CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Kiến nghị một số giải pháp hướng tới bảo tồn bền vững Voọc đen má trắng tại khu vực nghiên cứu
3.5.1. Nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ rừng
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quy định bảo vệ và phát triển rừng, luật đa dạng sinh học, hậu quả của suy thoái đa dạng sinh học, và biến đổi khí hậu, cũng như vai trò quan trọng của rừng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên rừng bền vững. Việc này được thực hiện thông qua các hoạt động như tập huấn, hội thảo, và buổi tuyên truyền, cũng như trình chiếu phim, áp phích, và loa phát thanh tại cộng đồng, đặc biệt là đối với học sinh. Đồng thời, việc tuyên truyền và khuyến khích người dân không sử dụng súng săn và giao nộp chúng cho lực lượng chức năng cũng được thực hiện.
Nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương ở mọi cấp bằng cách tổ chức các buổi hội thảo, cung cấp tài liệu tuyên truyền, và tổ chức thăm quan học tập.
Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng bằng cách đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm lâm và cán bộ làm công tác lâm nghiệp tại địa phương.
Các trạm kiểm lâm và kiểm lâm viên địa phương cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng và hàng quý, đồng thời đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Cụ thể, có sự phối hợp với UBND các xã để mở các lớp tuyên truyền chuyên đề tại từng thôn, bản. Đồng thời, kiểm lâm viên địa phương cần tham gia vào các buổi sinh hoạt xóm và hỗ trợ UBND xã trong việc thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng.
3.5.2. Quy hoạch, tổ chức, quản lý
Ban quản lý rừng phòng hộ cần xác định rõ ranh giới của vùng rừng này và thiết lập biển báo cũng như cột mốc trên thực địa. Đề xuất chuyển khu vực này thành rừng đặc dụng và phát triển các dự án kinh tế xã hội để thu hút đầu tư, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Từ đó xây dựng các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội thông qua các hoạt động bảo tồn để thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào khu vực bảo tồn, đây là cơ sở để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và cán bộ khu bảo tồn, tạo bước đệm vững chắc cho mọi hoạt động bảo tồn có hiệu quả. Đồng thời, cần ngăn chặn hoạt động khai thác gỗ và động vật trái phép, đặc biệt là các loài quý hiếm, như Voọc đen má trắng, để bảo vệ sự đa dạng sinh học. Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và các nhân vật có uy tín tại địa phương là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý bền vững của rừng. Xây dựng và hoàn thiện hương ước quản lý bảo vệ rừng để người dân tham gia, tự điều chỉnh những hành vi sử dụng thiếu bền vững làm suy giảm tài nguyên rừng.
Đối với các khu vực nghiên cứu, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước, kiểm tra và kiểm soát các hoạt động buôn bán lâm sản trái phép. Cần thiết lập các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn việc khai thác và vận chuyển trái phép lâm sản, xây dựng các chốt, trạm lưu động nhằm ngăn ngừa việc khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản.
Ban quản lý, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện và chính quyền địa phương các xã cần duy trì, phát huy, phối hợp không cho làm nương rẫy, làm nhà trên đất giao khoán trồng rừng và bảo vệ rừng.
Ban quản lý phối hợp với UBND các xã từng bước giao khoán diện tích rừng cho hộ dân tham gia bảo vệ, gắn trách nhiệm cụ thể để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, hạn chế việc phá rừng và khai thác trộm lâm sản như hiện nay.
Việc khai thác các loài LSNG mặc dù chưa tác động xấu đến đa dạng sinh học nhưng cần phổ biến cho người dân phương pháp khai thác bền vững đảm bảo tái sinh, tránh khai thác tự do, triệt để; nghiêm cấm khai thác các loài LSNG không được phép khai thác theo quy định trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
Cấm mỏ khai thác đá khi khu rừng phòng hộ Lâm Bình –Sinh Long được chuyển sang là rừng đặc dụng với nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học là chính, đặc biệt là bảo tồn và phát triển Voọc đen má trắng loài động vật đang có nguy cơ diệt chủng.
3.5.3. Chính sách và sinh kế
Cải thiện việc phổ biến hệ thống chính sách và pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và môi trường nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác gỗ củi trái phép và giảm thiểu sự mở rộng của đất canh tác cũng như việc khai thác quá mức các loại LSNG.
Xây dựng phương án đồng quản lý giữa chủ rừng, cộng đồng dân cư và cấp chính quyền địa phương. Tích hợp các chương trình phát triển kinh tế xã hội nhằm cải thiện cuộc sống của cộng đồng, đồng thời giảm áp lực lên khu rừng phòng hộ. Tạo ra các chính sách khuyến khích người dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ rừng và hỗ trợ họ trong việc phát triển kinh tế xã hội.
3.5.4. Khoa học, kỹ thuật
Trong hoạt động kinh doanh rừng phòng hộ, cơ quan quản lý phải hằng năm lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên rừng dựa trên nhu cầu của cộng đồng và khả năng tái tạo của rừng, sau đó trình cấp có thẩm quyền duyệt và tổ chức giám sát việc thực hiện. Mục tiêu là đảm bảo không làm giảm khả năng phòng hộ của rừng.
Tuy nhiên, chất lượng và khả năng tái sinh của rừng trong khu vực nghiên cứu không được đánh giá cao, đặc biệt là ở các khu vực núi đá vôi, vốn có khả năng tái tạo rất kém. Do vậy để phục hồi rừng cần chú trọng ưu tiên tới việc bảo vệ và khoanh nuôi rừng, làm giầu rừng bằng các loài cây gỗ làm thức ăn cho Voọc tại vùng sống thích hợp, để tạo ra sinh cảnh sống tốt như: rừng có cấu trúc 4 tầng, độ tàn che > 60% có tổ thành loài cây làm thức ăn đa dạng theo các tháng trong năm.
Đẩy mạnh hoạt động khuyến lâm và hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật canh tác, cũng như tổ chức chuyển giao kỹ thuật trong việc thiết kế các mô hình trồng các loại lâm sản
ngoài gỗ có giá trị kinh tế dưới tán rừng. Các loại cây như thảo quả, củ bình vôi, sa nhân, hoàng đằng sẽ được tập trung trồng để gia tăng thu nhập cho cộng đồng.
Để giải quyết vấn đề của việc sử dụng chất đốt nên khuyến khích người dân trồng một số loại cây phù hợp gần nhà để sử dụng làm chất đốt. Các loại cây này bao gồm keo dậu để lấy thân và cành làm củi, lá có thể sử dụng cho việc nuôi gà.
Ngoài ra, cũng được khuyến khích trồng một số loại cây gỗ có khả năng tỉa cành để làm củi và cung cấp gỗ, hoặc tận dụng nguồn chất đốt từ các sản phẩm nông nghiệp khác.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