Khái niệm quản trị rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn thương tín chi nhánh quận 2 (Trang 27 - 30)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1. Tổng quan về rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại

1.2.1. Khái niệm quản trị rủi ro tín dụng

Theo Bùi Diệu Anh (2013), “Quản trị RRTD là dự kiến, ngăn ngừa và đề xuất biện pháp kiểm soát các rủi ro nhằm loại bỏ, giảm nhẹ hoặc chuyển chúng sang một tác nhân khác tạo điều kiện sử dụng tối ưu nguồn lực của doanh nghiệp”.

Theo Phan Thị Thu Hà (2018): “Quản trị RRTD là quá trình xây dựng, thực thi các chính sách và biện pháp quản lý tín dụng nhằm đạt được mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, tìm ra các nguyên nhân và xử lý các tình huống xảy ra RRTD, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và giảm nợ quá hạn, nợ xấu trong kinh doanh tín dụng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh NHTM”.

Theo quan điểm của Uỷ ban Basel, “Quản trị RRTD là việc thực hiện các biện pháp để tối đa hoá tỷ suất sinh lời điều chỉnh theo RRTD bằng cách duy trì số dư tín dụng trong phạm vi các tham số cho phép”.

Từ những quan điểm trên, có thể thấy: “Quản trị RRTD là quá trình nhận diện, phân tích và đo lường mức độ rủi ro. Trên cơ sở đó, thực hiện lựa chọn triển khai các biện pháp quản trị RRTD phù hợp nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình cấp tín dụng”.

1.2.2. Mục tiêu quản trị rủi ro tín dụng

Theo Ủy ban Basel và giám sát ngân hàng (2000), ’mục tiêu của việc quản trị RRTD là để tối đa hoá lợi nhuận ngân hàng thông qua việc duy trì rủi ro ở mức chấp nhận được.

Các ngân hàng cần quản lý RRTD tồn tại trong toàn bộ danh mục đầu tư bao gồm cả rủi ro đến từ các khoản tín dụng lẫn các giao dịch riêng lẻ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần cân nhắc mối quan hệ giữa RRTD và các loại rủi ro khác trong hoạt động

của ngân hàng. Việc quản lý hiệu quả RRTD là một thành phần quan trọng trong quá trình tiếp cận toàn diện nhằm quản lý tốt rủi ro và cần thiết cho sự thành công lâu dài ngân hàng.

Mục tiêu của quản trị RRTD trước hết là để tối ưu hoá thu nhập cho ngân hàng thông qua việc hạn chế tổn thất phát sinh do các chi phí về dự phòng và xử lý nợ xấu, nợ quá hạn. Mặt khác, quản trị tốt RRTD trong ngân hàng là cơ sở để ngăn chặn hiệu ứng dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự ổn định và tạo điều kiện phát triển cho hệ thống tài chính và nền kinh tế’.

1.2.3. Nội dung quy trình quản trị rủi ro tín dụng

Một cách khái quát, việc quản lý RRTD sẽ gồm có 4 bước: nhận diện RRTD, đo lường RRTD, ứng phó RRTD và kiểm soát RRTD (Nguyễn Văn Tiến, 2015).

1.2.3.1. Nhận diện rủi ro tín dụng Ngân hàng sẽ nhận diện RRTD nhờ vào việc nghiên cứu, theo dõi và đánh giá những hoạt động xuất phát từ sự thay đổi của các yếu tố thị trường, môi trường kinh doanh cũng như đối với các hoạt động nội bộ trong ngân hàng. Trên cơ sở xem xét một cách toàn diện, ngân hàng có thể thống kê và dự báo cáo RRTD phát sinh, đồng thời phân tách chúng thành những nhóm riêng biệt dựa trên dấu hiệu rủi ro của từng loại.

Công tác nhận diện RRTD cần phải được tiến hành thực thi một cách thường xuyên đảm bảo đạt được tính hệ thống. Qua đó, sẽ hỗ trợ tốt cho các NHTM có thể phân tích và xác định thực tế tình hình hoạt động tín dụng như thế nào, đồng thời có thể đánh giá cũng như có thể đo lường sự tác động của RRTD đến hiệu quả, mục tiêu kinh doanh của ngân hàng đã vạch ra, từ đó sẽ giúp cho các NHTM nhanh chóng có được các biện pháp RRTD sẽ được kiểm soát phù hợp với phạm vi mà mình có thể chấp nhận được.

Nhận diện RRTD thông qua các dấu hiệu đến từ khách hàng:

- Các dấu hiệu tài chính như khả năng thanh toán của khách hàng sụt giảm, tính thanh khoản của đơn vị mất cân đối, hiệu quả kinh doanh không đạt, giảm sụt doanh thu, hàng tồn kho tăng cao, các khoản phải thu có xu hướng tăng và khó thu hồi,…

-Các dấu hiệu phi tài chính như: thông tin báo cáo cung cấp cho ngân hàng bị sai lệch so với thực tế, quá trình cung cấp chậm chạp và không đáp ứng đúng quy định của ngân hàng, tần suất vay nhiều hơn những chậm trễ trong việc thanh toán nợ gốc, lãi,…

Nhận diện RRTD thông qua các dấu hiệu đến từ ngân hàng:

-Gia tăng quy mô và tỷ trọng của các khoản nợ, nhất là những khoản nợ từ nhóm 2 trở lên dẫn đến rủi ro và mức trích lập DPRR gia tăng.

