1.3.1 Trung Quốc
Trung Quốc được biết đến là quốc gia đông dân nhất thế giới, với dung lượng thị trường lớn trên 1,3 tỷ dân, tốc độ tăng trưởng GDP luôn được duy trì ở mức cao, lực lượng lao động của Trung Quốc đông đảo, trình độ lao động luôn được quan tâm đào tạo, nâng cao, giá của thị trường lao động luôn rẻ hơn so với các nước đang phát triển khác đã đáp ứng được yêu cầu tìm kiếm thị trường và tìm kiếm nguồn lao động rẻ của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng các khu công nghiệp, các đặc khu kinh tế (ĐKKT) là điều tất yếu để giải quyết công ăn việc làm cho người dân và thu hút lượng vốn đầu tư dồi dào của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc xây dựng các ĐKKT lớn, chủ trương quy hoạch các khu công nghiệp khá toàn diện. Ưu đãi tài chính là biện pháp phổ biến được Trung Quốc áp dụng để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thuế ra vào các đặc khu kinh tế (thuế giá trị gia tăng) thống nhất ở mức 15% trong khi thuế ra vào các liên doanh ở các vùng nội địa Trung Quốc là 33% (Bạch Huyền Minh, Phạm Mạnh Thường, 2008).
Đối với những nhà đầu tư nước ngoài muốn tái đầu tư lợi nhuận vào Trung Quốc trong thời hạn không dưới 5 năm sẽ được hoàn 40% thuế ra vào khu đặc trị kinh tế.
Liên doanh ở các ĐKKT được miễn thuế trong 2 năm đầu trong khi các liên doanh khác là 1 năm. Các liên doanh hoạt động ở những lĩnh vực có lợi nhuận thấp
hoặc ở những vùng xa xôi được hưởng ưu đãi từ 15 – 30% thuế ra vào ĐKKT trong vòng 10 năm.
Về chính sách thuế nhập khẩu thì các doanh nghiệp FDI không phải nộp thuế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất nguyên liệu, phụ tùng thay thế, linh kiện, phương tiện giao thông, hàng hóa văn phòng phẩm và những vật dụng cho nhu cầu người lao động. Hàng hóa nhập khẩu cho nhu cầu tiêu dùng tại các đặc khu kinh tế như máy móc, thiết bị, linh kiện,… dùng để sản xuất được miễn thuế nhập khẩu đối với số lượng nhất định. Nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu vào đặc khu kinh tế để gia công cho nước ngoài cũng được miễn thuế nhập khẩu (2008).
Ngoài những ưu đãi thuế chung thì ưu đãi miễn thuế sử dụng đất còn được quy định thích hợp cho từng đặc khu kinh tế riêng. Ví dụ, tại Hải Nam, các nhà đầu tư nước ngoài được giảm thuế khi đầu tư đất đồi, đất hoang, khi thực hiện các dự án có hàm lượng khoa học cao, xây dựng cơ sở hạ tầng,… (Nguyễn Thị Thanh Hương, 2009).
Trung Quốc tiến hành thực hiện nghiêm cơ chế quản lý kinh tế và hành chính mới theo quy tắc “một cửa, một đầu mối”, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bộ máy quản lý gọn nhẹ, đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong đặc khu kinh tế.
