Các vấn đề về không gian và môi trường

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển làng nghề mộc thôn Thủ Độ - xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 81)

3.1.3.1. Vấn đề về Không gian

Với diện tích chưa đầy một km2 bài toán không gian của làng nghề tương đối nan giải. Hầu hết không gian sản xuất gắn liền với không gian sinh sống của các hộ gia đình. Những con đường làng chật hẹp hơn bởi gỗ phơi tràn ra đường làng ngõ xóm. Đất trong CCN làng nghề theo quy hoạch của tỉnh có giá mua và thuê quá đắt so với khả năng kinh tế của phần đa các chủ cơ sở sản xuất.

Theo điều tra khảo sát tại làng nghề, 52 chủ cơ sở sản xuất cảm thấy khó khăn trong việc mở rộng mặt bằng sản xuất, chủ yếu là các hộ nhỏ và trung bình. Diện tích dành cho làm nghề dao động từ 15 – 50m2, thường tận dụng ngay không gian của mái hiên hay sân vườn để làm nơi sản xuất. Khả năng mở rộng không gian sản xuất của các hộ này rất khó khăn. Giá đất ở thôn lại tăng nhanh trong vòng 10 năm trở lại đây, 1m2 đất thổ cư có giá trung bình từ 2 đến 6 triệu đồng tùy vào địa thế, đắt đỏ nhất là các mảnh đất nằm dọc hai bên con đường trục chính đi vào thôn. Mức giá này ngang bằng với mức giá đất nằm ở băng hai băng ba ở thị trấn trung tâm huyện. Thuê đất cũng trở nên khó khăn khi dân số và số hộ làm mộc trong làng ngày càng tăng, không gian sống ngày càng chật hẹp. Các hộ lớn hay DNTN ít gặp khó khăn hơn các hộ nhỏ và trung bình về vấn đề không gian sản xuất, nhanh nhạy hơn trong việc nhìn nhận sự thay đổi của giá đất và mạnh hơn về nguồn vốn, họ sớm gây dựng cho mình một không gian sản xuất “đủ dùng”.

Khu xưởng bỏ không

Nằm kẹp giữa khu đất thổ cư và khu đất nông nghiệp của thôn, khu xưởng rộng gần 500m2, đã dỡ mái chỉ còn trơ lại khoảng sân bê tông, lác đác những bụi rậm um tùm, tồn tại như dấu ấn vang bóng một thời của doanh nghiệp mộc phát triển mạnh nhất làng nghề.

Cơ ngơi hoang phế này từng là khu xưởng sầm uất nhất Thủ Độ, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động quanh năm, và nhiều hộ khác trong làng. Năm 2000 ông Khuất Văn Ninh chủ của doanh nghiệp An Khánh được chính quyền xã An Tường cho thuê khu đất NN này với thời hạn hơn 20 năm để phát triển nhà xưởng. Diện tích này do xã thu hồi đất NN từ người dân có đền bù theo chính sách khuyến công của xã và huyện. Ông Ninh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trên mảnh đất một khu lán xưởng kiên cố, trang bị máy móc hiện đại và đầy đủ. Đây là xưởng mộc có quy mô lớn nhất từng hoạt động trên địa bàn thôn tính đến thời điểm hiện tại. Công việc làm ăn thuận lợi trong vòng 9 năm từ khi bắt đầu dựng xưởng.

Đầu năm 2010 một số hộ dân từng nhận đền bù trao trả đất cho chính quyền xã bắt đầu đâm đơn kiện lên chính quyền xã, huyện đòi trao trả đất với lý do đền bù không thỏa đáng. Việc kiện cáo và biểu tình đòi đất kéo dài của các hộ này khiến việc làm ăn của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ông giám đốc ngoại lục tuần nhăn trán hồi tưởng lại: “Giá đất làng nghề đến thời điểm đó tăng khá cao, nếu chuyển đổi sang đất thổ cư trung bình đất ở khu xưởng có giá khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/1m2. Nhiều người nghĩ rằng khi đòi lại đất có thể bán hoặc làm xưởng mộc lại thêm sự xúi giục của một số đối thủ cạnh tranh nên việc kiện cáo biểu tình ngày càng gay gắt. Không chỉ tổn hạn về tiền bạc, thời gian, mối quan hệ với anh em xóm giềng cũng bị ảnh hưởng. Cân nhắc kỹ, vợ chồng tôi quyết định dời đi”. Khu xưởng bỏ không từ đầu năm 2011. Ngoài việc tập trung vào xưởng mộc An Khánh ở Hà Nội, ông Ninh mua thêm đất ở Hà Tây và Bắc Ninh tiếp tục phát triển công việc làm ăn của mình. Ông vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ làm ăn với một số hộ lớn trong làng.

Đã hơn 4 năm từ ngày không hoạt động, khu đất này vẫn bỏ không, các hộ làm mộc xung quanh tận dụng để phơi gỗ, trẻ con thường ra đá bóng vào buổi chiều, ở những khoảng đất trống cỏ mọc xanh rì, không trồng cấy, không xây nhà, không có thêm xưởng nào mọc lên trên khu đất vì thời gian 20 năm còn chưa hết hạn. Rõ ràng cả người nông dân lẫn chủ doanh nghiệp đều không được lợi từ việc khu xưởng bỏ không.

