Chương III: Một số giải pháp nhằm đáp ứng các quy định/tiêu chuẩn của eu về chất lượng, môi trường & xã hội
II. Những giải pháp chủ yếu nhằm đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn của EU về chất lượng, môi trường và xã hội
1. Giải pháp về phía Nhà nước
1.1 Tổ chức xây dựng và củng cố lại hệ thống tiêu chuẩn quốc gia
Đổi mới hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm trong hội nhập với quốc tế nhằm đẩy chất lượng hàng hoá trong nước lên mức ngang tầm với các nước khác. Trước hết là việc loại bỏ các tiêu chuẩn Việt Nam đã quá lạc hậu hay không phù hợp với đối tượng của tiêu chuẩn hoá theo yêu cầu mới. Mặc dù trong thời gian qua, đến 80% TCVN mới được ban hành là hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn Quốc tế, nâng tỷ lệ TCVN được hài hoà từ 15% năm 1995 đến 24% năm 2003. Tuy nhiên con số này vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với mức độ hài hoà tiêu chuẩn của các nước phát triển, đặc biệt là với Liên minh châu Âu.
Để thực hiện được mục tiêu này, Nhà nước cần tổ chức, xây dựng các ban Kỹ thuật, cấp kinh phí đào tạo và hỗ trợ cho các nhà khoa học, các chuyên gia từ các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tiến hành triển khai những đề tài về hài hoà tiêu chuẩn Việt Nam với tiêu chuẩn Quốc tế.
Bên cạnh công tác xây dựng và củng cố hệ thống TCVN, công tác phổ biến, khuyến khích và quản lý việc áp dụng các tiêu chuẩn cũng không kém phần quan trọng. Nếu như hoạt động hô hào kêu gọi sự hưởng ứng của các ngành, các doanh nghiệp không đem lại nhiều hiệu quả thì nên sử dụng các biện pháp thiết thực hơn như: đẩy mạnh hoạt động trao giải thưởng chất lượng cho các doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ, thẩm định chất lượng và áp dụng chế tài nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn mang tính bắt buộc... Hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu cũng phải cải tiến (trước đây chỉ chú trọng kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu) để đảm bảo ốn định và nâng cao uy tín của hàng Việt Nam trên trường Quốc tế.
1.2 Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng, môi trường và xã hội
Quản lý Nhà nước về chất lượng đã được thể chế hoá trong Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá được Quốc hội thông qua năm 1999 và có hiệu lực thi hành từ năm 2000. Năm 2000, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tại những thời điểm thích hợp, Chính phủ cũng ban hành hàng loạt các Chỉ thị, Quyết định nhằm khắc phục tình trạng vi phạm quy định về chất lượng của đối với hàng xuất khẩu của ta.
Sự ra đời của các văn bản pháp quy này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đổi mới công tác quản lý chất lượng trên toàn quốc, từ đó có thể nâng cao ý thức của các doanh nghiệp xuất khẩu để cung cấp các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đưa các quy định này vào thực tiễn vẫn còn là một điều khó khăn, và thường là chỉ có tác dụng trong ngày một ngày hai. Chính vì vậy mà tình trạng hàng hoá không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn còn phổ biến.
Với tình thế như vậy, Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa, ban hành các quy định về xử phạt các doanh nghiệp vi phạm Pháp lệnh và các chỉ thị, quy định đã đặt ra; đồng thời xúc tiến công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với công tác Bảo vệ môi trường, hệ thống Pháp luật về Bảo vệ môi trường của Việt Nam còn chưa thật hoàn chỉnh nền không khuyến khích được doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này. Vì thế, Nhà nước cần:
+ Trong Luật bảo vệ môi trường và Nghị định 175-CP hướng dẫn thi hành Luật, cần có nhiều quy định cụ thể hơn nữa về Bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế là những quy định chung trong Luật bảo vệ môi trường và Nghị định nói trên á dụng với mọi đối tượng, moi tầng lớp xã hội. Riêng đói với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì sự điều chỉnh và quản lý thông qua các quy định cụ thể còn rất hạn chế. Một số biện pháp hữu hiệu có thể tham khảo là: (1) Thu phí, thuế và các khoản thu khác liên quan đến môi trường; (2) Hạn ngạch/giấy phép môi trường có thể trao đổi được; (3) Đặt cọc phí tái chế đối với một số loại sản phẩm (ví dụ: các loại vỏ đồ hộp); (4) Các biện pháp kiểm dịch động, thực vật và các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm; (5) Các yêu cầu về bao gói (hiện nay chưa có); (6) Các yêu cầu về hàm lượng nguyện liệu được tái chế; (7) Giới thiệu và đưa ra nhãn mác sinh thái như một dấu hiệu bảo vệ môi trường. Đồng thời củng cố nhiệm vụ và chức năng của Nhà nước trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong khâu giám sát thực hiện các quy định.
