0
Tải bản đầy đủ (.doc) (122 trang)

Người trí thức có tài năng và cốt cách cao đẹp

Một phần của tài liệu NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA MA VĂN KHÁNG, TẠ DUY ANH, HỒ ANH THÁI (Trang 51 -51 )

TÍNH NHÂN VĂN TRONG CẢM HỨNG PHÊ PHÁN CỦA MA VĂN KHÁNG, TẠ DUY ANH, HỒ ANH THÁ

2.1.1 Người trí thức có tài năng và cốt cách cao đẹp

Trong cuộc sống phức tạp của cuộc sống hiện đại pha trộn giữa cái xấu và cái tốt, hình ảnh những con người lương thiện, có phẩm chất tốt đẹp đã làm sáng lên những trang viết, mang lại cho người đọc niềm tin yêu về cuộc sống. Những tác phẩm của Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái mang đậm sắc thái của cảm hứng phê phán, nhưng đó không phải là những trang viết đầy màu sắc u tối mà bên cạnh đó còn ánh lên những tình cảm yêu đời, lạc quan và đặc biệt, còn hiện hữu nhiều con người tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay.

Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái là các nhà văn có cái nhìn cuộc sống một cách nhạy cảm, tinh tế, những nhân vật chính diện của các nhà văn thường được đặt trong những hoàn cảnh éo le để qua đó tác giả tô sáng những phẩm chất đáng quý trong con người của họ. Một trong những phẩm chất đáng quý luôn tiềm ẩn trong những con người chân chính đó là sự trong sáng trong phẩm chất, sự tài năng tiềm ẩn và nghị lực vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống để tự hoàn thiện mình, giữ trọn nhân cách của mình, có niềm tin yêu vào cuộc sống một cách mãnh liệt. Ma Văn Kháng là nhà văn dành nhiều tình cảm ưu ái cho việc xây dựng hình tượng người trí thức chân chính, những con người có trí tuệ, có nhân cách, là biểu hiện của cái đẹp trong cuộc sống. Tiếp cận tác phẩm của Ma Văn Kháng, chúng ta có thể thấy, phần lớn những nhân vật trí thức trong tác phẩm của Ma Văn Kháng là những người uyên bác, thông minh, có tài năng, sống tình nghĩa, phúc hậu và có hoài bão sống tốt đẹp đáng kính nể.

là hai trong số những tác phẩm viết về người trí thức với vẻ đẹp rạng ngời của cốt cách, của tài năng, của lý tưởng sống cao đẹp, sự cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp chung của đất nước. Nhà văn thường đặt những nhân vật trí thức chân chính của mình vào những nghịch cảnh trong cuộc đời, thường bị đẩy đến bước đường cùng, bị những kẻ trí thức giả danh, ích kỷ chèn ép, hãm hại và chính những con người cao đẹp ấy lại trở thành nạn nhân của thói đố kị hèn mọn.

Đám cưới không có giấy giá thú là một tiểu thuyết thể hiện sự phẫn nộ sâu sắc của tác giả trước những âm mưu xấu xa, vị kỷ của những kẻ vô học, dốt nát, cửa quyền, hách dịch của Hiệu trưởng Cẩm, Bí thư Chi bộ Dương, Bí thư Thị uỷ Lại…Đây là một lực lượng hùng mạnh đã cấu kết nhau nhằm trù dập nhân cách và tài năng của thầy giáo Tự, Kha và ông Thống cùng biết bao người lương thiện khác.

Thầy giáo Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng là một con người có tấm lòng trong sáng, là người làm chủ một kho trí thức vững chắc, là người thầy nhân hậu và mẫu mực tận tuỵ dạy dỗ, mang đến cho học sinh những kiến thức quý báu. Là một người thầy chân chính nhưng phải sống và làm việc trong một môi trường đầy rẫy những cạm bẫy cùng với những con người bị tha hoá về nhân cách, thầy giáo Tự luôn luôn dằn vặt bởi sự sa sút của nhân cách người thầy nhưng vẫn dành hết tâm lực cho học sinh. Mặc dù luôn mang tâm sự lo lắng, buồn tủi về thế cuộc, dù bị dồn ép vào những hoàn cảnh éo le, thầy giáo Tự luôn gắng giữ cho trọn tấm lòng một người thầy, luôn vượt lên tất cả những toan tính tầm thường để giữ trọn nhân cách trong sạch, liêm khiết của mình. Thầy giáo Tự làm bạn với cái gác xép nhỏ xinh của mình, lánh xa trần tục, “Tự lánh xa cái phồn tạp, tách ra khỏi cái đời sống đang bị tước dần những giá trị đích thực, không giao tiếp với những chuyện tầm phào, thói sùng bái đồng tiền và sự tráo trở thô bạo” [29,13]. Anh là người nhạy cảm, thương người, có tâm tình dào dạt nhưng cuộc sống luôn đặt Tự vào những ngang trái: “Ôi, cái đoạn đời hai mươi năm đã qua của anh! Đâu có phải bao giờ nó cũng cho anh cái cảm tưởng rằng mình đẹp, mình mạnh, như khi anh đang đứng trên bục giảng dạy.

