1. Tính cấp thiết của đề tài
1.2.2. Quan điểm về nông nghiệp bền vững
Mục đích của nền nông nghiệp bền vững là kiến tạo một hệ thống bền vững về mặt sinh thái, có tiềm lực vế kinh tế, có khả năng thoã mãn những nhu cầu của con người mà không làm huỷ diệt đất đai, không làm ô nhiễm môi trường.
Nông nghiệp bền vững tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp sản suất lương thực thực phẩm cho con người, thức ăn cho chăn nuôi nhiều hơn so với hệ thống tự nhiên. Nông nghiệp bền vững là một hệ thống trong đó con người tồn tại và sử dụng những nguồn năng lượng không độc hại, tiết kiệm và tái sinh năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên phong phú của thiên nhiên mà không liên tục phá hoại những nguồn tài nguyên đó. Nông nghiệp bền vững không chỉ bảo vệ những hệ sinh thái đã có trong tự nhiên mà còn tìm cách khôi phục những hệ sinh thái đã bị suy thoái.
Nông nghiệp bền vững không có nghĩa là khước từ những kinh nghiệm truyền thống mà phối hợp, lồng ghép những sáng kiến mới từ các nhà khoa học, từ nông dân hoặc cả hai. Điều trở nên thông thường đối với những người nông dân, bền vững là việc sử dụng những công nghệ và thiết bị mới vừa được phát kiến, những mô hình canh tác tổng hợp để giảm giá thành đầu vào. Đó là những công nghệ về chăn nuôi động vật, những kiến thức về sinh thái để quản lý sâu hại và thiên dịch [15].
Không có ai hiểu biết hệ sinh thái nông nghiệp ở một vùng bằng chính những người sinh ra và lớn lên ở đó, vì vậy xây dựng nông nghiệp bền vững cần thiết phải có sự tham gia của người dân trong vùng nghiên cứu. PTBV là việc quản lý và bảo tồn cơ sở tài nguyên tự nhiên, định hướng những thay đổi công nghệ thể chế theo một phương thức sao cho đạt đến sự thoả mãn một cách liên tục những nhu cầu của con người của những thế hệ hôm nay và mai sau.
Mục tiêu của nông nghiệp bền vững là xây dựng một hệ thống ổn định về mặt sinh thái, có tiềm lực kinh tế, có khả năng thoả mãn những nhu cầu của con người mà không bóc lột đất, không gây ô nhiễm môi trường. Nông nghiệp bền vững sử dụng những đặc tính vốn có của cây trồng, vật nuôi kết hợp đặc trưng của cảnh quan và cấu trúc diện tích đất sử dụng một cách thống nhất.
Gần đây xuất hiện khuynh hướng "nông học hữu cơ", chủ trương dùng máy cơ khí nhỏ và sức kéo gia súc, sử dụng rộng rãi phân hữu cơ, phân xanh, phát triển cây họ đậu trong hệ thống luân canh cây trồng, hạn chế sử dụng các loại hoá chất để phòng trừ sâu bệnh.
Anbert K. và Voisin A. đã hình thành trường phái "nông nghiệp sinh học", bác bỏ việc sản xuất và sử dụng nhiều loại phân hoá học vì như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khoẻ người tiêu dùng. Phần Lan đã đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo con đường "Green way", hoàn toàn không dùng phân hoá học.
Ở Việt Nam đã hình thành nền văn minh lúa nước từ hàng nghìn năm nay, có thể coi đó là một mô hình nông nghiệp bền vững ở vùng đồng bằng, thích hợp trong điều kiện thiên nhiên nước ta. VAC (vườn, ao, chuồng), mô hình nông - lâm kết hợp trên đất đồi thực chất là những kinh nghiệm truyền thống được đúc rút ra từ quá trình đấu tranh lâu dài, bền vững với thiên nhiên khắc nghiệt của con người để tồn tại và phát triển.
Thực chất của nông nghiệp bền vững là phải thực hiện được khâu cơ bản là giữ độ phì nhiêu của đất được lâu bền. Vì độ phì nhiêu đất là tổng hoà các yếu tố vật lý, hoá học và sinh học để tạo môi trường sống thuận lợi nhất cho cây trồng tồn tại và phát triển.