+ Ban hành Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để thay thế Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản (1989) do Pháp lệnh này đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến quản lý và phát triển ngành.
Về vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Thực tế là Bộ luật lao động của Việt Nam đã bao trùm các yêu cầu cơ bản của các bộ Quy tắc ứng xử mà nếu có thì phía nước ngoài sẽ yêu cầu. Nhưng việc áp dụng đúng các quy định trong Bộ luật lại rất hiếm. Ví dụ đơn giản như luật Phòng cháy chữa cháy. Khi các chuyên gia đánh giá phỏng vấn ban lãnh đạo các doanh nghiệp về vấn đề kiểm tra của PCCC đối với các doanh nghiệp, đều phát hiện ra rằng ngay cả PCCC cũng không áp dụng đúng luật. Một trường hợp cụ thể là thời hạn kiểm tra định kỳ hệ thống PCCC, có những công ty cả 2 năm trời không đuợc gặp PCCC đến một lần. Còn các trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh lao động thì rất phổ biến. Như vậy, mấu chốt ở đây là việc thực thi Bộ luật Lao động của Việt Nam cần được Bộ lao động-Thương binh-Xã hội giám sát chặt chẽ hơn nữa, không chỉ để cải thiện cuộc sống và môi trường làm việc của người lao động mà còn thể hiện trách nhiệm đạo đức trước các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra trước hiện tượng nhiễu sóng thông tin về chứng chỉ SA 8000, Nhà nước cần có biện pháp quản lý đối với các tổ chức môi giới, tư vấn và cấp phát chứng chỉ, không để các doanh nghiệp rơi vào tình trạng lầm tưởng đây là chứng chỉ tất yếu phải có khi muốn thâm nhập vào thị trường EU. Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội nên tổ chức các cuộc hội thảo về chủ đề
này, giúp các doanh nghiệp có định hướng cụ thể sao cho phù hợp nhất với ngành nghề và điều kiện của mình.
1.3 Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường và xã hội của EU
Hỗ trợ tài chính: Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (đặc biệt trong những ngành may mặc, chế biến nông sản, thuỷ sản, chế biến gỗ, sản xuất gốm sứ....) nên rất hạn chế vốn trong việc đổi mới công nghệ sản xuất cũng như đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường. Chính vì vậy, nhà nước nên có các biện pháp hỗ trợ hơn nữa về mặt tài chính như: (1) Miễn thuế thu nhập từ 2-4 năm cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Dành thuế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác môi trường và xã hội; (2) Ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay vốn từ các nguồn tín dụng ưu đãi; (3) Nhà nước dành vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư hàng năm cho các chương trình quy hoạch vùng sản xuất, các trung tâm giống quốc gia để tạo ra các giống sạch và có chát lượng (đối với các ngành nông nghiệp và thuỷ sản), đầu tư xây dựng các trạm quan trắc cảnh báo môi trường...
Hỗ trợ thông tin: Thông tin về thị trường xuất khẩu có vai trò rất quan trọng giúp cho các doanh nghiệp biết được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng về các chủng loại sản phẩm và các quy định của thị trường để đáp ứng. Với hoạt động này, Nhà nước nên chỉ đạo tích cực tạo ra nhiều kênh thông tin tới các doanh nghiệp, như các ấn phẩm, trang Web, trung tâm cung cấp thông tin ..v.v. HIện nay đã có không ít ấn phẩm và trang Web của các cơ quan hữu quan được xây dựng nhằm mục đích này (như Bộ Thuỷ sản, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...) nhưng nội dung về thị trường vẫn chưa đầy đủ, thiếu hệ thống và không mang tính cập nhật (đặc biệt là các thông tin trên Web).
