6. Kết cấu của Luận án
2.4. Các tiêu chí cơ bản đánh giá vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
quyền con người ở Việt Nam
Vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người được thể hiện trong đời sống xã hội chịu sự chi phối của nhiều yếu tố chính trị - xã hội, pháp luật, cơ cấu tổ chức tòa án, độc lập xét xử, nhân tố con người, nguồn lực kinh tế phục vụ hoạt động xét xử và chất lượng của hoạt động xét xử. Hoạt động xét xử là hình thức thực hiện
68
quyền lực nhà nước cho nên hoạt động này trước tiên chịu sự chi phối đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt là quan niệm và nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người. Trên cơ sở đường lối chính trị của Đảng pháp luật quy định chức năng, phạm vi thẩm quyền và trình tự, thủ tục tố tụng để Tòa án thực hiện hoạt động xét xử nên chất lượng và hiệu quả xét xử khó đảm bảo nếu những quy định pháp luật này chưa được hoàn thiện và chưa đầy đủ các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp. Tòa án là chủ thể trực tiếp tổ chức và tiến hành hoạt động xét xử cho nên đường lối, chính sách và pháp luật chỉ được bảo đảm trong thực tiễn xã hội khi tòa án các cấp, Thẩm phán có đủ năng lực xét xử độc lập, khách quan và phù hợp với công bằng, lẽ phải. Chính vì vậy, các tiêu chí đánh giá vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người chủ yếu là cơ sở để đo lường mức độ thống nhất giữa nhận thức của Đảng, Nhà nước và xã hội về quyền lực tư pháp, vai trò của quyền lực tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người và pháp luật bảo đảm cho việc thực thi quyền lực tư pháp với bản chất và ý nghĩa xã hội của quyền lực tư pháp đối với quyền con người. Ngoài ra, nhằm đánh giá sự thể hiện vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người trước những hành vi xâm hại quyền con người luận án còn đề xuất các tiêu chí đo lường hiệu quả bảo vệ quyền con người của hoạt động xét xử.
Theo hướng tiếp cận trên, các tiêu chí đánh giá vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay được xác định theo các phương diện sau đây:
2.4.1. Tiêu chí đánh giá nhận thức của Đảng, Nhà nước và nhân dân về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người
Tòa án là thiết chế thực thi quyền lực nhà nước cho nên Tòa án giữ vai trò như thế nào trong việc bảo vệ quyền con người chịu ảnh sự mạnh mẽ bởi ý chí và mong muốn của Đảng, Nhà nước và người dân về mục đích và ý nghĩa của hoạt động xét xử trong lĩnh vực này. Quyền con người là nhân phẩm, năng lực và nhu cầu của mỗi cá nhân nên tòa án bảo vệ quyền con người như thế nào, vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ra sao phụ thuộc vào quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước và nhận thức của nhân dân về mục tiêu cuối cùng của hoạt động xét xử nói riêng, hoạt động của quyền lực tư pháp nói chung. Chính vì thế, việc đánh
69
giá nhận thức của Đảng, Nhà nước và người dân trong lĩnh vực này được hệ thống trên cơ sở các phương diện, gồm:
- Mức độ đúng đắn và toàn diện trong quan niệm của Đảng và Nhà nước về mục tiêu bảo vệ công lý và quyền con người của hoạt động xét xử nói riêng, quyền tư pháp nói chung.
- Mức độ nhất quán của đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về mục tiêu bảo vệ quyền con người của hoạt động xét xử trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực tư pháp nói riêng, quyền lực nhà nước nói chung.
- Mức độ bảo đảm sự độc lập của Tòa án, Thẩm phán và Hội thẩm trong quá trình Đảng lãnh đạo hoạt động xét xử.
- Mức độ nhận thức của nhân nhân về quyền con người và ý nghĩa của hoạt động xét xử trong việc bảo vệ quyền con người.
- Mức độ tin tưởng của nhân dân vào sự công bằng và bảo đảm công lý được thực thi của hoạt động xét xử của Tòa án.