-Mức độ tập trung tín dụng cao cả quy mô và tỷ trọng lớn đối với nhóm ngành, khu vực quá mức quy định, giới hạn tín dụng không được duy trì.

-Hơn nữa, RRTD ngân hàng cũng biểu hiện thông qua việc quy mô dư nợ liên tục tăng cao, tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên, sự gia tăng của tỷ lệ nợ xấu và quy mô nợ xấu, DPRR đã được dùng hết, hệ số RRTD tăng mạnh làm ngân hàng khó có thể kiểm soát được RRTD, tỷ lệ mất vốn lớn làm cho ngân hàng đối mặt với việc bù đắp các thiệt hại thông qua việc sử dụng quỹ DPRR.

1.2.3.2. Đo lường rủi ro tín dụng

Việc thực hiện đo lường RRTD không những giúp ngân hàng có được một nền tảng vững vàng hơn trong việc quyết định cấp tín dụng hoặc từ chối cấp tín dụng đối với khách hàng mà còn thể dự đoán được xác xuất xảy ra rủi ro, căn cứ vào cơ sở của kết quả đo lường sẽ giúp NHTM xác định chính xác RRTD, định lượng mức độ RRTD đối với các khoản tín dụng, từ đó sẽ kịp thời có các biện pháp ứng phó khi phát sinh RRTD.

Một cách tổng quát, đo lường RRTD là việc sử dụng các kỹ thuật, công cụ và phương pháp để lượng hoá mức độ RRTD. Theo đó, quá trình đo lường RRTD càng hiệu quả càng giúp NHTM xác định chính xác được phần tổn thất có thể xảy ra. Căn cứ trên mức độ RRTD được xác định, các NHTM định giá các khoản tín dụng tương ứng cũng như thực hiện trích lập các khoản DPRR tín dụng cho phù hợp.

Đo lường rủi ro có nhiều cách thức gồm cách thức truyền thống và hiện đại, thường được ứng dụng kết hợp với nhau. Một số cách thức phổ biến các NHTM ứng dụng để đo lường RRTD như: dựa vào các chỉ số tài chính hoặc mô hình lượng hoá RRTD, mô hình KMV, RAROC, Credit Metrics, Credit Risk+,…

1.2.3.3. Ứng phó rủi ro tín dụng

Ứng phó RRTD là việc triển khai các biện pháp quản lý nhằm hạn chế RRTD như:

quản lý khoản vay, quản lý nợ, xử lý nợ xấu và phân loại nợ, trích lập DPRR tín dụng, thiết lập các giới hạn rủi ro, quy định hạn mức uỷ quyền cho các chi nhánh NHTM.

- Quản lý khoản vay: các NHTM thực hiện một cách thường xuyên đối với việc đánh giá các khoản vay để nắm rõ về thực trạng khoản vay, tình hình tài chính của khách hàng

để kịp thời đưa ra các biện pháp xây dựng cũng như thiết lập chính sách ứng phó RRTD được hiệu quả. Việc đánh giá khoản vay sẽ dựa trên căn cứ các báo cáo với nhiều nguồn khác nhau để báo có định kỳ hoặc đột xuất.

-Quản lý nợ, xử lý nợ xấu và phân loại nợ, trích lập DPRR tín dụng: các NHTM sẽ phải quản lý tốt và xử lý các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ nghiêm việc phân loại, trích lập DPRR đúng với quy định của NHNN và định kỳ phải gửi báo cáo cho NHNN.

-Thiết lập các giới hạn rủi ro: theo định kỳ NHTM sẽ thực hiện xây dựng các giới hạn đảm bảo chấp hành quy định NHNN đối với từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng khách hàng và sẽ áp dụng trên toàn hệ thống khi cấp tín dụng cho khách hàng.

- Quy định về phân cấp thẩm quyền phê duyệt tín dụng: là các quy định cụ thể về các tiêu chí cũng như việc uỷ quyền về cấp phê duyệt tín dụng không những đối với hội sở chính là cao nhất mà còn dành cho cả chi nhánh, phòng giao dịch là cấp thấp hơn nhằm tạo ra sự linh hoạt cho các NHTM khi hoạt động.

1.2.3.4. Kiểm soát rủi ro tín dụng Đối với việc thực hiện kiểm soát RRTD không những sẽ giúp cho NHTM định vị được RRTD có thực sự ở phạm vi giới hạn an toàn đúng quy định hay không mà còn có thể đánh giá mức độ tác động của RRTD, qua đó giúp cho NHTM sẽ có được sự chuẩn bị tốt hơn, đề ra các biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát tốt RRTD nhằm làm giảm khả năng xảy ra và đối phó với các tổn thất phát sinh từ rủi ro, đảm bảo nằm trong phạm vi khả năng chấp nhận của ngân hàng. Thêm vào đó, ngân hàng phải được xem xét đến việc đưa ra các biện pháp để không chỉ đảm bảo sự nghiêm chỉnh chấp hành từ những quy định theo đúng pháp luật mà còn đến các chính sách cũng như các quy định nội bộ do ngân hàng ban hành gắn với một cơ chế rõ ràng trong việc kiểm tra giám sát nhằm giúp cho toàn bộ các hoạt động trong hệ thống đạt được sự an toàn.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn thương tín chi nhánh quận 2 (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(81 trang)
w