THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU, CÁC GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT VÀ KẾT LUẬN
4.1.2. Những tồn tại và nguyên nhân
- Về tổ chức bộ máy kế toán
Bộ máy kế toán của Công ty hiện nay chưa có bộ phận thực hiện các công việc của kế toán quản trị. Trong bất cứ doanh nghiệp nào thì kế toán quản trị cũng có tầm quan trọng rất lớn và tồn tại song song với kế toán tài chính. Sở dĩ như vậy là vì tại Công ty Dịch vụ Truyền thanh Truyền hình Hà Nội, Ban lãnh đạo Công ty cũng như Phòng KT-TC chưa có nhiều những yêu cầu về thông tin kế toán quản trị. Hiện nay mới chỉ có một số báo cáo định kỳ như báo cáo số lượng phát triển, cắt hủy thuê bao theo bộ phận, báo cáo phân tích hiệu quả đầu tư khi có dự án....
- Về hệ thống tài khoản kế toán
Trong hệ thống tài khoản kế toán của Công ty có những tài khoản chưa được sử dụng như tài khoản 641 – Chi phí bán hàng và tài khoản 532 - Giảm giá hàng bán. Điều này đã được phân tích nguyên nhân ở trên (trang 66 của luận văn). Các chi phí liên quan đến bán hàng được hạch toán vào tài khoản 627 – Chi phí sản xuất chung bởi do mô hình tổ chức bán hàng của Công ty có nhiều đơn vị cùng có chức năng phát triển thuê bao, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến khách hàng, do đó kế toán hạch toán trực chi phí hoa hồng tiếp thị vào nguồn chi lương cho các đơn vị này. Đối với nghiệp vụ giảm giá hàng bán, kế toán Công ty thực hiện bút toán ghi giảm doanh thu bằng cách ghi số doanh thu sau khi giảm vào tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Hạch toán như vậy làm sai lệch bản chất của việc giảm doanh thu trong kỳ do không thể hiện được rõ ràng tổng số doanh thu bị giảm do giảm giá cước thuê bao cho khách hàng vì các nguyên nhân khác nhau trong đó chủ yếu là nguyên nhân do chất lượng dịch vụ cung cấp.
- Về luân chuyển chứng từ
Như đã trình bày ở trên, Công ty có các Đội QLM&CSKH trực thuộc các Trung tâm QLM&CSKH là các đơn vị trực tiếp thi công các công trình và thực hiện
việc lắp đặt thuê bao, sửa chữa và bảo dưỡng mạng. Các Đội này có văn phòng đặt tại địa bàn quản lý trong phạm vi Hà Nội, không xa so với Trụ sở chính của Công ty. Chứng từ liên quan đến việc thi công từ các Đội sẽ được chuyển lên các Trung tâm để thực hiện việc hạch toán báo sổ. Hiện nay việc quy định thời gian nộp chứng từ từ các đơn vị này lên Phòng KT-TC Công ty chưa chặt chẽ. Các chứng từ này thường là các hồ sơ hoàn công các công trình thi công tại địa bàn như: hồ sơ thi công các tuyến quang, hồ sơ thi công ngầm hoá, hồ sơ hoàn công lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp cho khách hàng hay hồ sơ hoàn công các công trình lớn lắp đặt mạng truyền hình cáp.... Thời gian luân chuyển chứng từ hoàn công các công trình từ các đơn vị hạch toán báo sổ lên Phòng KT-TC hay bị chậm và thường dồn vào cuối mỗi tháng do phải chuyển từ các Đội QLM trực thuộc lên các Trung tâm QLM&CSKH, sau đó Trung tâm mới nộp lên phòng KT-TC để tiến hành ghi sổ. Mặt khác, Phòng KT-TC còn phải có thời gian để kiểm tra tính chính xác của các hồ sơ hoàn công này. Vì vậy nếu cứ tiếp diễn tình trạng này sẽ làm áp lực công việc cho các nhân viên kế toán vào cuối tháng tăng lên rất nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
- Về sổ sách kế toán
Các sổ chi tiết các tài khoản của Công ty BTS hiện nay được xây dựng chưa được chính xác và hợp lý, thể hiện ở điểm:
+ Về chế độ: Các tài khoản doanh thu và tài khoản chi phí về nguyên tắc không có số dư đầu kỳ và cuối kỳ. Nhưng trong sổ chi tiết các TK 511, 515, 632, 635,711, 811... (thể hiện tại các Phụ lục số 6, 9, 11, 13, 15, 17, 19...), sau đây gọi chung là các tài khoản không có số dư, vẫn thể hiện số dư đầu kỳ và cuối kỳ của các tài khoản. Việc thể hiện các con số này thực chất chỉ nhằm mục đích theo dõi nhanh số chưa kết chuyển trên các tài khoản
+ Về trình bày: Các tài khoản chi phí về nguyên tắc chỉ có thể kết chuyển từ bên có của tài khoản sang bên nợ của tài khoản 911 – xác định kết quả kinh doanh. Vì vậy, có thể bỏ bớt cột “Số dư Nợ” của sổ chi tiết các tài khoản này. Ngược lại, đối với các tài khoản doanh thu, nguyên tắc kết chuyển là từ bên nợ các tài khoản này sang bên có của tài khoản 911, vì vậy nên bỏ bớt cột “Số dư Có” của sổ chi tiết các tài khoản này.
