Tổng quan về mô hình tưới cho vùng sản xuất rau an toàn

Một phần của tài liệu xây dựng mô hình tưới thích hợp cho vùng sản xuất rau an toàn xã võng xuyên, huyện phúc thọ - thành phố hà nội (Trang 30 - 36)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ LĨNH VỰC NGHIÊN CỨU

1.4. Tổng quan về mô hình tưới cho vùng sản xuất rau an toàn

1.4.1. Mô hình tưới truyền thống ở vùng sản xuất rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

1.4.1.1. Khái quát về mô hình 1. Hệ thống cấp nước tưới:

Hiện nay xã Văn Đức có khoảng 250 ha sản xuất rau an toàn. Vùng sản xuất rau an toàn sử dụng nguồn nước tưới chủ yếu là là nước sông Hồng. Nước tưới cho vùng rau an toàn được lấy từ hệ thống chính là kênh tưới quốc gia Kim Lan – Văn Đức, chiều dài kênh trên địa bàn xã 3.100m, kênh lấy nước từ sông Bắc Hưng Hải bằng hệ thống bơm điện. Thông qua 5 trạm bơm nhỏ lấy nước từ kênh Kim Lan – Văn Đức cung cấp cho hệ thống kênh nội đồng để đưa nước vào mặt ruộng.

2. Phương pháp tưới:

Ở vùng sản xuất rau người nông dân thường tưới theo phương pháp tưới rãnh và tưới trực tiếp vào gốc cây trồng bằng gáo, o doa.

3. Phương thức sản xuất và công tác quản lý điều hành sản xuất

- Phương thức sản xuất: Việc sản xuất rau do các hộ gia đình quyết định về chủng loại, thời vụ và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch.

- Quản lý, chỉ đạo sản xuất:Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện quản lý dịch vụ sản xuất và hướng dẫn các khâu sản xuất như chủng loại rau, giống, nước tưới, phân bón, BVTV, thu hoạch, khoanh diện tích cho từng thời vụ... Phối hợp với các cơ quan, ban ngành hướng dẫn nông dân thực hiện theo các nguyên tắc IPM, GAP và kỹ thuật sản xuất theo các chương trình tập huấn cộng đồng.

1.4.1.2. Một số nhận xét

- Cơ sở hạ tầng thủy lợi không hoàn chỉnh, hệ thống thủy lợi (kênh tưới, kênh tiêu) phần lớn là mương đất lại đi qua các vùng đất pha cát làm cho lượng nước bị thất thoát lớn, các trạm bơm tưới đã xuống cấp, công suất không đảm bảo, hơn nữa kỹ thuật tưới rãnh yêu cầu lượng nước lớn, lượng nước tổn thất lớn, dẫn đến chưa chủ động cung cấp nước tưới. Rau là cây trồng ưu ẩm, yêu cầu phải tưới nước

thường xuyên, vì vậy không chủ động được nước tưới sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng rau.

- Các kênh dẫn nước đều là kênh hở nên nước dễ bị ô nhiễm, chất lượng nước tưới khó kiểm soát được làm cho chất lượng rau quả khó đảm bảo sạch và ổn định.

- Với phương thức lao động cá thể, mức tưới, số lần tưới và thời gian tưới trong mỗi đợt không chỉ phụ thuộc vào thời kỳ sinh trưởng của rau, điều kiện khí hậu khô hay ẩm mà còn phụ thuộc vào cường độ và sức lao động của từng gia đình, làm cho năng suất và chất lượng rau quả không đồng đều.

- Khi bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh cho rau thường sử dụng các bình phun hoặc dùng ô doa để tưới, các hóa chất tồn dư sẽ theo nước ở các rãnh tưới tập trung ở kênh tiêu hay các khu thu nước, đây là nguyên nhân dẫn đến sự gây ô nhiễm nguồn nước mặt và ô nhiễm đất.

- Diện tích chiếm đất của hệ thống kênh mương dẫn nước mặt lớn, cản trở canh tác cơ giới.

- Hiện nay rau an toàn xã Văn Đức đã có thương hiệu trên thị trường, tuy nhiên để khẳng định được thương hiệu và hướng tới sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, năng suất và chất lượng sản phẩm ổn định, đòi hỏi hệ thống tưới hoàn chỉnh, chủ động được nguồn nước, kiểm soát được chất lượng nước tưới thì mô hình tưới truyền thống hiện tại chưa đáp ứng được.

1.4.2. Mô hình tưới cho rau an toàn ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội

1.4.2.1. Khái quát về mô hình 1. Hệ thống cấp nước tưới:

Có nhiệm vụ cung cấp nước áp lực cho 10 ha vùng rau Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam. Hệ thống cấp nước gồm nhà trạm bơm lắp 3 tổ máy trong đó có 1máy bơm chìm loại V6F70-9 và 2 máy bơm đẩy loại VMN65-200B. Nước ngầm ở độ sâu trên 70m được máy bơm chìm hút lên hệ thống giàn tạo mưa, bể lọc, bể lắng sau đó được dẫn vào bể chứa có dung tích 200m3. Từ bể chứa, nước được máy bơm

đẩy bơm trực tiếp vào hệ thống đường ống kẽm chôn ngầm phân bố đều trên vùng rau.