2.4.2. Tiêu chí đánh giá pháp luật ghi nhận vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người
Bảo vệ quyền con người bằng Tòa án có tính hình thức pháp lý nghiêm ngặt cho nên pháp luật ảnh hưởng toàn diện đến hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng Tòa án. Tòa án đóng vai trò như thế nào trong đời sống xã hội phụ thuộc vào pháp luật ghi nhận vai trò của Tòa án trong lĩnh vực này. Tòa án được xã hội thừa nhận có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người khi và chỉ khi pháp luật ghi nhận đầy đủ, toàn diện và thống nhất vai trò của Tòa án trong lĩnh vực này. Chính vì thế việc đánh giá pháp luật ghi nhận vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người được dựa trên các tiêu chí cụ thể như sau:
- Mức độ đầy đủ và toàn diện của pháp luật ghi nhận quyền xét xử hành vi vi phạm quyền con người của Tòa án;
- Mức độ thống nhất của pháp luật trong việc bảo đảm Tòa án giữ vị trí trung tâm và tối cao trong hoạt động thực thi quyền lực tư pháp;
- Pháp luật bảo đảm Tòa án thực hiện quyền lực tư pháp.
2.4.3. Tiêu chí đánh giá hiệu quả bảo vệ quyền con người bằng hoạt động xét xử
70
Hoạt động xét xử là hoạt động cơ bản của Tòa án nên thể hiện rõ ràng nhất vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người. Tòa án có khẳng định được vai trò của mình trong lĩnh vực này hay không phụ thuộc vào hoạt động xét xử có bảo vệ được công bằng, bình đẳng và phù hợp với lẽ phải hay không. Nếu hoạt động xét xử áp dụng sai pháp luật, gây oan sai hoặc bị chậm trể thì không những không bảo vệ được quyền con người mà còn trở thành hành vi vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Chính vì vậy, công bằng, bình đẳng và đúng pháp luật của bản án, quyết định của tòa án là tiêu chí cơ bản để đánh giá vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử. Ngoài ra, để bảo đảm việc đánh giá toàn diện vai trò của tòa án trong lĩnh vực này thì cần xem xét đến tính kịp thời của hoạt động xét xử cũng như việc xét xử đúng thời hạn luật định.
71
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Bảo vệ quyền con người là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cho quyền con người được thực hiện trong đời sống xã hội. Bảo vệ quyền con người không chỉ bảo đảm cho quyền con người được tôn trọng và an toàn trước những hành vi gây hại cho quyền con người mà còn là cơ sở, tiền đề quyết định đến việc thực hiện quyền con người của người dân cho nên nhà nước và người dân đặt biệt coi trọng hoạt động bảo vệ quyền con người. Nhà nước bảo vệ quyền con người bằng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau và được thực hiện bởi nhiều thiết chế quyền lực nhà nước. Tòa án thông qua hoạt động xét xử tỏ ra là thiết chế bảo vệ quyền con người hiệu quả nhất trong các thiết chế quyền lực thực thi trách nhiệm bảo vệ quyền con người. Bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử không chỉ bảo đảm công bằng, công khai dân chủ mà còn bảo đảm được ý thức tự giác bảo vệ quyền của cá nhân, công dân trong quá trình bảo vệ. Công băng, bình đẳng là giá trị cốt lõi của quyền con người nên hoạt động xét xử với đặc tính là hoạt động tài phán được thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ, nghiêm ngặt và được bảo đảm thực thi bởi quyền lực cưỡng chế mạnh mẽ của quyền lực nhà nước ngày càng được người dân và nhà nước tin tưởng và đề cao trong việc bảo vệ quyền con người.
Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án không chỉ trừng trị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền con người, khôi phục những quyền con người bị cắt xén, bị hạn chế, bị tước bỏ mà còn hiện thực hóa chức năng bảo vệ quyền con người của pháp luật vào đời sống xã hội. Trong các phương diện tòa án bảo vệ quyền con người, mỗi phương diện bảo vệ của hoạt động xét xử đều tỏ ra có ưu thế nổi trội so với các hoạt động quyền lực nhà nước khác. Chính vì thế, trong xã hội pháp quyền, Tòa án được coi là “cái khiên đỡ” cuối cùng của quyền con người.
