Các vấn đề về kinh tế

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển làng nghề mộc thôn Thủ Độ - xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 75 - 81)

3.1.1.1 Vấn đề nguồn vốn đầu tư

Vốn là nhân tố quyết định trong việc mở rộng sản xuất và đảm bảo làng nghề hoạt động hiệu quả. Trong khi đó người dân lại ít được tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các cơ quan tín dụng do không có tài sản thế chấp hoặc không có đề án kinh doanh đủ tính thuyết phục.

Bảng3.1: Những khó khăn gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh

Các khó khăn gặp phải Số lượng(CSSX) Tỷ lệ trong tổng số CSSX (%) Trong đó Hộ nhỏ và trung bình Hộ lớn DNTN và CTTNHH Về nguồn vốn 72 53,3 61 6 5 Về thị trường 54 40 45 5 4 Về giải pháp kinh doanh 37 27,4 34 1 2 Về nguồn nguyên liệu 16 11,9 3 7 6 Về mặt bằng sản xuất 52 38,5 48 3 1

Nguồn: Điều tra của tác giả tại làng nghề

Theo kết quả điều tra xã hội học tại làng nghề có tới 72 chủ CSSX gặp khó khăn về nguồn vốn, chiếm 53,3% trong tổng số CSSX của làng nghề. Hơn 80% chủ CSSX có nhu cầu vay thêm vốn, và 35% thực sự cảm thấy khó khăn về vốn. Hiện tại nguồn vốn là hạn chế lớn nhất trong quá trình phát triển làng nghề. Không chỉ có các hộ sản xuất nhỏ mới có nhu cầu vay thêm vốn mà cả các chủ hộ lớn và các DNTN hay Công ty TNHH cũng có nhu cầu vay thêm vốn để nâng cao quy mô sản xuất, tiếp nhận các đơn hàng có quy mô

lớn hơn. So với các hộ trung bình và nhỏ các hộ lớn và doanh nghiệp coi vốn như một nguồn đảm bảo trước những tai biến kinh doanh. Trong khi đó các hộ nhỏ và trung bình lại cần thêm vốn để tiếp tục cơ giới hóa sản xuất, củng cố lán xưởng hay thuê thêm mặt bằng sản xuất.

Nguồn vốn chủ đạo được huy động trong dân cư.Vốn vay tư nhân hoặc vay ngân hàng có lãi suất rất cao. Chính quyền xã, huyện , tỉnh chưa có một chính sách hỗ trợ trực tiếp nào về vốn cho sự phát triển làng nghề. Vốn đầu tư công chủ yếu đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng điện , đường, trường trạm. Các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vốn nước sạch… quá nhỏ bé so với nhu cầu vốn cho làm nghề. Tính đến năm 2014 một hộ gia đình cần khoảng 85 triệu đồng để mở xưởng, vốn vay xóa đói giảm nghèo từ tín dụng xã tối đa là 10 triệu đồng/ hộ, chưa bằng 1/8 so với số vốn cần vay, đồng thời phải có điều kiện là hộ nghèo mới được vay vốn. Mặt khác tiếp cận với các nguồn vốn này lại qua rất nhiều khâu xét duyệt, mất thời gian và thủ tục. Đối với nhiều chủ cơ sở sản xuất còn chưa tốt nghiệp THPT thì việc lập ra một đề án sản xuất kinh doanh đủ mạnh hay hoàn tác các thủ tục này không hề đơn giản.

Thiếu vốn khiến các cơ sở sản xuất không thể cơ giới hóa một cách đồng bộ, mở rộng sản xuất hoặc có một hướng đi mạnh dạn hơn. Khối lượng vốn cố định và vốn lưu động đủ lớn mới có thể giúp các doanh nghiệp chống chịu được các rủi ro trong kinh doanh.Trong giai đoạn 2005 – 2010 có 4 DNTN và 1 công ty TNHH phá sản. Nguyên nhân chủ đạo là thiếu vốn lưu động, không đủ khả năng ứng biến khi gặp biến cố kinh doanh.

3.1.1.2. Vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm

Thị trường là yếu tố sống còn quyết định sự tồn vong của làng nghề. Riêng đối với Thủ Độ khả năng xóa sổ của thị trường như một số mặt hàng truyền thống khác là hoàn toàn không có, song quá trình phát triển làng nghề lại đặt ra nhiều vấn đề khác.

- Sự cạnh tranh của các mặt hàng cùng chủng loại sản xuất theo các phương pháp công nghiệp, hoặc nhập ngoại mẫu mã đẹp và giá thành rẻ hơn cũng khiến người thợ phải không ngừng cập nhập các xu hướng tiêu dùng mới và cải biến sản phẩm.