2. Phương pháp tưới:

Nước tưới cho rau được lấy ra khỏi đường ống áp lực qua hệ thống van và các họng chờ cách nhau 12m phân bố đều trên đồng ruộng. Khi tưới người nông dân có thể áp dụng các biện pháp sau:

a. Tưới bằng vòi phun mưa:

Tuỳ thuộc vào từng loại rau, từng thời kỳ sinh trưởng, phạm vi phân bố của rau mà người nông dân có thể chọn loại vòi phun có kích thước hạt và cường độ mưa phù hợp. Sau khi tưới vòi phun có thể được tháo ra khỏi họng chờ để bảo quản.

b. Lấy nước vào thùng hoặc ô doa để tưới trực tiếp bằng thủ công:

Người nông dân có thể lấy nước ngay trên mặt ruộng, dùng gáo hay ô doa tưới trực tiếp vào từng gốc rau, luống rau.

3. Quản lý tưới và quy trình tưới

Quản lý vận hành trạm bơm do hai cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam phụ trách. Mỗi ngày trạm bơm hoạt động 3 giờ và chia làm 2 đợt tưới: sáng từ 9giờ đến 10h30’, chiều từ 14giờ đến 15h30’. Đến giờ bơm, tất cả các hộ sản xuất đều có mặt tại ruộng, lấy nước trực tiếp từ họng chờ để tưới theo phương thức do họ chọn.

1.4.2.2. Một số nhận xét và đánh giá

- Nguồn nước áp lực cấp cho vùng rau luôn luôn chủ động, chất lượng nước được kiểm soát, đảm bảo sạch, đồng đều và được đưa đến tận mặt ruộng trên toàn cánh đồng.

- Do nguồn nước dồi dào, công suất làm việc của máy bơm lớn, nước tưới được cấp tới mặt ruộng bằng hệ thống đường ống áp lực chôn ngầm dưới đất không phụ thuộc vào điều kiện địa hình và biện pháp canh tác nên rất thuận tiện cho việc mở rộng quy mô, phạm vi và đối tượng phục vụ.

- Các đường ống được đặt ngầm dưới đất, vì thế không ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất cũng như việc canh tác, trồng rau.

- Giảm bớt được sức lao động bỏ ra để lấy nước tưới, tiết kiệm nước tưới hơn do áp dụng kỹ thuật tưới hiện đại, đồng thời giúp người nông dân từng bước hình thành tác phong lao động công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.

- Giúp người nông dân tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và nhận thức được sự cần thiết phải chuyển hướng từ sản xuất rau thường, rau không an toàn thành sản xuất rau sạch và rau an toàn.

Tuy nhiên mô hình cũng bộc lộ một số hạn chế:

- Khó áp dụng tự động hóa các khâu chăm sóc như bón phân, thuốc trừ sâu trong quá trình tưới trên toàn bộ cánh đồng.

- Chưa đảm bảo tưới tiết kiệm tối đa trong quá trình sử dụng do người dân tự chọn biện pháp tưới trong đó có cả các biện pháp thủ công như tưới bằng gáo, ô doa.

- Năng suất lao động chưa cao vì vẫn áp dụng các phương pháp tưới thủ công.

1.4.3. Đánh giá chung các mô hình tưới cho rau an toàn

Sản xuất rau ở khu vực ngoại thành Hà Nội đã có từ lâu, người dân ở đây có trình độ thâm canh rất cao. Tuy nhiên ở hầu hết các vùng rau an toàn vẫn áp dụng theo các phương pháp tưới thủ công truyền thống, nước tưới không đảm bảo cả về chất và lượng, dẫn đến chất lượng rau không đảm bảo, không đồng nhất về chất lượng và khó khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Trong thời gian gần đây, các biện pháp cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đang dần được phổ biến và áp dụng trên đồng ruộng, nhất là hiện nay với phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ khắp nơi thì việc áp dụng những công nghệ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới hiện đại càng được nhiều nông dân ứng dụng.

Các mô hình tưới hiện đại tiết kiệm nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được các cơ quan nghiên cứu thí nghiệm trên đồng ruộng, các trang trại sản xuất nông nghiệp…Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây về các mô hình tưới hiện đại cho sản xuất rau an toàn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu tạo nguồn nước và cấp nước tới mặt ruộng mà chưa nghiên cứu mô hình tưới cho từng nhóm rau cụ thể.

Với yêu cầu của rau an toàn về chất lượng và cả số lượng và yêu cầu của quá trình “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” đòi hỏi người nông dân tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và hình thành tác phong lao động công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng các yêu cầu trên thì xây dựng mô hình tưới hiện đại tiết kiệm nước phù hợp với từng nhóm rau là một giải pháp đúng đắn cho các khu vực sản xuất rau an toàn.

Một phần của tài liệu xây dựng mô hình tưới thích hợp cho vùng sản xuất rau an toàn xã võng xuyên, huyện phúc thọ - thành phố hà nội (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)