Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
1.4. Các nghiên cứu về thực vật trên núi đá vôi
Núi đá vôi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đa dạng và phong phú của động và thực vật cũng như các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam. Theo số liệu của Nguyễn Huy Dũng và cs. (2005), trên toàn quốc có tới 20 khu rừng đặc dụng phân bố trên diện tích núi đá vôi, chiếm phần lớn trong tổng diện tích của các khu bảo tồn, lên đến 366.371 ha. Sự quan trọng của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi không chỉ đóng góp vào kinh tế, môi trường và cảnh quan mà còn là đối tượng của nhiều nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Hiện tại, vẫn chưa có hệ thống phân loại rừng đặc biệt cho núi đá vôi. Các công trình điều tra vẫn sử dụng hệ thống phân loại rừng theo Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng ban hành bởi Bộ Lâm nghiệp vào ngày 1/8/1984, áp dụng cho cả rừng núi đất và rừng núi đá. Theo Trần Hữu Viên, (2004).
Dựa vào kết quả kiểm kê rừng theo Chỉ thị 286/TTg và Báo cáo đặc điểm lâm học rừng trên núi đá vôi của Viện Điều tra Quy hoạch rừng (1996 - 2000), đã nêu các đặc trưng tổng quát về tình trạng của rừng trên núi đá.
Các nhà nghiên cứu quốc tế nhìn nhận rằng Đông Nam Á, với các khu vực đá vôi chiếm diện tích 460.000km2, tương đương khoảng 10% tổng diện tích tự nhiên của vùng, đó là một trong những khu vực caxtơ quan trọng trên thế giới. Vào năm 1997, Ủy ban Thế Giới về các khu bảo tồn và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên
Quốc tế (IUCN) đã công nhận các cảnh quan caxtơ là khu vực đang đối mặt với nguy cơ đe dọa và cần được bảo vệ (Lê Trần Chấn, 2006).
Trong báo cáo về "Đặc điểm tự nhiên của rừng núi đá vôi Na Hang, Tuyên Quang", Nguyễn Huy Dũng (2000). Đã cung cấp số liệu về diện tích và trữ lượng tài nguyên của rừng núi đá vôi, đồng thời chỉ ra các đặc điểm chính của một số loài cây như Nghiến, Trai, Tre trinh, Đao, Báng,... cũng như tình trạng sâu bệnh hại trong khu vực. Báo cáo này cũng đề cập đến tình hình tái sinh của các loài như Nghiến, Trai lý...
Trong nghiên cứu của Nguyễn Nghĩa Thìn và Trần Quang Ngọc (1997), đã tiến hành điều tra và ghi nhận tổng cộng 1251 loài thực vật, phân bố trong 604 chi và 152 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch ở vùng núi đá vôi Hòa Bình.
Nghiên cứu của Nguyễn Nghĩa Thìn và Vũ Quang Nam (2002) tại vùng núi đá vôi phía Đông bắc Khu BTTN Hữu Liên, Lạng Sơn đã xác định được 554 loài thực vật, phân bố trong 334 chi và 124 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Nguyên cứu của Nguyễn Nghĩa Thìn và Nguyễn Thị Kim Oanh (2007), tập trung vào thảm thực vật ở Khu BTTN Trùng Khánh, Cao Bằng. Nơi thuộc kiểu quần hệ rừng rậm thường xanh trên núi đá vôi. Cuối cùng, trong công trình của Đỗ Ngọc Đài và Phạm Hồng Ban (2007), họ đã thống kê hệ thực vật trên núi đá vôi tại VQG Bến En, tỉnh Thanh Hóa, với tổng cộng 412 loài, 267 chi và 110 họ.
Các loài quý hiếm trên núi đá vôi:
Có một số nghiên cứu tập trung vào việc bảo tồn các loài thực vật thân gỗ quý hiếm. Ví dụ, Trần Ngọc Hải (2011), đã nghiên cứu về loài Du sam đá vôi (Keteleeria davidiana). Quần xã của loài này đang đối diện với nguy cơ bị biến mất do cháy rừng ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng. Hoàng Kim Ngũ (2002), cũng đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh vật học sinh thái học của loài Nghiến. Theo sách “Thông Việt Nam, nghiên cứu hiện trạng bảo tồn, 2004” (Nguyễn Tiến Hiệp và cs., 2004), nêu rõ rằng nước ta hiện nay ghi nhận tồn tại 33 loài thông được xếp vào danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp độ toàn cầu và quốc gia, trong đó có 16 loài chỉ phân bố trên núi đá vôi.
Nghiên cứu về phục hồi rừng trên núi đá vôi:
Trung tâm Tài nguyên và Môi trường Lâm nghiệp - Viện Điều tra quy hoạch rừng đã có một dự án điều tra đa dạng sinh học và tri thức bản địa tại xã Phúc Sen, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Sau 6 năm nghiên cứu, họ đã khám phá cách mà cộng đồng ở Phúc Sen đã thực hiện việc tái sinh và phục hồi rừng trên các đồi và núi đá vôi. Kết quả của nghiên cứu này đã được chia sẻ thông qua sách "Phát triển bền vững, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học trên núi đá vôi ở Việt Nam"
(Nguyễn Huy Dũng và cs., 2005).
Các nghiên cứu khác như của Nguyễn Tiến Bân và cs., (2001) đã tập trung vào việc lựa chọn các loại cây bản địa để trồng lại rừng tại khu vực núi đá vôi miền Bắc Việt Nam. Kết quả của họ đã tuyển chọn được 40 loài cây phù hợp cho việc phục hồi rừng ở vùng núi đá vôi, với các loại cây tiên phong như Mắc rạc, Mắc mật và Nữ trinh.
Theo nghiên cứu của Trần Hữu Viên (2002), việc khảo sát khả năng tái sinh và phát triển rừng trên núi đá vôi tại xã Tự Do - Quảng Uyên, Cao Bằng đã chỉ ra rằng mặc dù tổ hợp cây gỗ chưa phong phú, nhưng cũng đã có sự xuất hiện của một số loài cây có giá trị. Mật độ tái sinh khá cao và thay đổi theo từng trạng thái khác nhau. Cây Nghiến thường xuất hiện nhiều trong các trạng thái rừng, tuy nhiên số lượng cây tái sinh triển vọng và có giá trị lại rất ít.
Hệ sinh thái núi đá vôi là môi trường sống chủ yếu của các loài linh trưởng nói chung và Voọc nói riêng. Tuy một số vùng núi đá trọng điểm được quan tâm nghiên cứu nhưng cũng cần nghiên cứu các vùng nhỏ hơn để có giải pháp cụ thể nhằm phục hồi hệ sinh thái này. Phương pháp điều tra cấu trúc sinh cảnh thường sử dụng phương pháp ô tiêu chuẩn (OTC). Tuy nhiên, có một số nghiên cứu lại sử dụng phương pháp điều tra thực vật theo tuyến hoặc dựa vào bản đồ thảm và tình trạng rừng (Hoàng Anh Tuân, 2016). Phương pháp này mang tính chủ quan theo cách phân loại của từng nhà nghiên cứu, nhưng cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm của họ. Do đó, trong luận án này, sẽ sử dụng phương pháp điều tra theo OTC để xác định cấu trúc sinh cảnh tại khu vực nghiên cứu.