2. 11 Xử lý số liệu 32
4.4.1. Liên quan giữa tuổi của PNCT với thiếu máu
Tuổi của PNCT trong nghiên cứu của chúng tôi phân bố từ 17 tuổi đến 45 tuổi.
Tuổi mẹ có thể liên quan đến sự hoàn thiện hay suy giảm chức năng cơ quan của cơ thể mẹ, ảnh hưởng lớn đến quá trình mang thai và tác động đến sự phát triển của thai.
Chúng tôi phân chia tuổi mẹ thành 3 nhóm tuổi, dưới 20 tuổi, 20- 34 tuổi và ≥ 35 tuổi.
Nhóm PNCT ≥ 35 tuổi có tỷ lệ thiếu máu cao nhất là 66,7%, trong đó chủ yếu gặp TMTS (52,6%). Sau đó đến nhóm PNCT dưới 20 tuổi chiếm tỷ lệ 47,9% (TMTS là 39,6%) và thấp nhất là nhóm tuổi 20 - 34 chiếm 7,2%, TMTS là 5,7%.
Từ kết quả nghiên cứu ở bảng 3.16 chúng tôi cho rằng, ở nhóm ≥35 tuổi, chức năng của các cơ quan trong cơ thể người mẹ đã suy giảm. Xét về mức độ di truyền, nhiều đột biến có hại được tích tụ, dự trữ sắt bị giảm theo thời gian và sau mỗi lần mang thai, sinh đẻ không còn phù hợp với họ nữa. Vì thế hiện tượng thiếu máu phổ biến ở nhóm tuổi này, đặc biệt là thiếu máu thiếu sắt.
Ở nhóm PNCT <20 tuổi, sự phát triển của cơ thể có thể chưa hoàn thiện để đảm bảo cho chức năng sinh sản. Lứa tuổi này, kiến thức về chăm sóc thai sản còn chưa tốt, điều kiện kinh tế và dinh dưỡng hạn chế, nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn đã gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và sức khỏe người mẹ. Vì vậy, đây có thể là những nguyên nhân làm cho tỷ lệ thiếu máu cũng khá cao ở nhóm này, TMTS chiếm 39,6%.
Nhóm tuổi 20-34 có tỷ lệ thiếu máu thấp nhất. Ở nhóm tuổi này, người phụ nữ đã trưởng thành hơn do đó có thể có kiến thức về chăm sóc thai sản và
kiến thức làm mẹ tốt hơn. Điều kiện kinh tế, vị trí công tác ổn định đã làm giảm đáng kể tỷ lệ thiếu máu ở PNCT nhóm tuổi này (TMTS chiếm 5,7%).
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Yên (2001) trên 355 PNCT đến đẻ tại bệnh viện BVBMTSS thấy tỉ lệ thiếu máu cao nhất 68% ở nhóm tuổi 15-20 [41]. Nghiên cứu của Phan Thị Ngọc Bích (2007) cho thấy tỉ lệ thiếu máu cao nhất ở nhóm PNCT dưới 20 tuổi (54,3%), tiếp theo là nhóm PNCT trên 40 tuổi (40%) [14].
Nghiên cứu của Broek N.R và cộng sự trên 615 PNCT tại Nam Malawi (2000) thấy rằng tỉ lệ thiếu máu ở độ tuổi 10- 19 tăng cao [29].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với kết quả của các tác giả trên. Đó là tỷ lệ thiếu máu trong nghiên cứu chúng tôi cao nhất lại ở nhóm trên 35 tuổi. Điều này được giải thích có thể do phân bố số lượng đối tượng nghiên cứu của chúng tôi ở các nhóm tuổi chênh lệch nhau quá nhiều. Mặt khác, cũng có thể giữa các nghiên cứu có cỡ mẫu và phương pháp nghiên cứu khác nhau.
Kiểm định sự khác biệt giá trị trung bình giữa 3 nhóm cho thấy có sự khác biệt về tỷ lệ thiếu máu giữa các nhóm tuổi (p<0,05).
Nhóm PNCT dưới 20 tuổi và nhóm ≥ 35 tuổi lại có tỷ lệ thiếu máu cao hơn so với nhóm 20-34 tuổi. Đây là cơ sở để chúng ta có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích cho phụ nữ trong việc lựa chọn độ tuổi sinh đẻ một cách tốt nhất nhằm hạn chế nguy cơ thiếu máu trong quá trình mang thai.