Biên soạn sách giáo khoa mớ

Một phần của tài liệu ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG (Trang 27 - 28)

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

3. Biên soạn sách giáo khoa mớ

Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa; trong đó chỉ có chương trình là mang tính pháp lý; sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý. Chủ trương này mang lại nhiều lợi ích:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng sách giáo khoa vì: Huy động được nhiều trí tuệ của các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thức tạo ra sách giáo khoa; tạo cơ hội có nhiều sách giáo khoa phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương, tránh được hiện tượng độc quyền; tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh… sách giáo khoa.

- Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng sách giáo khoa, chủ yếu là giáo viên và học sinh. Làm thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về lựa chọn, sử dụng phong phú các tài liệu dạy học, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu của chương trình.

3.1. Phương án triển khai

Chủ trương trên được thực hiện theo phương án: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

a) Ưu điểm: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều sách giáo khoa đã nêu.

b) Hạn chế: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nên có thể sẽ xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn sách giáo khoa khác.

Biện pháp khắc phục: Tăng cường tuyên truyền giải thích để xã hội hiểu rõ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn nhằm bảo đảm tính chủ động trong việc triển khai chương trình; việc có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ sách giáo khoa khác cùng lưu hành; tất cả các sách giáo khoa đều được Hội đồng quốc gia thẩm định một cách độc lập.

3.2. Quy trình biên soạn sách giáo khoa

a) Căn cứ chương trình các môn học (ban hành lần 1) xây dựng đề cương sách giáo khoa; thẩm định, phê duyệt đề cương sách giáo khoa.

b) Căn cứ đề cương sách giáo khoa, xây dựng, tổ chức thực nghiệm bản thảo sách giáo khoa.

c) Trưng cầu ý kiến về bản thảo sách giáo khoa. d) Thẩm định sách giáo khoa.

đ) Chỉnh sửa, hoàn thiện, phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng.

3.3. Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa

- Nhà trường tổ chức cho giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh và học sinh tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt cho sử dụng;

- Các tổ, nhóm giáo viên bộ môn thảo luận và đề nghị lựa chọn bộ sách giáo khoa chính thức dùng trong nhà trường (cho cả giáo viên và học sinh);

- Nhà trường quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa chính thức của mỗi môn học dựa trên đề nghị của giáo viên tổ, nhóm chuyên môn, tham khảo thêm ý kiến của đại diện cha mẹ học sinh và học sinh.

Trong quá trình dạy học giáo viên và học sinh có thể tham khảo những sách giáo khoa khác.

Một phần của tài liệu ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w