a. Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân về thị trường do kinh tế suy giảm, lạm phát tăng cao, đầu tư của xã hội giảm mạnh, tín dụng bị siết chặt, thị trường bất động sản đóng băng... dẫn đến thị trường xây dựng bị thu hẹp, nhất là các công trình trong ngành Dầu khí, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Cụ thể một số dự án bị giãn tiến độ hoặc ngừng đầu tư như: Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, Dự án Nam Đàn Plaza, dự án tổ hợp khách sạn Dầu khí PV-SSG ... do đó từ giữa năm 2011
công ty bị thiếu việc làm. Dẫn đến phần lớn máy móc thiết bị thi công đã đầu tư hiệu suất sử dụng thấp trong khi công ty vẫn phải khấu hao và trả lãi vay ngân hàng.
Do ảnh hưởng của lạm phát, dẫn đến giá cả của hầu hết các mặt hàng và nhân công đều tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu tăng 43%, giá điện tăng 20,8% trong năm 2011 đã ảnh hưởng rất lớn tới chi phí sản xuất chuyên về cơ giới như PVC-ME.
Lãi suất ngân hàng cao (19-22%/năm) trong một thời gian dài đã làm cho chi phí vốn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong giá thành công trình, trong khi đó các công trình mà công ty thi công chủ yếu là gối đầu từ năm 2010 chuyển sang đều không được điều chỉnh giá, dẫn đến lợi nhuận công trình bị giảm đáng kể, một số công trình bị lỗ.
Một số công trình không thực hiện đúng tiến độ do yếu tố thời tiết như hạng mục: Cảng than – Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chỉ thi công được 5 tháng/năm do thi công trên biển gặp sóng to gió lớn, mưa bão...
b. Nguyên nhân chủ quan
Trình độ tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: bộ máy quản lý còn cồng kềnh, một số cán bộ nhân viên chưa đáp ứng được nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu. Vì vậy, Công ty vẫn thừa nhân lực nhưng vẫn thiếu những cán bộ có năng lực giải quyết các công việc tại văn phòng cơ quan cũng như các Ban chỉ huy và đơn vị thi công; khả năng điều hành sản xuất thi công trên công trường của Công ty nhìn chung tương đối tốt, tuy nhiên năng lực một số cán bộ chủ chốt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ban lãnh đạo chưa có các giải pháp mang tính đột biến để đối phó với tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn.
Chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất tăng cao làm cho giá thành một số công trình vượt quá doanh thu:
Về tổ chức hệ thống thông tin ở công ty chưa được khoa học, việc thu thập, tổng hợp số liệu cho công tác phân tích hết sức khó khăn và không kịp thời, đôi khi còn thiếu và không chính xác. Hệ thống thông tin thực hiện, đặc biệt là thống kê và kế toán chưa được kiện toàn, vì vậy công tác phân tích phải xử lý một khối lượng lớn tài liệu, số liệu có liên quan đến nhiều đơn vị, nhiều bộ phận trong công ty, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác phân tích.
Về nội dung phân tích: Phân tích chi phí sản xuất kinh doanh là nội dung trung tâm và chủ yếu của công tác phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng như quản lý chi phí sản xuất. Mục tiêu của phân tích là tìm ra các biện pháp để nhằm sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất, giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, nội dung phân tích chi phí và giá thành sản phẩm của công ty còn đơn giản, chủ yếu là đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch chi phí và giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc phân tích chưa giải quyết được các yêu cầu trong quản lý như:
- Chưa đánh giá được tình hình thực hiện chi phí sản xuất có tương xứng với kết quả sản xuất hay không?
- Chưa xác định được những nhân tố ảnh hưởng và mức độ và mức độ ảnh hưởng của những nhân tốđó đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
- Chưa tìm ra các khả năng tiềm tàng trong sản xuất kinh doanh để giảm thấp chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Trong đó bao gồm các biện pháp về tổ chức khai thác nguồn cung ứng nguyên vật liệu, tổ chức lao động…
Về phương pháp phân tích: phương pháp phân tích chủ yếu dựa vào phương pháp phân tích so sánh và phương pháp phân tích chi tiết. Các phương pháp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố chưa được sử dụng, chưa áp dụng các kỹ thuật phân tích trong dự báo kinh tế của công ty. Trong lý luận
cũng như thực tiễn phân tích đang đặt ra những yêu cầu và vấn đề mới thì các nội dung và phương pháp phân tích chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của công ty cần phải có sự hoàn thiện. Với sự phát triển về quy mô và thị phần, yêu cầu phải đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý của công ty, đặt ra nhu cầu phải xây dựng được hệ thống thông tin khoa học và kịp thời trong quá trình ra quyết định. Muốn vậy các công cụ quản lý phải thực sự phát huy được tác dụng và vai trò của mình, trong đó có phân tích chi phí sản xuất. Xây dựng các qui định về các hình thức tổ chức thi công xây lắp công trình và cách thức quản lý tập hợp chi phí.
Một số công trình áp dụng phương pháp khoán đối với chi phí nhân công nhưng ở những công trình này chi phí nhân công so với kế hoạch vẫn cao bởi vì chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận cung ứng vật tư, đội sản xuất. Chưa tạo điều kiện cho người lao động làm việc dẫn đến năng suất lao động chưa cao. Mặt khác, đối với phương pháp khoán, tồn tại hai nhược điểm cơ bản là trình độ kỹ thuật và ý thức tổ chức lao động của công nhân thuê ngoài thị trường mà số lao động thuê ngoài thường là lao động phổ thông có trình độ tay nghề thấp làm việc theo kinh nghiệm, không có kiến thức cơ bản do đó đối với những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao họ không làm được hoặc làm lãng phí vật liệu, giờ máy thi công. Ta cũng biết rằng phần lớn các lao động thuê ngoài là nông dân, do vậy chỉ ràng buộc với Công ty trong các hợp đồng ngắn hạn. Khi vào mùa vụ nông nghiệp, họ tự ý bỏ về gây cản trở cho việc đẩy mạnh tiến độ thi công và kéo dài thời gian xây dựng làm tăng chi phí quản lý công trình cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp.
Việc quản lý và sử dụng các máy móc thiết bị và tài sản cố định khác chưa có hiệu quả, đây là một nhân tố tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc khai thác sử dụng máy móc chưa hiệu quả nhiều tháng hoạt động rất ít trong khi đó Công ty vẫn phải tính khấu hao, quản lý và trả lãi vay Ngân hàng.
Một số công trình như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol, Nhà máy Xi măng Dầu khí 12/9, Tổng kho sản phẩm Dầu khí Đà Nẵng đã có những phát sinh về khối lượng, biện pháp thi công, hạng mục công việc so với hợp đồng nên ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chi phí và lợi nhuận của từng công trình.
Các hợp đồng của Công ty chủ yếu là hợp đồng trọn gói, giá trị các hợp đồng được lập dựa trên giá của nguyên vật liệu tại thời điểm ký hợp đồng nhưng giá nguyên vật liệu thực tế trong thời điểm thi công tăng cao hơn dự kiến. Mặt khác, số lượng máy móc, thiết bị của Công ty hiện nay khá lớn, việc tăng giá xăng dầu tăng cao làm cho chi phí tiêu hao nhiên liệu lớn hơn.