- Miền Bắc – thị trường truyền thống của Thủ Độ đang dần bão hòa và không thể giúp các cơ sở mở rộng thêm quy mô sản xuất, cần có một phổ thị trường rộng hơn trên cả nước và nước ngoài.

- Mối quan hệ sản xuất tập trung giữa các hộ gia đình với những quy mô khác nhau và các DNTN và công ty TNHH một mặt đảm bảo đầu ra cho sản phẩm làng nghề, song sự lệ thuộc lẫn nhau trong khâu tiêu thụ về lâu về dài sẽ làm giảm tính năng động của các chủ hộ nhỏ, và trung bình mặt khác cũng dễ tạo ra các hiệu ứng dây chuyền khi thị trường có biến cố.

- Việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm một cách đúng mức, và chưa tương xứng với những thế mạnh vốn có của đồ mộc Thủ Độ. Việc dựa vào các mối hàng quen biết, danh tiếng lâu đời, hay các cơ sở trung gian không phát huy hết được khả năng mở rộng thị trường.

54 chủ CSSX được hỏi gặp khó khăn về thị trường, chủ yếu là các chủ CSSX hộ trung bình và nhỏ. Ngoài các đơn hàng lẻ rải rác trong năm các cơ sở sản xuất này phụ thuộc vào các đơn hàng phân chia từ các hộ lớn và DNTN, công ty THHH trong làng nghề. Thiếu chủ động về thị trường khiến việc tạo ra bước phát triển đột phá khó khăn. Không ít các chủ hộ lớn và doanh nghiệp cũng cảm thấy khó khăn trong việc mở rộng thị trường hiện tại, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sự hạn chế về hiểu biết các quy định, chế tài, hạn nghạch xuất nhập khẩu, thiếu thông tin về thị trường nước ngoài làm cho các cơ sở này khó có thể đưa hàng mộc vươn ra khỏi thị trường truyền thống bấy lâu.

3.1.2. Một số vấn đề về xã hội

Các vấn đề về xã hội ở làng nghề tồn tại như một vòng luẩn quẩn khó cải thiện, bởi nó là hệ quả tổng hợp của nhiều khía cạnh văn hóa – kinh tế - xã hội tạo nên.

Trình độ học vấn hạn chếÍt cơ hội lựa chọn nghề nghiệp => Chậm đa dạng cơ cấu nghề nghiệpLàm nông Làm mộc

Môi trường sinh sống, giao lưu, làm việc bó hẹp Kết hôn sớm

Sinh nhiều con

3.1.2.1. Trình độ học vấn hạn chế

Theo kết quả điều tra xã hội học tại thôn. Hiện tại trong thôn chỉ có 45 người có trình độ đại học, và sau đại học nhưng có tới 402 chiếm 45% số người trong độ tuổi lao động người chưa đạt tới bậc THPT. Riêng đối với lao động tham gia làm nghề có đến 379 người chỉ học đến THCS chiếm 58,3% số lao động tham gia làm nghề.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Song phải kể đến nguyên nhân từ đặc điểm phát triển sản xuất nghề của thôn.

- Sản phẩm mộc chủ đạo của Thủ Độ chủ yếu là phần mộc của các ngôi nhà, các mặt hàng nội thất như cầu thang, giường, tủ, khuôn cửa… so với các sản phẩm chạm khắc hay mộc khảm thì đòi hỏi nhiều lao động hơn, vì để hoàn thiện một sản phẩm phải trải qua rất nhiều khâu và công đoạn có sự phân công lao động rõ ràng. Hoạt động sản xuất của làng nghề phát triển nhanh đòi hỏi số lượng lao động cũng phải tăng lên nhanh chóng. Điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và sức hút từ thu nhập khiến nhiều người trẻ sớm kết thúc việc học để học nghề và làm nghề.

- Tính chất sản xuất tập trung của nghề mộc ở thời điểm hiện tại giới hạn đáng kể khả năng định hướng việc học và chọn nghề của nhiều người trẻ.

- Nhiều lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp sau khi không tìm được việc phù hợp ở bên ngoài, quay trở lại làm nghề, không có ý định tiếp tục việc học các bậc học cao hơn.

