IV. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG GIÁO DỤC 1 Lĩnh vực giáo dục
3. Cấu trúc và định hướng nội dung các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo
3.8. Lĩnhvực Công nghệ
a) Ở Tiểu học và trung học cơ sở, lĩnh vực Công nghệ được thể hiện thông qua một môn học và được đặt tên là Máy tính - Kỹ thuật (Tiểu học), Tin học ứng dụng - Công nghệ (trung học cơ sở) và thuộc hình thức tự chọn 2 (tự chọn bắt buộc theo chủ đề). Lên Trung học phổ thông, lĩnh vực Công nghệ thuộc hình thức TC3 (tự chọn bắt buộc theo nhóm môn), được thể hiện thông qua hai môn học riêng biệt là Tin học và Công nghệ;
b) Môn Công nghệ ở phổ thông có vai trò chuẩn bị cho học sinh sống và làm việc trong thế giới công nghệ thông qua các nội dung về bản chất, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ với xã hội; thiết kế, triển khai, đánh giá, sử dụng và thải loại công nghệ thuộc một số lĩnh vực công nghệ phổ biến; Môn Tin học ở phổ thông là môn học công cụ, mang tính kỹ thuật số và thông tin làm nền tảng cho học sinh học tập và tư duy để có khả năng đáp ứng một nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI.
Mục tiêu của lĩnh vực Công nghệ ở Tiểu học và THCS là hình thành ở học sinh các năng lực về ngôn ngữ; thiết kế; chế tạo; và sử dụng công nghệ trong các lĩnh vực phổ biến, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước, đảm bảo tính liên thông và định hướng nghề nghiệp; năng lực ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông trong học tập và đời sống, bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề có sự trợ giúp của máy tính. Đồng thời, lĩnh vực Công nghệ còn giúp hình thành và rèn luyện các phẩm chất, năng lực chung, đặc biệt là các phẩm chất liên quan tới trách nhiệm với cộng đồng và môi trường tự nhiên, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong lao động; và các năng lực chung liên quan tới phát hiện và giải quyết vấn đề, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Mục tiêu của lĩnh vực Công nghệ ở trung học phổ thông: Với môn Công nghệ: tiếp tục phát triển các năng lực về ngôn ngữ, thiết kế, và sử dụng công nghệ đồng thời hình thành và phát triển các năng lực mới như triển khai; lựa chọn; đánh giá công nghệ trên nền tảng các nội dung chuyên sâu đảm bảo phân hoá và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; Với môn Tin học: tiếp tục phát triển năng lực ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông trong học tập và đời sống, chú trọng phát triển tư duy giải quyết vấn đề có sự trợ giúp của máy tính, năng lực thích ứng với sự thay đổi của thời đại.
c) Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung các môn học Máy tính và Kỹ thuật, Tin học ứng dụng - Công nghệ chủ yếu là hình thành và phát triển cho học sinh năng lực sử dụng máy tính như là một công cụ hỗ trợ hoạt động học tập và giải quyết những vấn đề đơn giản trong cuộc sống trên cơ sở hướng dẫn các hoạt động và giới thiệu một số nội dung cơ bản về máy tính, các phần mềm ứng dụng phổ biến; một số hiểu biết về bản chất công nghệ, ảnh hưởng của công nghệ với xã hội và đời sống con người, thiết kế công nghệ, sử dụng và khai thác hiệu quả thiết bị, phương tiện, quá trình công nghệ trong gia đình, cộng đồng, và một số công nghệ phổ biến, phù hợp với thực tiễn địa phương và định hướng phát triển của đất nước.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), với môn Công nghệ, nội dung vẫn bao gồm các mạch kiến thức ở cấp trung học cơ sở thông qua các nội dung chuyên sâu, mở rộng và có tính chất định hướng nghề nghiệp về thiết kế công nghệ, một số công nghệ điển hình, phổ biến tại Việt Nam gồm công nghệ trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; công nghệ chế tạo máy; công nghệ ô tô; công nghệ điện, điện tử; Với môn Tin học, nội dung cốt lõi gồm các mạch chính tương ứng với hai loại chủ đề: loại chủ đề thứ nhất gồm một số chuyên đề về xử lý, quản lý thông tin đối với cá nhân và xã hội; loại chủ đề thứ hai gồm các chuyên đề chuyên sâu hơn về khoa học máy tính nhằm định hướng nghề nghiệp theo nhóm ngành.
d) Hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lĩnh vực Công nghệ định hướng mạnh mẽ vào tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học thông qua các hoạt động học tập, thực hành, và trải nghiệm. Theo đó, phương pháp dạy học chủ yếu là phương pháp dạy học thực hành; phương pháp dạy học theo dự án; các hoạt động trải nghiệm thực tiễn công nghệ ngoài giờ lên lớp tại địa phương.
đ) Lĩnh vực công nghệ chú trọng đánh giá năng lực người học dựa trên kết quả hoạt động, sản phẩm, hành động của người học thông qua các phương pháp, kỹ thuật như sử dụng rubric; quan sát; các bài thi trắc nghiệm và tự luận. Ngoài chức năng đánh giá tổng kết, cần tập trung mạnh mẽ vào đánh giá theo quá trình giúp học sinh tiến bộ trong quá trình học tập.