Chính nhờ những biện pháp này mà những ĐKKT của Trung Quốc đã đạt những kết quả đáng mong đợi điển hình ở 5 ĐKKT lớn như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn và Hải Nam. ĐKKT Thâm Quyến, năm 1979 vốn FDI thực hiện là 153,7 triệu USD. Theo số liệu năm 1992, Thâm Quyến có 10.233 dự án với số vốn là 9,85 tỷ USD. Đến cuối năm 1997, có 20.135 dự án FDI với số vốn lên tới trên 24 tỷ USD, trong đó thực hiện 14,7 tỷ USD. Năm 2000, thu hút được 2,968 tỷ USD tăng 7,8% so với năm 1999. Riêng năm 2006, Thâm Quyến thu hút được 3,3 tỷ USD vốn FDI. Về ĐKKT Chu Hải, năm 1983 Chu Hải đứng thứ hai về số dự án FDI, vốn cam kết đạt 1,31 tỷ USD, trong đó thực hiện là 80 triệu USD. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2001, Chu Hải có tới 298 dự án FDI với tổng vốn là 570 triệu USD. Năm 2006, vốn FDI tại Chu Hải đạt 786 triệu USD. Đối với ĐKKT Sán Đầu, đầu năm 2007 hoạt động FDI bội thu, chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2007, đã có 2 doanh nghiệp FDI đầu tư với tổng vốn đầu tư bằng vốn thực hiện năm 2006 với số vốn là
(41,8 + 47,9 NDT). Về ĐKKT Hạ Môn, sau hơn 3 năm thành lập, năm 1984, Hạ Môn thu hút được 37 dự án với tổng vốn đăng ký là 254 triệu USD. Đến tháng 7/2000, Hạ Môn thu hút được 4.375 dự án FDI với số vốn là 16,97 tỷ USD. Riêng chỉ từ tháng 1 đến tháng 8/2006, tổng vốn FDI đăng ký vào Hạ Môn là 1,5 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ 2005. ĐKKT Hải Nam, đầu tư nước ngoài ở Hải Nam chủ yếu là đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng, trong thập kỷ cuối thế kỷ XX, đầu trực tiếp nước ngoài đạt 9,488 tỷ USD (Lê Thị Hương Giang, 2009).
Mỗi nước có những điều kiện khác nhau nhưng nếu chúng ta biết vận dụng hiệu quả mô hình phát triển ĐKKT của Trung Quốc một cách linh hoạt, sang tạo thì sẽ mang lại hiệu quả đáng mong đợi cho tình hình thu hút FDI tại Việt Nam nói chung và các địa phương trong nước nói riêng.
1.3.2 Thái Lan
Là một nước có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nhưng Thái Lan đã sớm có những nhận thức đúng đắn về nguồn vốn FDI và đã tận dụng nó để phát triển đất nước. Ý tưởng xây dựng các khu công nghiệp để thu hút nguồn vốn FDI của Thái Lan được hình thành từ thập kỷ 60, 15 năm sau luật khu công nghiệp được hình thành. Nhà nước quy hoạch các vùng phát triển KCN dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đối với các KCN xây dựng theo quy hoạch được Nhà nước bảo trợ, nhiều trường hợp xây dựng KCN bị thua lỗ nhưng vẫn tiến hành xây dựng vì để đảm bảo cân bằng trong phát triển, như các KCN ở Bắc Thái Lan. Bên cạnh đó, tư nhân có thể xin phép xây dựng KCN, miễn là họ có thị trường, có 11 khu công nghiệp đang hoạt động theo hình thức này nhưng không được hưởng ưu đãi như các khu công nghiệp khác, tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn hình thành và chịu sự kiểm soát của cục quản lý các KCN Thái Lan (IEAT) (Nguyễn Sao Mai, 2008).
Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2008 đến 2011 vào các KCN Thái Lan đạt kết quả như hình sau:
Hình 1.1: Thu hút FDI vào các khu công nghiệp Thái Lan (2008 – 2011)
(Đơn vị: triệu bath)
Nguồn: Tổng cục thống kê Thái Lan (2013)
Thu hút FDI vào các KCN Thái Lan trong những năm gần đây của Thái Lan được thể hiện như hình 1.1 với xu hướng tăng dần từ năm 2009 đến 2011 sau cuộc khủng hoảng; theo thống kê, dòng vốn FDI chảy vào các khu KCN Thái Lan chủ yếu đến từ Nhật Bản (562 dự án với số vốn 282,848 triệu baht), tiếp đến là Trung Quốc với 45 dự án, số vốn 42,530 triệu baht và các nước khác như Malaysia, Singapore, Hồng Kông,…
Để đạt được những kết quả như trên, chính quyền Thái Lan đã tạo nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các KCN Thái Lan như ưu đãi về thuế, giá thuê đất cụ thể như: Giá thuê đất của các KCN Thái Lan khá rẻ so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, đặc biệt như KCN Maptaphut không thu tiền thuê đất. Đầu tư vào KCN được trừ miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, một điểm đặc biệt là Thái Lan cho phép nhà đầu tư nước ngoài có quyền sở hữu đất trong KCN (Malayxia chỉ bán có thời hạn tới 99 năm, Indonexia cho thuế tối đa 60 năm, Trung Quốc cho quyền sử dụng đất tối đa là 50 năm nhưng được chuyển nhượng và thế chấp). Ngoài những ưu đãi chung, các khu chế xuất nằm trong các KCN của Thái Lan được hưởng những ưu đãi khác như được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu sản xuất, miễn hoàn toàn các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ, thuế phụ thu (Nguyễn Sao Mai, 2008).