Do đó, Công ty nên thiết kế lại mẫu sổ cho phù hợp với chế độ và đặc điểm hoạt động SXKD của Công ty.
- Về kế toán doanh thu
Có hai vấn đề còn tồn tại cần được hoàn thiện trong kế toán doanh thu tại Công ty đó là: kế toán nghiệp vụ giảm giá hàng bán và kế toán nghiệp vụ hàng bán bị trả lại.
Kế toán giảm giá hàng bán tại Công ty không được phản ánh trên tài khoản 532 như quy định. Thực tế các nghiệp vụ này rất hiếm khi phát sinh và tỷ lệ giảm doanh thu do giảm giá hàng bán cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu. Vì vậy nếu xét trên khía cạnh nhằm hạn chế khối lượng công việc vốn đang rất lớn cho Phòng KT-TC thì vẫn có thể thực hiện như hiện tại. Tuy nhiên xét trên khía cạnh kiểm soát nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp cũng như trách nhiệm trong công việc của các đơn vị liên quan thì nên hạch toán đúng theo quy định để có thể cung cấp thông tin một cách chính xác và kịp thời cho Ban giám đốc.
Nghiệp vụ kế toán hàng bán bị trả lại phản ánh trên tài khoản 531 như hiện nay chưa thực sự đúng với chế độ. Tài khoản 531 dùng để phản ánh trị giá hàng hóa bị khách hàng trả lại trong trường hợp hàng bị hỏng, kém phẩm chất, sai quy cách hoặc vi phạm các cam kết trong hợp đồng. Đối với Công ty BTS, hàng bán bị trả lại chính là các khoản thu từ khách hàng mà không thể đòi được. Về bản chất nó là một khoản nợ khó đòi. Song vì kế toán Công ty không thể theo dõi công nợ chi tiết theo đối tượng là từng khách hàng mà theo dõi qua thu ngân dựa trên tổng giá trị của số hóa đơn phát cho thu ngân để đi thu tại nhà khách hàng nên cũng không thể lập dự phòng phải thu khó đòi qua đối tượng này được. Tác giả xin đề xuất giải pháp hoàn thiện kế toán nghiệp vụ này tại chương 4 của luận văn.
- Về kế toán giá vốn hàng bán
Thứ nhất, về xác định giá vốn: Hiện nay, tại Công ty Dịch vụ Dịch vụ Truyền
thanh Truyền hình Hà Nội, việc xác định giá vốn được tính gộp chung cho tất cả các loại hình dịch vụ. Do hiện nay, hạ tầng kỹ thuật đã được Công ty đầu tư toàn diện và chiến lược kinh doanh của Công ty là khai thác tối đa công năng sử dụng. Mặt khác, đặc điểm của các dịch vụ kinh doanh tại Công ty là sự đan xen rất lớn trong việc sử
dụng TSCĐ là hạ tầng mạng kỹ thuật, các tuyến quang, node quang... và Phòng máy trung tâm (Headend) nên việc phân bổ các chi phí khấu hao và chi phí nhân công là tương đối khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, trong tình hình hiện tại Ban giám đốc Công ty chưa có yêu cầu cung cấp thông tin về lợi nhuận của từng loại dịch vụ kinh doanh mang lại. Phương pháp tính này cũng không làm sai lệch giá trị lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần của Công ty. Trong tương lai, khi công tác quản trị kinh doanh yêu cầu các thông tin về chỉ tiêu này, kế toán Công ty có thể thực hiện phân bổ các chi phí trên thông qua chỉ tiêu doanh thu của từng dịch vụ.
Thứ hai, về kế toán giá vốn hàng bán: Việc hạch toán các khoản chi phí trực
tiếp liên quan đến các công trình truyền thanh trên tài khoản 632 mà không thông qua các tài khoản chi phí trực tiếp là các tài khoản 621, 622, 627 là chưa đúng với chế độ kế toán hiện hành. Theo quy định mọi chi phí phát sinh đều được hạch toán thông qua các tài khoản chi phí trực tiếp, cuối kỳ kết chuyển số dư các tài khoản này sang tài khoản 154-chi phí SXKD dở dang, từ đó mới kết chuyển giá vốn của các sản phẩm, dịch vụ hoàn thành trong kỳ sang tài khoản 632-giá vốn hàng bán. Nếu hạch toán như Công ty hiện nay thì với các công trình thi công liên quan đến nhiều kỳ kế toán, việc xác định giá vốn sẽ không chuẩn xác. Tổng số phát sinh trên tài khoản 632 sẽ chỉ mang ý nghĩa là tổng chi phí đã bỏ ra trong kỳ phục vụ hoạt động SXKD của đơn vị.