Bản chất, cấu tạo của phán đoán

Một phần của tài liệu Quan niệm của I.Cantơ và G.F.Heeghen về phán đoán (Trang 69 - 73)

2.2. Quan niệm của Hêghen về phán đoán

2.2.2. Bản chất, cấu tạo của phán đoán

Khi bàn về phán đoán, có hai cách hiểu như sau: cách hiểu thứ nhất (trước đây): nó là sự đối lập tương đối của hai bộ phận cấu thành nên nó là chủ từ và vị từ nhằm phủ định hoặc khẳng định sự vật, đối tượng. Cái có trước (chủ từ) là một sự vật hay một sự quy định cho riêng nó, còn vế sau (vị từ) cũng là sự quy định phổ biến đứng bên ngoài chủ từ và được gắn với chủ từ tạo thành phán đoán thông qua hệ từ. Phán đoán được xem như là sự nối kết của hai khái niệm và đúng hơn là sự nối kết các khái niệm thuộc các loại khác nhau. Hiểu theo cách này có cái hay là ở chỗ: khái niệm tạo nên điều kiện tiên quyết của phán đoán và xuất hiện trong phán đoán với hình thức của sự phân biệt. Nếu hiểu một cách hình thức theo kiểu này, thì chủ từ là cái gì đó có giá trị riêng, còn vị từ là thuộc tính được gán vào cho nó theo cách của con người.

Ví dụ: khi ta nói “cô ấy đẹp”, không phải ta ghép “đẹp” cho cô ấy mà bản thân cô ấy đã có tính quy định “đẹp” trong đó, ta chỉ là kẻ phát ngôn mà thôi.

Theo cách hiểu này, phán đoán sẽ là một cái gì đó bất tất, đứng im và không chứng minh được sự tự tiến lên từ khái niệm đến phán đoán.

Cách hiểu thứ hai như sau: trong tiếng Đức “urteil” có nghĩa là phán đoán - lại có ý nghĩa sâu xa hơn, nó diễn đạt sự thống nhất của các khái niệm như là cái thứ nhất (cái có trước) và sự phân biệt về nó như là sự “phân chia nguyên thủy” mới đúng là phán đoán và Hêghen hiểu theo ý này. Nó tương ứng với cách hiểu biện chứng về khái niệm.

Theo Hêghen, khái niệm không phải như là một cái gì ở yên trong chính mình một cách không có tiến trình mà là một hình thức vô hạn, tuyệt

đối có tính hoạt động và là điểm nổi bật của mọi tính sống động, phân biệt với chính mình. “Sự phân hóa này của khái niệm được phân biệt với những mômen của nó chính là phán đoán, theo đó, ý nghĩa của phán đoán được hiểu như là việc đặc thù hóa của khái niệm” [14, 704].

Cũng theo cách hiểu của Hêghen, phán đoán đầu tiên phải là cái

“nguyên thủy” sau đó mới đến sự “phân chia”. Như vậy, cách khái quát “phân chia nguyên thủy” của Hêghen có điểm tương đồng với Cantơ. Trong cách hiểu của Cantơ, phán đoán có được nhờ phân tích sự vật thông qua nhận thức thường nghiệm. Tức là “cô ấy đẹp” là nhờ phân tích trên cơ sở quan sát, đánh giá kinh nghiệm thông thường. Và bản thân cô ấy đã đẹp, “đẹp” là thuộc tính của “cô ấy” cho nên mới hình thành được phán đoán trên. Điểm giống nhau giữa Cantơ và Hêghen chính là nhìn thấy được sự phân chia (theo cách gọi của Hêghen) - sự phân tích thường nghiệm (theo Cantơ) của bản thân đối tượng được phán đoán. Cái tiến xa hơn của Hêghen là ở chỗ, ông nhìn ra được sự phân chia đó sâu sắc hơn chính là sự phân chia từ chính bản thân các mômen (phương diện) của khái niệm. Cách tiếp cận của Cantơ là đưa ra phán đoán thông qua phương pháp, tức là ông chủ yếu chỉ ra thao tác đưa ra được phán đoán, còn Hêghen lại tiếp cận phán đoán theo hướng bản chất là vì sao đối tượng lại được phán đoán như thế.

Như vậy, Bản chất của phán đoán là sự phân chia nguyên thủy của một khái niệm, trong bản thân nó chứa đựng sự mâu thuẫn: nó là khái niệm (sự thống nhất) ở trong sự đặc thù hóa, thể hiện sự tương quan dị biệt hóa của các mômen của nó, là sự kết hợp giữa cái thống nhất và cái khác biệt. Phán đoán là sự bảo tồn và liên tục phát triển của khái niệm.

Hêghen giải thích bản chất của phán đoán như là Khái niệm trong tính đặc thù của nó, như là mối tương quan phân biệt giữa các mômen của nó. Các mômen này được thiết định vừa như là tồn tại cho mình, vừa đồng

thời như là đồng nhất với mình, nhưng không phải đồng nhất với nhau

[14, 701].

Với cách hiểu này, Hêghen vừa phê phán cách hiểu cứng nhắc của logic hình thức về phán đoán, vừa đưa ra được cái nhìn biện chứng về bản chất của phán đoán. Và ông đặc biệt chú trọng đến tính phát triển của phán đoán thông qua sự đi lên của các khái niệm.

Theo Hêghen: mọi sự vật đều là một phán đoán[14, 709]. Ở đây cần phải phân biệt phán đoán với các mệnh đề. Mệnh đề chứa đựng một sự quy định của những chủ thể hay chủ ngữ, và sự quy định này không đứng trong một mối quan hệ giữa tính phổ biến với chúng mà nó chỉ là một trạng thái, một hành động cá biệt. Ví dụ: An sinh ra ở Hà Nội vào năm 1986 và tốt nghiệp đại học năm 2008. Đây là mệnh đề vì nó tường thuật lại cái đã diễn ra trong quá khứ, nó không phải là phán đoán. Phán đoán tác động đến tất cả các lĩnh vực: tư tưởng thuần túy, tự nhiên và tinh thần nên phải hiểu theo nghĩa phổ biến nhất.

“Tất cả đều là một phán đoán”: tất cả mọi thực tại logic tự nhiên và tinh thần đều là những cái cá biệt, tự thân chúng là một tính phổ biến hay một bản tính bên trong vừa “vượt lên trên chúng” vừa thâm nhập vào chúng như bản tính bên trong.

Và quan điểm trên của Hêghen cũng chính là: “tất cả mọi sự vật đều là một cái phổ biến được cá biệt hóa” [14, 710]. Cũng tương đương với hai phán đoán “cái cá biệt là cái phổ biến” và “cái phổ biến là cái cá biệt”.

Như vậy, cách nhìn này của Hêghen khác hoàn toàn so với Aritxtot. Và lĩnh vực tác động của phán đoán cũng khác nhau. Aritxtot hiểu phán đoán là cái cấu thành từ hai khái niệm có mối lên kết giữa khái niệm này và khái niệm kia thông qua hệ từ “là” để phản ánh một hiện thực hoặc mối liên hệ nào đó.

Và phạm vi hoạt động của kiểu phán đoán này là trong logic hình thức, trong cách nhìn giác tính giản đơn. Theo một nghĩa giản đơn, Cantơ cũng hiểu

tương tự như vậy. Còn “phán đoán” theo cách nhìn của Hêghen là cái cấu thành của những cái tiến lên (khái niệm) và tác động trong mọi lĩnh vực phức tạp hơn. Cách nhìn này của Hêghen có nét tương đồng với Cantơ. Cantơ cũng cho phạm vi tác động của phán đoán là rất rộng: không những trong tự nhiên, siêu hình học, mà là thế giới ý niệm (ở Hêghen là thế giới tinh thần - tinh thần tuyệt đối).

Cách hiểu mọi sự vật đều là phán đoán có ý nghĩa biện chứng ở chỗ:

mọi thực tại logic về tự nhiên cũng như tinh thần đều là những cái cá biệt, tự thân chúng là một tính phổ biến hay một bản tính bên trong vừa vượt lên, vừa thâm nhập. Khái quát thành phán đoán “một cái phổ biến được cá biệt hóa”

tức là “cái phổ biến là cái cá biệt” và ngược lại “cái cá biệt là cái phổ biến”.

Trong mọi sự vật, tính phổ biến và tính cá biệt vừa được phân biệt vừa đồng nhất, vì trong phán đoán chủ ngữ tuy không phải là vị ngữ nhưng được đồng nhất hóa một cách trừu tượng nhờ vào hệ từ. “Chính sự mâu thuẫn này sẽ đưa phép biện chứng của phán đoán vào sự vận động và làm cho nó chuyển hóa thành suy luận” [14, 710].

Cấu tạo của phán đoán theo Hêghen: gồm hai hạn từ là: chủ từ và vị từ. Và tính hợp nhất hay tách rời được quy định trong hai hạn từ này. Và mẫu số chung cho tất cả các loại phán đoán là “cái cá biệt là cái phổ biến” tương ứng với phán đoán về chất sau này, từ đó mà khái quát lên thành các loại phán đoán cao hơn, bao quát hơn. Nhưng vấn đề ở đây là: như đã phân tích trước đó về khái niệm, bản thân nó chứa đựng tính phổ biến, tính đặc thù, và tính cá biệt và vấn đề là ba thuộc tính này, cái nào được quy định trong chủ từ và cái nào thuộc vị từ. Vì thế, để trả lời câu hỏi này, Hêghen tiến hành phân chia các loại phán đoán tương ứng với ba tính quy định của khái niệm sẽ được luận văn phân tích ở phần sau.

Như vậy, thông qua cách nhìn biện chứng về khái niệm, Hêghen đưa ra phân tích biện chứng về bản chất và cấu tạo của phán đoán. Nội dung phân

tích về phán đoán của Hêghen sâu sắc và toàn diện hơn của Cantơ khi Hêghen chỉ ra được điểm khác biệt của cấu tạo phán đoán là thông qua tính đặc thù và mối tương quan của các mômen khái niệm chứ không phải là trên cơ sở phân tích kinh nghiệm hay giác ngộ lý tính của Cantơ.

Một phần của tài liệu Quan niệm của I.Cantơ và G.F.Heeghen về phán đoán (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)