Về thủ tục hành chính: nhằm đảm bảo nhanh chóng cho nhà đầu tư nước ngoài, tại Thái Lan IEAT thực hiện dịch vụ một cửa, từ thủ tục cấp giấy phép đầu tư, tư vấn đầu tư, cho vay vốn,… Mọi nhà đầu tư muốn đầu tư vào khu công nghiệp
0 200 400 600 800 2008 2009 2010 2011 triệu baht
chỉ cần đến IEAT là có đủ thông tin cần thiết. Họ sẽ được giới thiệu chi tiết mạng lưới khu công nghiệp, ngành nghề khuyến khích đầu tư, vị trí các khu công nghiệp, các ưu đãi, các thủ tục giấy tờ cần thiết. Sau 1 ngày, họ được hướng dẫn chu đáo và làm các thủ tục, và 1 tuần sau họ có thể sẽ nhận được giấy phép và có thể bắt tay ngay vào dự án đầu tư của mình (Nguyễn Sao Mai, 2008).
Tóm lại, ngày nay các KCN với những ưu đãi riêng của mình đang được coi là công cụ hữu hiệu được các quốc gia xây dựng để thu hút FDI nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Để thu hút được nhiều nguồn vốn FDI cần phải có những hoạch định chiến lược, chính sách phát triển cụ thể cho từng thời kỳ, từng vùng lãnh thổ. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển KCN, đảm bảo quy hoạch luôn gắn và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ,… vào khu công nghiệp. Xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ, cơ chế “một cửa, tại chỗ” giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀO KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC NINH
2.1 Giới thiệu về khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh, với diện tích 822,7 (là tỉnh thành nhỏ nhất cả nước), dân số của tỉnh hơn 1 triệu người và là tỉnh thành có mật độ dân số đứng thứ ba cả nước chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. Là cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền bắc. Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn, đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; Trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc; Mạng lưới đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Bắc Ninh cách Hà Nội, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 30-35 phút đi bằng ô tô .Với vị trí như thế, xét tầm không gian lãnh thổ vĩ mô, Bắc Ninh có nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt cho việc xây dựng các khu công nghiệp.
Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trọng điểm Đồng bằng Bắc bộ chạy qua, thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu xây dựng và sản xuất. Để nâng cao khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến đầu tư và vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Các KCN Bắc Ninh được quy hoạch xây dựng tại các vị trí hết sức thuận lợi, bám theo các trục đường giao thông (các quốc lộ, tỉnh lộ) trên địa bàn tỉnh tạo thành chuỗi khu công nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.
