“Thiên sứ” dẫn dắt con người từ bóng tối ra ánh sáng

Một phần của tài liệu nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của ma văn kháng, tạ duy anh, hồ anh thái (Trang 67)

TÍNH NHÂN VĂN TRONG CẢM HỨNG PHÊ PHÁN CỦA MA VĂN KHÁNG, TẠ DUY ANH, HỒ ANH THÁ

2.2.2. “Thiên sứ” dẫn dắt con người từ bóng tối ra ánh sáng

Trong hệ thống nhân vật của Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái thường xuất hiện kiểu nhân vật như một loại “thiên sứ”, đó là những nhân vật đại diện cho cái thiện, cái cao đẹp để soi chiếu ánh sáng, niềm tin vào những tâm hồn u tối, mong cứu vớt những con người xấu ra khỏi vũng bùn của tội ác. Đó là nhân vật Hai Duy và Tâm trong Lão Khổ của Tạ Duy Anh là những nhân vật được đầu thai xuống cõi trần để dẫn dắt con người ngu tối thoát khỏi vòng vây của thù hận. Đó là Thảo Miên, cô gái điếm có đôi mắt buồn và tâm hồn thánh thiện trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh đã dẫn đường cho Chu Quý tìm lại chính mình và sám hối để hướng thiện tìm thấy niềm tin vào cuộc sống. Nhân vật hướng thiện trong Thiên thần sám hối đã giúp cho người mẹ của nhân vật “tôi” có niềm tin vào sức mạnh của tình yêu và sự tự do, tình yêu thương chân thành giúp bà có được điều mình mong muốn đó là một đứa trẻ.

Lòng tốt luôn luôn có sức mạnh cảm hóa con người. Những con người tốt bụng, họ không phải là thiên sứ nhưng bằng tình yêu thương con người nồng hậu, họ đã dẫn dắt con người bước qua những bóng đen của cuộc đời, bước qua những lầm lỗi. Người và xe chạy dưới ánh trăng, Cõi người rung chuông tận thế

là những sáng tác chủ yếu của Hồ Anh Thái viết về sự gắn bó của con người với con người, về tình yêu thương làm nên cuộc sống tốt đẹp của con người. Hồ Anh Thái luôn quan sát cuộc sống xung quanh mình bằng cái nhìn nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc. Anh như hiểu thấu đáo mọi ngõ ngách của cuộc sống nơi thành thị, nơi có nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng không ít lọc lừa, phản trắc... Nhân vật của nhà văn sau những đau khổ mất mát, bất hạnh, cuối cùng họ vẫn tìm được chân lý của cuộc sống. Người và xe chạy dưới ánh trăng phản ánh hiện thực về cuộc sống ở khu tập thể có những con người tốt đẹp như mẹ con Mỵ, bố con Đức, vợ chồng bác Tường. Dù có khó khăn chồng chất và thiếu thốn, nhưng họ vẫn yêu thương nhau, đùm bọc, bỏ qua những sai sót, những nhược điểm và quá khứ lầm lỗi cho nhau. Lòng tốt của những người xung quanh là ánh sáng dẫn dắt những con người như Toàn, Khắc tìm lại niềm tin yêu của cuộc sống.

Toàn là người có tài, có tâm nhưng cuộc sống của anh gặp nhiều trắc trở, mất mát. Sự mất mát ấy khiến Toàn sống thu mình và dường như cô lập giữa những người xung quanh. Nhưng cuộc sống vẫn vận hành cùng với Toàn, hàng ngày anh vẫn phải sống với thực tế xung quanh, nơi có cả cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và cái thấp hèn, cái hiền lành và độc ác. Đối diện với cuộc sống ấy, Toàn mới thấy hết những phức tạp của cuộc sống con người. Được sống bên cạnh những người bạn tốt như Khắc, Mỵ, được chứng kiến những hành động tốt đẹp những người hàng xóm giúp, Toàn dần dần mở được cánh cửa tâm hồn mình sau những cuộc vượt mình đầy khó khăn, vật vã. Cuối cùng Toàn đã cảm nhận được mầm non của cuộc sống, nơi những cái rễ non đang ran rộ vươn ra bắt vít trong lòng anh. Anh cảm thấy sự sống đã tái sinh, sự sống đã quay vòng. Anh có “một ý nghĩ rõ ràng và rất thực: phải gắng gỏi, phải đi tới tương lai bằng đôi chân đang guồng thoăn thoắt trên cỗ xe, đôi chân của chính mình”. Toàn trăn trở lựa chọn: “Đỗ đại học với điểm cao, lại vượt qua lần tuyển lựa năng khiếu, Toàn bước vào nghề một cách hồn nhiên và đơn giản như vậy. Nhưng qua năm năm học, trải qua mấy năm công tác, Toàn trở nên gắn bó với nghề, yêu nghề. Lẽ nào giờ đây anh phải viết giấy cam đoan để từ bỏ”. Toàn là một nhân vật bình thường nhưng lại có sức mạnh làm cho người đọc cảm thấy ấm lòng và tin tưởng vào cuộc sống khi gấp trang sách lại. Trong hoàn cảnh cô đơn, chịu nhiều chèn ép, ganh tỵ và cả những thua thiệt nhưng anh vẫn cố gắng vươn lên hòa nhập với cộng đồng và để tự hoàn thiện mình. Cũng nhờ có sự hòa hợp với những người xung quanh, khi cảm nhận cuộc đời còn nhiều ý nghĩa nên những giấc mơ ám ảnh trong Toàn khi anh giết chết con ma hôi của để cứu bà Nhớn cũng thôi không xuất hiện nữa. Toàn là một nhân vật bình thường nhưng lại có sức mạnh làm cho người đọc cảm thấy ấm lòng và tin tưởng vào cuộc sống khi gấp trang sách lại.

Trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, bên cạnh nhân vật Toàn còn có Khắc. Khắc xuất thân từ một gia đình lương thiện nhưng những rủi ro của cuộc đời đã xô đẩy anh vào con đường bất lương. Bất mãn với cuộc đời và từng bị đi

tù, anh nhập vào đội quân chuyên đi lừa đảo ở Chợ Giời để kiếm ăn. Khắc chuyên sống bằng nghề lừa lọc, lưu manh nhưng nhờ lòng tốt, tình yêu thương và bao dung của mẹ con Mỵ, Khắc đã hoàn lương, trở thành một người tốt sống lương thiện và làm ăn chân chính. Trước tình cảm chân thành của mẹ con Mỵ, bản chất lương thiện của anh dần dần được đánh thức. Anh thực sự là một nhân vật hướng thiện sau khi đã thức tỉnh về ý nghĩa của cuộc đời. Nhận ra những sai lầm mà mình đã mắc phải anh đã quyết tâm đứng dậy làm lại mình và sống những ngày tháng có ý nghĩa hơn. Sự vươn lên của Toàn và Khắc, hai nhân vật, hai cảnh đời khác nhau nhưng đều có chung một khát vọng hướng thiện cho ta thêm niềm tin vào tình yêu đối với con người và cuộc đời này.

Trong Người và xe chạy dưới ánh trăng của Hồ Anh Thái, chi tiết cu Đức tìm lại niềm vui trong tâm hồn là một chi tiết có sức ám ảnh trong lòng bạn đọc. Cu Đức mồ côi mẹ từ sớm, luôn khát khao tình yêu thương. Bé dành một tình cảm thiêng liêng chăm sóc cho con chim sáo biết gọi Mẹ như tiếng người. Con sáo bị Khuynh giết chết đã mang đến sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn đứa trẻ nhạy cảm như cu Đức. Đến những dòng cuối của tác phẩm, bé Đức lại sung sướng tìm được niềm vui trong tâm hồn mình bằng cách khẳng định sự hồi sinh của một chiếc lá bỏng bị ngắt ra khỏi thân cây. Qua chi tiết ấy, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là hướng tới sự tin yêu trong cuộc sống con người một lần nữa được thể hiện một cách sáng rõ, đầm ấm.

Qua những tác phẩm viết về những cái xấu của cuộc sống, Hồ Anh Thái muốn khẳng định, cuộc sống thật nặng nề nếu như người ta chỉ thấy phản trắc, lừa lọc và thay đổi khôn lường. Hồ Anh Thái luôn tin tưởng vào tình nghĩa của con người trong cõi đời đầy rẫy những mất mát, bất hạnh. Anh tin vào những con người luôn biết hướng thiện: mọi nỗi đau đều được thời gian xoa dịu. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được. Chỉ trừ cái chết.

Nếu như trong sáng tác của Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, ta thấy niềm tin đặt vào con người rất đỗi tự nhiên và hiền hậu thì trong sáng tác của Tạ Duy

Anh dường như giữa những bi kịch mà con người phải đối mặt và niềm tin mà con người tìm thấy chưa có sự cân bằng với nhau. Cách nhìn, cách đánh giá về các hiện tượng cuộc sống của Tạ Duy Anh có phần hơi thái quá và có phần nặng nề. Rõ ràng, từ sâu thẳm trong ý thức của tác giả là một tình cảm chân thành, rực cháy trong khát khao hướng thiện cho con người, hướng con người đến những điều tốt đẹp, nhưng dường như niềm tin được tác giả đặt vào trong nhân vật chưa có sức nặng hoặc đến quá muộn màng trong chuỗi đời đầy bi kịch của nhân vật. Những nhân vật Chu Quý, Tiến sĩ N, lão Khổ của anh đã phải trải qua những cuộc tra tấn tinh thần khủng khiếp, dường như họ đã tìm ra được căn nguyên của những bi kịch cuộc sống của mình nhưng niềm tin hay cái nhìn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống là một điều còn quá xa vời trong cách cảm nhận về cuộc sống của họ.

Một phần của tài liệu nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của ma văn kháng, tạ duy anh, hồ anh thái (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w