Cái đoạn đời vừa qua của anh, nó lộn xộn, chắp vá, vừa đa tiện, vừa giản đơn, dường như chẳng có quy luật nào” [29,48]. Tự chính là hình ảnh của “một cuốn sách để nhầm chỗ, một đám cưới không thành. Một bữa tiệc dang dở…Anh là người “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” [29,55]. Tự là người có tài năng, trải qua những sóng gió của cuộc đời, anh vẫn giữ được tấm lòng chung thuỷ với cái đẹp. “Tự vẫn tự hào, rằng gần như hầu hết học trò của anh đều chia sẻ với anh lòng kính mến chân thành và sâu sắc. Tài năng, phẩm cách và tấm lòng của anh có sức chinh phục tự nhiên. Chưa bao giờ Tự dùng sự dễ dãi, nuông nịnh để thu phục nhân tâm. Cũng như chưa bao giờ anh lợi dụng quyền làm thấy để bồi đắp uy tín riêng của mình” [29,86]. Trong môi trường dạy học, một con người như Tự đã bị tước đoạt dần, anh buộc thôi làm chủ nhiệm, thôi việc dạy mẫu cho sinh viên kiến tập, không tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, mất chức tổng biên tập báo tường của công đoàn, bị miễn nhiệm vai trò tổ phó tổ chuyên môn và tổ trưởng công đoàn…. Giấy giới thiệu cảm tình Đảng của Tự được đơn vị cũ gửi về 10 năm nhưng không được để ý đến…Bị tước đoạt gần như hết, Tự chỉ còn là một người thầy giáo dạy văn, nhưng Tự vẫn cảm thấy vui, anh thường nói với người bạn thân của mình tên là Kha rằng: “Hết mà chưa hết! Kha ạ. Còn giá trị tự thân của mình, kẻ nào tước đoạt được?” [29,129]. “Hạnh phúc lớn lao nhất, không gì sánh nổi và căn nguyên của bất hạnh đời anh, đều là ở chỗ đó - cái thiên tính, thiên chức làm người của anh” [29,181]. Tự an ủi những người tốt xung quanh cùng chung số phận như mình, anh nói với ông Thống rằng: “Bác Thống ạ, dù đời là mụ dì ghẻ độc ác đoạ đày ta thì ta cũng cứ dùng nhân cách của ta để chống trả lại nó” [29, 200]. Khi đứa con của ông Thống thi đạt kết quả tốt, Tự đã thốt lên tin tưởng rằng: “Quyên ơi, thế là cháu không thua cuộc! Thế là bố cháu đã đứng lên được! Cuộc đời này, dẫu có là một mụ dì ghẻ như bố cháu vẫn kêu than thì cũng có cách để sống, để chiến thắng…Khổ sở nhiều phen đã cùng cực rồi. Vậy mà chúng ta không bị đánh quỵ. Ấy là vì ta tự hào, vì hồn ta thơm ngát và tự do” [29,371]. Tâm hồn thầy giáo Tự là một tâm hồn đầy tin

yêu, hy vọng vào một cuộc sống tươi đẹp, vào nhân cách cao cả của người thầy. Bên cạnh nhân vật Tự, trong Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, ta còn cảm nhận được những hình ảnh của nhiều người trí thức có cốt cách cao đẹp, có tâm hồn thanh khiết đó là Kha, ông Thống. Họ là những con người giản dị, trong sạch, liêm khiết, có tình thương người nồng hậu, để lại những xúc cảm yêu thương trong lòng người đọc.

Trong Ngược dòng nước lũ, Ma Văn Kháng xây dựng nhân vật Khiêm cũng là biểu tượng của người tri thức bị vùi dập nhưng đã vươn lên để tin tưởng vào lẽ sống trong cuộc đời. Trong một cơ quan văn hoá nơi Khiêm làm việc tồn tại một số cán bộ có chức có quyền nhưng văn hoá thấp và tham lam như Tổng cục trưởng Phô, Điều, Liệu cùng những bọn nịnh hót, cơ hội tuỳ thời như Phù, Khoái, Tý Hợi. Chúng đã cấu kết với nhau để đẩy Khiêm và người yêu của Khiêm là Hoan vào những hoàn cảnh éo le trắc trở.