- Sự hạn chế về trình độ học vấn của các phụ huynh cũng khiến họ gặp phải khó khăn trong việc giúp đỡ các con học tập ngay từ các cấp học thấp, càng khó khăn ở các bậc học cao hơn. Việc truyền đạt tri thức và định hướng việc học lên cho các học sinh đến từ làng nghề hướng đến các cấp cao hơn chủ yếu do nhà trường thực hiện, công việc này không hề dễ dàng với nhà trường.

Tình trạng kết hôn sớm ở phụ nữ, cũng làm cho mức sinh cao dẫn tới việc nâng cao trình độ học vấn ở làng nghề khó khăn hơn.

Sự hạn chế về trình độ học vấn làm các vấn đề xã hội khác ở thôn như kết hôn sớm, gia tăng dân số nhanh, chậm đa dạng cơ cấu nghề nghiệp trở nên khó cải thiện. Mặt khác đặc điểm này còn hạn chế đến sự phát triển làng nghề. Các cơ sở sản xuất được điều hành bởi các tiểu chủ gặp khó khăn trong việc vạch ra những đề án kinh doanh có tầm nhìn, tìm kiếm nguồn vốn, mở rộng thị trường, khó tạo nên tính đột phá trong phát triển sản xuất.

3.1.2.2. Chậm đa dạng hóa cơ cấu nghề nghiệp

Mặc dù có tỉ lệ dân số hoạt động phi nông nghiệp khá cao nhưng cơ cấu nghề nghiệp đơn điệu là tình trạng tồn tại kéo dài ở Thủ Độ trong hơn 10 năm trở lại đây. Nghề mộc góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang tiểu thủ công và tạo ra một số ngành dịch vụ kéo theo, tuy nhiên mặt trái của nó là kìm hãm sự đa dạng hóa nghề nghiệp.

Ngoài nghề nông và nghề mộc chỉ có 77 người chiếm 10,3% dân số hoạt động kinh tế tham gia các ngành nghề khác. Trong con số ít ỏi này, lao động chủ yếu là viên chức nhà nước, cung cấp các dịch vụ liên quan đến làm nghề, buôn bán nhỏ, chỉ có 15 người làm trong các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

tập quán cũng như sức hút thu nhập từ làm nghề không chỉ làm chậm sự đa dạng hóa ngành nghề ở thời điểm hiện tại mà còn cả trong tương lai tương lai. Có hơn 575 lao động được hỏi không có ý định chuyển nghề, 215 lao động muốn con của họ được học hành đầy đủ và có công việc khác tốt hơn, nhưng cũng có 180 lao động cho rằng sẽ cho con tiếp tục làm nghề mộc. Khó khăn khi tìm việc sau khi ra trường cũng đã khiến nhiều sinh viên cao đẳng, trung cấp quay trở lại với nghề mộc và hầu hết không có ý định chuyển nghề.

3.1.2.3. Kết hôn sớm ở nữ giới

Kết hôn sớm vốn là tập tục lâu đời ở hai thôn làm nghề Bích Chu và Thủ Độ - xã An Tường. Có 292 lao động nữ tham gia làm nghề đã kết hôn, trong đó hơn 50% kết hôn ở dưới 15 đến 18 tuổi. Kết hôn sớm, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề, phụ nữ làm nghề không bị ràng buộc nhiều bởi các chính sách hay quy định về dân số là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ gia tăng tự nhiên của thôn luôn dao động ở mức trên dưới 2% một năm trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

Bảng 3.2: Lao động nữ tham gia làm nghề phân chia theo độ tuổi kết hôn.

Tuổi kết hôn Số lao động nữ (người) Tỉ lệ (%)

Dưới 15 tuổi 7 2,4

Từ 15 đến 18 tuổi 147 50,3

Từ trên 18 tuổi đến 22 tuổi 87 29,8

Trên 22 tuổi 51 17,5

Nguồn: Xử lý từ điều tra của tác giả tại làng nghề

Trong 147 phụ nữ kết hôn từ dưới 15 đến 18 tuổi chỉ có tới 102 người chưa học hết THCS và chỉ có 17 người đã tốt nghiệp THPT. Kết thúc việc học khi còn quá trẻ, không có nhiều cơ hội cho việc lựa chọn nghề nghiệp, tâm lý muốn mau chóng ổn định công việc, môi trường sinh sống làm việc cũng như các mối quan hệ xã hội hầu như chỉ gói gọn trong làng nghề tạo thành một vòng luẩn quẩn giữa kết hôn sớm, trình độ học vấn thấp, và khó cải thiện cuộc

sống của nhiều phụ nữ trong làng nghề.

Một phần của tài liệu Luận văn Phát triển làng nghề mộc thôn Thủ Độ - xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (Trang 75 - 81)