Hoàn cảnh ra đời Hải quan điện tử tại Việt Nam

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả thủ tục hải quan điện tử ở việt nam hiện nay (Trang 34)

7. Kết cấu của đề tài

2.1.1.Hoàn cảnh ra đời Hải quan điện tử tại Việt Nam

Sự hình thành của Hải quan điện tử tại Việt Nam gắn liền với công cuộc cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết đang đặt ra với ngành Hải quan:

2.1.1.1. Đáp ứng nhu cầu khối lượng công việc tăng lên nhanh chóng

Theo số liệu thống kê, trong những năm từ 2001-2006, khối lượng công việc trong ngành Hải quan đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể:

- Xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân trong thời kỳ 2001-2006 là 22,745%;

- Nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân trong thời kỳ 2001-2006 là 21,66%; - Số lượng hành khách xuất nhập khẩu năm 2006 đạt khoảng 10,485 triệu lượt (xuất cảnh 5,122 triệu lượt; nhập cảnh 5,363 triệu lượt);

- Số lượng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh năm 2006 đạt khoảng 298,723 lượt (xuất cảnh 147,834 lượt; nhập cảnh 150,889 lượt);

- Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu được cấp mã số năm 2006 là 28.392;

- Tổng số tờ khai (TK) hàng hóa XNK năm 2006 đạt 2.319.935 (TK xuất khẩu 1.124.614; TK nhập khẩu 1.195.321).

Trong điều kiện như vậy, với biên chế có hạn và không thể tăng mãi theo khối lượng công việc, để ngành Hải quan vừa đáp ứng yêu cầu nhanh chóng làm thủ tục hải quan cho hàng hóa, hành khách, phương tiện XNK vừa đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ đúng pháp luật, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế có hiệu quả thì yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi phương

thức quản lý từng lô hàng tại cửa khẩu sang quản lý thông tin về toàn bộ quá trình hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

2.1.1.2. Đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp

Để thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động hải quan, yêu cầu đặt ra với ngành Hải quan đó là phải giảm chi phí hành chính của công tác quản lý hải quan, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế của nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn buôn bán vận chuyển hàng cấm có hiệu quả, ngăn chặn các giao dịch thương mại bất hợp pháp, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, bảo vệ cho lợi ích của người tiêu dùng, an ninh quốc gia, môi trường.

Mặt khác, ngành Hải quan cần đảm bảo cho việc tiến hành thủ tục hải quan đơn giản, minh bạch, cung cấp thông tin nhanh chóng, công khai, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thông quan nhanh trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây đều là những yêu cấu hết sức cấp bách và là những thử thách hết sức nặng nề đối với ngành Hải quan. Do đó, giải pháp duy nhất đối với ngành Hải quan đó là phải tiến hành nâng cao năng lực quản lý của Ngành thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động của ngành, thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

2.1.1.3. Đáp ứng yêu cầu theo kịp sự phát triển của thương mại quốc tế cả về nội dung và hình thức

Trong bối cảnh thực hiện toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, thương mại quốc tế cũng đang có những bước chuyển mình tích cực cả về nội dung và hình thức.

Với việc áp dụng thương mại điện tử thì việc tiến hành các hoạt động thương mại quốc tế không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian làm việc; các doanh nghiệp không chỉ trao đổi, gặp gỡ, ký kết trực tiếp như phương thức

thương mại mà còn có thể trao đổi, gặp gỡ, ký kết qua mạng internet. Tốc độ lưu chuyển hàng hóa do đó còn diễn ra nhanh hơn, nhiều sản phẩm mới ra đời bao gồm cả hàng hóa hữu hình và vô hình, cách xác định, phân loại hàng hóa do đó cũng phức tạp hơn, đòi hỏi phải có các hình thức quản lý mới tập trung hơn. Yêu cầu đặt ra với ngành Hải quan cũng cần phải có những chuyển biến, áp dụng các phương tiện điện tử hiện đại vào hoạt động của Ngành, đặc biệt là áp dụng hải quan điện tử.

2.1.1.4. Đáp ứng yêu cầu hội nhập và xu hướng phát triển của Hải quan quốc tế

Hải quan Việt Nam đã gia nhập làm thành viên chính thức của tổ chức hải quan thế giới WCO tháng 6 năm 1993 và cũng đã tham gia ký kết nhiều hiệp định, công ước điều chỉnh về lĩnh vực hải quan như việc ký Hiệp định hải quan ASEAN, Hiệp định GATT, Hiệp định CEPT, tham gia Công ước Kyoto 1973 về đơn giản, áp dụng các Công ước HS...

Theo đà phát triển của Hải quan quốc tế về TTHQ, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã đề ra mục tiêu hoạt động cụ thể như: sớm chấp nhận, áp dụng và cập nhật Công ước Kyoto sửa đổi trong cộng đồng thương mại quốc tế và giữa các bên ký kết Công ước, cung cấp thông tin sớm về các xu hướng phát triển của các hệ thống tin học trong Hải quan và xây dựng chiến lược thương mại điện tử của Tổ chức Hải quan thế giới, phối hợp xây dựng bộ dữ liệu tiêu chuẩn cho Hải quan các nước trên thế giới và đưa ra bộ mẫu dữ liệu hải quan chung, thiết kế một giao diện trao đổi dữ liệu điện tử (EDI)...

Vì vậy, mục tiêu đặt ra với ngành Hải quan là cần có những biện pháp hợp lý tiến hành hiện đại hóa ngành Hải quan, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của hải quan trong khu vực và trên thế giới.

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả thủ tục hải quan điện tử ở việt nam hiện nay (Trang 34)