Như thực trạng nêu ra ở phần trên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp và tiềm ẩn trong nội bộ ngành nên ngoài việc cải tiến, phát triển sản phẩm mới, đầu tư trang thiết bị, máy móc nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh thì công ty cần phải đưa ra các chính sách linh động để tránh đòn tấn công trực diện từ phía các đối thủ lớn mạnh hơn mình về quy mô và nguồn lực. Cụ thể như:
- Đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới lạ, chưa có trên thị trường và đăng kí bản quyền để thu hút các đối tượng khách hàng mới, tận dụng lúc đối thủ chưa thể sản xuất ra sản phẩm đó để thu lợi nhuận, đồng thời lôi kéo được khách hàng về phía mình.
- Tránh những thị trường mà đối thủ đang nắm phần lớn thị phần do công ty mình mới thành lập nên các nguồn lực còn hạn chế, không thể cạnh tranh với các đối thủ trên lĩnh vực mà họ đang nắm thế mạnh. Từ đó, ta chuyển hướng phát triển sang các thị trường ngách khác mà đối thủ chưa kịp chiếm lĩnh, cố gắng làm thỏa mãn khách hàng ở thị trường đó và biến họ thành các khách hàng trung thành của công ty.
- Cải tiến, hoàn thiện thêm các tính năng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh các thị trường ngách nhỏ hơn mà đối thủ chưa quan tâm đến.
- Chuyển hướng phát triển sang các sản phẩm, dịch vụ mà công ty mình có thế mạnh hơn so với đối thủ, lấn sân sang thị trường khác để tránh các đối thủ mạnh.
- Thực hiện chuyên môn hóa một công đoạn hay một bộ phận trong dây chuyền sản xuất sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với việc họ tự sản xuất để nhận hợp đồng từ các công ty cùng ngành, chấp nhận làm “vệ tinh” cho các công ty lớn và hưởng hoa hồng.