Công nghiệp điện tử:
Công nghiệp điện tử là một trong những ngành có tiềm năng phát triển lớn và giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại. Đối với Bắc Ninh thì sản xuất điện tử là lĩnh vực chủ đạo của nền công nghiệp của tỉnh, nó chiếm khoảng 20% tổng số dự án và khoảng 53% tổng số vốn đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ liên kết với Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp điện tử lớn của cả nước. Để hướng tới các mục tiêu này,
trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, Bắc Ninh giành ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài để đầu tư sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, hướng tới các sản phẩm có công nghệ hiện đại, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng như: điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh, máy quay camera, linh kiện máy tính, các sản phẩm điện tử gia dụng cao cấp,…
Công nghiệp hỗ trợ:
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và của Bắc Ninh nói riêng còn kém phát triển. Tỷ lệ nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện trong các sản phẩm vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài từ 70% đến 80%. Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước sản xuất ra nhưng nhiều chi tiết nhỏ lại phải nhập khẩu từ bên ngoài, do đó, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, tạo ra giá trị gia tăng không cao trong tổng giá trị hàng xuất khẩu. Ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển biến nền sản xuất mang nặng tính gia công lắp rắp, nhập khẩu phần lớn đầu vào cho sản xuất trong nước (từ nguyên nhiên vật liệu, máy móc, linh kiện,…)
Bắc Ninh thực hiện chính sách ưu tiên thu hút các vốn đầu tư vào các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bắc Ninh chú trọng trong thu hút các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ cho mạng lưới sản xuất. Hiện nay, đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ vào các khu công nghiệp của Bắc Ninh hiện có một số doanh nghiệp nước ngoài như: Samsung, Nokia, Canon. Bên cạnh đó, hạn chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp chế tạo như: sản xuất thép, hạt nhựa,...
Phát triển cơ sở hạ tầng:
Cơ sở hạ tầng phát triển cũng là điều kiện hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong điều kiện vốn ngân sách còn hạn hẹp, chúng ta cần có chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này thông qua việc đa
dạng hóa các hình thức đầu tư: BOT, BT, BTO,… Thực tế cho thấy một số dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp đem lại hiệu quả khá cao. Trong giai đoạn 2013-2020, tỉnh Bắc Ninh chủ trương tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm:
Một là, tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trình hạ tầng về viễn thông, thông tin liên lạc, hệ thống truyền tải cung cấp điện phục vụ cho sản xuất trong khu công nghiệp.
Hai là, nâng cấp và xây dựng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ nhằm đảm bảo lưu thông dễ dàng từ các khu công nghiệp đến các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực, thuận tiện cho việc lưu chuyển hàng hóa đến các cảng, sân bay phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa.