THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ THÀNH AN
2.1.4 Các chi phí liên quan đến kinh doanh hàng nhập khẩu của công ty TNHH TM và ĐT Thành An
TNHH TM và ĐT Thành An
Công ty nhập khẩu trực tiếp từ khách hàng ngoại, không qua khâu trung gian nào và các chi phí liên quan đến hoạt động nhập khẩu của công ty bao gồm:
- Tiền mua hàng hóa: Đây là khoản tiền mà công ty phải trả cho đối tác ngoại để mua hàng hóa, số tiền này được thể hiện trong hợp đồng mua bán. Để tăng cạnh tranh cho hàng hóa của mình khi tiêu thụ trong nước thì việc mua hàng với chất lượng tốt, giá rẻ là rất quan trọng, nếu công ty mua hàng được với giá rẻ hơn thì sẽ tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa bán ra ở Việt Nam dẫn đến tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Do đó đàm phán giá mua là một khâu rất quan trọng, nó có vai trò rất quan trọng trong việc xác định lợi nhuận của doanh nghiệp
- Phí chuyển tiền: Đây là khoản phí phải trả cho ngân hàng khi công ty thực hiện thanh toán cho khách ngoại. Do công ty luôn thanh toán cho khách làm hai lần, lần thứ nhất 30%, lần thứ 2 là 70% sau khi nhận được vận đơn qua fax, hơn nữa khi thỏa thuận về giá cả, các điều khoản trong hợp đồng thường không chú ý đến vấn đề phí chuyển tiền phát sinh ở ngân hàng người thụ hưởng nên công ty còn phải chịu khoản phí này.
- Cước biển: Là khoản tiền phí vận chuyển khi công ty mua giá FOB, phải thuê tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nước xuất khẩu về Việt Nam. Đây là khoản phí tương đối lớn trong tổng chi phí nhập hàng ngoài chi phí giá mua hàng từ khách ngoại, do đó nếu giảm được chi phí này thì sẽ tăng được tính cạnh tranh của hàng hóa.
- Lệ phí hải quan: Lệ phí hải quan là một khoản phí khi làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu, đây là một khoản phí rất nhỏ nộp cho nhà nước.
- Phí lưu kho, lưu bãi: Phí lưu kho, lưu bãi là khoản phí phải trả cho đơn vị quản lý cảng biển khi hàng về cảng mà công ty chưa kịp làm thủ tục thông quan.
Thông thường công ty phải chịu khoản phí này do khách ngoại chậm chứng từ hoặc chứng từ bị sai phải gửi lại khách ngoại để sửa, khoản phí này cũng làm tăng đáng kề giá vốn của hàng hóa. Nếu giảm thiểu được các khoản phí này thì sức cạnh tranh của hàng hóa của công ty cũng sẽ tăng lên do giảm được giá thành sản phẩm.
- Phí THC, CIC: Phụ phí xếp dỡ tại cảng là khoản phụ phí thu trên mỗi container để bù đắp chi phí cho các hoạt động làm hàng tại cảng, như: xếp dỡ, tập kết container từ CY ra cầu tàu... Thực chất cảng thu hãng tàu phí xếp dỡ và các phí liên quan khác, và hãng tàu sau đó thu lại từ chủ hàng (người gửi hoặc người nhận hàng) khoản phí gọi là THC.
Phụ phí mất cân đối vỏ container, trong tiếng Anh là “Container Imbalance Charge” (CIC), hay “Equipment Imbalance Surcharge”, có thể hiểu nôm na là phụ phí chuyển vỏ rỗng. Đây là một loại phụ phí cước biển mà các hãng tàu chợ thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển (re-position) một lượng lớn container rỗng từ nơi thừa đến nơi thiếu. Do đó để giảm thiểu chi phí này công ty nên lựa chọn thuê tàu của các hãng lớn thay vì thuê tàu của hãng nhỏ như hiện nay.
- Phí giao nhận, làm thủ tục hải quan: Công ty thuê công ty giao nhận thay mặt công ty khai hải quan hàng hóa.
- Phí vận chuyển nội địa: Là tiền phí trả cho việc thuê đầu kéo container từ cảng về kho của công ty, đây cũng là khoản phí được cộng vào giá vốn của hàng hóa.
Như vậy để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, công ty cần giảm thiểu các chi phí đầu vào của mình.