chúng ta, giống như thí nghiệm cô vừa làm cho các con xem đấy! Mưa có nhiều tác dụng, nhưng nếu mưa nhiều sẽ gây ra nhiều tác hại.
- Trải nghiệm thông qua hoạt động lao động:
Ở trường mầm non, hoạt động lao động rất có ý nghĩa đối với trẻ. Trong quá trình tham gia lao động, trẻ sẽ tự tích lũy được các kinh nghiệm trong cuộc sống. Tổ chức cho trẻ lao động, ngoài việc giúp trẻ phát triển thể chất, được tiếp xúc nhiều với môi trường, hoạt động lao động còn là cơ hội cho trẻ được thể hiện và rèn luyện các phẩm chất nhân cách quan trọng của người lao động, đó là: sự cần cù, chịu khó, sự kiên trì, quyết tâm, cố gắng vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Giúp trẻ biết quý trọng sức lao động của mọi người, giúp trẻ có tinh thần tự giác, hào hứng tham gia các hoạt động cộng đồng sau này về BVMT nói riêng và lao động khác nói chung. Đây là một trong những phương tiện rất tốt để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ.
Ví dụ: Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động lao động cho trẻ ở trường còn có thể lồng ghép qua hoạt động chơi, có thể được tổ chức cuối giờ, hoạt động ngoại khóa…
Trong giờ hoạt động vui chơi ngoài trời với chủ đề “Cây xanh quanh bé”
Khi cho trẻ tìm hiểu về cây xanh, giáo viên không chỉ cho trẻ quan sát và nêu đặc điểm, lợi ích của cây xanh. Giáo viên cần cho trẻ được trải nghiệm với những công việc như trồng cây, chăm sóc cây, làm vườn...Trẻ sẽ rất sung sướng và phát huy hết trách nhiệm nếu được giáo viên, cha mẹ giao cho chăm sóc một số cây nào đó. Đúng là “trăm nghe không một thấy”, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị từ trong thế giới tự nhiên qua “mắt thấy tai nghe”. Trẻ cũng sẽ cố gắng tìm hiểu để xem vì sao với cây cối thì có triết lý rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Và thật sự hứng thú khi có sự thi đua chăm sóc cây giữa các thành viên với nhau. Qua trải nghiệm trẻ sẽ hiểu rõ hơn đặc điểm về cây xanh và cảm nhận được lợi ích của cây xanh mang lại, cây xanh không chỉ làm đẹp cho khu vườn, công viên mà cây xanh còn mang lại cho chúng ta một bầu không khí trong
lành. Trong quá trình hoạt động cô hướng dẫn, giảng giải, giải thích, định hướng cho trẻ những hành vi bảo vệ môi trường
- Trải nghiệm với những chuyến tham quan
Đối với trẻ mầm non, việc tham gia các hoạt động tham quan, dã ngoại, trải nghiệm có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp trẻ mở rộng vốn hiểu biết về môi trường xung quanh cũng như cơ hội để trẻ phát triển toàn diện. Những chuyến tham quan trong ngày theo các chủ đề trên lớp như thăm công viên, vườn thú, nông trại hay các viện bảo tàng giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát, tìm tòi có những trải nghiệm thực tế thú vị ngoài lớp học. Đây cũng là cơ hội giúp các em làm quen với môi trường sống đa dạng bên ngoài, khơi gợi niềm đam mê, tính sáng tạo, lòng yêu thiên nhiên, yêu động vật…và xây dựng ý thức tự giác bảo vệ môi trường.
Ví dụ: Ở chủ đề “Thực vật”giáo viên phối hợp cùng với gia đình cho trẻ được xem hoặc cùng tham gia những người nông dân chăm sóc các loài cây nông sản, cùng thu hoạch hoa quả và chăn dắt những con vật dân dã của thôn quê. Đó là những bài học thiết thực hình thành ở trẻ lòng yêu lao động, biết trân trọng giá trị của các sản vật và thêm yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Như vậy có thể nhận thấy rằng việc tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ giúp cho trẻ nhận thưc về môi trường tự nhiên một cách nhanh chóng và hiệu quả. Từ đó hình thành ở tròng lòng yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.