Tính đến tháng 12/2013, Bắc Ninh có 15 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất quy hoạch 6.847 ha; đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng diện tích 5.961 ha, đạt 87,06% (5.961ha/6.847 ha); cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong đó, có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch 2.654,12 ha, diện tích đất công nghiệp dành để cho thuê 1.810,57ha, vốn đầu tư hạ tầng đăng ký 909,83 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 314,84 triệu USD; cho thuê 1.278,7ha đất
công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 70,6% (1.278,7ha/1.810,57ha), tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thu hồi đạt 84,5% (1.278,7ha/1.512,97ha). Vị trí các KCN Bắc Ninh được thể hiện rõ qua sơ đồ sau:
Hình 2.1 Sơ đồ quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: Ban quản lý các KCN Bắc Ninh (2013)
Căn cứ vào hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, có thể phân chia thành các cụm khu công nghiệp như sau:
Cụm khu công nghiệp gắn với Quốc lộ 1 (bao gồm cả Quốc lộ 1 cũ và 1 mới), tỉnh lộ 295, gồm các khu công nghiệp: Tiên Sơn, Từ Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, HANAKA, VSIP. Các khu công nghiệp này đều nằm trên trục đường Quốc lộ 1, có tỉnh lộ 295 nối Tiên Du, Từ Sơn và Yên Phong, giao với Quốc lộ 18B (cao tốc Nội Bài - Quảng Ninh) tại thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) chạy qua; cách trung tâm thành phố Hà Nội 15km, trung tâm Thành phố Bắc Ninh 13km, trung tâm thị trấn Từ Sơn (huyện Từ Sơn) 3km, trung tâm thị trấn Lim (huyện Tiên Du) 5km; cách cảng Đáp Cầu (Bắc Ninh) 17km, sân bay Quốc tế Nội Bài 40km, cảng Hải Phòng 100km, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) 110km; có tuyến đường sắt liên vận Hà Nội - Lạng Sơn - Trung Quốc chạy qua, gần các khu công nghiệp có các ga trung chuyển Từ Sơn và Lim với khoảng cách đến các khu công nghiệp từ 3 đến 5 km.
Cụm khu công nghiệp gắn với Quốc lộ 18B, Quốc lộ 3 gồm các khu công nghiệp: Yên Phong I, Yên Phong II. Các khu công nghiệp này đều tiếp giáp với
tuyến đường Quốc lộ 18B (cao tốc Nội Bài - Quảng Ninh); cách trung tâm thành phố Hà Nội 25km, trung tâm thành phố Bắc Ninh 13km, trung tâm thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) 5km; cách Quốc lộ 3: 10km, sân bay quốc tế Nội Bài: 20km, cảng Hải Phòng 130 km, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) 140 km, cảng Đáp Cầu (Bắc Ninh) 15 km.
Cụm khu công nghiệp gắn với Quốc lộ 18, Quốc lộ 18B bao gồm các khu công nghiệp: Quế Võ I, Quế Võ II, Quế Võ III, Đại Kim, Nam Sơn - Hạp Lĩnh. Các khu công nghiệp này đều tiếp giáp với 2 tuyến đường trên, cách trung tâm thành phố Hà Nội 30km, trung tâm thành phố Bắc Ninh 10 km, trung tâm thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ) 7 km; cách cảng Đáp Cầu (Bắc Ninh) 12 km, cảng Hải Phòng 90km, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) 90 km, sân bay Quốc tế Nội Bài 30 km.
Cụm khu công nghiệp phía Nam Sông Đuống có KCN Thuận Thành II. Khu công nghiệp này tiếp giáp với Quốc lộ 38, gần tuyến đường Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng); cách trung tâm Thành phố Hà Nội 25 km, trung tâm Thành phố Bắc Ninh 20 km; cách cảng Hải Phòng 80 km, cảng Cái Lân (Quảng Ninh) 80 km, sân bay Quốc tế Nội Bài 40 km; tiếp giáp với hệ thống giao thông đường thuỷ sông Đuống.
Cụm khu công nghiệp nằm sát đường Quốc lộ 282 gồm có: KCN Thuận Thành III nằm sát tuyến phố Hồ, Phú Thuỵ, nằm phía Nam thị trấn Hồ, cách Hà Nội 25 km và KCN Gia Bình cách Hà Nội 45 km.
Các KCN Bắc Ninh được quy hoạch có sự gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết cấu hạ tầng cơ sở ngoài hàng rào. Các cụm khu công nghiệp nêu trên đều gắn kết với quy hoạch phát triển các vùng kinh tế của tỉnh, quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống tại các địa phương, tạo nên sự gắn kết, hỗ trợ các làng nghề phát triển.
Các khu công nghiệp được quy hoạch với tính chất khu công nghiệp đa ngành, các ngành nghề chủ yếu thu hút vào khu công nghiệp là: điện tử, điện lạnh, lắp ráp, cơ khí, sản xuất, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng và các ngành nghề có tính chất tương đương. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh rất chú ý đến việc tạo điều kiện về