2.2 Nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
2.2.3 Nghĩa vụ của chủ sở hữu sáng chế
Bên cạnh việc ghi nhận và bảo hộ các quyền tài sản của chủ sở hữu sáng chế, pháp luật về SHTT cũng quy định các nghĩa vụ của chủ sở hữu sáng chế như sau:
Thứ nhất, chủ sở hữu có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật trong trường hợp chủ sở hữu không đồng thời là tác giả sáng chế.
Thứ hai, chủ sở hữu có nghĩa vụ sử dụng sáng chế để sản xuất ra sản phẩm hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ nhằm đáp ứng các nhu cầu về quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho người dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Trong trường hợp chủ sở hữu không sử dụng sáng chế mà người khác lại có nhu cầu sử dụng để đáp các nhu cầu ở trên thì Nhà nước có thể bắt buộc chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho người khác theo một số điều kiện nhất định.
Thứ ba, chủ sở hữu có nghĩa vụ cho phép người khác sử dụng sáng chế cơ bản của mình nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc với một số điều kiện nhất định. Các điều kiện này bao gồm việc chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc đã chứng minh được sự sử dụng sáng chế cơ bản nhằm phục vụ sáng chế phụ thuộc sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng về mặt kỹ thuật so với sáng chế cơ bản đồng thời sự sử dụng đó cũng đem lại một ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế và chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc đã thỏa thuận, yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả, điều kiện thương mại hợp lý. Nếu chủ sở hữu sáng chế cơ bản từ chối yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà khơng có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có
thẩm quyền sẽ ra quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc.