2. 11 Xử lý số liệu 32
4.4.2. Liên quan giữa tuổi thai với thiếu máu
Bảng 3.17 cho thấy, qua mẫu nghiên cứu 1190 PNCT, có mối liên quan ý nghĩa thống kê giữa tuổi thai với thiếu máu (p < 0,05). PNCT mang thai ở quý 2 chiếm tỷ lệ cao nhất (19,2%) sau đó đến quý 3 (13,4%) và cuối cùng là quý 1 có tỷ lệ thiếu máu thấp nhất (5,7%).
Trong đó, nhóm TMTS ở quý 2 cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (14,5%), sau đó đến quý 3 (11,4%) và quý 1 có tỷ lệ TMTS thấp nhất (4,7%)
Tỷ lệ này tương đương với nghiên cứu của Võ Thị Thu Nguyệt, Bành Thanh Lan và cộng sự (2007) tại Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho tỷ lệ thiếu máu 3 tháng giữa thai kỳ là 20,2% [21].
Theo Trần Thị Minh Hạnh nghiên cứu trên 776 PNCT tại TP.HCM năm 2008, tỷ lệ thiếu máu ở quý 1 là 6,9 % (TMTS: 0%), quý 2 là 17,7% (TMTS: 3,4%), quý 3 là 18,0% (TMTS: 10,7%) [46].
Phạm văn An và Cao Ngọc Thành (2008) nghiên cứu trên 997 PNCT tại Củ Chi - TPHCM, tỷ lệ thiếu máu ở quý 1 là 9,9 %, quý 2 là 25,3%, quý 3 là 14,8% [62].
Qua nghiên cứu của các tác giả, có thể thấy, hầu hết những nghiên cứu trên đều có tỷ lệ thiếu máu tăng dần theo tuổi thai. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ thiếu máu lại cao nhất ở quý 2, tức là 3 tháng giữa của thai kỳ. Như chúng tôi đã nhắc đến phần trên, đa số PNCT ở Hà nội, họ đều có phần nào hiểu biết, kiến thức nhất định về chăm sóc sức khỏe thai sản. PNCT có thai lần đầu do chưa có kinh nghiệm nên họ rất chịu khó tìm hiểu và đi khám thai thường xuyên theo định kỳ. Nếu cần bổ sung hay điều trị gì sẽ rất cần thiết và kịp thời. Nên tỷ lệ thiếu máu trong 3 tháng đầu của chúng tôi thấp hơn những tháng khác.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, cơ thể người phụ nữ lại có nhiều thay đổi. Toàn thân họ thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém hơn so với trước khi có thai. Họ sợ rất nhiều loại thức ăn khác nhau mà trước đó vẫn ăn được bình thường. Dinh dưỡng kém là nguyên nhân dẫn đến thiếu nhiều vi chất cần cho quá trình tạo máu, đặc biệt là sắt. Vì vậy mà đến 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ thiếu máu trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn hẳn. Đây là giai đoạn sinh lý hêt sức bình thường.
Khi cơ thể người phụ nữ đã dần quen với sự thay đổi do có thai, họ không còn bị nghén như những tháng đầu nữa. Cùng với sự phát triển của thai nhi trong bụng, PNCT không còn mệt mỏi, ăn uống được bình thường hoặc nhiều hơn rất nhiều. Do vậy, đến 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ thiếu máu có giảm hơn so với 3 tháng giữa.
Trong các giai đoạn của thai kỳ, hàng ngày, PNCT cần một lượng sắt lớn (60mg/ngày), acid folic (400mg/ngày) và các chất cần cho quá trình tạo máu khác (protein, coban, vitamin B12, vitamin C…) để cung cấp cho thai nhi. Nhu cầu đó không phân bổ đều trong 3 giai đoạn mà tập trung chủ yếu vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Hơn nữa, phụ nữ có thai ở giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, nhu cầu sắt tăng cao, khẩu phần ăn không cung cấp đủ, tất yếu sẽ dẫn đến thiếu máu [61].
Do vậy, chúng ta có thể đưa ra lời khuyên cho PNCT nên lưu ý sử dụng viên sắt uống và tăng cường sử dụng các chế phẩm chứa sắt để làm giảm tỷ lệ TMTS trong thai kỳ, đặc biệt 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.