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành chức năng cần phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu cho các doanh nghiệp về những quy định chất lượng, môi trường và xã hội của EU đối với từng loại hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt tập trung vào việc giải thích nhưng quy định, tiêu chuẩn mới, đánh giá những ảnh hưởng của chúng đối với hàng xuất khẩu. Trên cơ sở đó đưa ra định hướng, hướng dẫn cho các doanh nghiệp khắc phục các rào cản kỹ thuật này.
Xây dựng cơ chế phối hợp hợp lý giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Một giải pháp hữu hiệu là xây dựng các hiệp hội ngành hàng (theo từng địa bàn hoặc theo từng lĩnh vực kinh doanh) để có thể đại diện trực tiếp cho tiêng nói của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
Hỗ trợ đào tạo nhân lực: Đầu tư cho việc đào tạo các chuyên gia về xây dựng và đánh giá tiêu chuẩn chất lượng, xã hội và môi trường trong mỗi ngành nghề, nâng cấp các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác đánh giá đó. Xây dựng các chương trình đào tạo thí điểm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (có nhu cầu cấp thiết nhất). Chương trình thí điểm một mặt sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp về quản lý chất lượng,
môi trường và xã hội, đồng thời cho phép đánh giá được nhu cầu và sự quan tâm của giới doanh nghiệp đối với vấn đề này để có những giải pháp cụ thể hơn.
Hỗ trợ giải quyết tranh chấp vi phạm các quy định và tiêu chuẩn của EU, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp thông qua đàm phán thương mại: Với vị thế bất lợi trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp thường bị thiệt thòi khi phải theo đuổi các vụ kiện hoặc tranh chấp phát sinh do vi phạm của một trong các bên liên quan. Hơn nữa, các nước phát triển ngày càng tìm cách tận dụng tối đa những công cụ được coi là hợp pháp trong thương mại quốc tế để gây khó dễ cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ các nước đang phát triển như: áp dụng các tiêu chuẩn và các biện pháp hạn chế thương mại vì mục đích bảo vệ môi trường, vì mục đích đạo đức xã hội...
Vì thế, vai trò của Nhà nước là (1) Có tiếng nói chính thức bảo vệ doanh nghiệp trên trường quốc tế trong các trường hợp như phía đối tác tuyên truyền bất lợi cho ta; (2) Tư vấn cho các doanh nghiệp về mặt chuyên môn pháp lý, cung cấp hoặc giới thiệu những luật sư tin cậy chuyên trách về giải quyết tranh chấp thương mại; (3) Trong quá trình đàm phán, yêu cầu các đối tác mở cửa thị trường, ví dụ như gia tăng hạn ngạch dệt may, nâng cao ngưỡng phát hiện dư lượng kháng sinh đối với nông, thuỷ sản...
1.4 Các giải pháp khác
Có chính sách quản lý chặt chẽ đối với hoạt động nhập khẩu theo hướng hạn chế nhập khẩu những hàng hoá có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn và sức khoẻ của người lao động trong quá trình lao động như: hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh cấm sử dụng, dây chuyền chế biến lạc hậu... Đồng thời khuyến khích nhập khẩu công nghệ chế biến sạch, công nghệ ít gâyô nhiễm môi trường, thiết bị xử lý chất thải...
Cần có chính sách hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến khép kín (đặc biệt trong nông nghiệp và thuỷ sản) để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi áp dụng HACCP một cách triệt để. Hiện nay ở Việt Nam rất khó áp dụng HACCP một cách triệt để và khép kín vì nuôi trồng tách riêng với chế biến. Trong khi các doanh nghiệp áp dụng HACCP thì các hộ nông dân nuôi trồng lại không tuân thủ quy định vì muốn thu lợi nhuận cao nên nguyên liệu cung cấp nhiều khi không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, dẫn đến sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.