2.2. Quan niệm của Hêghen về phán đoán
2.2.1. Vị trí của phán đoán trong “Học thuyết về khái niệm”
Trong khoa học logic, phán đoán được Hêghen khảo sát ở “Học thuyết về khái niệm”. Hơn nữa, khác với Cantơ, Hêghen bắt đầu khảo sát tư duy từ
“khái niệm”. Do vậy, để nghiên cứu, phân tích phán đoán nhất định phải tìm hiểu về khái niệm.
Vấn đề cơ bản ở đây là, bản thân “khái niệm” được hiểu như thế nào cho đúng, và Hêghen đã hiểu nó theo nghĩa nào?
Theo Bùi Văn Nam Sơn, khái niệm được hiểu theo hai lĩnh vực là:
logic học giác tính (hình thức) và logic tư biện (biện chứng). Trong logic học giác tính “khái niệm thường được xem như là một hình thức đơn thuần của tư duy, và, chính xác hơn, như là một biểu tượng phổ biến” [14, 667]. Theo cách hiểu này, khái niệm sẽ là một cái gì đó đứng im, trống rỗng và trừu tượng.
Nhưng trong thực tế, khái niệm chính là nguyên tắc của mọi sự sống, và là cái gì hoàn toàn cụ thể. Trước đây khái niệm được hiểu là cái gì đơn thuần có tính hình thức. Còn theo cách hiểu biện chứng, thì “khái niệm” được xem như là một hình thức nhưng là hình thức vượt qua chính mình, bao hàm toàn bộ cái vô hạn và sáng tạo, lại bao hàm cả sự phong phú của tất cả nội dung ở trong mình và lại “buông thả nội dung ấy ra khỏi chính mình” [14, 668]. Khái niệm vừa là cái trừu tượng vừa là cái cụ thể, nó chứa đựng cái tồn tại và cái bản chất. Và hiểu khái niệm theo lĩnh vực tư biện, thì mới hiểu đúng học thuyết khái niệm của Hêghen và hiểu đúng về phán đoán.
“Khái niệm là cái tự do như là sức mạnh bản thể tồn tại cho mình và là cái toàn thể...” [14, 669]. Có nghĩa là khái niệm là sự đồng nhất với chính mình nhưng lại là cái toàn thể được quy định tự mình và cho mình. Nó thống nhất với mình vì nó mang trong mình mầm mống của sự tự do trong chừng
mực sức mạnh tuyệt đối của nó làm chủ. Nó thể hiện bản chất và cái tồn tại hiện có của sự vật. Khái niệm được quy định “tự mình” vì mọi tính quy định của nó đều được bao hàm trong tính tuyệt đối đơn giản và sự đồng nhất bản thể và ngang bằng của nó với nó.
Khái niệm cũng được quy định “cho mình” vì sự quy định của nó bởi và cho một cái khác đồng nhất với sự quy định của nó trong chính mình.
“Diễn trình tiến lên của Khái niệm không còn là sự chuyển sang cái khác lẫn sự ánh hiện vào trong cái khác nữa mà là sự phát triển” [14, 669]. Ở đây, Hêghen khẳng định sự vận động của khái niệm theo hướng phát triển đi lên. Có nghĩa là bản thân “khái niệm” dù thể hiện là tồn tại, bản chất hay khái niệm (đúng nghĩa), thì nó cũng luôn tiến lên phía trước. Ông đưa ra ví dụ trong lĩnh vực tự nhiên là sự phát triển của cái cây.
Cái cây (bản chất, bản thể) -> tạo ra bộ rễ, cành, lá (tồn tại trực tiếp) - >
cũng chính là tồn tại chính mình và khẳng định chính mình (khái niệm tự do) -> sự tăng trưởng của cây (sự tiến lên) - nụ thành hoa, hoa biến thành quả (có yếu tố biến thành sự vật khác một cách trực tiếp) => tức là sự ánh hiện trong cái khác, đó cũng chính là sự phân chia và dị biệt hóa trong tồn tại trực tiếp, và chính là sự phát triển của cái cây. Như vậy, sự phát triển của cái cây thu hồi mọi sự vận động của sự trực tiếp mà nó thiết định và chỉ làm công việc tự khẳng định mình bằng cách ánh hiện trong những momen khác của nó.
Như vậy, cách hiểu của Hêghen có phần tương tự giống “sự hồi tưởng”
của Platon. Cái khác ở chỗ, Platon cho rằng mọi ý niệm là sự hồi tưởng đơn thuần cái vốn có, có sẵn, thì ở đây Hêghen phát triển hơn, đó là nó không phải hồi tưởng lại cái có sẵn mà phát triển cái nhất định trước đó thành cái tương tự cái trước nhưng lại không phải là cái trước - sự phát triển. Quan niệm này giúp người ta hiểu phán đoán một cách biện chứng hơn. Bản thân phán đoán cũng như là cái cây, sự phát triển của phán đoán cũng vậy. Phán đoán liên kết trong đó các khái niệm, khi khái niệm phát triển để có sự phản ánh tương ứng
về hiện thực, thông qua những phán đoán, lại cho ra những khái niệm mới, sự liên kết các khái niệm mới lại phát triển thành các phán đoán mới cao hơn, khái quát hơn, chân thực hơn.
Học thuyết Khái niệm của Hêghen bao gồm:
Học thuyết về khái niệm chủ quan hay khái niệm hình thức Học thuyết về tính khách quan
Học thuyết về ý niệm
Theo Hêghen, khái niệm chủ quan là “khái niệm xét như là khái niệm”.
Tức là khái niệm chưa bắt đầu tự triển khai ở bên trong chính mình như là
“phán đoán” và “suy luận” mà còn tự giới hạn ở việc trình bày cấu trúc còn tuyệt đối mang tính hình thức của sự tự do của nó khi mới xuất hiện.
Và bản thân khái niệm chứa đựng tính phổ biến, tính đặc thù và tính cá biệt.
Tính phổ biến ở đây là ở cấp độ đồng nhất bản thể, ngang bằng với chính mình. Tính đặc thù chứa đựng tính phổ biến nhưng có tự do và chứa đựng tính toàn thể của khái niệm. Tính cá biệt lại chứa đựng sự tự do đích thực.
Hêghen cho rằng, khái niệm xét như là khái niệm vốn đã là đặc thù, vì nó có năng lực quy định. Nhưng trong sự dị biệt hóa được tác động bởi sự phản tư trong mình phủ định khái niệm với tư cách là tính cá biệt, tính đặc thù. Và Hêghen gọi tính đặc thù được thiết định của khái niệm mà qua đó khái niệm tự phân chia cái bên trong của nó nhưng vẫn “không đánh mất sự nguyên thủy là sự phân chia nguyên thủy của khái niệm hay chính là sự phán đoán” [14, 700].
Như vậy, phán đoán chính là sự phản tư, sự dị biệt hóa hay sự quy định nội tại của khái niệm vì hành vi phán đoán là phương cách chính của khái niệm để quy định, không phải bằng sự quá độ, chuyển sang cái khác hay ánh hiện trong cái khác mà bởi sự phát triển đồng nhất của mình ở trong cái dị biệt hóa.
Tóm lại, phán đoán là hành vi của khái niệm sản sinh ra chính mình trong sự phát triển của mình qua các giai đoạn. Do vậy, ngược lại, phân tích phán đoán là một thao tác quan trọng để hiểu được học thuyết khái niệm của Hêghen.