Xét xử là loại hoạt động quyền lực có tính cưỡng chế cao nhưng lại “dễ bị tổn thương” bởi sự chi phối của các thiết chế quyền lực nhà nước khác cũng như những yếu tố bên ngoài xã hội. Cho nên, nhằm bảo đảm cho hoạt động xét xử độc lập, vô tư và khách quan, xã hội, Nhà nước và pháp luật phải đề cao ý thức tôn trọng sự độc lập của Tòa án, Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án trong quá trình xét xử. Độc lập xét xử là tiền đề tiên quyết bảo đảm cho hoạt động xét xử công bằng và bảo đảm công
72
lý. Đây cũng chính là tiêu chí cơ bản đánh giá năng lực, chất lượng và hiệu quả của việc bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử. Hoạt động xét xử không được bảo đảm độc lập thì không những không bảo vệ được quyền con người mà còn xâm hại một cách nghiêm trọng quyền con người đặc biệt là quyền con người của bị can, bị cáo và đương sự. Bên cạnh độc lập xét xử, nhận thức đúng đắn và sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người là cơ sở, nền tảng chính trị - xã hội vững chắc bảo đảm cho hoạt động bảo vệ quyền con người của Tòa án được thực thi trong thực tiễn đời sống xã hội.
Trong các hoạt động quyền lực nhà nước, hoạt động xét xử chịu sự ràng buộc toàn diện của pháp luật vì thế hoạt động xét xử bảo vệ quyền con người như thế nào? chất lượng, hiệu quả và vai trò của hoạt động này được xã hội nhìn nhận ra sao? phụ thuộc vào quy định của pháp luật về vị trí, vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người; chức năng và thẩm quyền của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người; trình tự, thủ tục tố tụng Tòa án. Tòa án khó thể hiện được vai trò của mình trước những hành vi xâm hại quyền con người nếu không được pháp luật trao cho thẩm quyền xét xử những hành vi đó. Nếu được trao thẩm quyền xét xử nhưng pháp luật quy định trình tự, thủ tục xét xử mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu sót thì hoạt động xét xử khó bảo vệ được quyền con người. Chính vì thế, nhằm bảo đảm vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, pháp luật phải trao cho Tòa án thẩm quyền xét xử rộng rãi (bao gồm cả hành vi vi hiến của quyền lập pháp, quyền hành pháp xâm hại đến quyền con người), đồng thời pháp luật quy định trình tự, thủ tục xét xử chặt chẽ và khoa học.
Hoạt động xét xử cũng như các hoạt động quyền lực nhà nước khác đều phải được thực hiện bởi cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước vì thế tổ chức hệ thống Tòa án và Thẩm phán là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực, chất lượng và hiệu quả bảo vệ quyền con người thông qua hoạt động xét xử. Hoạt động xét xử độc lập như thế nào và mức độ tiệm cận công lý ra sao phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng của Thẩm phán, cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án.
Như vậy, xét xử là hoạt động có nhiều ưu điểm trong việc bảo vệ quyền con người, đồng thời là hoạt động “dễ bị tổn thương” trước các hoạt động quyền lực nhà
73
nước khác cũng như các yếu tố bên ngoài xã hội. Cho nên, nhằm bảo đảm vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người thì Nhà nước, pháp luật và xã hội phải nhận thức một cách đúng đắn và sâu sắc về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý; pháp luật phải trao cho Tòa án quyền xét xử tất cả các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến quyền con người; pháp luật tố tụng tư pháp đầy đủ, thống nhất và chặt chẽ, khoa học; tổ chức hệ thống Tòa án đề cao độc lập với cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước; Thẩm phán được bảo đảm độc lập, vô tư và khách quan trong quá trình xét xử.
74
Chương 3
ĐÁNH GIÁ VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Trên cơ sở các yếu tố cơ bản tác động trên vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam và các tiêu chí đã được trình bày trong chương 1, việc đánh giá vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam hiện nay được hệ thống trên ba phương diện cơ bản, gồm: thứ nhất, nhận thức của Đảng, Nhà nước và người dân về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người; thứ hai, pháp luật ghi nhận vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền con người; thừa ba, chất lượng và hiệu quả bảo vệ quyền con người của Tòa án thông qua hoạt động xét xử.