Mặc dù cuộc sống đã mang đến cho Khiêm những điều trắc trở, trong lòng anh không khỏi vướng bận, khắc khoải, cảm thấy “đời người bây giờ nặng nhọc quá, cuộc sống trăm đường khổ cực”, Khiêm vẫn rất tin tưởng rằng: “Chỉ có tài năng thật sự, những nhân cách thực sự mới đứng riêng một ngọn cô phong. Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát là những ngọn cô phong” [30,285]. Bản thân anh trải qua những sóng gió cuộc đời chống trọi với thử thách. Những cú sốc tinh thần tạo nên những bi kịch trong cuộc sống của Khiêm, anh luôn bị chìm đắm trong những cơn suy tưởng. Mặc dù bị vùi dập nhưng Khiêm vẫn muốn là ngọn cô phong, là con thuyền vẫy vùng trong biển trời tự do, khao khát bơi ngược dòng nước lũ, “tin ở mình như tin ở chân lý” [30,298]. Anh tự nói với mình trước đông người: “Ta là số ít nhưng ta đúng”, Khiêm bao giờ cũng đứng cao hơn những định kiến tầm thường, 50 tuổi trằn mình vào cuộc sống, giáp mặt với cái chết và sự sống đa tạp, với các trạng thái phức cảm, mà hồn vẫn trong ngần tha thiết, chưa một lần Khiêm sống thấp hèn, xấu xa. Điều đó chỉ có thể là cuộc sống của một tài năng được thanh lọc qua ngọn lửa của lý tưởng thẩm mỹ,

của một kẻ được cái đẹp thấm nhuần, bồi đắp dầy dặn đến mức cái xấu không thể thâm nhập, xuyên tạc. Và tự nhiên là đạo đức quan trọng nhất của tính cách anh. Sau những sóng gió của cuộc đời, Ma Văn Kháng để cho nhân vật của mình sống lại, Khiêm đã sống lại, đã trở lại vượt qua cơn choáng váng cùng thói đa cảm, anh không sa ngã vào tình trạng cay cú hoặc buồn nản tầm thường. Sau đó anh đã lao vào công việc, anh viết trong cơn vò xé tâm hồn, trong cuộc đối mặt với thời gian và chính điều đó giúp anh tìm lại chính mình.

Cũng như Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái sáng tác với mong muốn thể hiện khát vọng hướng con người đến với những giá trị cao đẹp trong cuộc sống. Viết về cái xấu, cái ác trong xã hội, nhưng những tác phẩm của Hồ Anh Thái không gây cho người đọc cảm giác nặng nề mà mỗi trang truyện của anh vẫn ánh lên niềm tin yêu, vẫn hiện hữu trong mỗi tác phẩm những hình ảnh con người tốt đẹp. Nếu như trong sáng tác mang tính sử thi của Hồ Anh Thái, nhân vật trung tâm là những thanh niên, trí thức mang đậm chất lý tưởng đại diện cho thế hệ trẻ đầy sức sống, niềm tin và nhiệt huyết thì trong thời kỳ đổi mới, nối tiếp những hình tượng đẹp đẽ ấy, Hồ Anh Thái xây dựng thêm những nhân vật có tâm hồn cao đẹp, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong những tiểu thuyết viết ở giai đoạn đầu, Hồ Anh Thái thể hiện cái nhìn đầy bỡ ngỡ, băn khoăn của lớp thanh niên trẻ khi bước chân vào đời như Ký trong Phía sau vòm trời; Hòa, Tường trong Người đàn bà trên đảo. Họ cũng phải trải qua những đấu tranh với những cám dỗ đời thường và sức sống trỗi dậy của bản năng để hoàn thiện nhân cách của mình. Trải qua quá trình đấu tranh, họ đã nhận ra những điều có ích hơn cho bản thân, cho xã hội và họ hướng tới những điều tốt đẹp ấy. Trong những tiểu thuyết sau này khi viết về mảng thế sự, đời tư, hệ thống nhân vật hướng thiện của Hồ Anh Thái có tính cách phức tạp hơn và phải trải qua những tình huống thử thách đời thường gay gắt hơn. Phải đối mặt với những giá trị tốt xấu và phải trải qua thời gian đấu tranh vật lộn,

giằng co với chính mình, họ mới tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống và tự vươn lên hoàn thiện mình. Tiếp nối hình ảnh về những con người lý tưởng trong sáng tác mang tính sử thi, trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, Toàn và các lớp bạn thân của Toàn là Minh, Hiệp, Trang ... mỗi người có một con đường đi khác nhau nhưng đều có khát khao của tuổi trẻ vươn lên trong cuộc sống. Đó là những thanh niên trẻ tuổi sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành trong thời bình, luôn mang trong mình những ước mơ được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước bằng chính tài năng và sức lực của mình.

Trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, Toàn là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Qua việc xây dựng nhân vật Toàn, tác giả thể hiện suy nghĩ sâu sắc của mình về lẽ sống. Cuộc sống của Toàn trải qua những bất hạnh lớn, nhưng anh đã đứng lên bằng chính tài năng và nghị lực của mình. Từ khi cò nhỏ, Toàn đã gặp nhiều nỗi đau lớn: mẹ mất sớm và trận bom B52 của giặc Mỹ đã cướp đi người bố thân yêu của anh. Toàn trở nên cô độc và phải vất vả tự nuôi sống bản thân mình. Anh kiếm nghề đạp xích lô để tự nuôi mình ăn học, hết bậc phổ thông rồi vào đại học. Ra trường, anh vào công tác tại một cơ quan đối ngoại. Điều đặc biệt ở Toàn chính là sự ham ham học hỏi, “cứ nghe nói được đi học là tim Toàn đập rộn. Anh khao khát được đi học, nhất là học ngành ngoại ngữ” [36,152]. Chỉ nghĩ đến việc được đi học lên cao, Toàn đã ham mê và ao ước được lĩnh hội được nhiều kiến thức. Ham học hỏi, tâm hồn tinh tế, ham thơ ca…Toàn có một tâm hồn nhạy cảm và có tấm lòng say mê với công việc, có ước mơ, có khát vọng, có quyết tâm nhưng ước mơ của Toàn thực hiện được không phải là dễ khi bên cạnh anh tồn tại những con người ích kỷ luôn luôn rình rập, phá phách. Anh có được công việc đúng với nguyện vọng, năng lực nhưng lại bị thói ích kỷ, tham lam, hãnh tiến của những kẻ làm lãnh đạo tước mất hy vọng. Toàn bị Khuynh gây sức ép không cho đi học cao hơn ở nước ngoài. Ngồi nhìn ông thợ sửa xe cho mình, anh buồn bã thấm thía trước sự thật cay đắng: “Con người ta ai chẳng muốn vươn tới, muốn đi về phía trước. Nhưng chỉ một chút trục trặc nhỏ,

một cái ốc, một cái đinh cavét… thế là phải chậm trễ, phải rớt lại đằng sau” [36,159]. Do cuộc sống phải tự lập quá sớm, Toàn luôn khép mình lại trong quan hệ với mọi người, kể cả với các bạn học thân thiết từ thuở nhỏ. Với tâm hồn nhạy cảm, anh thấu hiểu nỗi đau trong cuộc sống của bản thân mình, thấu hiểu những vấp ngã của Minh, thấu hiểu những khát vọng và mất mát của Trang và Hiệp và chính anh cũng luôn sống trong sự day dứt không nguôi để hoàn thiện mình. Trước thực tế xung quanh có những điều cao cả và thấp hèn, có nhân hậu và độc ác, Toàn đã vươn lên để hoàn thiện mình như hình tượng cụ thể của chiếc mụn cơm xấu xí nơi tay anh mà anh luôn muốn bứt nó đi. Bằng tình yêu thương của mọi người, anh đã vượt qua được những trở ngại trong tâm hồn, tìm lại nguồn tin yêu vào cuộc sống và luôn có khao khát hoàn thiện bản thân mình.

Bên cạnh Toàn là Hiệp, người bạn thân của anh, cũng là hình ảnh của một con người có khao khát đem công sức, tri thức của mình để xây dựng đất nước. Cùng Trang đặt chân lên hòn đảo Cát Bạc, anh mong muốn có thể góp một phần công sức của mình để làm thay đổi bộ mặt của hòn đảo nhỏ này bằng con đường xuất khẩu. Anh là tấm gương điển hình cho những con người năng động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Một phần của tài liệu NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA MA VĂN KHÁNG, TẠ DUY ANH, HỒ ANH THÁI (Trang 51 -51 )

×