Chính quyền xã không làm được gì nhiều để cải thiện tình hình. Người dân tự giải bài toán mở rộng không gian sản xuất theo các cách khác nhau. Họ lấp hết những chiếc ao bằng rác, đất, gạch ngõi vỡ; chặt bỏ các khu vườn và cây xanh để làm lán xưởng hoặc thuê đất ở các hộ không làm nghề hoặc các các thôn lân cận. Tuy nhiên quỹ đất trong thôn hạn chế, lại thiếu vốn nên muốn thuê hoặc mua đất ở nơi khác để làm nghề không phải là chuyện đơn giản. Về lâu dài, những cách giải quyết đơn lẻ này sẽ không còn phù hợp nếu quy mô sản xuất tiếp tục phát triển hơn.

Năm 2013 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thành lập cụm công nghiệp An Tường với quy mô 13,9ha nhằm quy hoạch sản xuất mộc tập trung, đồng thời thu hút vốn đầu tư trong và ngoài địa phương vào sản xuất, mặt khác tách không gian sản xuất ra khỏi không gian sinh sống để hạn chế sự ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đề án này hiện nay chưa thể hiện được tính khả thi bởi chưa đủ tính thuyết phục với người dân. Tập quán tiểu chủ và sự gắn bó của sản xuất thủ công với thôn làng khiến người dân không mặn mà với việc di dời sản xuất đến nơi mới.

3.1.3.2. Vấn đề ô nhiễm môi trường

Với đặc thù sản xuất gỗ sự suy giảm chất lượng không khí là điều chúng ta có thể cảm nhận đầu tiên. Điều này có thể dễ dàng được nhận thấy bởi sự hiện diện của những lớp bụi bám ngay trên bề mặt đường làng, các bức tường, các ô

cửa và vật dụng trong mỗi gia đình dù được quét thường xuyên. Hầu hết các bể chứa nước trong làng đều phải có nắp đậy để che chắn khỏi bụi gỗ.

Dụng cụ bảo hộ lao động duy nhất mà những người thợ sử dụng để bảo vệ hệ hô hấp là những chiếc khẩu trang, kể cả khi thực hiện các công việc tương đối độc hại như phun sơn, đánh véc ni…Không hề khó hiểu khi các bệnh về đường hô hấp, mắt rất phổ biến trong thôn. 87% số lao động được hỏi trả lời mắc các bệnh như ho kéo dài, viêm họng, xoang, đau mắt…

Không giống như một số làng nghề truyền thống khác, hầu như các phụ phẩm từ nghề mộc đều có thể tận dụng triệt để và không trở thành rác thải. Nhưng sự phát triển làng nghề một cách tự phát và tự giác không theo quy hoạch nhanh chóng cho thấy hậu quả đối với môi trường. Cũng giống như nhiều làng quê khác, Thủ Độ chưa có bãi rác theo quy hoạch. Rác đổ trực tiếp ra bãi đất gần sông. Điều này có thể lý giải bởi việc phải tận dụng tối đa diện tích đất hạn hẹp cho việc mở xưởng, phát triển làng nghề. Mùa cạn, đoạn đập tràn trước thôn ngập ngụa rác thải, bốc mùi khó chịu, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các hộ sát sông, ba tháng ít mưa mỗi năm cũng đủ để cho các chất này ngấm sâu xuống lòng sông.

Thiếu cây xanh càng làm cho vấn đề ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng. Những khu vườn dần biến mất ở Thủ Độ trong 10 năm trở lại đây do việc xây dựng lợp mái che cho các lán, xưởng. Khi nhìn Thủ Độ từ các ngôi nhà ba bốn tầng chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này, thay cho các khu vườn là các lán mái tôn, mái xi măng, các lán tạm phủ bạt dù.Thiếu bóng dáng của những cây xanh làm cho không khí thôn trở nên ngột ngạt hơn vào những ngày nắng nóng hoặc giáp tết khi các xưởng làm việc với cường độ cao hơn bình thường để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Rất hiếm khi ở Thủ Độ có sự yên tĩnh như nhiều thôn làng khác đặc biệt là vào ban ngày. Tính bình quân trong làng có ba hộ thì có 1 hộ có xưởng làm nghề do vậy thôn thường xuyên ồn ào về ban ngày bởi âm thanh của tiếng

máy cưa, máy xẻ máy cắt, máy đục, máy vanh…Những ngày cận tết tần suất công việc trở nên căng thẳng hơn, các xưởng mộc có thể hoạt động đến 11, 12h đêm. Không ai phàn nàn vì điều này, với người dân ở đây sự ồn ã còn là dấu hiệu cho việc làm ăn diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng lâu dài của sự ồn ào này với sức khỏe mỗi người.

3.2. Một số giải pháp phát triển làng nghề mộc thôn Thủ Độ

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển làng nghề mộc thôn Thủ Độ - xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w