CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2. NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
1.2.5. Lựa chọn phương pháp đào tạo
Tuỳ theo bối cảnh và chức năng cũng như quy mô của doanh nghiệp, có một số phương pháp đào tạo được áp dụng, cụ thể như sau:
Phương pháp đào tạo trong công việc:
Phương pháp đào tạo này được thực hiện trực tiếp tại nơi làm việc, theo đó người lãnh đạo hoặc lành nghề hơn sẽ hướng dẫn và đào tạo cho người mới, hoặc người kém với các kỹ năng và kiến thức chuyên môn để bù đắp thiếu thốn của người lao động, cụ thể phương pháp này gồm có:
- Đào tạo bằng chỉ dẫn công việc: Phương pháp này thực hiện thông qua việc giới thiệu và hướng dẫn cách làm chi tiết của người quản lý hoặc người có kinh nghiệm đi trước, truyền lại cho người sau hay đối tượng tham gia đào
tạo. Việc đào tạo này kết hợp giữa hướng dẫn và thực hành nên giúp cho người học dễ tiếp thu và hiểu nhanh. Đồng thời, phương pháp đào tạo này không phát sinh chi phí giảng dạy, đầu tư trang thiết bị hay giáo trình. Tuy nhiên, người học có thể mắc phải các lỗi hoặc sai lầm của người trước truyền lại. Phương pháp đào tạo này rất phù hợp với doanh nghiệp sản xuất, thi công xây dựng tại công trường…..
- Đào tạo theo kiểu học nghề: Đây là phương pháp đào tạo cơ bản từ lý thuyết đi dến thực hành, đào tạo một nghề cụ thể cho một đối tượng đào tạo cụ thể. Theo đó đối tượng đào tạo ban đầu sẽ được lĩnh hội kiến thức, rồi đưa đến thực hành nghề tại cơ sở dưới sự giám sát và quản lý của người đào tạo, hoặc cấp trên trực tiếp. Phương pháp này vừa phát sinh chi phí và vừa tốn thời gian cho doanh nghiệp và người lao động. Phương pháp này thường chỉ đào tạo tại các trường dạy nghề.
- Phương pháp thuyên chuyển hoặc luân chuyển công tác: Đây là một trong những phương pháp đào tạo được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất vì nó tận dụng được nguồn lao động sẵn có, nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cho đối tượng đào tạo, giúp họ có khả năng thực hành ở nhiều vị trí công việc khác nhau; đồng thời, về lâu dài giúp cho người lao động đáp ứng được đa dạng hoá các yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới.
- Đào tạo bằng hình thức kèm cặp: Hình thức này áp dụng với 1 người lành nghề hoặc quản lý trực tiếp, giám sát hay trưởng phòng với đội ngủ giảng viên, người lao động đang thiếu kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm. Bằng hình thức này, người giám sát sẽ chỉ bảo tận tình cho người lao động trong quá trình thực hành công việc, để từ đó người lao động vừa học hỏi và rút ra kinh nghiệm thực tế. Đây là biện pháp cũng được áp dụng nhiều trong các doanh nghiệp do tính khả thi và tính tiết kiệm chi phí, nguồn lực.
Phương pháp đào tạo ngoài công việc:
- Các lớp đào tạo chính quy: doanh nghiệp xem xét vả cử người lao động tham gia các khoá đào tạo chính quy do Sở, Bộ ban ngành có liên quan đứng ra tổ chức, phù hợp với trình độ và chuyên môn hiện thời của người lao động, và giúp người lao động hoàn thiện bản thân sau khoá đào tạo. Với các lớp đào tạo chính quy, người lao động được tiếp thu đầy đủ cả về lý thuyết và thực hành.
- Đào tạo theo phương pháp các lớp tập trung ngoài doanh nghiệp:
Trong trường hợp việc chỉ bảo, kèm cặp và hướng dẫn không còn phù hợp do đối tượng đào tạo nhiều, một cá nhân không thể hỗ trợ chỉ dẫn, chỉ bảo, thì việc tổ chức các lớp tập trung sẽ là cần thiết. Tại các lớp này, người lao động sẽ vừa được học thực hành và lý thuyết đan xen với công việc hiện tại đang làm, không làm gián đoạn công việc đang đảm nhận.
- Đào tạo theo hình thức tổ chức hội thảo, chuyên đề: Hình thức này đang là xu hướng đào tạo mới, theo đó mỗi hội thảo hoặc chuyên đề sẽ có 1 nội dung chính xuyên suốt trong đó người lãnh đạo hoặc người hướng dẫn chủ trì, các đối tượng đào tạo tham gia học hỏi để rút kinh nghiệm và thêm hiểu biết. Hình thức này có thể được tổ chức tại chính doanh nghiệp hoặc do các tổ chức khác thực hiện kết hợp với các chươg trình đào tạo khác.
- Phương pháp đào tạo từ xa: Bằng sự hỗ trợ của các trang thiết bị như đài, tivi, máy tính, sách hướng dẫn, đối tượng đào tạo sẽ tiếp thu hoặc thực hành chuyên môn mà không cần gặp trực tiếp người hướng dẫn. Đây là phương pháp mới dưới sự hỗ trợ lớn của công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay.
- Chương trình đào tạo viết sẵn, tự động: đây là hình thức bổ sung kiến thức hoặc chuyên môn mà các doanh nghiệp thường xuyên phải tiến hành với người lao động. Để tiết kiệm chi phí và thời gian, các doanh nghiệp tiến hành
xây dựng chương trình tự động viết sẵn nội dung từ đầu đến cuối, người học chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn của chương trình mà không cần đến lớp cũng như không cần người dạy trực tiếp.
Cả hai hình thức đào tạo trong công việc và ngoài công việc đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng; Tuỳ theo nhu cầu của doanh nghiệp mà chọn loại hình đào tạo phù hợp với quy mô cũng như khả năng của mình, trong đó các doanh nghiệp phải cân nhắc các yếu tố tốt và không tốt, lợi và bất lợi của từng phương pháp để tiến hành.