CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Tổng quan về rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại
1.2.4. Mô hình quản trị rủi ro tín dụng
1.2.4.1. Mô hình quản trị rủi ro tập trung
Mô hình quản trị RRTD tập trung có sự tách biệt chức năng giữa ba khối ở từng khâu cấp tín dụng của ngân hàng: khối kinh doanh, khối quản trị rủi ro và khối xử lý nội bộ. Việc tách riêng chức năng chuyên môn hoá về mặt nghiệp vụ của các cán bộ ngân hàng không chỉ riêng cán bộ tín dụng. Mô hình này sẽ giúp giám sát sự tuân thủ giữa các khâu để có thể nhận biết sớm RRTD cũng như các loại rủi ro khác đi kèm trong hoạt
động tín dụng. Trong mô hình này, hoạt động tín dụng tại các cấp chi nhánh, đơn vị kinh doanh, phòng giao dịch sẽ không vận hành một cách độc lập, thay vào đó, hồ sơ vay của khách hàng sau khi được thu thập đầy đủ và đánh giá sơ bộ sẽ được đưa về Hội sở chính (HSC) để được thẩm định rủi ro chuyên sâu trước khi đề trình chờ phê duyệt. Chức năng cụ thể của từng khối trong mô hình quản trị RRTD tập trung như sau:
-Khối kinh doanh: đảm nhiệm vai trò tiếp xúc trực tiếp khách hàng, thực hiện các giao dịch và đưa ra các quyết định mang tính rủi ro. Tiêu biểu của khối kinh doanh chính là các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng thực hiện chức năng tìm kiếm và thuyết phục khách hàng.
-Khối quản lý rủi ro: đảm nhiệm vai trò hình thành các chiến lược, quyết sách cho hoạt động quản trị RRTD của ngân hàng, bao gồm quy định về quy trình cấp tín dụng, quy trình nhận biết, đo lường, kiểm soát và báo cáo rủi ro.
- Khối xử lý nội bộ: bao gồm các phòng ban với chức năng kiểm tra và giám sát hồ sơ pháp lý của khách hàng, thành lập hồ sơ vay, kiểm soát điều kiện tín dụng trước khi giải ngân, cũng như thông báo nhắc nhở lịch trả nợ, cập nhật lưu trữ hồ sơ tín dụng và quản lý hồ sơ tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này sẽ tồn tại mặt ưu nhược điểm sau:
- Ưu điểm: quản trị RRTD theo mô hình này sẽ giúp cho công tác giám sát và quản lý rủi ro tín dụng diễn ra có hệ thống và đồng nhất trên quy mô toàn ngân hàng. Điều này sẽ làm giảm thiểu tình trạng đưa ra quyết định tín dụng mang tính chủ quan từ phía đơn vị kinh doanh bởi toàn bộ hồ sơ tín dụng sẽ cần được để trình tập trung về HSC trước khi đi đến quyết định phê duyệt cuối cùng. Mặt khác, sự phân hoá chức năng ở các khối sẽ làm nâng cao tính chuyên môn hoá. Khối kinh doanh sẽ chuyên tâm vào hoạt động kinh doanh từ đó làm gia tăng hiệu quả kinh doanh; khối quản lý rủi ro sẽ đẩy mạnh công tác thẩm định, nâng cao chất lượng hồ sơ tín dụng từ đó chất lượng phê duyệt cũng sẽ được cải thiện hơn; khối xử lý nội bộ sẽ có thể tập trung vào công tác quản lý hồ sơ khách hàng, đốc thúc nhắc nợ và thu hồi nợ vay hiệu quả hơn.
-Nhược điểm: đòi hỏi sự đầu tư về mặt công sức, thời gian và chi phí. Cán bộ ngân hàng cũng được trang bị những kiến thức chuyên sâu về mặt nghiệp vụ, có khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Hệ thống thông tin nội bộ cần phải hiện đại, lớn mạnh và có tính cập nhật thường xuyên kịp thời để đáp ứng nhu cầu xử lý tập trung. Do đó, phần lớn các
nghiên cứu trước đây đều nhận định, mô hình quản trị RRTD tập trung chỉ phù hợp với các ngân hàng có tuổi đời lâu năm, quy mô lớn và tiềm lực về nhân lực đủ mạnh. Mặt khác, bởi tính chất tập trung của mô hình này mà quy trình tín dụng phải trải qua khá nhiều khâu chuyên biệt, do đó làm cho hoạt động cấp tín dụng trở nên cồng kềnh, mất thời gian và thiếu sự linh hoạt.
1.2.4.2. Mô hình quản trị rủi ro phân tán Khác với mô hình quản trị rủi ro tập trung, “mô hình chưa có sự tách biệt về mặt chức năng của các khối trong quy trình tín dụng. Thay vào đó, bộ phận tín dụng của một đơn vị kinh doanh sẽ được uỷ quyền thực hiện đầy đủ ba chức năng và chịu trách nhiệm đối với mọi khâu của một khoản vay. Lúc này, các quyết định cho vay tại đơn vị kinh doanh, chi nhánh hay phòng giao dịch giữ một vị thế độc lập đối với HSC.
- Ưu điểm: sự tối giản về mặt quy trình do các chức năng được thực hiện bởi một đơn vị kinh doanh sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm được rất nhiều chi phí, công sức và thời gian.
Chính vì vậy mà mô hình quản trị rủi ro phân tán thường phù hợp với những ngân hàng với quy mô nhỏ, không có nhiều tiềm lực về mặt tài chính, con người và công nghệ.
-Nhược điểm: mô hình này khiến cho mọi khâu của công tác tín dụng tập trung vào một chỗ, dẫn đến tình trạng thiếu chuyên sâu, không có đầy đủ thông tin và làm chất lượng thẩm định tín dụng giám sát. Việc quản lý rủi ro tín dụng giữa cấp HSC và chi nhánh sẽ có khoảng cách và chỉ xảy ra khi đến kỳ báo cáo hoặc được quản lý gián tiếp thông qua chính sách tín dụng. Bên cạnh đó, việc cán bộ tín dụng đảm nhiệm hết các chức năng từ tiếp thị đến thu thập hồ sơ và thẩm định tín dụng cho khách hàng có thể khiến kết quả đánh giá thiếu tính khách quan và độc lập. Từ đây rủi ro đạo đức có thể phát sinh.”
Như vậy, cả hai mô hình trên đều tồn tại những ưu điểm và nhược điểm riêng.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động tín dụng và kiến nghị của Uỷ ban Basel cũng như căn cứ vào thông lệ quốc tế, các điều kiện chung về mặt pháp lý, thị trường, công nghệ và con người mà các ngân hàng cân nhắc lựa chọn mô hình quản trị rủi ro cho phù hợp.